Nhìn ra thế giới
Odon Vallet, vị ân nhân của sinh viên và học sinh thế giới
15:31 | 29/01/2010
VÕ QUANG YẾNNguyễn Hải Đang, 20 tuổi xuân xanh, xúng xính trong bộ y phục mới tinh trường Bách Khoa Ecole Polytechnique, thường được gọi tắt là X.
Odon Vallet, vị ân nhân của sinh viên và học sinh thế giới
Odon Vallet

Vẻ rụt rè sau cái mũ hai mũi đặc biệt của trường che giấu một nổi hân hoan vô bờ, một nỗi hãnh diện chính đáng của kẻ thành công.

Quê gốc Nghệ An, anh sinh ra trong một gia đình khiêm tốn, nhờ thiên tài toán học, đã dần dần leo lên bậc cao nhất các nấc thang học vấn: trung học ở Hà Nội, dự thí sinh Olympiades toán học toàn thế giới, rồi vào tuổi 17, được nhận vào trường kỹ sư INSA ở Rouen. Đổ bộ lên đất Pháp, tài chánh không dồi dào, sinh ngữ còn bập bẹ, nhưng ngôn ngữ vật lý, cơ học là vạn năng, và với một ý chí vô bờ, anh đạt đến đích. Hơn nữa, anh thành công thi đậu vào trường Bách Khoa. Anh giải thích anh muốn thỏa thích mong muốn của cha mẹ anh và người em tàn tật đã đặt mọi hy vọng vào anh. Và tất cả các kết quả nầy không sao thể hiện được nếu không có học bổng 3000 euros của ông Odon Vallet biếu tặng. Vị ân nhân thanh minh: tiền nầy là để các sinh viên trẻ khỏi phải chạy làm những công việc nhỏ nhặt, dành mọi thì giờ cho việc học hành và kết quả là 16 sinh viên có học bổng đã đậu vào trường Bách Khoa khoá cuối cùng, khi ông được phỏng vấn năm 2004.

Odon Valet là ai? Pierre, Maurice, Marie, Odon Vallet sinh ra ở Paris , quận 8, ngày 03 tháng chín 1947. Thân phụ ông, Jean Vallet, xuất thân thợ thuyền, hồi nhỏ giữ dê, chịu khó học hành, tháo vát để trở nên giám đốc một công ty bảo hiểm. Mồi côi cha, chết trong một tai nạn xe hơi, từ hồi lên bảy, ông được bà mẹ, Aubin de Blanpré, nữ khán hộ, chăm lo công việc giáo dục: lần lượt trường trung học Louis-le-Grand ở Paris, tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Sciences Politiques (1970), rồi trường Quốc gia Hành chánh ENA (1973), được bổ nhậm giảng sư ở trường Khoa học Chính trị (1973-1989), đồng thời giảng dạy ở các viện Đại học Paris-I Panthéon Sorbonne và Paris VII Denis-Diderot về các vấn đề chính trị và xã hội hiện đại. Ông cũng có chân trong ban giáo huấn khoa cử nhân hành chánh và luật pháp công cộng. Ông đã qua Á châu hơn ba mươi lần, kết thúc cuộc đời thi cử với hai bằng tiến sĩ luật học (1985) và khoa học tôn giáo (1994).

Cách đây khoảng 25 năm, ông hưởng được từ thân phụ một gia tài tương đương với 50 triệu euros ngày nay, một số tiền khá lớn. Làm gì với số tiền ấy? Ông không muốn sống như một nhà triệu phú. Không thèm muốn lâu đài, biệt thự, xe to, nhà lớn, ông đã từng kêu than: tôi làm việc nhiều, đâu có thì giờ để mất với những cái phù phiếm ấy! Ông bảo ở nhà rộng nhiều phòng làm gì, ông sẽ lạc lối ngay trong nhà mình. Ông bảo có xe xa hoa làm gì vì không chạy mau được, ở đâu cũng bị giới hạn tốc độ. Có sẵn căn hộ tươm tất, vừa phải ở một khu phố ngay trung tâm Paris , cạnh viện Đại học Assas, ông cũng chẳng bày biện sang trọng, mấy bức tường sắp toàn những kệ sách tràn đầy. Đây đó vài ba hiện vật mỹ nghệ ngoại lai chứng tỏ ông không chỉ giới hạn đời mình trong một không gian eo hẹp. Hệ thống hiện đại độc nhất là một bàn chiếu phim lắp ráp giữa phòng khách. Cùng với người em, nay đã mất, sống độc thân, không còn có ai trong gia đình cần phải chăm sóc, ông đã đặt câu hỏi làm sao dùng số tiền nầy hữu ích nhất, đồng thời đừng lầm lẫn muốn làm việc thiện lại rơi vào việc xấu hay bị sạt nghiệp như nhiều tổ chức bên Mỹ vì đi sai đường hay bị lường gạt (ví dụ vụ Madoff).

Được những sở hữu tinh thần lôi cuốn hơn những của cải vật chất, định mệnh của ông như tuồng đã vạch sẵn từ hồi mới sinh. Ông thân nguyên quán vùng Cluny , ông thừa hưởng một cái tên Odon đưa đường chỉ hướng cho đời ông. Thật vậy, thánh Odon là một trong những giáo sĩ Tu viện cao cấp Cluny, người được tương truyền đã nghe những lời kêu van ai oán của những linh hồn bị đày đọa xen lẫn với tiếng quát tháo của quỷ thần phát xuất từ miệng ngọn núi lửa Etna, quyết định kiếm cách cứu giúp họ, cầu khấn cho họ trong ngày lễ Các thánh Toussaint. Trở nên giàu có, ông có thể thừa hưởng một cuộc đời dễ dàng, nhàn hạ. Nhưng không, từ tuổi 20, ông đã nuôi ý nghĩ sống với đồng lương từ công việc của mình.

Thật vậy, ngày nay với lương giáo sư đại học, tiền nhuận bút sách báo, tiền thù lao thời luận trên đài truyền hình, hằng tháng lãnh 5000 euros, ông chẳng cần một phụ cấp nào khác. Từng làm quản lý cho công ty bảo hiểm GPA (1976-1977), Athena (1977-1989), Eurasur (1990-2002), nhà xuất bản Gallimard Trẻ (1998-2002), Madrigal (1990-2006), rồi quản lý và phó chủ tịch nhà băng Eurofin sau nầy trở thành HSBC Private Bank, viên chức viện Cao học Quốc phòng IHEDN, ông rất quen thuộc và biết cách xử lý tài chánh. Hơn nữa, để thi hành một thực hiện thận trọng, ông rút kinh nghiệm trong một cuộc đầu tư lâu dài. Nhớ lại ông thân mình phải chật vật lắm mới xoay xở học hành được, lại là người công tác trong ngành giáo dục là nơi ông nghĩ kiến thức của mình có nhiều nhất, ông kiếm cách giúp những học sinh, sinh viên nghèo ham học. Ông rất am hiểu tình cảnh những sinh viên vừa học vừa chạy tiền, làm việc lặt vặt mất cả thì giờ. Ông không đem tiền biếu tặng ngay vào một qũy từ thiện mà đóng góp toàn số đã nhận được vào một tổ chức, Fondation Vallet, thành lập năm 1999, dưới sự che chở của Fondation de France.

Số tiền 50 triệu euros cách đây 25 năm, nhờ ông biết cách xử lý nay đã tăng lên trên 130 triệu. Từ ngân quỹ nầy, ông rút ra hằng năm 1,8% tiền lời để làm học bổng cho học sinh và sinh viên. Ông tính học bổng nầy tương đương với 550 giờ bán hàng trong các quán hàng ăn mau. Nói chung, trong mười năm, ông đã cấp 22.000 học bổng cho 8.000 học sinh và sinh viên. Khẩu hiệu của tổ chức: “Dự định cả một cuộc đời, hỗ trợ của một người bạn”. Ông nhắm giúp đỡ những sinh viên nghèo, bất kỳ quê gốc phương nào, vào các trường nghệ thuật ở Paris (Boulle, Duperré, ENSAAMA Olivier de Serres-Estienne ENSAD-ENSCI-EPSAA-Gobelins, Ecole de l’Image-La Fémis), các trường trung học chuyên nghiệp và công nghệ trong khu giáo dục Paris, vì chính phủ đã có học bổng cho các ngành đại cương. Mỗi năm, một buổi trao học bổng được long trọng tổ chức ở viện Đại học Sorbonne. Ông hân hoan bảo đây là dịp hiếm có trong năm ông thấy mặt những học sinh các trường trung học chuyên nghiệp ở trong khuôn khổ Sorbonne.

Có người hỏi tại sao lại các trường nghệ thuật Paris thì ông trả lời tại vì ít có sinh viên các tỉnh được lên Paris học. Ông còn cho biết thêm ông cũng có cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên Bénin và Việt Nam. Theo ông giải thích, Bénin vì nước nầy là một trong những nước dân chủ hiếm có ở Phi châu nói tiếng Pháp; Việt Nam vì ở nước nầy kết quả học hành rất tốt và dân gian có truyền thống bằng cấp. Ở Bénin, 900 học bổng 560 euros được cấp cho học sinh trung học. Ở Việt Nam, 2000 học bổng 300 euros dành cho học sinh, sinh viên y khoa và khoa học. Tính ra, chỉ có 1% những sinh viên ngoại quốc nầy tiếp tục học ở Paris, thông thường ở trường trung học Louis-le-Grand để soạn thi vào trường Bách Khoa. Họ được ăn ngủ ở Viện Bossuet, thuộc địa phận Paris . Ông lập ra những hội đồng cấp học bổng nhưng không dự vào các buổi họp. Mỗi chiều thứ bảy, đúng 19 giờ 45 (ông rất tôn trọng giờ giấc như thánh Odon), tại quán Bistrot romain ở Paris , ông họp các sinh viên để chuyện trò thời sự và cũng để theo dò tiến triển học hành. Người được ông khuyến khích, kẻ bị tiết chế nhiệt tình.

Ông thường đi Bénin và qua Việt Nam gặp học sinh, gia đình, giáo sư, các nhà kỹ nghệ, những bạn bè giúp ông chọn lựa thí sinh. Ông tự tay trao tiền cho học sinh tại chỗ, bắt đếm kỹ càng rồi bảo cho vào ngân khố mà mỗi lần lấy ra phải được người ông chỉ định kiểm soát. Kỷ luật rất khắt khe: không lên lớp tức khắc mất luôn học bổng! Muốn được học bổng hay tiếp tục được phải học giỏi trong lớp, thi tốt nghiệp phổ thông - bằng Tú tài phải đứng hàng đầu, thêm vào một khả năng thích ứng đúng mức. Không có gởi gắm, gian dối: ông tự khám xét từng văn bằng, bảng điểm, luôn đặt câu hỏi về động cơ học hành. Đối với những sinh viên được qua du học Paris , ông càng theo dõi kỹ càng vì, theo ông, họ phải tập sống trong một môi trường khác hẳn nơi đất nước họ, luôn phải thận trọng theo dõi về mặt tâm lý. Kết quả rất mỹ mãn vì không có một trường hợp học sinh bỏ dở, không nói đến những sinh viên thi đậu vào trường Bách Khoa. Ở Việt Nam, 100% tốt nghiệp trung học. Ở Bénin, kém hơn một chút: chỉ 94%. Ngày 29 tháng chín 2008, những học sinh và sinh viên xuất sắc quê gốc Tây Nguyên và miền nam Việt Nam được tỉnh Lâm Đồng cấp 130 học bổng Vallet tổng cộng 430 triệu đồng, tương đương với 26.500 đô la. Trên nguyên tắc, tổ chức còn vận dụng được lâu vì tự cung cấp tài chánh bất chấp thời gian, bất chấp người lãnh đạo tuy ông ý thức cái vĩnh cữu không thuộc nhân sự, hùng mạnh như thời đại La Mã mà cũng còn sụp đổ!

Trong cuộc khủng khoảng tài chánh vừa qua, ông mất 10 triệu đô la, khoảng 7% số tiền gởi trong ngân hàng HSBC. Ông sợ rồi đây, với cuộc định giá lại đồng tiền ở Á Châu, ông sẽ gặp khó khăn ở Việt Nam. Ông cũng sợ một mai đây ông hết còn có khả năng đi gặp những học sinh, sinh viên của ông. Tuy nhiên ông sắp đặt để hy vọng tổ chức của ông có thể vận dụng mười, ba mươi năm nữa. Trong con người bác ái, luôn ẩn núp đằng sau một nhà khoa học, một con người biết tổ chức. Chi phí hiện nay chỉ tốn cho hai người thư ký nửa ngày ở Paris , bốn phụ tá xã hội ở Bénin. Phần lớn những người giúp việc đều làm công không. Chính ngay ông Odon Vallet theo dõi các biến chuyển của ngân quỹ và quyết định mọi nghiệp vụ tài chánh. Vì vậy, mỗi ngày ông dành nhiều thì giờ cho tổ chức đến nỗi chỉ để một nửa ngày cho công tác ở đại học, hy sinh ngay cả những môn thể thao mà ông đam mê là trèo núi, trượt tuyết. Ông nhận định không thể làm như thế nếu ông phải chịu trách nhiệm một gia đình, vợ, con. Rồi ông đùa: các thánh cũng không có con!

Sống lên trong một gia đình công giáo mộ đạo, bà mẹ đóng góp nhiều trong các hội đoàn nhân đạo, lúc nhỏ hát trong ban hợp ca nhà thờ, giải nhất lớp giáo dưỡng tôn giáo, ông tự xác định là một “tín đồ toàn thế giới” trong một xã hội mà tín ngưỡng không bị khép kín tuy ông vẫn luôn còn sống trong giáo lý Cơ đốc. Ông bảo đã khởi động tổ chức giúp học sinh, sinh viên không phải trong mục đích tôn giáo. Là tiến sĩ khoa học tôn giáo, ông đã tỏ ra biết rộng trong đủ giáo phái và trở nên chuyên môn về lịch sử so sánh các tôn giáo. Nhìn quanh tựa đề khoảng ba chục cuốn sách của ông, độc giả nhận thấy ông đã đề cập nhiều đến tôn giáo: Phụ nữ và tôn giáo (1994), Các tôn giáo trên thế giới (1995), Những tôn giáo ngày nay (1998), Một tôn giáo là gì? (1999), Giê su và Phật (1999), Một lịch sử khác về tôn giáo (2000), Tự vựng nhỏ những ý sai về tôn giáo (2002, 2008), Phúc Âm của những người nghịch đạo (2003, 2006), Tự vựng nhỏ chiến tranh tôn giáo hôm qua và hôm nay (2004), Chúa không chết…nhưng hơi bệnh (2007), Chúa và làng toàn cầu (2008). Nhưng không chỉ tôn giáo. Ông còn luận bàn đến các vấn đề văn hóa Văn hóa tổng quát (1988), chính trị Nhà nước và chính trị (1994), Trường học hay tính hư ảo xem như một kiểu mẫu chính phủ (1991), luân lý Cái xấu hổ và cái Thiêng liêng (1998),…

Những sách của ông phản ánh đam mê của ông về sự kết hợp giữa những chất liệu, những không gian chồng chất, tan chảy, từ đấy nảy mầm phong cách hiện đại. Vì vậy, theo ông, phát minh mới lạ bắt nguồn từ điểm gặp nhau của nhiều kiến thức, chẳng hạn như môn phân tích tâm lý là một hỗn hợp tinh tế văn học và y khoa. Và rất dễ hiểu khi thấy Á Đông, nơi hòa lẫn nhiều nền văn minh, quyến rũ ông cũng như khi ông yêu thích nước Pháp đã thừa kế nhiều nền văn hóa. Sách của ông cũng kéo lại với nhau để đối chiếu, so sánh những vùng quê hương các tôn giáo sinh động: Cận Đông, Ấn Độ, Viễn Đông. Ông dành cuốn sách cuối cùng cho công tác đang tiến hành: Những Con trẻ của thần diệu - Từ những môi trường bị bạc đãi nhất đến những chiếc ghế các Trường Lớn (2009). Ý chí cứu giúp học sinh nghèo là cái kim chỉ nam dẫn đường cho ông. Ông tuyên bố: Tôi bảo vệ quan niệm một nhà trường công cộng trong ấy tiêu chuẩn độc nhất là trí tuệ và là nơi túi tiền không được coi trọng.

Năm 2006, tờ báo Tư bản Capital cho ông là người Pháp hào hiệp nhất và xứng được tặng “huân chương vị tha”. Năm 2008, ông nhận giải BNP Paribas về Từ thiện Cá thể thưởng công trạng tổ chức của ông. Ông biết là Fondation Vallet không giải quyết được vấn đề các nước thế giới thứ ba, nhưng ông có thể tin đã đưa ra một kiểu mẫu phát triển, một phương cách giúp ích, làm việc. Ông bảo đã thấy một biểu ngữ mà ông không bao giờ quên đăng trên đường tới sân trượt tuyết Vasalopette ở Thụy Điển: “Theo dấu chân cha cho một tương lai tươi đẹp hơn”. Và, dù không cố ý, biến hóa một gia tài triệu phú ra thành công đức giúp đỡ trẻ nghèo ham học là một cử chỉ sẽ được truyền đạt đời đời.

Xô thành cuối năm 2009
V.Q.Y
(251/01-2010)


-------------------
Odon Vallet trong vài tờ báo Pháp
* Clara Dupont-Monod, Bouddha, Jésus, Mahomet et Odon Vallet, Histoire 255 20.08.2004 ; histoire.presse.fr
* Olivier Tallès, Odon Vallet, une fortune au service de l’éducation, La Croix.com 22.09.2009
* Christian Bonrepaux, “Les enfants du miracle” d’Odon Vallet: un bon usage d’un héritage, Le Monde.fr 28.09.2009
* Delphine Saubaber, Vallet de cœur, L’Express.fr 20.11.2009
* Catrole Papazian, Financer une fondation: Odon Vallet aide les étudiants, Le Figaro 27.11.2009.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lhasa vẫy gọi (06/07/2009)