Chúng tôi đến Côn Minh vào những ngày trời đẹp, không khí đang xuân, vạn vật đang vào thời kì phát dục, tươi tốt - thực ra Cồn Minh bốn mùa đều như vậy, cho nên còn gọi Xuân Thành - với một chương trình làm việc dầy đặc. Vậy mà một người bạn Trung Quốc, nữ sỹ Đỗ Thụy Liên đã gợi ý chúng tôi nên thu xếp đi thăm Đại Lý, Lệ Giang một phen.
"Đó là vùng đất rất đẹp, nhiều người Trung Quốc mơ cũng không đến được"
Đỗ Thụy Liên nói nhỏ với tôi như thế.
Nhà văn Văn Hán Đỉnh, phó trưởng ty phát thanh - điện ảnh - truyền hình tỉnh Vân Nam, người có nhã ý mời chúng tôi đi Đại Lý- Lệ Giang, rất thích sưu tầm đồ cổ, nói với tôi rằng, đá Đại Lý nổi tiếng thế giới. Người ta dùng loại đá hoa văn thủy mặc để làm bình hoa, bình phong, tranh phong cảnh. Sách Thái Bình quảng kí ghi rằng vào năm 875 có người báo ở Tây Nhĩ Hà, thổ dân đã dùng đá trắng để tạc tượng phật. Đá trắng là đá Đại Lý. Năm 1116, trong các thứ đồ cống dâng vua Tống của vua Đại Lý là Đoàn Hòa Dự có ngựa và đá Đại Lý. Máccô Pôlô, một nhà thám hiểm người Italia đã qua Vân Nam. Những ghi ghép về Vân Nam
của Máccô Phôlô có nhắc nhiều đến vàng sa khoáng và ngựa của Đại Lý.
Đời Minh, năm 1639, Từ Hạ Khách du Đại Lý, khi xem tranh đá, tượng đá ở chùa Sùng Chính cùng các kiến trúc bằng đá khác ở dây đã phải hạ bút kinh ngạc:
"Tòng thử Đan Thanh nhất gia giai vi tục bút, nhi họa uyển khả phế hề". (Đại ý là tạo vật kì diệu sinh ra những hoa văn kì thú đến mức cây bút hạng nhất Đan Thanh cũng trở thành thường, xưởng vẽ có khi phải xếp xó).
Văn Hán Đỉnh đã viết một cuốn truyện vừa rất hay về thiên nhiên Vân Nam
, nói với tôi:
"Có người tự hỏi, chẳng biết có phải nhờ Đại Lý mà đá Đại Lý nổi tiếng hay không? Tôi thì khẳng định rằng, nhờ đá Đại Lý mà Đại Lý nổi tiếng".
Đá Đại Lý được lấy ở Thương Sơn cao hơn mực nước biển 3000 mét. Nói là từ thời Đường, người Bạch ở Thương Sơn đã khai thác đá hoa, đưa về mài rũa làm thành những đồ mĩ nghệ đẹp hiếm có là mới căn cứ vào sách.Đến đời Nguyên thì vật chứng về việc sử dụng đá Đại Lý còn để đến ngày nay, đó là bia Nguyên thế tổ bình Vân Nam, đặt trên lưng rùa đá tại nơi xưa Nguyên Thế Tổ đã trú quân.
Những cửa hàng bán các đồ vật lưu niệm làm bằng đá hoa Thương Sơn nằm dọc hai bên con phố dẫn chúng tôi ra cửa Nam Thành cổ. Tôi cùng Nguyễn Hoàng Sơn ghé vào một cửa hàng, choáng ngợp trước những bình hoa, những bức bình phong, những bức tranh đá... Hoa đá muôn hình vạn trạng, chẳng hề lặp lại. Đúng như Từ Hạ Khách miêu tả: bút bút linh dị, vân giai năng hoạt, thủy như hữu thanh... (Nét bút vô cùng linh hoạt, mây như có thể bay, nước như reo thành tiếng).
Văn Hán Đỉnh giải thích:
"Sở dĩ hoa văn kì lạ, mầu sắc quyến rũ là do trong quá trình vận động của vỏ trái đất, những khoáng vật mầu và chất hữu cơ đã xâm nhập vào mà tạo nên. Hình dáng hoa văn cũng như mầu sắc nhiều vẻ sinh động như thế không chỉ do số lượng khoáng vật và chất hữu cơ có trong đá quyết định. Chúng còn phụ thuộc vào áp lực cạnh tác động trong quá trình tạo sơn. Tất nhiên, dù đá hoa văn mầu sắc thế nào, nếu không có bàn tay và con mắt, nhất là óc tưởng tượng của người nghệ sĩ thì đá vẫn chỉ là đá".
Người bán hàng nói:
"Đá Đại Lý có nhiều loại: Đá Điểm Thương, đá Tinh Tửu, đá Phượng Hoàng. Khách du thì căn cứ vào hoa văn mà lựa chọn. Có hai loại hoa văn chính: mây và hoa. Riêng hoa thì có hoa xuân, hoa thu và hoa thủy mặc. Đá hoa thủy mặc lấy ở đỉnh Lan Phong núi Thương Sơn, được mệnh danh là vua của các loại đá. Với hai mầu cơ bản là trắng và đen, đá hoa thủy mặc, thông qua bàn tay nghệ nhân trở nên thanh cao thoát tục, sự đậm nhạt khô ướt, hư thực đan xen, bay bổng và dậỵ sóng đã làm nên cái thần giống như cái thần của tranh thủy mặc Trung Quốc".
Phía ngoài cửa Nam
người ta bầy cơ man nào là hoa, phần lớn đêù trồng trong chậu. Nom không chán mắt. Vân Nam nổi tiếng là "Vương quốc của thực vật". Bây giờ thì tôi không còn ngạc nhiên khi gặp một cô kĩ sư công tác ở Công viên Thủ Lệ, Hà Nội lại sang Côn Minh nghiên cứu về cây và về hoa. Thế kỉ thứ 10 các nhà nghiên cứu châu Âu đã tới đây. Đó là những người Anh, người Pháp, người Đức, người Thụy Sĩ... Các giống hoa nổi tiếng châu Âu như đỗ quyên, báo xuân, sơn trà, lan, bách hợp... có nguồn gốc từ Vân Nam. Ở Tây Âu người ta nói, không có hoa Vân Nam
thì không thành vườn hoa.
Đại Lý nổi danh với hoa mã anh, đỗ quyên, sơn trà. Nghe nói ở Vân Nam thì sơn trà Đại Lý có nhiều loại nhất và lâu đời nhất. Hoa trà nở vào khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Quí nhất là trà đồng tử diện, ba ngày đầu mới nở hoa nom yêu như mặt bé trai, sau đó nở trắng như chiếc chén ngọc, chứa 9 nhụy 18 cánh. Mãn khai hoa xòe to như chiếc bát, trắng như tuyết. Trà tùng tử lân cánh mỏng như lụa, màu trắng hồng phát sáng, dịu dàng. Trà tử bào sắc cực sâu, tím mà cận đen, cánh có "chỉ vàng", "chỉ bạc", đúng là một thứ hoa trà hiếm có. Trà mẫu đơn, hoa cứng hơn mẫu đơn, sắc như nước thu, như phù dung khiến say lòng người. Những loại trà vừa nói đêù có tuổi thọ dài và mọc cao, khó trồng trong bồn. Duy chỉ có trà hận thiên cao là thấp. Có cây đã quá hoa giáp mà cao chưa đầy thước, cánh hoa phớt hồng, mọc tầng tầng. Còn có trà diệp sí nở như cánh bướm sắp bay. Còn có trà liễu diệp ngân hồng thướt tha.Còn có trà tảo đào hồng nở sớm. Còn có kim biên mẫu đơn, thông thảo phiến... Tất cả là 35 loại trong tổng số 80 loài trà trên thế giới. Trà sống đến 200 tuổi là thường. Hiện nay ở Đại Lý, người ta còn giữ đưọc những cây sơn trà sống trên hai trăm tuổi. Quách Phong kể, cây sơn trà già nhất Đại Lý cao 16 mét, đường kính 0,4 mét.
Vân Nam quả là đất kì hoa dị thảo. Văn Hán Đỉnh nói, ở Xí xoang bản na có loài hoa biết múa theo âm nhạc, tiết tấu nhanh thì quay nhanh, tiết tấu chậm thì quay chậm. Khi nhạc ngừng thì hoa cũng ngừng múa ngay.Gọi là hoa khiêu vũ. Tôi nghe mà nửa tin, nửa ngờ. Về nhà tra sách hướng dẫn du lịch của NXB Đại học Vân Nam in tháng 12 năm 1995 thâý gần đúng, không phải hoa mà là cỏ, cỏ khiêu vũ. Trong ghi chép du lịch của Từ Hạ Khách, đọc thấy một cây hoa lạ ở Thượng Quan, bông như hoa sen, một năm nở 12 lần, năm nhuận thì nở 13 lần. Cả cây chỉ nở 12 bông, mỗi bông có 12 cánh mầu hồng tươi, đẹp dị thường. Có lẽ chẳng ngoa.
Người Đại Lý yêu hoa, chỗ nào cũng trồng hoa, mỗi năm vào ngày 14-2 nông lịch thì tổ chức hội họa, gọi là "Hội ngắm hoa". Trước đó, các nhà đem các bồn hoa bầy ra ngoài cổng, xếp thành những "núi hoa". Dương Thăng Am đời Minh trong Chơi núi Điểm Thương có viết: Hương phong mãn đạo phương khí sũng nhân. Dư thời như túy nhi tỉnh, như mộng nhi giác, như cửu ngọa nhi khởi tác. (Đại ý là, gió hương tràn đầy, người ngập trong khí thơm, ngỡ như say mà tỉnh, như mộng mà thực, như nằm lâu vùng trở dậy). Xem thế đủ biết, hội ngắm hoa vui thú thế nào.
Đêm ấy chúng tôi ngủ ở khách sạn Hạ Quan. Quách Phong đọc cho nghe mấy câu ca dao như sau:
Hạ Quan phong, Thượng Quan hoa, gió Hạ Quan thổi hoa Thượng Quan Thương Sơn tuyết, Nhĩ Hải nguyệt, trăng Nhĩ Hải rãi tuyết Thương Sơn.
Quách Phong giải thích. Do Thương Sơn với 19 đỉnh cao dựng đứng như tấm bình phong. cản đường khí đối lưu từ tây sang đông, Hạ Quan nằm trên bờ sông Tây Nhĩ đổ vào Nhĩ Hải và khe hẹp giữa hai đỉnh Tà Dương và Viên Lao của Thương Sơn vì thế gió đặc biệt lớn. Nhưng kì lạ một điều, dù bên ngoài gió to đến đâu, khi vào nhà đóng cửa lại là im gió. Vì thế dân gian còn có câu, Hạ Quan gió thổi không vào cửa.
Thăm Đại Lý, không biết có bước nào của tôi dẫm trùng bước của Kim Dung? Năm trước, năm 1998, nhà văn Kim Dung lần đầu tiên đã đến thăm Đại Lý. Ông được nghe kể rằng. Lý Ánh Đức, chủ tịch châu đã nói: "Tuyên truyền cho Đại Lý, những năm 1950 chủ yếu là nhờ phim Năm đóa kim hoa, từ sau những năm 1970 thì nhờ tiểu thuyết Thiên long bát bộ và Truyện anh hùng xạ điêu của Kim Dung.
Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Lĩnh Hồ An, tháng 2 năm 1998 nhân đến kiểm tra Đại Lý cũng gợi ý:
"Nên chăng nghiên cứu khai thác nội dung của Thiên long tự trong tiểu thuyết của Kim Dung mà thiết kế, tạo dựng một điểm du lịch..."
Do gợi ý của Lĩnh Hồ An nên Đại Lý đã hai lần gửi thư mời nhà văn Kim Dung đến thăm.
Đúng dịp lễ hội dân tộc Bạch vào tháng 3 gọi là hội tam nguyệt nhai thì Kim Dung đến. Ngày hội này dân chúng đổ ra đường trao đổi mua bán súc vật nhiều đến hàng vạn con, mua bán được liêụ quí hiếm, tổ chức đua ngựa, múa hát... Nhân dịp ấy. Đại Lý đã tặng Kim Dung danh hiệu công dân danh dự và chiếc chìa khóa vàng mở cửa thành phố. Do Kim Dung đến Đại Lý, Hội nghiên cứu học thuật Kim Dung đã tổ chức hội thảo ở địa phương với sự tham gia của 50 học giả của cả nước. Phía Hội nhà văn Trung Quốc do phó chủ tịch Đặng Hữu Mai đại diện.
Vinh quang của một nhà văn có lẽ đến như thế là cao. Cái khó chính là làm sao tự biết mình.
Ở Đại Lý có người hỏi Kim Dung nghĩ gì khi bộ sách Kho tàng các nhà văn lớn Trung Quốc thế kỷ 20 đã xếp ông chỉ sau Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn, Ba Kim, đứng trên cả Lão Xá, Mao Thuẫn? Kim Dung bảo họ đã đặt ông quá cao, ông không dám nhận. Đối với nhà tiểu thuyết không nên tùy tiện xếp thứ bậc, nên dùng tác phẩm để nói. Có điều đáng chú ý là, khi viết tiểu thuyết về Đại Lý, Kim Dung chưa hề đặt chân đến nơi này, tất cả do ông tưởng tượng nên. Nhà văn bảo:
"Thật đáng tiếc, giá tôi đến Đại Lý sớm ít năm, chắc tôi có thể viết được cái gì đó hay hơn".
Kim Dung sẽ viết được cái gì hay hơn?
Tôi nghĩ chắc phải là hồn vía văn hóa của dân tộc Bạch.
Từ Đại Lý trở lại Côn Minh, tôi đã vào thăm khóm nhà người Bạch dựng trong làng văn hóa, cách trung tâm thành phố không xa, được dự khán một buổi giới thiệu nghệ thuật uống trà, gọi là tam đạo trà.
Bước vào phòng trà, bạn được mời ngồi xuống ghế, trên bàn trước mặt để ba dĩa nhỏ, bầy ngũ hương vị, được chào mừng bằng bản nhạc đón khách. Ngay lúc đó, trước mắt bạn hiện ra các thiếu nữ Bạch, mặc y phục dân tộc, từng cặp từng cặp bưng khay trà dịu dàng cung kính nâng ngang mày, chào mời tuần thứ nhất, khổ trà. Khổ trà (đắng), là thứ trà đặc sản của Đại Lý được hái và sao nhỏ lửa, pha bằng nước Nhĩ Hải. Nghe kể, trà này được sao công phu, vừa sao vừa vò, đủ 99 lần vì thế còn gọi là công phu trà. Uống tuần khổ trà, thưởng thức vị đắng thanh mát khiến người thư thái nhẹ nhàng. Trong khi bạn thưởng thức trà, các thanh niên nam nữ người Bạch hát tặng các bài dân ca Bạch, gọi chung là Bạch tộc điệu.
Tiếp đó là tuần trà thứ hai, điềm trà (ngọt). Trà ngọt được chế biến từ sò sữa đặc sản Nhĩ Hải sao khô tàn nhỏ, thêm hạnh đào, đường phèn, mật tiễn rồi hãm bằng nước trà nóng, uống có vị ngọt, giàu chất dinh dưỡng. Lúc này ban nhạc biểu diễn những bài tình ca, vũ công múa điêụ "Bá vương tiên".
Và rồi là tuần trà thứ ba, hồi vị trà. Hồi vị trà có chất liệu gồm chè tuyết xanh, bỏ thêm mật ong, hồ tiêu, sinh khương... Uống trà này bạn sẽ thấy có vị đắng mát, thơm ngọt, cay tê. Dự vị trà ngân mãi.
Những cô thiếu nữ người Bạch da trắng nõn nà, mỗi lần bưng trà đến mời cứ khiến tôi ngỡ là mình đang ở vào một thế giới khác, có phải như Từ Thức lạc vào động tiên không. Hương trà thơm, âm thanh của những thứ nhạc cụ, tiếng hát trong trẻo như ru, như quyến rũ. Vẫn biết làng văn hóa là một địa điểm du lịch, những cô gái, như có người kể, làm công việc gần như chuyên nghiệp, nhưng sao nhiệt tình và chân thành đến thế?
Đến lúc chia tay, cô gái mời trà hát một bài dân ca (chắc cũng là Bạch tộc điệu). Tôi nhờ chép và tạm dịch như sau:
Anh và em uống chung một giếng ngắm chung bồn hoa Hoa nở đẹp
Em là mưa từ phương Bắc tới Anh là gió thổi tự Nam lên Mưa gió gặp nhau Trăm năm chồng vợ
Mùa thu 1999 H.P.P (131/01-2000)
|