Tôi là người thứ 81 trong danh sách chốt hôm đó. Hơn 100 thành viên đã đăng ký nhưng rồi một số đã bỏ cuộc chơi. Đến giờ chót cả khách lẫn chủ đúng 90 người. Năm ngoái mấy lần đến lữ hành Hương Giang và Vitours đăng ký nhưng không có tour này định kỳ vì khách lúc có lúc không. Họ chỉ tổ chức tour theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị nào đó. Vì thế, dù đang tháng ăn chơi với lễ hội triền miên ở khắp các địa phương nhưng tôi quyết cái rẹt: đi. Lại qua ngã Lao Bảo như mấy lần trước. Nhưng hành trình ngày ăn cơm ba nước bây giờ thật ung dung. Tưởng cũng như hồi năm ngoái sang Lào đi Tết té nước, cứ ngồi ở đường Lê Lợi (Huế) uống cà phê, xe từ Đà Nẵng chạy ra ngang qua đón. Không ngờ ngon hơn, được mời xuống khách sạn River View ở đường Đội Cung ăn buffe. Một xe đón khách ở sân bay Phú Bài, một xe đón sân bay Đà Nẵng, một xe xuất phát từ văn phòng Vitours rồi tập kết ở đây. 8h30 ăn sáng ở Huế mà 19h đã nhận phòng rồi ăn tối ở Mukdahan - Thái Lan. Ngày thứ hai từ Mukdahan chúng tôi qua Khon Kaen đến Phitsanulok, chạm cửa ngõ miền bắc Thái Lan theo tuyến hành lang đông tây. Khác với Lào và vùng đông bắc Thái, người nông dân ra đồng làm ruộng cấy lúa lúc bắt đầu mùa mưa, và chỉ sản xuất được một vụ do thiếu nước, Phitsanulok đất đai phì nhiêu, tươi tốt, có đủ nước để sản xuất một năm ba vụ. Thế nhưng đến Sukhothai thì ngược lại. Do thấp trũng, mùa mưa bị ngập lụt nặng nên chỉ sản xuất một vụ trong mùa khô - nhờ hệ thống hồ đập trữ đủ nước trong mùa mưa. Đường Liên Á đi qua Sukhothai được nâng cao như Quốc lộ 1A của Việt Nam những đoạn chạy qua vùng ngập lũ. Thiết nghĩ đi du lịch cũng cần biết chút ít về thời tiết, khí hậu của điểm đến. Giống Lào, Campuchia, Myanmar, người Thái Lan hàng năm nhằm vào tháng nóng nhất tổ chức lễ hội Songkran, tức tết té nước, vào khoảng giữa tháng 4, thời điểm giao mùa. Nước thơm được tắm cho các bức tượng Phật mang đậm dấu ấn tâm linh. Nước sạch được tạt vào người đi dự lễ hội, tạt vào du khách cho ướt đầm đìa là thay cho lời chúc may mắn, an lành. Trong thực tế tháng 6 mới bắt đầu mùa mưa, hầu như ngày nào cũng có mưa. Có ngày mưa tầm tã, nhưng cũng có ngày “mưa rồi chợt nắng” như ở Sài Gòn. Từ tháng 6 đến tháng 10 gió mùa tây nam thổi mạnh, đem một lượng hơi ẩm lớn đến từ Ấn Độ Dương khiến lượng mưa ở Thái Lan, ở Lào tăng lên. Khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống làm sống lại những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ trong tháng 4, tháng 5, người nông dân bắt đầu vào vụ lúa. Mưa hay nắng đều liên quan đến hoạt động của người dân. Suốt mùa nắng nóng trên đồng ruộng không một bóng người. Mưa xuống người nông dân bận rộn với công việc đồng áng. Các mùa lễ hội cũng đều liên quan đến nền nông nghiệp phồn thịnh và đức tin tôn giáo. Trở lại mục đích chuyến đi. Bangkok từ lâu đã trở nên quen thuộc với du khách Việt Nam với những tour giá cực rẻ bằng đường hàng không cũng như đường bộ. Nhưng du khách đến Bangkok và Pattaya chủ yếu là để hưởng thụ, để rửa tiền. Muốn tìm hiểu nền văn hóa của Thái Lan thì phải lên miền bắc. Lịch sử đất nước này chia ra nhiều giai đoạn. Dòng chảy lịch sử của Thái Lan khởi nguồn từ các vương quốc cổ Sukhothai, Lanna, Ayutthaya - những vương triều hùng mạnh xuất hiện cách đây hơn 700 năm, được người Thái xem là cái nôi của quốc gia. Người dân miền bắc Thái Lan có thổ ngữ riêng. Họ rất hãnh diện, tự hào về nền văn hoá có bản sắc với những lễ hội đặc thù được bảo tồn nghiêm ngặt, những làng nghề truyền thống, những vũ điệu dân gian, những thần thoại và truyền thuyết cổ xưa giàu tính nhân văn. Các dân tộc thiểu số ở miền bắc vẫn chịu ảnh hưởng của sắc màu trang phục truyền thống. Dù tốc độ đô thị hóa khá nhanh nhưng cuộc sống của người dân miền bắc Thái ít bị ảnh hưởng của xã hội bên ngoài, nền kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng. Cuộc sống của người nông dân vẫn gắn liền với những ngọn đồi cây cối um tùm, những cánh đồng trù phú, những thung lũng ngút ngàn rau quả xanh tươi, những ngôi chùa và các sinh hoạt tôn giáo thường nhật. Sukhothai - kinh đô đầu tiên Thời đế chế Angkor hùng mạnh bành trướng thế lực, thành Sukhothai do người Khmer xây dựng. Năm 1238 hai tù trưởng người Thái là Pho Khun Pha Muang và Pho Khun Bang Klang Hao, tuyên bố độc lập, thiết lập kinh đô của người Xiêm. Pho Khun Bang Klang Hao sau đó trở thành vị vua đầu tiên của Sukhothai, tự xưng là Pho Khun Si Indrathit. Sự kiện này được coi là điểm mốc thành lập quốc gia Thái ngày nay. Sukhothai mở rộng đất nước bằng cách tạo liên minh với các vương quốc Thái lân bang được thành lập cùng thời gian để đối trọng với Ayutthaya hùng mạnh ở miền Trung, lấy Phật Giáo Theravada làm quốc giáo. Thời hoàng kim của Sukhothai là triều đại của Ramkhamhaeng. Vua Ramkhamhaeng để lại ảnh hưởng rất lớn cho dân tộc Thái bằng việc phát minh ra bảng chữ cái tiếng Thái vào năm 1283. Chứng cứ là văn bia Ramkhamhaeng, dạng chữ cổ nhất của Thái Lan đang được lưu giữ trên đá. Sukhothai được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới năm 1991.
Thành Sukhothai là công trình phòng thủ với ba vòng trường thành hình chữ nhật. Mỗi phòng thành đều có hệ thống hộ thành hào chạy dọc phía trước. Thành cổ Sukhothai nằm cách thành phố Sukhothai hiện đại khoảng 10 km. Đây là một công viên lịch sử, một trung tâm bảo tồn các di tích cổ xưa. Đó là điểm đến hấp dẫn nhất ở Sukhothai với các công trình: Cung điện Hoàng gia, thánh đường, hệ thống thành cổ, hồ nước, hộ thành hào... Các hiện vật cổ xưa hiện nay được lưu trữ ở Cung điện Hoàng gia Wat Mahathat, có diện tích hơn 160.000m2, tọa lạc ở trung tâm Sukhothai. Đây cũng là quần thể kiến trúc Phật giáo quan trọng nhất với 200 bảo tháp và nhiều đền chùa. Đến nơi đây, du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử và văn hóa Sukhothai. Bảo tàng Ramkhamhaeng lưu giữ nhiều vật dụng của người tiền sử, được khai quật ở Sukhothai và một số tỉnh lân cận. Một trong những hiện vật quý nhất ở đây là tấm bia đá khắc chữ của vua Ramkhamhaeng, được tìm thấy hồi thế kỷ 19 cùng với kiệt tác ngai vàng bằng đá. Sau này chiếc ngai đá được đặt ở Wat Phra Keo trong hoàng cung (Bangkok). Phía tây cung điện Hoàng gia Wat Mahathat là thánh đường - trung tâm tôn giáo lớn nhất của Sukhothai cổ. Tất cả những kiệt tác kiến trúc ở Wat Mahathat tạo cho thành phố Sukhothai thêm nét cổ kính và ấn tượng đặc biệt. Sukhothai không bị ảnh hưởng bởi công cuộc phát triển đô thị nhờ người Thái Lan đã rất khôn ngoan khi chọn địa điểm xây dựng thành phố mới nằm cách khá xa cổ thành (khoảng 10 km). Xung quanh thành cổ không có nhà cao tầng, chỉ có những ngôi biệt thự và nhà sàn truyền thống. Hệ thống trường thành của Sukhothai đã sập đổ gần hết do được xây bằng đất, nhưng hệ thống hồ nước và hộ thành hào thì vẫn còn nguyên vẹn và được kết nối với hệ thống thủy lợi bên ngoài cổ thành để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sukhothai được xem là một công viên kiến trúc - phong cảnh kiểu mẫu và bố trí hoàn hảo nhất của Thái Lan. Đến cổ thành Sukhothai du khách có thể tự do khám phá các phế tích cung điện, chùa tháp bằng xe đạp chân hoặc xe đạp điện với chi phí rất rẻ. Chỉ cần 30 ngàn bath (bằng 18.000 đồng Việt Nam) là thuê được một chiếc xe đạp đi cả ngày trong khắp khuôn viên cổ thành. Nếu đi theo đoàn đông người mà quỹ thời gian hạn hẹp thì có dịch vụ tàu điện đi một vòng qua các di tích quan trọng nhất. Ở đây còn có dịch vụ xe tuk-tuk giá phải chăng đưa du khách tham quan nhiều thắng cảnh hấp dẫn khác ngoài thành cổ. Đến Sukhothai du khách mới hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Thái Lan. Sukhothai là thủ đô đầu tiên khiến tinh hoa nghệ thuật của người Thái hội tụ và phát triển từ đây. Đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc với những bức tượng Phật sống động, thân hình tròn trịa, chắc nịch, bộ ngực nở nang nổi bật lên giữa vầng hào quang bằng những búp sen. Vương quốc thuốc phiện Từ Sukhothai đi Chiang Rai chúng tôi nghỉ ngơi ăn trưa ở Lampang, thành phố tỉnh lỵ nằm bên bờ sông Wang. Được hình thành từ thế kỷ thứ 7, ngày nay Lampang là điểm chuyển tiếp quan trọng trên xa lộ bắc nam và đông tây. Lampang cũng là vương quốc của gỗ tếch và có rất nhiều xe ngựa phục vụ du khách đi lại, tham quan thành phố. Chiang Rai nằm ở cực Bắc Thái Lan, núi non trùng điệp, thung lũng phì nhiêu. Phía bắc Chang Rai giáp bang Shan của Myanma và các tỉnh Bokeo, Oudomxai của Lào. Du lịch ở Chiang Rai hấp dẫn nhất là khám phá và du khảo thiên nhiên. Chiang Rai có 4 trung tâm du lịch chính là Tam giác vàng, Mea Sai, Chiang Saen và Chang Khong.
Hấp dẫn nhất vẫn là khu vực Tam giác vàng, khu vực rừng núi hiểm trở với diện tích khoảng 350.000 km2. Hai phụ lưu là dòng sông Kok chảy ngang qua thành phố Chiang Rai và sông Ruak hợp lưu với Mekong, nối các đường biên giới Thái Lan, Lào, Myanma tạo nên Tam giác vàng. Nói Tam giác vàng hiểm trở còn có nghĩa thứ hai. Đó là do nằm xa các trung tâm hành chính nên việc kiểm soát của Chính phủ của cả ba nước đối với khu vực này gặp nhiều hạn chế, yếu kém. Phần lớn diện tích Tam giác vàng nằm trong vùng núi có độ cao 1.000m rất phù hợp với việc trồng cần sa. Cần sa chiếm hơn một nửa diện tích đất trồng, thậm chí ở nhiều vùng trong Tam giác vàng diện tích cần sa lên tới 80%. Từ thập niên 50 của thế kỷ 20, Tam giác vàng là nơi trồng cần sa và sản xuất heroin lớn nhất thế giới. Thập kỷ 70 và 80 nơi đây là đại bản doanh của trùm thuốc phiện Khun Sa. Từ thành phố Chiang Rai chúng tôi đến huyện cực bắc Mae Sai. Đây là vùng biên giới chính giữa Thái Lan và Myanmar. Từ Mae Sai có đường liên Á đi qua, vượt sông Mae Sai là đến thị xã Tachileik của Myanmar. Lãnh thổ Myanmar ở phía bắc, được chia đôi bởi sông Mae Sai và sông Ruak. Đối diện phía bờ bên kia của Myanmar là những khách sạn, tụ điểm vui chơi, giải trí và có cả những sòng bạc. Chiang Rai và Myanmar đã được nối với nhau bằng chiếc cầu hữu nghị ở Mea Sai. Muốn vào trung tâm Tam giác vàng phải đến bản Therd Thai. Do đi theo tour du lịch nên chúng tôi chỉ được phép vào quá thị trấn Mae Sai khoảng 15 km. Bản Therd Thai nằm cách thành phố Chiang Rai 42 km về phía Bắc. Trùm thuốc phiện Khun Sa đã chiếm đóng khu vực này làm căn cứ sản xuất và bán thuốc phiện ra khắp thế giới. Con đường vào đại bản doanh của Khun Sa rất hiểm trở, ngoằn ngoèo theo những sườn đồi, vách núi dựng đứng. Trên đường đi sẽ gặp những người thiểu số cổ cao, đeo đầy vòng bạc. Nét đặc thù lạ mắt này góp phần cuốn hút du khách. Ở chợ đêm Chiang Rai và chợ đêm Chiang Mai thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài người bán hàng lưu niệm. Hàng của họ lúc nào cũng thu hút khá đông du khách là nhờ trang phục độc đáo. Đội quân của Khun Sa đã bị lực lượng đặc nhiệm ba nước tiêu diệt vào năm 1982, đám tàn quân thì bị tiêu diệt vào năm 1996. Vùng Tam giác vàng đã và đang được thay đổi. Khu vực này bây giờ không còn trồng thuốc phiện nữa, người dân được hướng nghiệp theo hướng thâm canh nông nghiệp và làm dịch vụ du lịch. Những cánh đồng anh túc bạt ngàn năm xưa được thay bằng những cánh đồng hoa màu, cây trái quanh năm xanh tốt. Bên bờ sông thuộc lãnh thổ Thái Lan nơi chúng tôi đến, các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách diễn ra hết sức sôi nổi như: bán hàng lưu niệm với giá rất rẻ, cho thuê thuyền chạy dọc Mekong, xe ô tô, xe máy chở khách ưa mạo hiểm, hiếu kỳ vào sâu hơn vùng Tam giác vàng… khách bỏ ra vài trăm bath sẽ được phục vụ tận tình, chu đáo. Đi dọc bờ sông chi chít các nhà hàng phục vụ món ăn Thái, món ăn Lào với giá rất bình dân, khách hàng thì đủ mọi quốc tịch, mọi thành phần. Cách vài nhà hàng lại có một bến thuyền. Du khách có thể thuê thuyền máy để du ngoạn trên dòng sông Mekong bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên vùng Tam Giác Vàng vẫn chưa thể bình yên. Từ thị trấn Mae Sai đến biên giới Myanmar mỗi chiều đi - về chúng tôi bị cảnh sát chặn xe hai lần để kiểm tra. Vì siêu lợi nhuận nên những kẻ mua bán ma túy tại vùng Tam giác vàng vẫn không hề lùi bước. Thủ đoạn sản xuất, vận chuyển cái chết trắng của bọn chúng ngày càng tinh vi, quỷ quyệt hơn. Phần lớn thuốc phiện sản xuất tại Tam giác vàng đều được chế biến tại chỗ thành bạch phiến. Trung Quốc là một con đường vận chuyển của bọn buôn lậu ma tuý vì ở sát ngay Tam giác vàng. Theo tài liệu của Ủy ban Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc, hằng năm có khoảng 20 tấn ma túy các loại đã đi qua Trung Quốc bằng con đường từ Mujie (Myanmar) qua Côn Minh. Đảo Hải Nam trở thành một chặng quan trọng trên con đường buôn lậu ma túy. Diện tích trồng cần sa chỉ giảm mạnh ở Tam giác vàng chứ không phải là đã bị xoá sổ hoàn toàn. Sau thời Khun Sa lại đến thủ lĩnh Bao Youxiang kế tục làm chủ những cánh đồng thuốc phiện. Bao Youxiang từng lập phong trào chiến tranh du kích, thành lập nhà nước tự trị, chống chính phủ, đã từng có hàng chục ngàn tay súng và bộ máy nhân viên hành chính. Tam giác vàng vẫn tồn tại một cách âm thầm, bí mật hơn trong rừng sâu núi thẳm. Bằng chứng là hàng năm số lượng vụ bắt giữ ma tuý có xuất xứ từ đây vẫn khá lớn. Những cánh đồng cần sa vẫn lẫn khuất trong các thung lũng, trên các triền đồi hoang vắng. Người dân ở Mae Sai kháo nhau rằng đám đàn em của Khun Sa vẫn còn ẩn náu ở đâu đó và thoắt ẩn thoắt hiện như thủ lĩnh Taliban. Thủ đô miền Bắc Thái Chiang Mai người Thái phiên âm là Chiêng Mài, vùng đồi núi cao nhất của Thái Lan. Cao nhất là đỉnh Doi Inthanon 2575 mét. Khách du lịch đến Chiang Mai nhiều nhất từ cuối tháng mười một đến đầu tháng hai, khi nhiều loài hoa đẹp rực rỡ khắp các sườn đồi và trong từng khu vườn. Tháng hai hằng năm Chiang Mai có Lễ hội hoa. Xứ sở này còn được gọi là bông hồng phương Bắc.
Thành phố Chiang Mai lớn thứ hai của Thái Lan, cách Bangkok khoảng 800 km, chạy dọc theo sông Ping, một trong những phụ lưu lớn nhất và quan trọng nhất của sông Chao Phraya - thủy lộ trọng yếu nhất của Thái Lan. Ở đây có nhiều rừng quốc gia như: Doi nthnon, Doi Suthep-Pui, Mea Ping, Huay Nam Dang, Mae Phang, Chiang Dao. Từng là thủ đô của vương quốc Lanna hùng mạnh trong nhiều thế kỉ. Ngày nay Chiang Mai được coi là thủ đô không chính thức ở miền Bắc và tiếp tục đóng vai trò thành phố động lực của vùng lãnh thổ phía bắc Thái Lan. Không chỉ là một trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, Chiang Mai là nơi hội tụ văn hóa của cố quốc Lanna, với nhiều lợi thế về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du khảo lịch sử - văn hóa. Năm 2008 Travel and Leisure Magazine bình chọn Chiang Mai đứng thứ ba trong các thành phố du lịch tốt nhất châu Á. Chiang Mai ngày nay là một thành phố hiện đại. Bên cạnh những cao ốc, khách sạn, nhà hàng sang trọng, vẫn còn đó những bức tường thành rêu phong và hệ thống hộ thành hào bao quanh kinh thành cổ được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ trở về trước. Nếu kinh đô Huế được khởi sự từ công trình xây dựng chùa Thiên Mụ thì lịch sử cố đô Lanna bắt đầu từ Wat Chiang Mai - ngôi chùa được vua Mangrai cho xây dựng vào năm 1296 và ông đã trú ngụ ở đây suốt thời kỳ kiến thiết kinh thành.
Trải qua hơn bảy thế kỷ với biết bao biến cố nhưng dấu ấn của vương quốc Lanna vẫn trường tồn cùng thời gian và hòa vào cuộc sống hiện tại với những đền tháp, cung điện, thành quách, phố xưa... Đó là những báu vật của đời, là di sản của tiền nhân để lại. Lanna theo tiếng Thái cổ có nghĩa là Vương quốc của một triệu cánh đồng lúa xanh tươi. Ngày nay, chỉ riêng thung lũng Chiang Mai mỗi năm đã cho thu hoạch khoảng nửa triệu tấn lúa. Truyền thuyết về xây dựng kinh đô của Lanna kể rằng: Vào năm 1291, nhà vua cùng đoàn tuỳ tùng đi săn ngang qua bờ dòng sông Ping chợt thấy một cặp nai trắng tung tăng nhảy múa, thỏ thẻ bên nhau và một chuột bạch cái cùng đàn năm con nhỏ. Xem đó như là một biểu tượng của sự an vui, thịnh vượng nên nhà vua đã quyết định xây dựng kinh đô ở đây, vùng đất nằm ở bờ tây của dòng sông. Người dân Chiang Mai yêu thành phố của mình từ truyền thống lịch sử đến những đường nét nghệ thuật kiến trúc, phong cảnh thiên nhiên và văn hóa tâm linh… Đến Chiang Mai, du khách không thể không viếng thăm các ngôi chùa nổi tiếng trong thành phố và lên núi Doi Suthep cao 1.685 viếng Wat Doi Suthep huyền bí linh thiêng, bất kể du khách là đạo hữu hay người thế tục. Wat Phrathat Doi Suthep được kiến tạo vào năm 1383, được xem như biểu tượng của Chiang Mai. Từ Doi Suthep nhìn bao quát cả thành phố. Suốt 600 năm qua, ngôi chùa linh thiêng này có nhiều thay đổi và được trùng tu nhiều lần. Trước đây để lên chùa phải mất 5 giờ leo núi theo con đường nhỏ. Năm 1934, nhà sư Kruba Srivichai đến Chiang Mai thực hiện dự án xây dựng đường lên núi. Phật tử khắp nơi biết tin phát nguyện công đức và đổ về đây góp công sức xây dựng con đường. Từ chân núi có dịch vụ xe ô tô 12 chỗ ngồi đưa khách lên chùa mất 30 phút.
Ngoài những cảnh quan tuyệt đẹp, Chiang Mai còn nổi tiếng với nhiều loại hàng lưu niệm phục vụ du khách mua sắm với giá cả khá rẻ. Vùng dành riêng cho du lịch tập trung quanh cổng Ta Phae. Tường thành Chiang Mai xây bằng gạch nung, không hoành tráng và không còn nguyên vẹn như tường thành Huế, chỉ còn lại từng đoạn ngắn, những đoạn cao nhất cũng chỉ khoảng 4 mét. Tường thành và hộ thành hào chia đôi thành phố ra hai khu cũ và mới. Tham quan tường thành phải đi bộ vì không có những bãi đỗ xe. Do không có đủ thời gian đoàn chúng tôi đi ô tô chầm chậm hai vòng quanh tường thành. Vì thế không thể ghi được những hình ảnh đẹp. Những ai yêu thích tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật truyền thống được hướng dẫn đi thăm các bản làng của người dân tộc Dao, Tày, Lahủ và Long neck, một bộ tộc gốc gác từ Myanmar có những cô gái cổ cao đeo đầy vòng bạc. Mỗi bộ tộc có phương ngữ, trang phục, ẩm thực và tập tục khác nhau tạo cho Chiang Mai nét văn hoá đa dạng. Buổi tối dạo chợ đêm Night Ba-zaar ở ngay giữa trung tâm thành phố du khách thoải mái mua sắm vì giá cả rất rẻ và sự niềm nở, hiền hoà, thân thiện của người bán hàng. Có thể nói đây là một thiên đường của giới ưa sưu tập đồ lưu niệm với các mặt hàng thủ công trứ danh của Chiang Mai: những hàng thổ cẩm màu sắc rực rỡ, thêu thùa rối rắm của người dân tộc thiểu số; đồ trang sức bằng bạc; đồ gia dụng, tranh tượng bằng mộc mỹ nghệ; tạo hình từ rễ cây; hàng mây tre đan v.v… Trên đường từ Chiang Mai về Khon Kaen chúng tôi còn được thăm vườn bướm - phong lan và thăm các làng nghề chạm bạc, điêu khắc đá… Những làng nghề có chiều dày hơn 700 năm cùng lịch sử của Chiang Mai. T.T (256/6-10) |