Chẳng hạn, chỉ cần nhắc tới cuốn truyện đầm đìa nước mắt Les Misérables (Những kẻ khốn nạn - 1862)(1) là ít ai quên, đặc biệt ở Việt Nam, các nhân vật như anh tù khổ sai Jean Valjean và cô bé Cosette bị cặp vợ chồng nhà chủ tửu quán tên là Thénardier đày đọa khôn cùng. Nhưng ít người biết rằng nhà thơ nhà văn kịch tác gia lớn này đồng thời cũng không kém năng động và sung sức trên… trường tình, cả khi đã gần đất xa trời. Dưới đây, vào hè, chúng tôi muốn kể cho bạn đọc nghe một giai thoại, hay đúng hơn, một sự cố đã thật sự xảy ra cũng vào hè hơn một thế kỉ rưỡi trước, dính tới đường tình của văn/thi hào. Sự việc đã được ghi rành mạch trong cuốn sổ trực ban gọi là main courante ngày 5 tháng 07/1845 ở Công an phường Vendôme, Paris quận I, nhưng lại chưa hề được nhắc tới trong văn học sử, hay trong bất luận cuốn tiểu sử nào. Cũng lạ, là bởi chẳng một chi tiết lớn nhỏ liên quan tới một đại văn/thi hào như Victor Hugo mà không tiềm chứa chút ít ý nghĩa. Vì chưng, như đã nói, đương sự vốn rất ư năng động và sung sức về đủ mọi mặt, biết đâu đó lại là nguồn hứng sáng tác. Ngõ hẻm Saint-Roch Đây là một trong số ngõ hẻm trải đá hiếm có độ chừng trăm mét còn sót lại ở Paris. Nằm ngay trung tâm thành phố, nối liền hai con đường lớn Pyramides và Saint-Honoré, tranh tối tranh sáng núp bóng dưới tháp nhà thờ Saint-Roch. Chỉ vài bước là đã tới quảng trường Vendôme xa hoa tráng lệ và vườn Tuileries thuộc Hoàng cung trong khu Palais Royal. Vào giữa thế kỉ XIX, ngõ hẻm có tên Saint-Roch này nổi tiếng không ít, hệt như các xóm đèn mờ, cà phê vườn, cà phê nhạc hiện nay ở bên ta, hay khu Khâm Thiên trước kia ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Có chút gì lạ… thường ở chỗ ngõ hẻm dọc theo sát vách nhà thờ! Nhà văn khuynh hướng tự nhiên Emile Zola (1840-1902) đúng ba chục năm sau, trong tập Pot-Bouille (Pot-Bouille, 1882), vẫn còn miêu tả khung cảnh đó như vầy: “Hắn (nhân vật trong truyện) chợt thấy mình lọt thỏm vô trong hành lang thâm u của ngõ hẻm Saint-Roch. Trước mắt hắn, ở ngưỡng cửa nhà nghỉ nằm trong góc tối, Valérie (nhân vật khác, phái nữ) đang chia tay một ông khách râu ria xồm xoàm”. Khách ở đây là khách làng chơi. Ngày 5 tháng 07/1845 Victor Hugo đã lang thang đến đây. Để bất thần… bị bắt quả tang đang hành lạc trong phòng trọ nhà nghỉ với cô nường Léonie Biard, đã có chồng, vợ một nhà điêu khắc ít nhiều được giới nghệ sĩ biết tiếng. Biên bản Công an phường Vendôme đã ghi rõ sự việc như vậy. Bạn hãy cứ hình dung cảnh tượng đó. Vào lúc tinh sương hôm ấy, một đội công an hùng hục đột nhập nhà nghỉ (ai bắn tin cho họ?), rầm rập leo lên garni (phòng trọ) ở từng trên, đập cửa thùm thụp. Victor Hugo và Léonie Biard hốt hoảng quơ lấy quần áo vội vã xỏ vô xỏ vào, trong lúc ngoài cửa công an không ngớt hô hoán: “Au nom de l’Empereur, ouvrez…”. Nhân danh Hoàng đế, mở cửa mau lên..., bởi bấy giờ Hoàng đế Napoléon III (Napoléon đệ tam) đang trị vì nước Pháp, và công an chưa có thói nhân danh luật pháp để bắt bớ như ngày nay. Thời ấy, xã hội và luật pháp ở đây không đùa với những chuyện gian dâm ngoại tình, chẳng thua gì ở bên ta thời xưa với những chuyện lăng loàn và những chuyện hủ hóa. Nên chi Léonie Biard tất bị tống giam trong nhà tù Saint-Lazare dành cho phụ nữ để phục hồi nhơn phẩm hai tháng trời ròng rã. Còn Victor Hugo, lúc bấy giờ đang giữ chức pair de France (nghị viên) Thượng viện, dĩ nhiên được miễn thứ. Khiến cho nhà thơ lãng mạn Lamartine (1790-1869) cũng phải lên tiếng mỉa mai, thâm độc: “Mọi thứ đó xem ra thật dễ quên tức khắc. Nước Pháp vốn là một nước cao su, người ta có thể bật nẩy mình nhảy khỏi giường chiếu một cách mau lẹ”. Tình trường So với hình phạt gọt gáy bôi vôi hoặc bè chuối trôi sông(2)thời không xa lắm ở bên ta thì hai tháng phục hồi nhơn phẩm (gần một thế kỉ rưỡi sau, thành ngữ này lại được cóp nguyên xi, ứng dụng vào xã hội) mà cô nường Léonie Biard trả giá cho hành vi ngoại tình và ngoại dâm của mình xét ra quả thật là quá nhẹ. Còn Victor Hugo thì chẳng những không bị voi giày ngựa xéo(3) như vào thời Tự Đức (1830-1883) mà còn được phép đi nghỉ… xả hơi, xa cách tình trường một thời gian… ngắn. Tình trường của Victor Hugo bấy giờ nằm khoanh trong một diện tích nhỏ hẹp. Cứ giở bản đồ thành phố Paris mà coi. Bà vợ chánh thức Adèle (họ Foucher) chung sống với ông chồng Victor trong một căn hộ ở quảng trường Royale, nay đổi thành quảng trường des Vosges. Còn cô đào Juliette Drouet (1806-1883, tên thật là Julienne Gauvain), vừa là tình nhân vừa là nguồn hứng thiết thân với ông từ những năm 1833, thì cư ngụ trên con đường nhỏ Sainte-Anastase kề cận. Và đó là không kể biết bao cuộc tình chóng vánh với các nữ diễn viên mới bước vào nghề trong rạp Comédie Française (Nhà hát Quốc gia Pháp) cũng gần kề. Riêng cô nường son trẻ Léonie Biard, thì đành chịu chấp nhận phòng trọ nhà nghỉ nọ ở ngõ hẻm Saint-Roch hầu cho văn hào được thỏa thích phụ bạc cùng một lúc cả phu nhân và tình nhân của mình. Ngày nay, căn hộ 280 mét vuông ở quảng trường des Vosges được biến thành Maison de Victor Hugo (Viện bảo tàng Victor Hugo), còn cư quán của Juliette Drouet nằm trên con đường nhỏ Sainte-Anastase thì mang một tấm biển đề Ici vécut Juliette Drouet (1806-1883) (Juliette Drouet, 1806-1883, đã cư ngụ nơi đây). Riêng nhà nghỉ trong ngõ hẻm Saint-Roch nay không còn nữa thì tất nhiên không có một ghi chú nào hết, dẫu rằng sự cố ngày 5 tháng 07/1845, ngoài chỗ đáng thương cho cô nường Léonie Biard, đã là dịp khiến cho Victor Hugo khởi tác thiên truyện nổi tiếng nhất của mình. Số là ngay sau khi được miễn thứ, Victor Hugo liền rởi khỏi Paris đi nghỉ xả hơi, tạm trú ở tửu điếm Au rendez-vous d’Austerlitz (Chỗ hẹn Austerlitz), xã Montefermeil ở ven đô. Nhà trọ này cũng như nhà nghỉ nói trên nay không còn nữa, nhưng hình bóng của nó vẫn còn hiển hiện qua tên gọi Auberge des Thénardier (Tửu quán vợ chồng Thénardier) trong tác phẩm để đời của văn hào. Ngày 7 tháng 11/1845, chính trong tửu điếm tạm trú này nhà văn đã khởi tác cuốn truyện tràn trề nước mắt Les Misérables, trong đó nhân vật Jean Valjean lang thang ngoài sương gió như sau: “Hắn cứ nhắm hướng Montefermeil mà bước tới một cách quả quyết như kẻ đã từng đến đó nhiều lần và biết rõ xứ này”. Kẻ đã từng đến đó nhiều lần và biết rõ xứ này, chính là tác giả. Trở lại tình trường Chứng nào tật nấy, chẳng mấy lâu sau là Victor Hugo đã quay ngược trở về Paris hú hí với bà vợ Adèle, với người tình muôn thuở Juliette, với người tình mới là cô đào Marie Dubois và với biết bao cuộc tình chóng vánh khác. Mang theo bản thảo đã khởi tác ở Montefermeil, để cuối cùng hoàn tất 17 năm sau vào năm 1862 ở biệt thự Hauteville-House, trên hòn đảo nhỏ Guernesey thuộc nước Anh, gìữa biển cả đầy sóng gió tựa như cuộc đời của mình - nơi ông lưu vong suốt 15 năm trời (1855-1870), bị chánh quyền Đế chế đệ nhị bấy giờ truy bức. Cũng trong thời gian lưu vong này mà thi hào hoàn tất và khởi tác các tập thơ, châm biếm Châtiments (Hình phạt), trữ tình Contemplations (Trầm tư) và anh hùng ca La légende des siècles (Sử thi ngàn đời), biểu hiện tài thơ nhiều mặt của mình. Nhưng vẫn khôn thôi năng động và sung sức tình trường, cho tới ngày nhắm mắt. T.T.Đ (264/2-11) ----------------- (1) Những kẻ khốn nạn, bản dịch của Nguyễn Văn-Vĩnh - Nxb Trung-Bắc-Tân-Văn, Hà Nội, 1925. Nguyễn Văn-Vĩnh khéo dùng từ khốn nạn bấy giờ hàm nghĩa nghèo khổ và hoạn nạn, chớ không chỉ mang nghĩa hèn mạt như hiện nay, để chuyển đúng nguyên ý misérable của Victor Hugo. (2) Gọt gáy bôi vôi: người vợ ngoại dâm bị gọt tóc sau ót, bôi vôi trắng, rồi dẫn đi bêu riếu khắp nơi; bè chuối trôi sông: bị cột trên bè chuối, rồi thả trôi sông, tấp vô bờ là liền bị làng xóm đẩy ra, không ai dám cứu vớt. (3) Voi giày ngựa xéo: người chồng ngoại dâm bị trói, rồi dẫn ra sân cho voi, ngựa giẫm - trên thực tế, nhờ có vợ bé, vợ nhỏ, nhu cầu tình dục hầu như được thỏa mãn, nên đây chỉ là hình phạt ít khi áp dụng. |