PHẠM THỊ CÚC Hai vợ chồng ông hàng xóm nhà tôi đều nghỉ hưu. Bà vợ tuổi khoảng sáu mươi, chồng sáu lăm, có hai con. Con gái đầu đã lấy chồng, có hai con, đứa lớn bốn tuổi, đứa bé gần hai tuổi.
Hai vợ chồng không có việc gì. Vườn tược, cây cảnh… cũng không có để chăm sóc. Bà vợ rất mập, dễ đến gần hai trăm năm chục pao (mỗi pound là 0, 45kg). Đã vậy lại chẳng bao giờ tập thể dục, chỉ thấy suốt ngày ngồi xem TV, rồi nấu ăn, đi mua sắm.
Khi cô con gái sinh con thứ hai thì phải nghỉ việc ở nhà trông con. Ở nhà được sáu tháng, cô đến khẩn khoản với ba mẹ:
- Ba mẹ giúp trông cháu giùm con, nếu không được nhiều thì mỗi tuần hai ngày cũng được, để con đi làm kiếm ít tiền phụ với chồng con, nuôi các cháu…
Con gái nài nỉ, với hai hàng nước mắt. Thế mà hai ông bà vẫn khăng khăng, nhất quyết:
- Không được đâu, chúng tao còn có việc của chúng tao chứ.
Mà việc gì cho cam. Mùa Xuân, mùa Hè thì ở đây, còn mùa Thu, mùa Đông, để tránh rét, hai ông bà về dưới Florida, ở đó khí hậu biển ấm áp, dễ chịu. Dưới đó ông bà có mua một căn nhà nhỏ, cách đây chừng năm, bảynăm, khoảng ba bốn chục ngàn đô. Về đó cũng chỉ ăn rồi chơi.
Ở đây những chuyện như vậy là rất thông thường. Nếu ông bà toàn tâm toàn ý giúp con cái trông cháu mới là sự lạ. Một cô, mới sinh con đầu được hơn hai tháng, vui vẻ kể với bạn trong cơ quan:
- Mình cũng rất may là được mẹ mình giúp trông con cho mỗi tuần hai ngày. Bà ở trong Boston, mỗi ngày trước lúc đến sở, mình chở con đến nhà mẹ (đi ô tô mất chừng bốn mươi phút), nên mình có lúc đến trễ vì kẹt xe.
- Thế bà trông cho có lâu dài không?
-Đến khi cháu được sáu tháng. Sau đó thì phải đi nhà trẻ.
Đi nhà trẻ mỗi cháu một tháng phải nạp từ tám trăm đến một ngàn đô. Đó là chưa kể khi đứa trẻ nhức đầu, sổ mũi hoặc mùa đông gió tuyết… là mẹ bị gọi đến đưa con về. Mà làm việc trả lương theo giờ, nghỉ giờ nào mất tiền giờ nấy.
Cô Xa-ra hàng xóm nhà tôi, là giáo viên dạy mẫu giáo, mặt mày xinh đẹp, tính tình dễ thương. Nhà cha mẹ hai tầng rất rộng, vườn tược nhiều hoa. Mùa Xuân hoa hồng, lily, đỗ quyên nở rất đẹp. Trong nhà chỉ có ba mẹ và cô em gái là sinh viên. Xa- ra cũng chưa có bạn trai, vì còn kén, thế mà cũng đi thuê một cái nhà hai tầng cũng rất to, rất rộng. Hôm Giáng sinh, chúng tôi được cô mời tới dự tiệc, tôi nói với mẹ Xa-ra:
- Nhà bà rộng, nói Xa-ra ở cùng, để tiền thuê nhà, dành dụm sau này mua nhà có tốt hơn không?
Mẹ Xa ra trả lời:
- Tiền thuê nhà này cũng chẳng nhiều đâu, vì giá thuê nhà ở đây rẻ hơn chỗ chúng ta.
Không nhiều thì mỗi tháng ít nhất cũng mất tám trăm đến một ngàn đô, còn đắt thì ít cũng vài ngàn. Còn có cô gái khác, cũng chưa chồng, ở ngay trong nhà ba mẹ nhưng hàng tháng phải trả tiền thuê.
Đúng là chuyện lạ chỉ có ở Mỹ.
*
Ở châu Á, thường có “tam đại đồng đường», “tứ, ngũ đại đồng đường”. Còn ở đây, khi con cái còn nhỏ, thì gia đình có hai thế hệ, còn khi con cái đã lớn, thường là từ mười tám tuổi trở lên, chúng rất thích ra ở riêng. Hoặc thuê nhà, hoặc ở cùng bạn trai, bạn gái. Con trai, con gái thích nhau cứ sống với nhau như vợ chồng, có khi lâu đến năm, bảy hay mười năm, lúc đó nếu còn thích nhau, muốn có con thì làm đám cưới. Còn nếu không thích nhau nữa thì chia tay, ai về nhà nấy. Như ở Việt Nam, có dân tộc Dao, ở sau cổ áo thường dính những đồng tiền kim loại, gọi là Dao Đeo Tiền, gọi tắt là Dao Tiền. Khi con trai con gái lớn để ý nhau, ban đêm con gái ngủ chỉ khép cửa chứ không cài, để cho con trai “cạy cửa ngủ thăm”. “Thăm” ở đây là coi cô gái đó có biết chửa, biết đẻ không. Một bà mẹ nói với con trai: “Hay mày sợ nó không biết đẻ à? Mạ đây thôi, hàng chục anh vào ngủ mà có chửa đâu, phải đến lượt tía mày ngủ mới sinh ra mày mà”. Khi cô gái sinh con ra, đứa con gọi bố mẹ cô gái là tía mạ, còn gọi bố mẹ nó là anh chị.
Ở đây, khi con cái đã trưởng thành thì chỉ còn hai ông bà già ở với nhau. Nếu không may, một trong hai người mất đi, người kia còn lại một mình, để bớt cô đơn, họ thường vào viện dưỡng lão. Nhà dưỡng lão ở đây thường xây như các chung cư, các phòng đầy đủ tiện nghi, giá cả khác nhau, tùy túi tiền người thuê. Có đủ đội ngũ phục vụ, nấu ăn, y tá, bác sĩ chăm sóc. Họ tụ hội thành các nhóm bạn già, đánh bài, xem TV, ca hát hay đi du lịch trong thành phố. Ở nhà thì cũng chỉ có một mình, con cái, cháu chắt thì bận đi làm, đi học, nên ở viện dưỡng lão lại vui vẻ, đầm ấm hơn.
Còn bà con ư? Những người như anh, chị của cha mẹ, tức chú bác cô dì của con, hoặc bà con của bố mẹ, chẳng thấy khi nào họ đến thăm nhau. Có lẽ họ chỉ đến khi đứa cháu cưới vợ, lấy chồng. Ngược lại, các đứa cháu chẳng khi nào đến thăm họ. Ngoài ra, ở đây chẳng có giỗ chạp gì mà đến. Còn may mỗi năm còn có ngày lễ Giáng Sinh có làm bữa tiệc thì cũng chỉ có cha mẹ, con cái và cháu nội cháu ngoại mà thôi, chứ cũng chẳng thấy bà con đâu cả. Còn Tết dương lịch thì cũng chỉ ít nhà tổ chức tiệc tùng ăn uống.
Một người chồng, người cha trong gia đình, cứ hết giờ làm ở sở là về nhà lo cho vợ cho con, hiếm khi đi sớm về muộn, la cà bia bọt cà fê cà fáo như ở ta.
Gia đình đối với họ rất quan trọng. Họ luôn tin tưởng, thương yêu nhau, không giả dối với nhau. Nếu không còn yêu nhau nữa họ sẵn sàng ly hôn. Sau ly hôn, họ đối xử với nhau như những người bạn, không có thái độ thù nghịch nhau. Nếu có con, họ chung sức nuôi con như phán xử của tòa án. Tôi biết một bà vợ khi ra tòa ly hôn, tòa biết lâu nay bà vợ chỉ ở nhà chăm con, chỉ có ông chồng đi làm, nếu ly hôn bà vợ sẽ không có thu nhập gì, lại đang có bệnh. Tòa hỏi:
- Bây giờ Tòa yêu cầu chồng bà chu cấp mỗi tháng cho bà trong hai thời hạn là năm năm và mười lăm năm, bà chọn thời hạn nào?
Người vợ trả lời không chút do dự:
- Năm năm.
Sau ly hôn, bà vợ ở nhà mẹ đẻ, hàng ngày vẫn đến nhà chồng đưa đón hai đứa con nhỏ đi học (Căn nhà chia đôi nhưng hai con còn nhỏ nên chưa bán).
*
Giữa giới chủ và nhân viên trong cơ quan, công ty, không có sự ràng buộc kiểu thắt ngặt nào cả. Họ muốn tuyển dụng thêm hay sa thải nhân viên khi nào tùy ý (mặc dù họ đã tốn tiền tốn của cho người đó đi đào tạo). Một người năm mươi lăm tuổi, làm việc rất giỏi, có vị trí quan trọng ở một công ty. Ông đã làm ở đó suốt hai mươi năm (làm lâu một chỗ như vậy ở đây rất hiếm, thường chỉ năm bảy năm, có khi vài năm đã tìm chỗ mới). Vợ ông ta đang bị ung thư, nằm một chỗ đã năm năm. Ông có thằng con trai duy nhất vừa chết vì tai nạn giao thông năm trước, ông phải nuôi cháu nội vì mẹ nó ham chơi, theo trai. Vậy mà, đúng lúc ấy, ông bị cho nghỉ việc. Đồng nghiệp thương và ái ngại cho hoàn cảnh của ông. Nhưng biết làm sao được. Ông làm lâu năm, lương cao. Họ cho ông nghỉ để tuyển người trẻ vào, tuy có ít kinh nghiệm hơn nhưng lương thấp, chủ lợi thấy rõ (ở Pháp thì ngược lại, khi một người được thuê, làm ở một nơi nào đó từ năm năm trở lên, người chủ không được quyền sa thải họ nếu không có lý do chính đáng, như công ty bị… phá sản chẳng hạn).
*
Chúng tôi mua hai mươi bảy bộ cửa sổ, mỗi cửa gồm hai khung cửa lưới bên ngoài và hai khung cửa kính bên trong. Khi mua chúng tôi có thỏa thuận là khung kính cố định phía trên có một cái chốt nhỏ, rộng khoảng 1cm, dài khoảng 3cm, có thể bật ra bật vào để giữ khung kính dưới khi mở ra và khi đóng vào thì đẩy xuống. Nhưng cái chốt đó là chi tiết rất phụ, có cũng được mà không có cũng xong.
Khi mua về không ai để ý có cái chốt đó hay không. Đến khi thay xong toàn bộ hai mươi bảy bộ khung cửa sổ, sít sao vừa đẹp, mới phát hiện ra là thiếu cái chốt đó. Con tôi gọi đến cửa hàng, cũng định nói cho họ biết vậy thôi. Nhưng họ đã trả lời dứt khoát, không do dự:
- Chúng tôi rất xin lỗi. Bà vui lòng đợi khoảng năm ngày nữa, chúng tôi cho làm lại hai mươi bảy khung kính cửa sổ có cái chốt nhỏ góc khung để thay cho bà. Làm xong, chúng tôi xin chở đến ngay.
Y hẹn, đúng năm ngày sau họ chở hai mươi bảy bộ khung kính cửa sổ và một lần nữa rối rít xin lỗi. Dĩ nhiên chúng tôi không phải trả thêm một xu nào, kể cả công chuyên chở. Và…cả hai mươi bảy bộ khung cũ phải đóng vô hộp để… dành dưới tầng hầm!
Bài học thật rõ ràng: Thay vì có thể đền bù vài trăm đô, họ đã sẵn sàng mất đến năm, bảy ngàn đô để giữ uy tín của thương hiệu.
Lúc đó tôi sực nhớ lại một chuyện cũ ở quê nhà. Đó là ngày tôi về kỵ mạ tôi dưới nhà cậu em. Khi đến cầu An Cựu thì trời đổ mưa, tôi đành dạt xe vô một quán bên đường để mua cái áo mưa tiện lợi. Vừa tính xỏ tay vô thì tôi thấy cái áo mưa đã rách một miếng lớn nơi nách phải. Tôi nói cô bán hàng đổi cho tôi cái áo khác thì bị cô xổ cho một tràng:
- Rách là do chị làm rách, đổi lại để ma nó mua cái áo này à!
Tôi đắng họng. Không tiếc vài ngàn bạc mua lại cái áo mới mà ngán ngẩm cho cách bán mua chỉ biết lừa lọc, coi chữ tín không có gram nào cả của không ít dân buôn bán ở xứ mình.
Lại nói chuyện mua bán. Lần đó tôi tới siêu thị BJ’s. Siêu thi rất lớn. Hàng hóa chất trên những tủ hàng cao cả chục mét liên tiếp nhau. Những nhà đông người thường mua hàng ở đây, vừa rẻ vừa tiện. Khách hàng mua xong tự trả tiền và lấy hóa đơn nơi máy tính (thỉnh thoảng cũng có người giúp mấy ông bà già). Khách thường mua hàng trăm thứ hàng, chất đầy một xe. Khi ra cửa có một người cầm hóa đơn, liếc qua hàng hóa rồi bấm lỗ. Bữa đó chúng tôi mua ít hàng thôi. Chỉ một hộp tả cho cháu, mấy nải chuối, lọ ô liu và bánh mỳ. Khi qua cửa có ngườiMỹ da đen cầm hóa đơn, bấm lỗ xong người đó bật hỏi:
- Còn gì nữa không?
Hỏi thế chứng tỏ người đó không tin mình. Con tôi bực quá, “thằng này láo», liền gọi điện cho người phụ trách. Trả lời là một bà trung niên. Bà xin lỗi rối rít và hứa sẽ phê bình người Mỹ da đen kia. Mấy ngày sau, trong thùng thư nhà tôi có lá thư xin lỗi của BJ’s và một cái sec tặng mười lăm đô kèm theo!
Nhiều siêu thị ở đây có kiểu làm vừa lòng khách rất hay: nếu nhân viên thu nhầm tiền của khách hàng mà bị khách hàng hỏi lại thì họ sửa sai bằng cách: Không thu tiền món hàng đó nữa. Có siêu thị còn quy định nếu thu nhầm tiền (cho dù chỉ nhầm mấy xu) thì khách hàng được tặng năm đô.
Ở đây một món hàng đã mua (có khi đã mua hàng tháng) mà vì một lý do nào đó mà muốn trả lại cứ trả. Cửa hàng luôn vui vẻ nhận hàng trả lại, cho dù chỉ mấy chục xu cho đến hàng ngàn đô như máy ảnh, máy tính, TV. Khi nhận hàng trả, nhân viên cửa hàng không bao giờ mở ra xem xét mà chỉ làm thủ tục trả tiền qua một tấm thẻ để mình dùng tấm thể ngang giá đó mua hàng. Thậm chí có thể trả tại cửa hàng thuận tiện cho mình chứ không nhất thiết phải đúng cửa hàng mình đã mua, miễn sao cửa hàng này có loại hàng mà mình muốn trả.
Một lần, chúng tôi nhận được một bức thư xin lỗi rất lạ: “Chúng tôi vô cùng xin lỗi đã không làm hài lòng quý khách hàng vì cái tủ bán giải khát tự động trục trặc kỹ thuật đột xuất. Chúng tôi đã cho người đến chữa lại. Mong quý khách vẫn luôn là khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi vô cùng cảm ơn.”
Trên bức thư xin lỗi có kèm theo hai tờ năm mươi xu được dán bởi một băng keo trong. Chúng tôi sực nhớ mấy hôm trước đi công viên, chúng tôi có bỏ xu để mua hai lon nước ngọt nhưng lon nước không tòi ra mà xu cũng đi đường xu. Chúng tôi bực quá, có điện cho công ty giải khát đó. Và họ đã phúc đáp như vậy. Dù chỉ năm mươi xu, họ vẫn viết thư xin lỗi và trả lại khách hàng. Còn ở ta, “thượng đế” là khách hàng luôn bị đánh lừa. Đánh lừa đủ kiểu, càng nhiều càng tốt!