Nhìn ra thế giới
Dành cho Tachiana Victorovna Moltran
10:08 | 18/11/2011
TRẦN KIỀU VÂN Năm 1990, dịp lễ Phục Sinh, cô dẫn chúng tôi đến nghĩa trang thành phố Voronez. Một là để tham quan thêm một nơi rất đẹp và có nhiều ý nghĩa đối với thành phố, hai là để viếng một người Việt Nam nằm tại đây.
Dành cho Tachiana Victorovna Moltran
Thành phố Voronez - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Gần hai mươi năm rồi, bây giờ tôi không còn nhớ tên anh ấy, chỉ biết rằng anh tự tử, nhảy từ trên mấy tầng nhà cao xuống. Một người cô đơn, mồ côi cha mẹ, đến một thành phố quá xa quê hương, và không có ngày trở về. Năm anh mất thì tôi mới chào đời chưa lâu, nhưng khi đến thăm anh thì anh vẫn còn ở tuổi trẻ như chúng tôi vào cái buổi sáng mùa xuân mới đó. Mộ của anh giản dị hơn mộ nhiều người. Nhưng có vẻ vẫn được chăm sóc. Ở các thành phố nước Nga có rất nhiều những cụ già nhân hậu, họ thường đến nghĩa trang thăm người thân, ngồi lại ở đó rất lâu, và cũng quan tâm đến những ngôi mộ khác, có lẽ ngôi mộ của anh được những người phụ nữ hiền hậu đó chăm nom nên không có vẻ gì là tiêu điều, ảm đạm. Bấy giờ các dịch vụ của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, nhất là ở Voronez hầu như chưa có gì, nên chúng tôi không có hương để thắp cho anh. Thấy có gì đó thiêu thiếu. Nhưng nghĩ lại, nếu thắp một nén hương ở một nơi không khí yên bình, trong lành đến thắt cả lòng thế này cũng có gì đó không hợp lý. Xung quanh ngôi mộ, cũng như các ngôi mộ khác, có rào bao quanh, giống như một ngôi nhà nhỏ, có cổng vào, có hàng ghế để ngồi xuống, để cảm thấy hòa vào thế giới của những người đã khuất. Chúng tôi ngồi im lặng, nghĩ đến anh với một cảm giác mơ hồ, vừa gần gũi, bởi vì anh là một sinh viên trường Tổng hợp, và bởi vì anh là người Việt Nam, và lại vừa lạ lùng, xa xôi, bởi chúng tôi không biết anh.

Ngày hôm đó cô giáo mang theo những quả trứng nhuộm màu, và cả những quả trứng vẽ hoa văn để đặt lên mộ cho anh. Sau đó chúng tôi đi quanh thăm nghĩa trang. Có những ngôi mộ đẹp tuyệt, với những vành hoa tang kết bằng cườm và các loại hoa nhựa hay nilông gì đó tôi không nhớ rõ. Có những ngôi mộ có thơ đề tặng. Một người con gái rất đẹp chết vì bị xe tải đè có nhiều hoa và những câu thơ rất hay, rất xúc động, nhưng giờ thì tôi không nhớ. Chúng tôi dừng lại ở đó rất lâu. Có cảm giác bâng khuâng như hơi thở nhẹ đẹp đẽ của cô ấy còn đâu đó trong không khí ở xung quanh. Đúng là một thế giới, một không gian của Bunin, cực kỳ Bunin. Đã có lúc tôi từng nghĩ nên đến những nghĩa trang Nga để chép những bài thơ ở đó. Không hiểu khi đem những câu thơ ấy ra khỏi không gian của nó, khỏi những linh hồn chủ nhân của nó thì có còn gây xúc động mãi hay không nhỉ? Tôi không biết, bởi vì chưa thực hiện được điều nghĩ ngợi vu vơ trong chốc lát nào đó.

Sáng nay cô bạn khóa dưới gửi cho ảnh táo Antonov, nhắc chuyện cũ thời ở Voronez. Tôi hỏi em ấy có biết tin gì về cô giáo ngày xưa không. Thì ra cô đã mất từ lâu rồi. Cả ngày ám ảnh với khuôn mặt đẹp của cô, ánh mắt rất điềm tĩnh và hiền dịu, có những ánh tươi sáng khi cô cười. Gần hai mươi năm nay đôi lúc tôi lại nhớ đến cô, nhớ những khi cô nghiêng đầu chờ đợi chúng tôi làm một điều gì đó theo yêu cầu của cô, và những khi cô lắng nghe chúng tôi ậm ọe nói những câu tiếng Nga trúc trắc một cách khó khăn. Một đôi năm sau khi tôi đi khỏi thành phố Voronez, tôi nghe nói cô già đi, vì vất vả hơn. Nước Nga có nhiều thay đổi. Cuộc sống có nhiều phồn hoa hơn, nhưng cái yên bình của đời sống bao cấp không còn cũng khiến nhiều người mưu sinh khó nhọc. Tôi thấy buồn buồn trong lòng, mặc dù không tưởng tượng nổi gương mặt thư thái, xinh đẹp, hiền hòa của cô biến đổi, đôi mắt có chiều sâu của tâm hồn và vẻ đẹp của không gian rộng lớn nước Nga ấy lại mất đi nét mênh mang, xa xăm, dìu dịu, và đanh lại ở những toan tính cuộc đời. Không bao giờ lại gắn được hình ảnh của cô với một bà già gần 70 tuổi, mà tôi cứ nghĩ bây giờ cô chắc phải là thế.

Tôi nhớ đến những ngày mùa đông, cô đến lớp, da trắng sáng, mắt sáng dịu, trông cô thật trong lành, thật là nữ tính. Cô giảng bài, nói một thứ tiếng Nga mềm mại, và cười rất hiền. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt nạt cô. Chúng tôi biểu tình không học, đòi đi xem phim, mặc dù bộ phim đó cả lớp đã xem hết rồi, chúng tôi vác hết sách vở lên chất một đống trước mặt cô và kêu ầm lên là chúng em không muốn học, không thể học được nếu không được đi xem phim, nói chung là hơi dở dói và làm nũng. Cô lại nghiêng đầu cười bất lực, và đứng lên, nhẹ nhõm, dắt một đàn ra rạp chiếu phim. Đến khi thấy cả lớp đều đã xem bộ phim đó rồi, cô lại lắc đầu cười. Tôi chưa thấy cô giận dữ bao giờ. Khi nào chúng tôi sai, cô thường lắc đầu vẻ đáng tiếc. Vậy thôi.

Có lần vào ngày hội gì đó của khoa, cô bật nhạc và kéo cả lớp đứng lên nắm tay nhau nhảy, cứ thế nhún nhảy, không phải là khiêu vũ gì vì chúng tôi có biết khiêu vũ đâu, chạy ra dãy hành lang rất dài của khoa dự bị. Ở đó học sinh các lớp khác, cũng toàn người nước ngoài đang nhảy nhót vui vẻ. Nhìn cô giáo của chúng tôi trẻ trung, nhanh nhẹn và thật là thanh thoát. Các cô giáo người Nga trong khoa kể rằng chồng cô yêu cô vô cùng. Có lần sang Đức, mọi người chỉ một người phụ nữ đẹp, trầm trồ, chú ấy quay mặt đi và phẩy tay bảo Tachiana đẹp hơn nhiều. Chồng cô cũng là một người Nga điềm tĩnh, có khuôn mặt đôn hậu. Lấy một người chồng như thế cũng là hạnh phúc. Còn một người phụ nữ như cô thì khó có thể không yêu mãi, vừa đẹp, vừa hiền hậu, dịu dàng, lãng mạn một cách tinh tế... và đảm đang. Chúng tôi đã được nếm khá nhiều món bánh truyền thống của Nga do tay cô làm.

Ngày hôm nay nhắc đến cô, biết cô không còn nữa, tôi cứ nhớ đến buổi viếng nghĩa trang cùng cô vào dạo lễ Phục Sinh đó. Nghĩa trang ngày Phục Sinh khá đông người, đẹp như một khu vườn, bầu không khí vừa có chút gì huyền bí, thiêng liêng vừa ấm áp vui tươi. Giờ này có lẽ cô đang nằm ở đó, một nơi gợi lên một chút gì giống tâm hồn của cô, vẻ đẹp của cô. Có lẽ tôi khó có khi nào đến thăm cô được, nhưng tôi có cảm tưởng mình đang hình dung đúng về nơi cô yên nghỉ, một nơi bình lặng, trong trẻo, ở đó đất giữ thân thể cô, còn không khí giữ linh hồn cô, có lẽ cô phải hóa thành thiên thần thì mới là hợp lý nhất.

T.K.V

(273/11-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng
Đại Lý hành (26/02/2010)