Nhìn ra thế giới
Lang thang trên quê hương thần thoại
14:24 | 14/01/2012

NGUYỄN VĂN DŨNG

Hy Lạp là nơi tổ chức Thế Vận hội Olympic đầu tiên - năm 776 tr.CN thì ai cũng biết, nhưng Hy Lạp còn là nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nhân loại thì, việc này chắc không phải ai cũng hay. Có điều, vì cuộc thi người đẹp ấy bắt nguồn từ động cơ xấu xa, nên đã dẫn đến kết cục cực kỳ bi thảm.

Lang thang trên quê hương thần thoại
Hy Lạp - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte mso 9] [endif][if !mso] [endif][if gte="" mso="" [endif]

Chuyện kể rằng: Ngày cưới của nữ thần biển Thetis, tất cả các thần trên núi Olympie đều được mời, trừ nữ thần bất hòa Eris. Nữ thần Eris giận lắm, bèn quyết tâm trả thù. Nàng lén để trên bàn tiệc một quả táo vàng có dòng chữ “Tặng cho ai đẹp nhất”. Thế là các nữ thần nhao nhao đòi nhận quả táo về phần mình - mà thượng đế sinh chi cánh đàn bà thiệt lạ, chẳng ai chịu thừa nhận có ai đó đẹp hơn mình… Thế là cánh nam thần phải ra tay phân xử. Tuy vất vả, nhưng cuối cùng cũng chọn được ba vị nữ thần xinh đẹp nhất vào vòng chung kết - nói cho cam quả, ngoài đẹp nhất họ còn là ba nữ thần quyền thế nhất: Một là Hera, vợ thần Zeus. Hai là Athena, nữ thần trí tuệ và chiến thắng. Và ba là Aphrodite, nữ thần sắc đẹp và tình yêu. Đến đây thì chẳng vị thần nào dám có ý kiến. Ba vị nữ thần đòi thần Zeus quyết định. Thần Zeus, vua của các thần, thật là khó xử hết sức. Chọn Hera thì nhất định không rồi, cũng như ai thôi - “cô nào cũng đẹp cả trừ vợ mình”. Chọn Aphrodite, không khéo làm nữ thần Athena nổi giận phóng cho một mũi giáo vốn là thứ vũ khí nàng luôn kè kè bên tay. Còn nếu chọn Athena thì, có mà nát xương với mụ vợ Hera. Thần Zeus khôn ngoan bèn dùng kế chạy đạn - sai nữ thần Hermex đưa ba người đẹp đến nhờ Paris phân xử.

Paris là hoàng tử con vua Priam trị vì đô thành Troy, gặp cơn bĩ cực, phải lưu lạc nơi núi rừng hoang dã. Ngày nọ, không biết từ đâu ba người đẹp rẽ mây lướt tới. Khi biết được mục đích của cuộc gặp gỡ, chàng hoảng hồn. Chao ôi, cả ba người đẹp đều quá đẹp, đẹp đến chết người, làm sao có thể nói ai đẹp hơn ai. Thấy chàng tần ngần, nữ thần Hera gạ gẫm: nếu ngươi chấm hoa hậu cho ta để ta được quyền chiếm lĩnh quả táo nầy, thì ta sẽ cho ngươi thống trị cả xứ châu Á rộng lớn kia. Athena chẳng chịu thua: nếu ta được phong hoa hậu, ta sẽ làm cho ngươi trở thành kẻ chinh phục vĩ đại nhất, kẻ toàn thắng trong mọi cuộc chinh chiến. Còn Aphrodite thì cả quyết: ta mà giành chiến thắng, ta sẽ giúp ngươi chiếm trọn trái tim cô nàng Helene, một tuyệt thế giai nhân trên đời. Quả là quá khó... Nhưng cuối cùng Paris cũng phải quyết định. Chàng bèn hít một hơi thiệt sâu, gồng mình, trịnh trọng tuyên bố: Aphrodite! Rồi trao quả táo vàng cho nàng. Không biết chàng có biết làm thế là chàng chuốc lấy sự căm thù của Hera và Athena, và vô tình quyết định số phận thành Troy, quyết định cả sinh mệnh đời chàng.

Phần Aphrodite, sau khi Paris trở lại là hoàng tử lẫy lừng của đô thành Troy, nàng giữ lời hứa giúp chàng chiếm đoạt người đẹp Helene, vợ của vua Menelaus trị vì đô thành Sparte. Việc nầy đã là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh thành Troy. Cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm, để rồi bên bại trận thì nước mất nhà tan, thành xiêu mái đổ; bên thắng trận, một số chết dưới chân thành, một số chết chìm trên đường thắng trận trở về, số còn lại lênh đênh, phiêu bạt, đói khổ, thương tật, già nua, đến nỗi về đến nhà con không còn nhận ra cha, vợ không còn nhận ra chồng. Cho hay bản chất chiến tranh là thế, cho dù vì người đẹp, vì tôn giáo, sắc tộc, tài nguyên, lợi nhuận, hay gì gì đi nữa. Chiến tranh là... Thôi chuyện ấy không nói nữa.

Về cuộc thi hoa hậu đầu tiên của loài người, xin đừng ai thắc mắc rằng ấy là chuyện thật hay chuyện bịa. Bởi vì đó là Hy Lạp, xứ sở của thần và người lẫn lộn, hiện thực và thần thoại đan xen, giới hạn và vô cùng là một. Bằng chứng, mùa hè năm 2004, đội bóng của họ bỗng nhiên đăng quang ngôi vô địch châu Âu - thế có nghĩa là vô địch thế giới, rồi không lâu sau tổ chức Thế Vận hội Olympic 2004 tưng bừng không thua chi Olympic đầu tiên của nhân loại mà họ từng tổ chức cách nay gần ba ngàn năm. Đó không là thần thoại sao.

Ngay cả chuyện tôi sắp kể dưới đây, rõ ràng thật 100%, nhưng nếu ai đó ngờ rằng chỉ là chuyện giả tưởng thì cũng chẳng sao. Gia dĩ, điều này chắc bạn đồng ý với tôi, rằng muốn cho cuộc đời đáng yêu một chút thì không nên tin chuyện gì cũng đều thật cả.

Hy Lạp là đất nước ba bề biển cả, núi rừng bao bọc con người, còn các di sản thì vương vãi khắp nơi. Tôi hỏi Panos, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến con người Hy Lạp. Anh nói: “Lịch sử mang lại niềm tự hào, niềm tin và sức sống. Núi rừng mang lại sự trầm tư, minh triết, và tôi luyện nên những chiến binh giỏi. Nhưng biển cả mới là tâm hồn Hy Lạp”. Panos là sinh viên du học ở Pháp, mỗi năm chỉ được về Hy Lạp một tháng. Ngày nào anh cũng ra biển, ngâm mình trong biển, lùa cát biển vào ngực như ôm vào lòng vật yêu dấu nhất đời. Biển dạy cho người Hy Lạp biết ước mơ. Biển cũng mở ra những chân trời. Họ có thể sống không có núi nhưng không thể không có biển - trong thực tế, họ có cả hai. Người Hy Lạp tôn trọng thiên nhiên và luôn mở lòng ra tiếp nhận từ thiên nhiên năng lượng cần thiết. Đó là bài học lớn mà người Hy Lạp đã học được từ các bậc minh triết thuở xưa.

Có lẽ phải mất cả một đời mới đi hết Hy Lạp. Nay chỉ vỏn vẹn tám ngày ngắn ngủi, tôi chọn tour đi loanh quanh. Đáng ra cuộc hành trình bắt đầu từ Athene, qua kinh đào Corinthe, đi Ermioni, đến Epidaure, Mycenes, Nauplie, Mystra, Sparte, Olympie, Delphes, lên Les Meteores, và về lại Athene, nhưng vì nhằm vào ngày khai mạc Đại hội Olympic, nhiều nguyên thủ quốc gia đến dự, rồi tham quan nọ kia, nên lộ trình của chúng tôi phải thay đổi theo chiều ngược lại. Ngoài vợ chồng tôi, đoàn còn 28 du khách, đều là người Pháp. Họ dí dỏm, tinh tế, lịch thiệp, tốt bụng. Đi du lịch cùng với những người bạn đồng hành như thế thật là may mắn.

Ra khỏi Athene không lâu, xe chúng tôi băng qua thung lũng Marathon, địa danh ghi dấu trận đánh lịch sử mùa thu năm 490 tr.CN giữa chiến binh Hy Lạp với đội quân xâm lược Ba Tư. Tôi bắt gặp mình ngẩn ngơ tìm đâu đây anh chàng chiến binh Pheidippides chạy bộ suốt đoạn đường 42km từ Marathon về thành đô báo tin thắng trận.

Càng lên phía Bắc cảnh quan càng hùng vĩ, bên trái núi non trùng điệp, bên phải biển Aegean bát ngát vẫy chào, trước mặt ngọn Olympie ngạo nghễ cao ngút trời mây. Ngày nay không biết Zeus và quí chư thần có còn quần tụ trên ấy - uống rượu, đàn địch, ăn chơi, trai gái, rồi ghen tuông đánh nhau long trời lở đất, hay lại ham vui mà kéo hết về thành phố cả rồi.

Tại khách sạn Famissi dưới chân Meteores, tôi học được qua cô phục vụ bàn hai từ: epkharitto là cám ơn, oritte là xin vui lòng. Cô nói, chỉ cần chừng ấy thôi là đủ cho tôi lang thang trên khắp đất nước lộng lẫy của cô rồi. Cô ta xinh xắn và tao nhã làm sao. Trước đây tôi nghĩ ở Hy Lạp, chỉ những cô gái đồng trinh cầm đuốc trong các lễ hội thần linh mới đẹp, nay hóa ra đến cả mấy cô phục vụ bàn cũng đẹp. Thảo nào họ đều là hậu duệ của nữ thần Aphrodite.

Meteores là quần thể gồm vô số những khối đá sa thạch cao chót vót như những chiếc cột dựng giữa trời. Từ thế kỷ XV, người ta xây dựng ngay trên đỉnh cột những tu viện Byzantine bề thế và uy nghiêm. Cách lên xuống duy nhất với những tu viện này là với chiếc giỏ được kéo bằng hệ thống ròng rọc. Meteores là một kỳ quan lạ lùng, độc đáo chỉ có ở Hy Lạp - chắc là dấu vết từ một cuộc chơi cổ quái nào đó của các thần trên đỉnh Olympie.

Đoạn đường từ Meteores về Delphes phải vượt qua dãy Parnasse vô cùng hiểm trở nhưng lại tuyệt đẹp. Nằm trên triền dốc phía Tây Nam của ngọn Parnasse nhìn xuống vịnh Corinthe, Delphes là trung tâm chính trị và tôn giáo của Hy Lạp thời cực thịnh - thế kỷ thứ 6 tr.CN. Delphes là di sản văn hóa thế giới (1987), người Hy Lạp cổ đại coi nơi thiêng liêng này là “Lỗ rốn của trái đất”. Vô số những công trình đền, miếu, nhà hát, quảng trường, sân vận động... nay chỉ còn là phế tích quặn lòng khách lãng du, trong đó ngôi đền Apollo là rực rỡ hơn cả. Apollo là vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca... và tiên tri. Đền được xây dựng giữa thế kỷ thứ 5 tr.CN, tại đây cứ bốn năm một lần, Đại hội Thể thao Pythian toàn Hy Lạp được tổ chức trọng thể để tôn vinh thần Apollo. Trong các tác phẩm nghệ thuật, thần Apollo thường được miêu tả như là trang nam tử trẻ, đẹp, cùng với cây đàn lia hoặc cây cung, và vầng hào quang trên đầu. Thần Apollo cũng là một trong những chiến binh tích cực tham gia trận chiến thành Troy, chính thần là người mách cho Paris yếu điểm nơi gót chân Achilles, giúp chàng bắn mũi tên định mệnh kết liễu cuộc đời người anh hùng vĩ đại.

Trời xanh, biển xanh, núi xanh, bạt ngàn cánh đồng ô liu xanh, và những ngôi nhà trắng. Đó là nét đặc trưng của Hy Lạp - bức tranh chỉ hai màu chủ đạo: xanh và trắng, cũng như màu cờ trắng xanh của đất nước họ. Hoàng hôn rải lên vịnh Corinthe thứ ánh vàng mộng mị khiến bức tranh xanh trắng đẹp đến nao lòng. Đêm ở Delphes, trời đầy sao, gió thì thầm ngoài cửa, tôi cứ thao thức hoài về cái lý thường hằng của tạo vật. Khách du lịch hình như chỉ chiêm ngắm và thán phục tinh hoa của một nền văn minh mà chẳng mấy ai nhận ra lẽ vô thường của trần thế. Mà đó mới là giá trị vô song của các phế tích. Tưởng như nghe đâu đây giai điệu tiếng đàn lia thần Apollo muốn gửi cho nhân loại thế kỷ XXI lời tiên tri sắt đá của mình.

Sáng hôm sau chúng tôi chia tay Delphes. Trước đây từ Antirion sang Rion phải đi qua phà; dịp thế vận hội 2004, Hy Lạp cho khánh thành chiếc cầu Patra nối liền đôi bờ. Đó là chiếc cầu treo dài nhất, hiện đại nhất, và đẹp nhất châu Âu. Mãi xế chiều chúng tôi mới đến được nơi mọi người khát khao chờ đợi: thánh địa Olympia - Tây Bắc bán đảo Peloponnese. Đây là nơi năm 776 tr.CN từng diễn ra Thế Vận hội Olympic cổ đại đầu tiên, được tổ chức vào mùa hè, bốn năm một lần, tại khu vực quanh đền thờ thần Zeus. Đây là lễ hội lớn nhất của Hy Lạp cổ đại, tồn tại suốt hơn chín trăm năm, cho đến năm 393 sau CN thì bị hủy bỏ theo lệnh của hoàng đế La Mã Theodosius I. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, ý tưởng về một Thế Vận hội Olympic hiện đại mới được hồi sinh.

Ngày nay Olympia là một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng của Hy Lạp, nó thực sự là một bảo tàng cổ vật lưu giữ những công trình vĩ đại về tôn giáo, lịch sử, văn hóa, thể thao... Trong đó đền thờ thần Zeus là công trình vĩ đại và nổi tiếng nhất. Tại ngôi đền này, “Bức tượng thần Zeus” ngự trên ngai vàng lộng lẫy - kiệt tác của nghệ sĩ thiên tài Phidias, được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Đó là pho tượng được làm bằng ngà voi dát vàng cao 12 mét, bệ tượng bằng đá cẩm thạch cao 1 mét, đầu tượng quấn vòng hoa kết bằng cành ô liu, tay phải cầm tượng thần chiến thắng, tay trái cầm vương trượng thể hiện quyền lực tối cao của vị chúa tể. Toàn bộ bức tượng toát lên vẻ uy nghiêm thần thánh khiến bất cứ ai đứng trước nó cũng phải kính cẩn nghiêng mình.

Người Hy Lạp đặc biệt sùng bái thần Zeus, vị vua toàn năng của các thần. Tuy thế trong cuộc sống đời thường, thần Zeus cũng mắc lắm tật xấu không khác chi người phàm. Ví dụ, cũng nhỏ nhen, độc ác. Dịp lễ cưới của Zeus và Hera, tiên nữ Chelone từ chối tham dự, thế là Zeus trả thù bằng cách bắt tiên nữ này phải câm lặng vĩnh viễn. Riêng về chuyện trai gái thì hết chỗ nói - từ các nữ chư thần đến giai nhân trần thế, Zeus đều không chừa một ai. Chỉ tội cho mụ vợ Zeus - nữ thần Hera, vì cái thói trăng hoa điên đảo của chồng mà suốt ngày ghen tuông và cãi cọ.

Buổi chiều, dạo một vòng thăm Olympia. Người Hy Lạp, họ có thể là một tay hàng xóm xấu bụng nhưng với người nước ngoài thì lại vô cùng niềm nở và hiếu khách. Những ai đến Hy Lạp đều được trân trọng gọi chung một từ: senos, nghĩa là “khách mời”. Người Hy Lạp cũng còn rất khéo tay. Các cửa hàng mỹ nghệ bày bán những sản phẩm lưu niệm cực kỳ tinh xảo và đẹp. Có một thứ sản phẩm xem ra mọi người đều vừa tò mò vừa thích thú, đó là hình tượng mấy cục nợ đời. Tôi được biết có nhiều dân tộc thờ cúng nó như một thứ vật tổ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng thứ totem này qua dạng hình nghệ thuật. Không biết các nghệ nhân có cố ý cường điệu lên không mà sao trông nó oai vang quá - vừa to, vừa dài, lại vừa toát ra cái vẻ hung hãn của kẻ suốt đời đi chinh phục. Nó, khi thì lẫm liệt trong tư thế xông pha trận mạc; khi thì “độc trụ nghinh phong”, trông ngạo nghễ như đang lên giọng, rằng cái trần gian này vốn chỉ là tài sản cỏn con của ta đấy thôi... Nhưng nói chung, chúng đều trẻ trung, khí thế và hấp dẫn. Tôi phải thừa nhận rằng quả có nhiều tư thế quá lạ và đẹp. Vân vũ mà đến thế thì có khác chi vẽ vời nghệ thuật. Cũng như người Nhật nâng phép uống trà lên thành trà đạo, người Hy Lạp đã nâng sex lên hàng sex đạo. Với họ, tình dục là đỉnh cao của nghệ thuật sống, nó giúp con người gần với thượng đế, trở thành bất tử. Chẳng thế mà người Hy Lạp còn khổ công đúc kết thành bí kíp, kỳ thư, mô hình... lưu trữ trong các Thư viện và Viện Bảo tàng quốc gia. Về mặt này, xem ra Hy Lạp cũng là bậc thầy của Tây phương, không chừng còn là bậc thầy của cả nhân loại.

Đêm đến, chúng tôi được tham gia một buổi giao lưu văn nghệ và nhảy múa. Qua sách vở, tôi được biết người Hy Lạp thích suy tư, thích tranh luận, thích chinh phục; nay có dịp cùng sinh hoạt, cùng thưởng thức các thể loại âm nhạc và vũ điệu đặc trưng của Hy Lạp, tôi biết thêm họ còn là những con người yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống, sôi nổi, vui nhộn. Thế đấy, Hy Lạp là đất nước có lịch sử già nhất châu Âu, nhưng họ không để quá khứ níu chân, không bị tương lai xô đẩy; họ: trẻ trung, và tràn đầy hạnh phúc. Alexis Zorba - với nhân sinh quan lạ lùng, quyến rũ; với vũ điệu Zorba rộn ràng, mê đắm; với đặc sản bia Zorbas nồng nàn, mời gọi. Có lẽ anh ta là hình tượng tiêu biểu nhất cho mẫu người Hy Lạp thời hiện đại.


Chưa hết bịn rịn chia tay Olympia, chúng tôi lại sững sờ trước Mystra - kinh đô của hai điều đại Byzantine. Trên đỉnh Mystra và dọc theo triền núi là cung điện và vô số những đền, miếu, nhà thờ lạ lùng, độc đáo... hầu hết được xây bằng gạch nung. Cây Ô liu, biểu tượng của hòa bình, trí tuệ, tự do và phồn vinh, là quà tặng của nữ thần Athena dành cho thành bang Athene, nay trở thành tài sản chung của đất nước Hy Lạp. Tại các kỳ Thế Vận hội Olympic, những người thắng cuộc được đội lên đầu vòng hoa kết bằng cành ô liu... Thử vói ngắt một cành ô liu làm vòng hoa đội lên đầu xem cái cảm giác hạnh phúc của kẻ chiến thắng gần ba ngàn năm trước - lòng dạt dào hạnh phúc. Cái cảm giác ấy du khách chỉ tìm thấy ở Hy Lạp.

Chúng tôi nghỉ chân và ăn trưa ở thành phố Sparte. Trong quá khứ, đây là thành bang hoàn toàn đối nghịch với Athene. Trong khi Athene là biểu tượng của trí tuệ và tự do, thì Sparte là biểu tượng của sức mạnh và chiến trận. Đã một thời Sparte được tổ chức như một trại lính. Từ đây sản sinh ra những đội quân hùng mạnh, bách chiến bách thắng trong các cuộc chinh phạt. Nhưng rồi, có bao nhiêu lần xua quân xâm lược người ta thì cũng có bấy nhiêu lần bị người ta đánh chiếm, hủy diệt. Vì thế mà, lịch sử không còn lại bao lăm dấu vết. Cuộc chiến thành Troy diễn ra khoảng năm 1.184 tr.CN... cơ chi còn lại chút tàn tích dinh thự vua Menelaus, nơi đôi trai tài gái sắc Helene - Paris lần đầu gặp nhau; cơ chi còn lại cổng thành nơi Helene khước từ cung vàng điện ngọc trốn theo tiếng gọi con tim. Té ra tình yêu thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nó mạnh hơn cả quyền uy, mạnh hơn cả cái chết.


Giã từ Sparte một thời lừng lẫy, chúng tôi thăm kinh thành Mycenes của đức vua Agamemnon, vị lãnh tụ tối cao của đội quân giành thắng lợi trong cuộc chiến thành Troy. Đó là một ngọn đồi cao 278m, được bao bọc bởi một vòng thành bằng đá dày 8m; cổng thành được làm bằng bốn phiến đá nguyên khối, bên trên cửa thành có hình hai con sư tử đứng chầu. Hơn ba ngàn năm lịch sử đi qua cổng thành này, vậy mà đá chỉ lặng thinh. Thế nhé, đừng nói gì cả, hãy để cho lịch sử mãi hoài lung linh, mời gọi.

Trên một ngọn đồi thấp hơn không xa hoàng thành là khu mộ tholos, hình nón, gồm 33 vòng đá xếp chồng lên nhau. Người ta nói đây là nơi an nghỉ cuối cùng của vua Agamemnon. Đức vua là một trong số ít ỏi những người còn sống sót trở về sau cuộc chiến thành Troy. Trớ trêu thay, giữa trận tiền, dưới hòn tên mũi đạn ngài không chết vậy mà về đến nhà lại phải chết dưới tay mụ đàn bà vợ mình - chỉ vì hoàng hậu lỡ đem lòng yêu thương người khác. Nếu Agamemnon sớm biết tình yêu nó mạnh đến thế chắc ông ta đã không dại gì điều luôn cả một đạo quân để đi truy diệt tình yêu. Nhìn xuyên qua chóp lăng, một khoảng trời trong xanh vời vợi. Đã hơn ba ngàn năm, không biết liệu Agamemnon có tìm lại được cho mình niềm thanh thản và bao dung.

Thơ và kịch là thứ ngôn ngữ nghệ thuật đỉnh cao. Chỉ những tâm hồn lớn mới bắt được thơ, và chỉ những tầng văn hóa bậc cao mới biết thưởng thức kịch. Trên quê hương thần thoại, đâu đâu cũng có nhà hát kịch. Chúng tôi may mắn được tham quan một trong những nhà hát lớn nhất Hy Lạp thời cổ đại - nhà hát Epidaure.

Tựa lưng vào triền đồi, Epidaure là nhà hát lộ thiên, hình bán nguyệt(dạng hình nón đặt ngược), đường kính 119m, 55 bậc cấp, chứa 14.000 khán giả. Tâm của nhà hát là khoảng sân vòng tròn đường kính 20m làm sân khấu cho diễn viên kịch và các nghệ sĩ trong dàn đồng ca. Epidaure là kiệt tác vĩ đại của kiến trúc sư Polykleitos, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 tr.CN; là một trong ít công trình còn lại khá nguyên vẹn. Một vấn đề hóc búa khiến các nhà nghiên cứu điên đầu: Hồi ấy chưa có hệ thống khuyếch đại âm thanh, vậy làm thế nào để khán giả khắp nơi trong hội trường rộng mênh mông ấy có thể nghe được lời thoại của các diễn viên kịch? Tôi nhờ nhà tôi kiểm chứng giùm. Đứng ngay giữa trung tâm sân khấu, tôi tưởng tượng mình là một diễn viên thượng thặng của đoàn kịch gần hai ngàn năm trăm năm trước, hít một hơi thật sâu, vận dụng nội lực, thoại lớn: Oh! Jupiter!... Oh! Jupiter! Xong, chạy một mạch lên hỏi nhà tôi có nghe gì không. Từ hàng ghế thứ 49, nhà tôi khẳng định “Không nghe gì hết”. Sau này xem lại mấy tấm hình, nhà tôi không nghe đã đành còn tôi thì thấy mình chỉ bé như hạt đậu. Hỡi các nhà nghiên cứu, sẽ không bao giờ tìm ra đâu, nhưng hãy cứ tiếp tục tìm đi nhé; bởi làm gì có chân lý hiển nhiên, chân lý là cái ta đang tìm.

Để bù cho những ngày dài đắm chìm trong quá khứ, đêm cuối đoàn chúng tôi dừng chân ở thành phố Nauplie - kinh đô cũ của Hy Lạp một thời. Đây là thành phố du lịch biển nổi tiếng của Hy Lạp. Biển Nauplie thật lạ, không có cát mà chỉ sỏi; viên lớn nhất như trứng gà, viên nhỏ nhất như đầu đũa, nhưng viên nào cũng tự trang điểm cho mình sắc màu riêng, để rồi cùng dậy lên dưới ánh mặt trời. Buổi chiều du khách tràn ra bãi biển ngắm hoàng hôn, còn buổi sáng thì vắng hoe. Người Tây phương mắc một sai lầm nghiêm trọng mà họ không biết, đó là thức quá khuya mà dậy quá muộn. Cho nên họ không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc chờ ngắm bình minh - nhất là bình minh trên biển. Bình minh Nauplie, một mình lang thang trên bãi biển xa lạ, bỗng quay quắt nhớ biển quê nhà. Rồi cao hứng tắm chơi... Hít một hơi thật dài, lặn xuống thật sâu, để cho khí lực của biển cả ngấm từ từ vào da thịt. Một cảm giác hạnh phúc và an lạc mênh mông. A! Như tình yêu bao giờ cũng thơm, biển ở đâu cũng mặn.

Chúng tôi có những hai ngày để long nhong khắp phố phường thủ đô Athene. Đang là dịp diễn ra Olympic 2004 nên thành phố lộng lẫy như một ngày hội. Nền văn minh Hy Lạp được hình thành khoảng ba ngàn năm tr.CN. Hy Lạp nói chung và Athene nói riêng là cội nguồn của văn minh Tây phương, là cái nôi của nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, hội họa, triết học, y học, toán học, văn học, thi ca, kịch nghệ, thể thao, thể chế dân chủ... Không nghi ngờ gì nữa, cả nhân loại này đều là con nợ của Hy Lạp.

Trên thành phố mang tên nữ thần Athena, đi đâu cũng gặp lịch sử. Quá khứ được trân trọng và giữ gìn. Rất dễ nhận ra điều này khi từ trên đồi Acropole nhìn toàn cảnh thành phố, không một tòa nhà cao tầng nào được ngóc đầu, không một công trình hợm hĩnh nào dám ngo ngoe.

Về phía Tây Athene, Acropole là quần thể kiến trúc đẹp đẽ, huy hoàng, tráng lệ nhất mà con người từng sáng tạo nên. Từ bất cứ nơi đâu trong thành phố bạn cũng có thể chiêm ngắm công trình nghệ thuật có một không hai này. Nó vẫn tồn tại thế từ 2.500 năm nay như để ấn chứng cho vinh quang của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, đồng thời để nói với chúng ta, rằng chẳng có gì trường cửu trong cõi thế phù du nầy, dù cho nhân loại không phải ai cũng có huệ nhãn để nhận ra điều ấy.

Nghe đâu người ta sẽ cho trùng tu ngôi đền Parthenon huyền thoại trên đồi Acropole. Tôi không tin. Là bậc thầy của văn minh Tây phương, người Hy Lạp không dại gì đi làm mới một công trình lịch sử lấm bụi thời gian.

Tám ngày lang thang trên quê hương thần thoại, tôi như bị đong đưa giữa hai đầu quá khứ và hiện tại; giữa có và không, giữa còn và mất. Nhiều khi thấy mình nghêu ngao hát Trịnh Công Sơn. Không hiểu vì sao. Mãi sau này tôi mới hiểu vì sao. Âm nhạc Trịnh Công Sơn dù nói gì thì rốt lại cũng chỉ để nói một điều, “Ôi phù du. Từng tuổi xuân đã già... Đời người như gió qua”. Thế đấy, phàm “Sở hữu tướng giai thị hư vọng” - mọi sự chỉ là hư dối, phù du, mộng ảo, như bọt nước, như hơi sương, như điện chớp, chẳng có chi tồn tại vĩnh cửu... Đó cũng là cảm thức của tôi về bức tranh hoàng hôn trên đồi Acropole buổi chiều cuối cùng trước khi chia tay kinh đô huyền thoại này.

N.V.D

(SH275/1-12)










 

![endif][if
Các bài mới
Các bài đã đăng
Cõi người ta (22/12/2011)