Đàn voi biết ơn được viết dựa theo một câu chuyện có thật. Khi nhà bảo vệ thú rừng nổi tiếng Lawrence Antony (1950 - 2012), tác giả của cuốn sách bestseller The Elephant Whisperer, từ trần ngày 7 tháng 3 năm 2012, 2 ngày sau, gia đình ông ngạc nhiên chứng kiến cảnh nhiều voi được dẫn đầu bởi hai voi mẹ, nối đuôi nhau đi hàng dặm đến viếng tang trước nhà ông. Chúng lưu lại trước nhà như để tang, hai ngày không ăn uống rồi im lặng ra đi. Cả thế giới kinh ngạc trước trực giác tâm linh cũng như bản tính trung thành của loài voi.
Theo truyền thuyết voi tượng trưng cho sự cao quý và thịnh vượng của mùa xuân, của tin mừng đản sanh như cơn mộng của hoàng hậu Maya thấy voi trắng sáu ngà trước khi hạ sinh Đức Phật. Câu chuyện thật cho thấy một trong những đức tín cao đẹp là nhớ ơn người vun trồng sự sống, đức tính bẩm sinh của loài voi, như một điều kiện sinh tồn.
Đàn voi biết ơn được viết trong lúc chờ đợi sự ra đời của đứa cháu, thân tặng các bạn trẻ.
Thái Kim Lan
THÁI KIM LAN
Đàn voi biết ơn
A Nan choàng dậy từ một giấc mơ lạ lùng, thấy chân mình hỏng đất như có ai nâng lên rồi thả xuống bất ngờ, A Phi hoảng hốt đạp bốn chân loạn xạ, để đừng rơi, vừa may như có bàn tay nào đó kịp đỡ lấy tấm thân khổng lồ rồi đặt xuống nhẹ nhàng cùng với tiếng cười khà khà.
A Nan nghe tim hồi hộp, xao xuyến, linh tính có điều gì khác lạ xảy ra. Đưa cái vòi dài ngoằng ra khỏi ổ cỏ ấm, A Nan, voi đầu đàn xứ Sa Na Nam Phi, đứng lên, chậm rãi đi vào trong sương mù, mắt nhắm, theo trực giác của bốn chân chắc nịch, theo hương thơm của cây lá dẫn đường.
Rừng Sa Na chìm trong sương mai, hơi lạnh còn ôm đồi núi chập chùng, chưa để mặt trời ló dạng. Hoa lá cỏ cây im lìm mê ngủ.
Khi mở mắt ra A Nan thấy mình đang đứng trong vùng mía lau rậm rạp. Bỗng dưng nước mắt ràn rụa, A Nan khóc. Có điều gì đây, sao bỗng dưng chân ta bước đến đây, và nước mắt ta chảy?
A Nan hít một hơi, phóng vòi lên không, rồi kinh ngạc hạ vòi, hắc hơi. Hương mía lau quen thuộc hôm nay phảng phất mùi úa tàn, tựa mùi lá chết. A Nan nhìn quanh, quả nhiên cánh đồng lau hôm nay như đang gục đầu, màu lá vàng tả tơi, xơ xác chứ không tươi mát như mọi ngày. Không gian u tịch bỗng run rẩy trong khí lạnh từ xa đưa tới. Mây đen một dải vắt ngang trời, hắt một vài giọt mưa lạnh trên vành tai rộng như cánh quạt. A Nan lắng nghe… và nhớ…
Từ xa vọng về tiếng chuông ngân rền rĩ, A Nan nghe trong gió tiếng cười ấm áp rất quen thuộc đối với A Nan. Trong đời A Nan, chỉ có tiếng cười ấy đọng lại mãi trong trái tim vô ưu, hồn nhiên của mình. Mỗi khi nghe tiếng cười ấy, A Nan thấy mọi cơn giận biến mất, nghe mình tự tại trong thân xác, cảm thấy niềm vui và an bình hạnh phúc như khi ăn khúc mía lau ngọt bùi. Nhớ tiếng cười vang trong vành tai, lập tức A Nan thấy rõ khuôn mặt hiền hậu của vị ân nhân.
Tiếng cười và vị ngọt đã chữa lành vết thương chí tử của A Nan khi A Nan bị thương và chạy lạc vì đoàn người đi săn man rợ, hung hãn truy đuổi và đánh bắt đoàn voi. A Nan lúc ấy còn là cô voi mới lớn, đang mang em bé trong bụng, chạy trốn vào hốc đá và ngất xỉu, cho đến khi một nắm mía ngọt được đưa vào miệng. Mở hé đôi mắt, A Nan thấy hàm răng trắng đang phô lấp lánh trong nắng, và tiếng khà khà vui mừng từ một gương mặt trắng, nhiều râu, hơi giống bộ lạc Tều Ông trên đỉnh núi, nhưng sáng sủa và đẹp hơn.
A Nan ở lại khu rừng mía lau này và lập đàn, với sự giúp đỡ tận tình của An Tôn, vị cứu tinh. Đoàn voi gọi ông thuở thanh niên là chàng râu vàng, thân thiết. Râu Vàng đã tự tay trồng thêm mía trong rừng lau mỗi khi đến thăm A Nan cùng với đoàn voi, chăm sóc A Nan, đem thuốc men và vỗ về, cứu chữa cho từng con voi mỗi khi cần. Từ đó trong lòng A Nan, An Tôn và tiếng cười luôn luôn hiện diện, hơi thở của An Tôn dù xa xôi mấy A Nan cũng cảm nghe như cảm nghe chính sức sống của mình.
Hôm nay mía của An Tôn ủ rũ và A Nan nghe chất đắng trên lưỡi khi chạm vào. Trong gió A Phi ngửi và thấy thiếu hương thơm hơi thở mía lau của An Tôn, chỉ nghe hơi lạnh chuyền đi trên từng đám lau đến run mình.
Bỗng như chợt nhận ra tín hiệu, A Nan rống lên thảm thiết: “Bạn ta, người ân của ta hết thở rồi!” A Nan khịu chân, quỳ xuống, cong vòi khóc nức nở.
Có tiếng thở dài và một cái hôn vòi nhẹ trên đầu, Phi Phi đã lặng lẽ theo A Nan ngay từ lúc A Nan bước đi trong cơn mơ, đã đứng đó bên cạnh, bởi vì chính Phi Phi cũng như A Nan đã nghe tim mình nhắn nhủ rằng người bạn họ thương quý không còn nữa. Phi Phi làm sao quên được bàn tay hiền dịu của An Tôn ngày sinh bé Phi Anh. Chính bàn tay ấy đã đỡ Phi Anh và lau sạch vết thương bị chó sói vồ trước khi hạ sinh bé. Nếu không có ông, Phi Phi đã mất đứa con trên đường. Đêm hôm qua Phi Phi cũng nằm mơ mình đang rơi, đang rơi vào một nơi xa lạ, lạnh buốt bụng và chân.
A Nan và Phi Phi chụm đầu vào nhau, dìu nhau đi. Vòi chúng kéo lê lết trên đất, như tìm vết chân của An Tôn đã từng dẫm nơi chốn này, những hòn sỏi lăn theo nghe cũng như khóc, cả hai đến bên bệ đá ở bờ sông, nơi An Tôn thường ngồi nhìn đàn voi tắm nắng và cười sảng khoái những khi Phi Anh phun vòi nước vào ông đòi ông tắm cùng.
Họ đứng đó nhìn về phía mặt trời mọc, cung kính, lặng lẽ chịu đựng như từ bao giờ.
Khi đôi bạn trở về đàn, tiếng rầm rì thảng thốt tưởng như không dứt. Thì ra tin ngài Râu Vàng An Tôn không còn thở trên cõi thế, đàn voi đã truyền nhau, đúng hơn, đã cùng biết một lúc. Cả đoàn voi chụm vòi lại với nhau trong một cuộc hội đàm cảm thông, tiếng thút thít nhè nhẹ. An Đô, trưởng lão dòng Yô Gi, được An Tôn cứu sống trong trận địa chấn Nam Ấn, lên tiếng trước:
“Thế là chúng ta mất người anh cả thân yêu nhất, đã hơn một năm nay chúng ta không có dịp gặp nhau. Thế mà người đã ra đi”.
Vòi của An Đô lòng thòng nước mũi, đến thương. Ga Ga vợ của ông vội vàng đưa vòi lên hút rồi đấm vào lưng nhè nhẹ để bớt ho. Cả đoàn đứng tụm vào nhau, vòi đong đưa buồn bã. Hồi lâu A Nan lên tiếng:
“Ngày mai ta lên đường lúc canh ba, đến viếng gia đình An Tôn và làm lễ tiễn đưa người bạn thân yêu”.
A Lao, bác voi hiền nhất trong đám, chống gậy tiến lên, chân bác bị thương trong rừng rậm xứ Lào, khi dẫm phải một hầm chông. Thuở ấy bác là chú voi con kháu khỉnh nhất rừng sâu, bác bị chụp lưới siết chặt, May sao cứu tinh An Tôn xuất hiện, cùng với phái đoàn bảo vệ súc vật, và A Lao được khiêng về trạm xá cứu thương, sau đó được An Tôn dẫn theo cho đến Nam Phi. A Lao vốn ít nói nhưng khi lên tiếng thì rừng cây rung chuyển, làm cho chim chóc đều giật mình, bay loạn cả lên kháo nhau sắp có chuyện lớn:
“Đúng quá, tôi sẽ đi cùng với các con của tôi. Chúng tôi mang ơn An Tôn đã cứu mạng và đem lại tự do cho chúng tôi”.
“Bố ơi tự do là gì hở bố? A Lan vừa chúi đầu vào mẹ Ga Ga, ngước vòi hỏi.
“Ờ, tự do của voi là được ở trong rừng sâu, là không bị con người ác bắt về làm nô lệ, là… là khi đi, khi đứng đều là voi, ung dung như bố, tự tại như mẹ”.
A Lan hiểu ngay mẹ:
“Ông An Tôn là người tốt, vì ông cho voi nhà mình tự do bố hả?”
“Ừ đúng rồi, ông là con người thật tốt, ông là ân nhân cứu sống cả đoàn voi chúng ta”.
“Ông cho con cục đường và tiêm thuốc trừ bệnh cho con”. A Lan xinh xắn nhớ giỏi, không quên một điều gì khi nghe cha mẹ dạy bảo.
Nghe những lời ấy, cả đoàn voi dồn lại gần nhau hơn vì xúc động. Bấy giờ I Ri, chú voi của đoàn xiệc một thời nổi tiếng ở thành Bá Đa, đưa vòi chặm nước mắt chảy đầy cả mặt. Còn nhớ ngày ấy ông An Tôn cứu cả vườn bách thú ở thành Bá Đa, trong đó có bố mẹ I Ri, trước khi trận ném bom khủng khiếp nhất thế kỷ xảy ra. I Ri rất hay khóc mỗi khi có chuyện vui hay buồn, lắc lư vòi, I Ri nói:
“Ông An Tôn ơi, cháu nhớ ông, cháu thương ông”.
Cả đoàn voi, từ già đến bé đều nhớ bàn tay chăm sóc của An Tôn, từng xoa dịu vết đau trên thân thể, nhớ tiếng nói ôn hòa ngọt ngào làm cho voi an lành, yên ổn, từng đem vui đến với tiếng cười rộng lượng vang trong tai. Đoàn voi đứng như thế hàng giờ, cho đến khi mặt trời lên quá ngọn tre.
Thế rồi I Ri chợt nhớ ra một ý. Chú ngoắc Phi Anh và A Lan, dẫn hai đứa nhỏ ra bờ suối, vớt hoa tươi từ suối núi chảy về. I Ri nhớ lời An Tôn chỉ bảo không được đốn cây, bẻ cành, ngắt hoa, không phá phách rừng, để cây cỏ bình an, chỉ nên lượm hoa trên núi mỗi khi gió đùa. Những lúc ấy có vô số hoa, lượm mãi không hết.
Khi Tu Tu, chú thỏ láng giềng được mẹ cho chạy chơi sau buổi ăn sáng đến tìm Phi Anh và A Lan ở bờ suối, Tu Tu trố mắt trước vô số hoa rừng trên bãi cỏ; còn Phi Anh và A Lan thì đang dùng vòi tiếp tục vớt hoa đang trôi theo dòng, trông rất ngộ nghĩnh mà cũng rất tài tình như khi Tu Tu đi coi đàn xiệc Tều Ông. Hai chú voi con quăng vòi ra xa như khi người ta ném cần câu cá, hút hoa vào vòi rồi phun ra trên bãi cỏ. Phì phì, vù vù.
Tu Tu nhảy quanh và hỏi:
“Hai bạn ơi, vớt hoa làm gì nhiều thế?”
“Để làm vòng hoa bạn ạ”, A Lan dành trả lời.
“Tại sao làm vòng hoa, có đám cưới hả?”
Phi Anh nói:
“Không, để tặng!”
“Quà sinh nhật hả??”
“Không, kết hoa, vì ông An Tôn không còn nữa”.
“Ồ ông An Tôn, ông hay cho kẹo Tu Tu và cả củ cải ngọt, lại tiêm thuốc sốt cho em Tu Ti, vì sao ông không còn?
“Vì ông không thở nữa, đàn voi không nghe và không ngửi hơi thở của ông nữa”.
“Thế là sao, có phải ông chết không? Như con chồn hôm nọ bị cọp vồ, nó cũng không thở nữa, mẹ nói nó chết!”
“A Lan không biết đâu, em voi chỉ biết ông không thở và ông sẽ không đến thăm voi A Lan và Phi Anh nữa”.
“Khuya nay đoàn voi đi đến nhà ông An Tôn, Tu Tu đi không?” A Lan nhanh nhảu.
“Nhưng đoàn không cho ai xen vào…”. Phi Anh thật tình bảo.
Tu Tu toan nhảy đi thì chú I Ri đến bảo:
“Tu Tu qua bên bác Nhện Như Ý mua dây về kết hoa nhé, dây bác Nhện kéo rất bóng, kết hoa đẹp”.
Bác Nhện nổi tiếng xe dây chuối tước từ thân cây chuối, phơi khô, chuốt bóng, rồi cẩn thận lấy màn nhện xe lại bọc ngoài dây một lớp, còn đẹp hơn cả dây ni lông ở phố chợ. I Ri đã từng làm xiệc đu dây, nhưng chưa thấy có sợi dây nào đẹp bằng sợi dây của nhà Nhện Như Ý xứ Sa Na. Ngài An Tôn cũng đã từng khen ngợi loại dây này, hôm nay kết vòng hoa bằng dây này, chắc ông sẽ cười khà.
Tu Tu vui vẻ vâng lời, vì Tu Tu bụng bảo dạ là khuya nay sẽ theo đoàn voi, sẽ báo với Tễu Nhi, chú khỉ con cùng lứa, và cả Trảo Nhi, cô chim nhiều màu, đang lắng tai nghe cuộc đối thoại trên cành, sớm mai thức dậy đi theo…
Trăng còn chiếu xuyên ngọn tre khi đàn voi thức dậy lên đường. Mỗi voi đeo một vòng hoa mà I Ri đã cùng với các mẹ voi tự xâu lấy.
Trước khi đi, A Nan từ tốn căn dặn đàn voi, cuộc đàm thoại không bằng tiếng mà bằng vòi, mà thật ra A Nan cũng không cần căn dặn, vì voi nào cũng thương mến An Tôn. Voi đi vì thương, vì nhớ ơn nên bước chân đi.
A Phi đi đến từng voi một, thoa nhẹ vòi mình với vòi bạn thân thiết:
“Mình như thế nào thì đi đứng như thế ấy, không làm điệu bộ vẽ vời rắn rít nhé. Yên lặng, thương mến. Tưởng nhớ An Tôn là như thế, là VOI từ trong tim.
Những lời ấy mọi voi đều hiểu, thế nào là voi, thì voi là voi.
“Bố ơi, con đi như thế này được không bố”.
Bu Ti bé voi nhỏ nhất bước ra, hai vai khuỳnh khuỳnh, vòi cong, lưng tròn lúc, mắt ngước lên, đầu cúi xuống, bước vài bước cho tất cả xem, một bước, hai bước, ngây thơ, ngoan lành, đúng là em voi con thiệt dễ thương. Nhưng A Lan nheo mắt bảo:
“Đuôi của em cụp vào là em sợ, em không sợ, em thong thả mà đi như ngày thường”. A La nhỏng đuôi của mình ra làm kiểu, thế này này.
Và đoàn voi đứng vào hàng một cách tự nhiên, voi lớn đi trước, voi mẹ theo sau, voi con bên voi mẹ, hàng chục nhà voi sắp theo hàng một, không lộn xộn hàng hai!
Voi sau nối vòi với đuôi voi trước, từ tốn, nghiêm chỉnh, hiền hòa, như nhiên, không hích nhau, không chèn nhau.
A Nan và An Đô bước lên dẫn đầu. Và cả đoàn im lặng tiến bước. Mỗi bước là mỗi nhớ, này khóm cây, này ngọn đồi, con đường đã đi từ lúc gặp nhau, giúp nhau. Nhớ là sống, không nhớ, voi sẽ lạc đường, voi sẽ không sống còn, sẽ không tự cứu mình và cứu đàn. Biết bao lần thoát nạn nhờ tìm đến được An Tôn kịp thời. Voi thuộc con đường đến nhà người ân nhân, quãng đường dài mấy mươi dặm, mỗi bước voi đi là đi với An Tôn trong tưởng nhớ, trong tri ân.
Đoàn voi vừa cất bước, khu rừng Sa Na đã náo động.
Mẹ Gấu bồng con ra khỏi hang, nhìn theo chép miệng: “Gớm, đúng là voi!”
Chú Cáo trong bụi nhìn ra tự hỏi: “Không biết được thưởng cái gì mà đi thế nhỉ!”
Ông Hổ vươn vai: “Ôi loài ăn cỏ là như thế!”, ông định nói “đần độn” nhưng bỗng ngượng mồm, và bỗng thấy nể sợ đoàn voi hùng hậu đang tiến bước.
Bà phù thủy Trăn từ trên cây nhìn xuống đàn voi, thè lưỡi thèm thuồng: “Sẽ có một ngày ta quàng khăn quyến rũ bé Bu Ti và nuốt vào lòng…”. Bà bỗng rụt lưỡi như vừa nhìn thấy đôi mắt nghiêm khắc của An Tôn chiếu nhìn mình.
Lão Cú lừng danh giỏi chữ, nhìn theo, thông thái, gật gù: “Hình như một nếp văn minh mới bắt đầu?” Lật đật giở giấy bút ra ghi ghi chép chép kẻo sợ quên.
Chuyến hành hương của đàn voi nhớ ơn đã làm kinh ngạc thế giới con người, báo chí khắp hoàn cầu đã tường thuật chuyện đàn voi biết ơn.
Nhưng họ quên một chi tiết mà phóng viên bí mật thỏ Tu Tu đã ghi lại trong nhật ký:
Trong 2 ngày 2 đêm, đàn voi đã im lặng chịu tang trong mặc niệm, không ăn uống. Khi chúng rời khỏi khu vườn, vườn cây vẫn y nguyên không bị giẫm đạp và có rất nhiều chuỗi hoa tươi treo trên cành, như cảnh tượng mùa xuân mà An Tôn đã đem lại cho đàn voi.
Bangkok tháng 11/ 2013
T.K.L
(TCSH340/06-2017)