TRƯƠNG ĐỨC VĨ NHẬT
(15 tuổi)
Chiếc xe đò chật ních người từ từ dừng lại. Bố tôi nhảy vội xuống xe rồi nhấc bổng tôi theo. Xe phóng đi, bụi đỏ cuốn mù. Bố tôi lẩm bẩm điều gì đó rồi nắm tay tôi: "Đi thôi con". Cử chỉ trìu mến, nhưng giọng nói của ông khô khan. Tôi bước nhanh theo bố.
Thế là tôi lại về thăm nội. Tôi sắp được gặp chị Thắm, chị Hạnh, được anh Trung dẫn đi tắm sông. Vui thế!
Cách nhà nội một quãng là tôi cắm đầu chạy.
Nội đang xơi trầu, thấy tôi, mừng quá, cười móm mém.
Buổi tối, nội nấu nồi xôi đỗ cho tôi ăn. Nội còn nấu khoai để giành buổi sáng trong cái nồi đất. Khoai ướp lá dứa, thơm thơm là.
- Bà đừng cho nó ăn khoai buổi tối, hư răng đấy! - Bố tôi dặn bà tôi.
Bà không nói gì, lẳng lặng đút vào túi quần cho tôi một củ tròn trùng trục.
Đêm. Trăng sáng lạ. Tôi ngồi với bố trên chiếc chõng tre giữa sân. Tôi cầm cuốn truyện định xem dưới ánh trăng. Bố tôi bảo: “Hư mắt đấy”. Tôi gấp sách, nhìn ra đồng lúa gợn sóng vàng. Một chốc tôi xoay người nằm cạnh bố, nhìn lên mặt trăng tìm mãi chẳng thấy bóng cây đa. Trước thềm chòm cau lắc lư. Gió mơn man. Mắt tôi riu ríu.
... Mặt trăng núp sau chòm cau. Cây cau như bị ai đốn gốc, bỗng đổ hẳn xuống phía tôi. Tôi hốt hoảng mở bừng mắt: Bóng cau đổ dài qua thềm, vắt ngang qua chõng.
Gió mơn man. Mắt tôi cứ díp lại.
... Một tà áo trắng từ chòm cau lại lướt xuống. Bàn tay ai dìu dịu mân mê đầu tôi - Bông hoa cau rơi xuống mặt tôi từ bao giờ, thoang thoảng. Tôi với qua nắm lấy tay bố tôi.
... Sau gốc cau, hai mái đầu ló ra cười với tôi:
- Thế là Hương Thu không tìm ra hai chị rồi!
Tôi ngồi dậy: "Hai chị nói khẽ nhé, bố em chưa ngủ đâu".
Tôi rón rén bước về phía cây cau.
Hai chị nắm lấy tay tôi: “Bây giờ chị em mình chơi trò này nhé: oăn-tù-tì, ai là Tấm, ai là Cám, oăn-tù-tì?”
Ánh trăng soi rõ khuôn mặt hai chị. Đẹp lạ!
"Sao lại giống nhau như thế này?" - Tôi nghĩ.
- Oăn-tù-tì.. nào?
Hai chị lại biến vào gốc cau rồi lại ló đầu ra: - Nào oăn-tù-tì, ai là Cám, ai là Tấm?
Hai cái đầu lúc ẩn, lúc hiện, lúc bên phải, lúc bên trái. Mắt tôi hoa lên.
- "Oăn-tù-tì, Tấm đâu, Cám đâu? Nào?”
Hai chị lại cười.
"À, tôi nhận ra rồi, không phải hoàn toàn giống nhau đâu. Tiếng cười của một chị giòn tan, một chị nhỏ dịu". Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, hai chị im bặt, không cười to nữa, chỉ chúm chím.
"Đến thế này thì chịu mất thôi!"
Chợt tôi cười ranh mãnh. Tôi ngồi thụp xuống, tóm lây chân một chị: "Đôi hài tía của bà tiên đây rồi, Tấm!".
Hai chị lại cười như nắc nẻ. Chị Tấm ôm tôi vào lòng, hôn lên tóc tôi. Chị Cám chạy quanh như trò chơi cút bắt. Bóng chị xa dần, xa dần rồi mất hút... Một chốc, chị lại hiện ra trên gợn lúa vàng, bồng bềnh, bồng bềnh...
Tóc chị Tấm thoảng mùi hoa thị, vòng tay chị dịu dàng. Tôi ngạc nhiên: "Chị Tấm ơi, chị Cám còn đùa vui với chị em mình, sao ai cũng bảo chị ấy đã chết?".
Chị Tấm mở to mắt nhìn tôi: Ai bảo em thế?
Tôi quả quyết: Sách kể thế. Cô giáo em cũng kể thế. Em làm sao nhầm được!
Chị Tấm bảo: Lạ thật! Sách kể như thế nào?
Tôi nói nhẹ như hơi thở:
- Người ta bảo chị Cám hỏi chị làm sao để được da trắng, chị dùng nước sôi tưới vào người chị Cám, thế là chị Cám chết.
Chị Tấm ấm ức: - Tại sao mọi người lại có thể nghĩ ác cho chị đến thế!
Tôi bảo: "Người ta còn kể rằng mẹ con chị Cám lừa chị lên hái cau rồi chặt gốc cho chị chết nữa cơ!".
Chị Tấm cười: "À, đó là người ta kể chuyện ngày xưa, xưa thật là xưa... Chuyện bịa đấy! Còn bây giờ thì em thấy đây, chị vỗ nhẹ vào gốc cau, cây cau vẫn còn đấy thôi!".
Tôi dụi mắt. Trước mặt tôi cây cau vẫn lắc lư theo gió. Trăng vẫn sáng bàng bạc...
Tôi trăn trở mãi. Bố tôi cựa mình. Ông mở mắt, nhìn tôi hốt hoảng. Sao con chưa ngủ?
Tôi hỏi: "Bố ơi! Cám chưa chết hả bố?"
Bố tôi ngái ngủ: "Cám nào? Con làm sao thế?"
- Cám trong truyện Tấm Cám đấy mà!
Bố tôi bực dọc: Con mơ à? ông dằn giọng: Cám độc ác thế làm sao lại chưa chết! Ngủ đi, hư thần kinh đấy!"
Bố tôi kéo chăn đắp cho tôi, trời khuya lành lạnh. Tôi cuộn tròn trong chăn, dùng tay gối đầu thay cho cuốn truyện.
Tôi đặt cuốn truyện bên cạnh mình. Một làn gió nhẹ e dè lật từng trang cổ tích...
Huế, 8.3.1993
T.Đ.V.N
(TCSH55/05&6-1993)