KHÁNH THƯ*
Có một lần, người mẹ của tôi bị xe tông, lúc đó rất nguy kịch. Nhà tôi nghèo, không có tiền chữa trị, phải đi vay. May sao, có dì của tôi đã nộp cho bệnh viện. Nhưng tai nạn để lại cho mẹ của tôi một cái chứng mất trí.
Khi chuyện xảy ra, cả nhà tôi hoảng lắm. Trời ơi, tại sao lại có chuyện này?
Lúc đó, tôi còn mới biết lật đật đi vài bước. Chưa biết nói, chỉ là một em bé. Tuy mẹ bị mất trí, nhưng lúc nào mẹ cũng dành một buổi sáng, là lúc tỉnh táo nhất để chăm tôi.
Nhà tôi có năm người, ông nội đã mất, bà nội bán hàng vặt ngoài chợ, bố là thợ xây, cô ruột là em gái bố thì vừa đi học vừa đi làm ở thành phố thỉnh thoảng lắm mới về, mẹ và tôi.
Cho đến khi đi học, tôi vẫn hay tránh mặt mẹ. Tôi cứ nghĩ mẹ mất trí nên rất khó gần, đám bạn rất hay trêu tôi.
Ở lớp, tôi được làm lớp trưởng. Nhưng đám bạn chẳng đứa nào sợ cả, toàn đè tôi để trêu.
Một buổi sáng, mẹ đứng ở cổng trường đón tôi. Hôm đó tự dưng nhà trường có việc, chúng tôi được nghỉ sớm. Lúc gặp mẹ, tôi hoảng quá, sợ đám bạn chê cười, tôi hỏi:
- Bà nội đâu? Sao để mẹ đón?
Nhưng mẹ nhìn vào cái đồng hồ trên cái cột, vội vàng nói:
- Chín giờ rồi, nhà xa. Về mau kẻo mẹ lên cơn, con ạ!
Trên đường đi, tôi không nói gì, chỉ lo mẹ lại phát bệnh đột ngột.
Nhưng lúc về nhà mẹ mới lên cơn. Thế là bà dìu mẹ vô phòng trống. Nhà tôi phải có cái phòng không có gì bên trong, để ngừa mẹ ném đồ đạc. Cái căn phòng trống đó nhìn bên ngoài và bên trong đều rất trơ trụi, chỉ để một cái cửa sổ lắp kính chắc chắn không đủ cho một đứa trẻ chui qua mà xem mẹ bên trong thế nào.
Một lần, khi bà tôi đang đứng ở xa xa cửa sổ để nhìn mẹ, thì bỗng thấy mẹ nằm vật ra sàn, tay chân giãy dụa rồi nằm bất động. Cả nhà hoảng quá, liền gọi cấp cứu.
Lúc ở bệnh viện, bác sĩ ra khỏi phòng, lắc đầu nói:
- Tình trạng bệnh của chị nhà rất khó... E rằng...
“Ôi, thế này thì phải tốn nhiều tiền lắm!” Tôi thầm nghĩ: “Cái bệnh này nặng lắm kia mà!” Đúng thế thật, cũng tại mẹ mà nhà tôi ra nông nỗi này.
Một ngày nọ, tôi đang hậm hực vì bị bố bắt mang cơm vào cho mẹ, lúc bỏ hộp cơm lên giường, mẹ nói:
- Bác sĩ nói mẹ sẽ không...
Mẹ quay sang, cầm hộp cơm lên, vừa nhai vừa khóc. Chao ôi, nghĩ lại cảnh đó mới thấy nghẹn lòng. Từng giọt nước mắt chảy xuống hai bên má mẹ, nhỏ xuống những hạt cơm, có vài sợi tóc dính bên má, nó cũng ướt. Quần áo dính đầy nước mắt. Mẹ khóc một hồi lâu, đưa cho tôi hộp cơm, rồi bảo:
- Thôi, con cầm rồi về đi! Kẻo ở nhà bà mong!
- Nhưng sao mẹ khóc?
- Về nhà bà sẽ nói cho con nghe.
Mẹ nói nhẹ nhàng, còn tôi thì tức, sao mẹ không nói cho tôi chứ?
Tôi cầm hộp, chạy về nhà.
Về tới nhà, tôi thấy bà cũng khóc nức nở, tôi ngạc nhiên, hỏi bà:
- Sao bà khóc vậy?
Bà quay sang tôi bằng đôi mắt ướt đẫm, nghẹn ngào nói:
- Mẹ con... mẹ con... chỉ còn sống được bốn tháng nữa thôi!
Tôi sững sờ, bây giờ tôi mới chợt hiểu ra bấy lâu nay mẹ luôn cố gắng vì tôi, vậy mà tôi không hiểu, nói đúng hơn là tôi không chịu hiểu. Vậy hóa ra cái câu “Về nhà bà sẽ nói cho con nghe” là như thế sao?
Ba mươi phút sau, tôi đang ngồi bên mâm, với vẻ mặt buồn rười rượi, chẳng muốn ăn một tí nào. Đêm đó đồng hồ đã chỉ một giờ sáng mà tôi vẫn không ngủ.
Ngày hôm sau, tôi cũng mang cơm cho mẹ nhưng không phải tôi bị bố hoặc bà bắt đi, tôi tự nguyện đi.
Lúc có tôi ở bên, mắt mẹ tôi mở to sáng rỡ. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ bình minh mặc dù trời ngoài vẫn đang lạnh, bầu trời xám xịt. Mẹ nở nụ cười như hoa, mở rộng hai tay. Mắt mẹ tuy có màu nâu vàng, nhưng đẹp lắm, nó rất hiền từ và ai nhìn vào cũng phải say mê, tuy mẹ có mất trí.
Mẹ bỗng khép miệng, từ tốn nói:
- Con à, sau này mẹ sẽ không còn nữa thì phải sống thật tốt nghe con! Cuộc đời con còn rất dài chứ không phải như mẹ!
Tôi bỏ hộp cơm lên bàn và về nhà.
Dù sao mẹ cũng sẽ không qua khỏi, nhà tôi xin cho mẹ xuất viện về nhà.
Mẹ cũng không hay ném đồ đạc như trước nữa. Lúc vừa xuất viện trông mẹ gầy xọp hẳn.
Vào mỗi buổi chiều, mẹ lại ra sau vườn mò mẫm kiếm gì đó, thỉnh thoảng hai tay của mẹ có dính ít máu. Không ai biết mẹ làm gì. Bố thì đi làm, bà ra ngoài chợ bán hàng, tôi lại đi học. Nên mẹ chỉ ở nhà một mình.
Hôm đó là một ngày nắng dữ dội, tôi đi học về, thấy mẹ đang nằm sóng soài trên cỏ. Mặt mẹ cứng đơ, đầu nóng ran, tay cầm mấy viên sỏi vàng. Những viên sỏi này có sau vườn nhà tôi, chúng nằm rải rác rất sâu dưới lòng đất, rất khó đào, thỉnh thoảng muốn chơi tôi phải nhờ bố lấy cuốc đào tìm vài viên.
Tôi hoảng quá, la to gọi bà, bà cũng vừa mới về. Thấy mẹ bà giật nảy mình, mọi người chạy ùa ra xem, may có chú y sĩ trong xóm bưng mẹ vô giường xem tình hình.
- Chị nhà bị ngất, do nắng quá! Gia đình nhớ để ý!
Mẹ nằm thiêm thiếp, hơi thở đều hơn. Mọi người tản ra, bà xuống bếp nấu cơm. Bố cũng vừa mới về nhà, nhìn thấy bố, bà nói cho bố nghe chuyện lúc nãy.
Bố nghe thế, giật cả mình, chạy vào phòng. Thấy tôi ngồi bên cạnh mẹ, bố vội vàng hỏi:
- Mẹ sao rồi hở con? Lúc nãy nghe bà nói, bố hoảng quá!
Tôi quay sang bố, nói:
- Lúc nãy có chú y sĩ xem rồi! Chú bảo mẹ bị ngất xỉu do trời nắng quá.
Bố thở phào nhẹ nhõm, sau đó vào phòng ngồi cạnh mẹ, ngồi một lúc bố vội vàng ra, mắt vẫn ngoái nhìn mẹ.
Một lúc sau mẹ bỗng tỉnh, liếc sang tôi. Mắt mẹ sáng lên, mẹ ra hiệu tôi cúi xuống sát bên, mẹ thì thầm đứt quãng:
- Con gái của mẹ... đây là bí mật từ trước tới nay của mẹ! Con à... mẹ... mẹ... có một cái hũ vàng chôn dưới gốc cây khế sau vườn... để dành cho con sau này lấy chồng... con nhớ nhé...
Tôi nghĩ có lẽ lúc đó mẹ đang mê sảng nên nói thế, tôi chẳng nói gì.
Vào ngày mẹ mất là ngày mưa. Trời đang giữa mùa hè khô hạn oi bức kéo dài mà hôm đó mưa to lắm, sấm chớp rền rĩ. Bà nói với tôi rằng đó là do trời cho mưa xuống đón mẹ.
Đám tang của mẹ thật buồn, cả nhà ai cũng khóc không ra tiếng, mắt bố ngầu đỏ. Tôi lặng lẽ đặt bông hoa lên quan tài của mẹ, tôi nói nhỏ:
- Mẹ ơi, ở trên đó mẹ hãy sống thật êm đềm mẹ nhé.
Tôi buồn rầu lại về phía bà và cô.
Tháng và năm dần dà qua đi, tôi cũng không nhớ đến hũ vàng mà mẹ nói nữa. Bỗng một lần, con chó của tôi được bà cho một cục xương, thế là nó đi chôn ở gốc cây khế, tự dưng nó cứ sủa lại ngừng rồi sủa.
Tôi đến gần gốc cây, thì thấy có một chiếc hũ bằng sành cũ kỹ bị con chó bới lộ ra. Tôi moi chiếc hũ lên, bên trong có rất nhiều viên sỏi vàng được bọc bằng những miếng vải nhỏ và xếp ngăn nắp, thì tôi chợt nhớ hũ vàng mẹ nói. Trời ơi, tôi bật khóc, hóa ra đây là hũ vàng mẹ nói lại như thế này. Mẹ, mẹ ơi, mẹ nghĩ rằng sỏi này là vàng nên ra sức đào tìm dưới sâu lòng đất và cất giữ thật cẩn thận cho con. Nước mắt tôi lã chã, mẹ, mẹ của con ơi, khi tỉnh mẹ gắng mọi cách chăm con, lúc phát bệnh thì mẹ cũng làm mọi việc chỉ vì con...
Những viên sỏi này tuy không có gì quý, nhưng như là vô giá, nó chứa đựng đầy ắp tình yêu thương và nỗi mong ngóng của mẹ.
Sau này, tuy tôi đã lớn, tôi vẫn luôn giữ chiếc hũ, nó là báu vật của tôi.
...
Hôm nay là mười năm ngày giỗ của mẹ, cũng là hai năm ngày tôi đã tự tay mở được một xưởng bánh, chuyên làm thứ bánh nổi tiếng thơm ngon của vùng đất quê tôi bằng cách kết hợp những cách làm xưa với máy móc mới. Xưởng bánh phát triển rất tốt đẹp, đỡ đần được cho bà, bố, cô và tạo được việc làm giúp đỡ chút ít mọi người quanh vùng. Tôi luôn mày mò gắng tìm mọi cách làm cho bánh ngày càng nhiều dáng vẻ và đặc sắc hơn mà vẫn giữ được nét xưa trước. Mơ ước của tôi là đưa được thứ bánh quê hương mình đến với khắp mọi miền đất nước và thậm chí còn đưa chúng đi thật xa hơn nữa... Tôi nhẹ nhàng bưng chiếc hũ. Từ từ tiến lại gần bàn thờ, tôi đặt cái hũ lên, bên cạnh những cái bánh, mỉm cười nói với mẹ:
- Mẹ ơi, con sẽ như lời mẹ dạy, con sẽ làm một người thật tốt của cuộc đời!
K.T
(TCSH424/06-2024)
----------------
* Nguyễn Khánh Thư, 11 tuổi, học sinh trường tiểu học Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An.