Văn nghệ trong nước
Bài văn nôm đỗ trạng
09:08 | 29/03/2012

Theo sách Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh thì chùa thôn Rích Gạo (Hưng Giao tự) hiện nay xây trên khu đất vốn là đền thờ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Cận được dựng từ thời Lê Uy Mục. Chùa thờ Phật nhưng vẫn thờ cả hoàng thái hậu và vua. Ngoài ra còn lăng mộ hoàng thái hậu ở ngoài đồng trước cửa làng.

Bài văn nôm đỗ trạng

Di tích này hiện chỉ còn phần mộ và tấm bia đá dựng thời Minh Mạng “Lê triều Uy Mục hoàng đế lăng”. Chữ trên bia đã mờ hết không đọc được. Bù lại, truyền thuyết địa phương kể về hoàng thái hậu và bài văn Nôm đỗ trạng vẫn còn lưu truyền rộng rãi.

 Từ con ở thành hoàng phi

Họ Nguyễn có nghề đánh bắt cá ở vực Phù Chẩn kiếm ăn. Một lần đánh được con cá to bớt lại ăn chứ không bán cho lý trưởng, bị lý trưởng thù ghét tìm cách hãm hại phải bán con gái đi làm con ở cho nhà giàu ở kinh thành. Năm Nguyễn Thị Cận mười bảy tuổi thì nhà chủ mắc tội, tài sản bị sung công, con ở cũng bị đưa vào cung làm thị nữ. Nguyễn Thị Cận được đưa đến cung Trường Lạc hầu thái hậu. Một lần vua Hiến Tông vào thăm mẹ, tình cờ giáp mặt lập tức đem lòng yêu mến. Vua xin thái hậu cho lập làm phi. Ít lâu sau hoàng phi sinh hoàng nam là vua Uy Mục sau này.

 Văn Nôm đỗ trạng

Sau khi lên ngôi nhà vua cho mở kỳ thi kén nhân tài giúp nước. Kỳ thi hội, các khảo quan đã chọn được Hứa Tam Tỉnh cùng quê thái hậu đỗ đầu. Tiếng tăm về văn tài Hứa Tam Tỉnh đến tai thái hậu. Tin tưởng Hứa Tam Tỉnh sẽ đỗ trạng nên nhà vua cho mời thái hậu cùng dự kỳ thi đình cho mẹ vui.

Khi các sĩ tử đình thí đã đến đủ, nhà vua thân ra đề thi là bài phú Phụng thành xuân sắc. Hội nguyên Hứa Tam Tỉnh nhận đề xong liền cắm cúi làm bài vẻ tâm đắc lắm. Bấy giờ có một người cứ cắn bút mãi chưa viết được chữ nào. Thấy vậy thái hậu đến hỏi thăm, được biết người này cùng quê, chỉ cách Phù Chẩn vài cánh đồng. Thấy cũng là người cùng quê, lại là láng giềng nên thái hậu vui vẻ giục làm bài kẻo không xong. Lúc đó người này mới hạ bút viết. Thái hậu tỏ ra có cảm tình với người này.

Lúc chấm bài thái hậu cùng vua phê duyệt, nghe các bài phú dùng chữ Hán, bà chẳng hiểu gì cả. Nhà vua chiều lòng mẹ đã chấm Hứa Tam Tỉnh đỗ trạng. Thái hậu hỏi bài của người láng giềng làng. Hóa ra người này viết bằng văn Nôm. Nghe đến đâu hiểu đến đấy khiến thái hậu luôn miệng khen hay. Đây là cảnh đẹp kinh thành: “Liễu Chương Đài mây ngọc giờn giờn/ Đào Thượng Uyển má hồng rờ rỡ/ Trai lanh lẹ đá cầu vén áo/ Gái éo le rủ yếm dôi quần”. Đây là những điều luận sâu sắc về đô thành: “Có xuân tượng bởi có thành/ Cậy hiểm chẳng bằng cậy thế/ Tuy đã nhiều non nhiều nước mạnh thửa thành trì/ Sao bằng lấy nghĩa nhân bền làm phong vực”. Nhà vua đọc xong bài này cũng khen hay liền phê vượt bài của Hứa Tam Tỉnh.

 Trạng Me đè trạng Ngọt

Người nhờ tài ứng biến làm văn Nôm đỗ trạng là Nguyễn Giản Thanh, quê làng Me, cách Phù Chẩn khá xa nhưng Giản Thanh đã khéo dùng lối nói địa phương trả lời thái hậu là cách vài quãng đồng cũng không sai. Giản Thanh là con tiến sĩ Giản Liêm, từ nhỏ đã tỏ ra lanh trí, giỏi ứng đối. Khi có vị quan thử tài: “Hoài áo đỏ quét phân trâu” đã được Giản Thanh đáp: “Thừa lọng xanh che dái ngựa”. Lớn lên đi học thấy Đàm Thận Huy, gặp lúc trời mưa thầy ra vế đối: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (Mưa không phải xiềng trói mà giữ được khách) thì Giản Thanh đáp: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Sắc đẹp không có sóng gió mà đắm người). Sau này vào kinh học, Giản Thanh mê người con gái đẹp là con quan trấn thủ đô thành đến quá mức lễ giáo nên bị từ chối, sau nhờ có người nói giúp mới được toại nguyện.

 Hứa Tam Tỉnh người làng Ngọt là người chắc chắn, quả quyết nhưng hơi chậm. Khi còn thanh niên, mê con gái quan trấn thủ Kinh Bắc mà xin được làm phu cáng không công để được ngắm dung nhan. Về nhà đòi mẹ đi hỏi làm vợ. Ban đầu quan đuổi, sau thấy có kẻ bạo gan tất kỳ tài mới thử và đồng ý gả cho. Tiểu thư nhận ra anh chàng phu cáng nên tỏ ý không bằng lòng, hẹn bao giờ thi đỗ mới cho động phòng. Kỳ thi hương, Tam Tỉnh đỗ đầu nên đòi vào động phòng, không ngờ tiểu thư chưa tin đỗ bằng thực tài mà chỉ là dựa vào uy thế bố vợ. Tiểu thư ra vế đối hẹn bao giờ đối được thì mới được toại nguyện. Vế đối là: “Ốc lậu nguyệt xuyên hình như kê noãn tam tam tứ tứ” (Nhà thủng trăng rọi lốm đốm ba bốn chỗ như trứng gà). Tam Tỉnh biết là tiểu thư nhắc lại gia cảnh hàn vi có ý chê nhưng nghĩ mãi không đối lại được, thẹn quá ra bờ sông hóng gió cho đỡ bức bối. Tình cờ nhìn ánh trăng vờn sóng nước mà đối lại được: “Giang trường phong lộng thế tự long lân điệp điệp trùng trùng” (Sông dài gió lộng sóng bạc điệp trùng gợn tựa vẩy rồng). Tiểu thư chờ mãi mới có vế đáp tuy cho động phòng nhưng vẫn than: “Chàng thiếu một chút sáng ý khó mà đỗ trạng được”.

 Quả nhiên khi biết hội nguyên chỉ được lấy đỗ bảng nhãn, dân gian Kinh Bắc mới nói “Trạng Me đè trạng Ngọt”.

Theo Phạm Thuận Thành - ĐBND

 





 

Các bài mới
Các bài đã đăng