Nhiều nhà văn, nhà thơ và đông đảo người yêu thơ đã tham dự hội thảo "Bút xưa với sự phục hưng và đổi mới thơ Đường luật Việt Nam” tổ chức ngày 26/4 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Hội thảo do Nhà xuất bản Thời Đại phối hợp cùng Hội UNESCO Thơ Đường luật Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều tham luận có nội dung hấp dẫn, khá thâm thúy về học thuật nhằm đánh giá khách quan về tình hình thực tế phong trào sáng tác, đọc và nghiên cứu thơ Đường luật ở Việt Nam.
Các tham luận đưa ra nhiều thông điệp mang tính định hướng về sự đổi mới và nâng cao chất lượng sáng tác nhằm nhân rộng phong trào học hỏi và đẩy mạnh ý nghĩa xã hội của dòng thơ Đường luật những năm tới.
Thơ Đường luật vốn có nguồn gốc từ đời nhà Đường, Trung Quốc (618-907), du nhập vào Việt Nam đã hơn mười thế kỷ và trở thành thể thơ không thể thiếu trong đời sống thi ca, đời sống văn hóa, tinh thần của giới trí thức Nho học, cho đến mọi người dân Việt Nam từ xưa đến nay.
Trong bài tham luận của mình, giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: “Chúng ta gọi thơ Đường Việt Nam thực ra không phải là thơ Đường mà chính là thơ Việt Nam sử dụng thể loại thơ thất ngôn bát cú của đời Đường. Tuyển tập Văn học Việt Nam 42 quyển gồm đại bộ phận là thơ Đường, còn các bài thơ khác đều mang dáng dấp thơ Đường hoặc gắn bó với thơ Đường. Đây chính là thơ Việt Nam, thể hiện tâm hồn Việt Nam, cảm xúc Việt Nam và phản ánh hiện thực Việt Nam. Dù viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán thì thơ ấy vẫn là thơ Việt Nam.”
Đồng thời, giáo sư cũng khẳng định: “Cắt đứt thơ hiện đại với thơ Đường là sự cắt đứt truyền thống ưu việt của tâm hồn Việt Nam trong dòng thơ bất tận của con người Việt Nam từ thời xưa cho đến hôm nay và mãi mãi sau này.”
Nhà thơ Bằng Việt, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ, trong các thể loại thơ thì thơ lục bát và thơ Đường luật không phải ngẫu nhiên đã trở thành các hình thức sáng tác phổ cập nhất của những người yêu thơ Việt Nam nhiều lứa tuổi.
Ông nhấn mạnh, chúng ta đang có một lối sống khác, một tâm thế khác, một thời đại khác để truyền lửa và truyền sinh lực mới vào từng câu “đề, thực, luận, kết” vốn vẫn bất biến trong thơ Đường hàng ngàn năm nay. Làm được thế, chúng ta đã trực tiếp giải mã cho sự bí ẩn của sức sống thơ Đường luật./.
Theo Việt Hà (TTXVN)