Đến Việt Nam cách đây chục năm, từ khi việc quảng cáo trên tường nơi công cộng không quá phổ biến như bây giờ nhưng Lolo Zazar đã ấn tượng ngay bởi những bức tường bị “bôi bẩn” bởi quảng cáo “khoan cắt bê tông”. Thật lãng mạn, anh cho rằng chính những dữ liệu đó khiến cho những bức tường có khả năng… ''đối thoại''.
Gần chục lần đi lại giữa Pháp và Việt Nam mới đủ để khiến nhà điêu khắc Lolo Zazar quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất Hà thành. Lý do không chỉ vì yếu tố gia đình (Lolo có vợ là người Việt) mà nghệ sĩ điêu khắc này còn bị chinh phục bởi con người và văn hóa Việt. Điều đó phần nào được thể hiện qua triển lãm Lời của tườngcủa Lolo Zazar diễn ra từ 2/5-11/6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
1. Mặc dù, những bức tường “khoan cắt bê tông” của Lolo Zazar đã từng xuất hiện tại triển lãm Hà Nội 999 cách đây hai năm, nhưng trong cuộc triển lãm lần này, hầu hết 18 tác phẩm được trưng bày ở khổ lớn, là những tác phẩm mới và được chụp trong 5 năm trở lại đây.
“Mỗi lần đi qua những con phố, những nơi có bức tường mang thông điệp này, tôi cảm giác như chúng đang “gọi” tôi lại để trò chuyện. Cảm thấy mình thật may mắn vì có thể “tâm sự” được với những bức tường nên tôi đã lưu lại những khoảnh khắc thú vị này qua những tấm ảnh” – nhà điêu khắc cho biết lý do anh thực hiện cuộc triển lãm Lời của tường.
Với những bức ảnh trong cuộc triển lãm Lời của tường, chắc hẳn với cái nhìn đầu tiên của người xem, ai cũng có thể gọi đây là tranh vẽ chứ không phải ảnh. Đến ngay cả những người bạn của Lolo khi được xem những bức ảnh này, họ cũng “bị lừa” mà thốt lên rằng “Lolo thật tài vì đã vẽ được những bức tranh đẹp đến vậy!”. Sự thật là Lolo chỉ chụp, phóng lớn, in và ép mà không hề sử dụng bất kì một kỹ thuật nào can thiệp vào những bức ảnh, từ màu sắc đến in ấn.
2. Theo Lolo, chính sự tương tác giữa con người và thiên nhiên đã tạo nên những bức ảnh sinh động đầy màu sắc này. Những bức tường từ khi mới được sơn, đến khi người ta sử dụng bức tường như một thứ có thể dựa vào đó những khung cửa sắt để sơn hay cho đến khi họ viết lên tường những quảng cáo bằng sơn chữ “khoan cắt bê tông” đã vô tình để lại dấu vết. Cùng với sự tác động của thiên nhiên và thời gian, những bức tường đã đi vào ảnh của Lolo.
Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ ảnh, Lolo Zazar nói, anh đã đi rất nhiều nơi ở Hà Nội để có được những bức ảnh tường này, từ Long Biên, Nghi Tàm, Âu Cơ và phương tiện đi để quan sát chủ yếu là xe máy. 5 năm theo đuổi dự án này, thời gian đầu, khi anh đi rửa ảnh, những người thợ rửa ảnh đã cười anh như một “kẻ không bình thường” và cho rằng việc làm này chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng về sau, họ đã công nhận vẻ đẹp của những bức ảnh này. Lolo Zazar cho rằng điều này cũng dễ hiểu, vì nếu ở Pháp có lẽ anh cũng khó có thể thấy được những vẻ đẹp giản dị như thế xung quanh mình bằng con mắt của một người nước ngoài.
Có lẽ, với người Việt Nam, những gì diễn ra trên những mảng tường nơi công cộng, ngoài mục đích quảng cáo kinh doanh, làm mất đi mỹ quan đô thị và có thể ảnh hưởng đến cả kiến trúc thành phố, tuy nhiên với một nghệ sĩ như Lolo Zazar, anh bị thu hút trước những đổi thay của những bức tường tưởng như vô tri giác đang có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam và đặc biệt là ở Hà Nội - nơi anh sinh sống nhiều nhất.
Ở đâu cũng vậy, dù là Mỹ, Pháp hay Việt Nam thì hành vi viết, vẽ lên tường không hợp pháp luôn bị cấm. Bản thân Lolo không cổ súy cho những hành động này, tuy nhiên, anh cho rằng cách sống của người Việt cũng thể hiện ở “bên ngoài” khá nhiều nên những bức tường như trong cuộc triển lãm này sẽ vẫn có trong tương lai. Lolo Zazar cũng đã thử tưởng tượng nếu những bức tường này ở Hà Nội được làm sạch lại bằng sơn trắng thì trông sẽ như thế nào? Câu trả lời là “Hà Nội sẽ không còn đẹp được như bây giờ nữa!”.
Theo Lam Ngọc - TT&VH