Trên quả đồi đất đỏ ở ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang) những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi (nhà văn Kim Lân) cùng gia đình bác Ngô Tất Tố, bác Nguyên Hồng, bác Tạ Thúc Bình ở đó - được gọi là Đồi văn nghệ.
Đúng là “Đồi văn nghệ” vì có biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, hoạ sỹ, phim, ảnh, diễn viên, ca múa, kịch nói v.v... đã qua đây, đã ở lại lúc dăm bữa, khi nửa tháng, đến rồi đi, đi rồi đến… Một nhịp điệu bí ẩn trôi qua suốt tuổi thơ của tôi như những thước phim quay lúc nhanh, lúc chậm, vừa rực rỡ sắc màu, lại sâu nặng trầm lắng, lúc rõ nét như hiện lên mồn một, lúc chập chờn như sương, như khói, bảng lảng. Và bỗng lấp lánh như những vì sao.
Tuổi thơ của tôi đã trôi qua trên quả đồi đất đỏ như vậy. Ở đó, mỗi lần nhìn xuống chân đồi phía xa, khi bốc lên một lớp bụi đỏ hồng, đứa bé trong tôi lại chạy hối hả nhìn xuống lớp bụi đỏ ấy xem đó là chuyến xe nào, ai sẽ ghé qua Đồi, hay xe chỉ chạy ngang qua, đi miết…
Tâm hồn bé thơ của tôi lúc nào cũng thắc mắc muốn hỏi chuyến xe đó về đâu? Ở phía chân trời xa kia, nơi có đám bụi đỏ hồng cuốn theo ấy là phương trời nào? Nơi tôi tha thiết biết bao muốn tìm hiểu và khám phá.
Sau này lớn lên, nhớ lại quả đồi đất đỏ ấy, tôi hiểu rằng tôi đã có biết bao nhiêu chân trời, biết bao nhiêu cánh cửa, bao nhiêu tài năng và tấm gương đạo đức sống, lao động, sáng tạo ở ngay cạnh tôi từ khi tôi còn là một đứa bé thơ, nơi mà tôi đã muốn mở ra để tìm hiểu với đầy thắc mắc, tò mò, ngỡ ngàng, háo hức, gần gũi và xa xăm… Với những ảnh hưởng sâu đậm trong suốt cuộc đời tôi từ ấu thơ cho đến tận bây giờ.
Bạn bè gần với cha tôi có nhiều người, nhưng hôm nay tôi muốn nói đến bác Nguyễn Huy Tưởng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bác. Một trăm năm đã qua đi, nụ cười đôn hậu của bác tôi vẫn nhớ vẹn nguyên, chuyện thằng Nhà, con Gạo đi tìm mẹ vẫn làm trái tim tôi thổn thức cho đến tận bây giờ.
Khi đó tôi còn bé lắm, truyện “Tìm mẹ” của thằng Nhà, con Gạo là do bác Tưởng kể cho tôi và các em tôi nghe. Thương thằng Nhà, con Gạo quá, tôi cứ khóc thút thít, hỏi mãi xem hai bạn Nhà và Gạo có tìm được mẹ không? Hỏi tại sao lại tên là Nhà và Gạo, bác Tưởng nói vì nhà hai bạn nghèo lắm nên bố mẹ đặt tên là Nhà và Gạo để mong có nhà để ở, có gạo để ăn.
Sau này giải phóng Thủ đô, tôi được theo cha tôi về Hà Nội, đi cùng đoàn với các bác văn nghệ sỹ trên ô tô diễu hành qua phố phường, vẫy khăn lụa xanh da trời tiến về thủ đô Hà Nội - lòng vui phơi phới, tự hào vô cùng.
Tôi ở cùng cha tôi và các bác ngay tại 51 Trần Hưng Đạo, là Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật bây giờ. Đến khi mẹ tôi và các em từ Đồi văn nghệ về Hà Nội, cả gia đình cha mẹ tôi ở 6 Quang Trung, cũng là cơ quan và khu tập thể của các nhà văn nhà thơ.
Sau rồi cha mẹ và chúng tôi chuyển về số nhà 40 phố Bà Triệu, một mặt trông ra Bà Triệu, một mặt trông ra Lý Thường Kiệt. Nhà rộng lắm, chúng tôi chạy nhảy hết tầng trên đến tầng dưới, rồi nhà xe, nhà bếp v.v...
Ở được ít lâu cha tôi nói: “Nhà quá rộng, nên dọn gọn lại ở một phòng trên và một phòng dưới, để gia đình bác Nguyễn Huy Tưởng đến ở”. Thế là cả nhà bác Tưởng dọn đến ở cạnh phòng nhà chúng tôi - sát vách nhau.
Bác Tưởng rất yêu trẻ con, và tôi cũng yêu bác Tưởng lắm. Ở sát vách nhà nhau, suốt ngày tôi chạy sang nhà bác chơi với các con bác – chị Hiền, chị Thục, Khánh. Mãi sau này có em Thắng còn bé tí. Chúng tôi chơi đùa, chạy nhảy, la hét om sòm, đôi lúc làm ra vẻ sợ hãi đi lại rón rén. Làm ra vẻ thế thôi, vì tôi biết bác Tưởng chẳng mắng chúng tôi bao giờ.
Nhìn chúng tôi đùa nghịch, mắt bác nheo nheo, nở một nụ cười vô cùng đôn hậu. Đôi lúc bác dừng lại nhìn chúng tôi và hẹn, các con, các cháu đâu, sáng mai bác sẽ đưa tất cả nhà đi ăn mì vằn thắn, sủi cảo, tuỳ ai thích ăn gì bác khao. Chúng tôi nhảy lên reo hò, ôi thích quá, cháu ăn sủi cảo, cháu ăn vằn thắn, con cũng thế, cũng thế...
Và sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, quần áo chỉnh tề. Bác dắt qua đường, bên kia đường là tiệm mì vằn thắn của một chú người Hoa. Chúng tôi ngồi trật tự nghiêm chỉnh. Bác nói: “Các con thích ăn gì tự gọi nhé!”. “Vâng ạ” - Chúng tôi tự nhủ- “Ai thích ăn gì tự gọi, như người lớn vậy”. Tự lập và bảnh chọe làm sao!
Thỉnh thoảng bác lại cùng cha tôi và bác Nguyên Hồng cho cả lũ chúng tôi lên nhà hàng Phú Gia bên bờ hồ Hoàn Kiếm ăn cơm Tây. Cùi dìa, phóng xét, khăn ăn trắng tinh gài lên cổ áo. Bác dạy chúng tôi cầm dao, cầm nĩa, cách ngồi ăn uống ngay ngắn đàng hoàng, nói năng nhỏ nhẹ lịch sự – Chúng tôi mới quan trọng làm sao!
Đôi lúc bác lại ngồi kể chuyện cho chúng tôi nghe, những câu chuyện mà sau này đều trở thành những tác phẩm của bác – Được in thành sách, và được diễn thành kịch.
Hồi đó giữa các Hội Nhà văn, Sân khấu, Điện ảnh, Nhạc sỹ v.v... chưa phân chia như bây giờ, các cô chú, các bác đều ở chung một hội, gặp gỡ nhau, qua lại như một nhà.
Cứ có vở diễn hay đêm nhạc nào, tôi lại được cho vào Nhà hát Lớn, chạy nhảy khắp ngóc ngách của Nhà hát rồi đứng nấp ở cánh gà xem diễn viên múa, hát, khóc cười, hờn giận, yêu thương, chiến đấu…
Mọi việc cứ thế trôi đi thật đẹp, thật tuyệt vời trong tôi lúc ấy. Năm 1960 bỗng dưng bác Tưởng ốm, nằm viện, bác bị ung thư gan rồi bác gái cũng bệnh. Trái tim mong manh quá yếu của bác gái và nỗi lo sợ quá lớn cho bệnh tình của bác trai khiến bác gái cứ khóc suốt. Rồi ngất lên ngất xuống. Sức khỏe bác gái cũng suy sụp từng ngày.
Cha tôi lúc đó thấy tình hình như vậy, hôm nào cũng ở bên bác Tưởng suốt ngày đêm. Tôi nhớ bác Tưởng nên đòi cha tôi cho vào thăm bác, lúc đó nằm trên giường bệnh, bác vẫn nheo nheo mắt, nhìn tôi cười hóm hỉnh. Rồi cha tôi ở bệnh viện với bác suốt không về nhà. Cho đến một hôm cha tôi phờ phạc về, nhìn chúng tôi nói: “Bác Tưởng mất rồi các con ạ!”. Và những giọt nước mắt thật lớn lăn dài trên má cha tôi.
Thương bác quá, tôi chạy ra sau nhà đứng khóc mãi. Đám tang bác tôi không được đi, thấy tờ báo cáo phó in tấm hình của bác, tôi đã lẳng lặng cắt riêng ra để vào tủ bí mật của mình. Thỉnh thoảng nhớ bác, lại lấy ra nhìn, nước mắt ròng ròng. Chẳng thể nào tin bác đã mất, đã ra đi vĩnh viễn. Lúc ấy, tôi là thiếu nữ 14 tuổi.
Tôi đã giữ tấm ảnh và tờ cáo phó tin bác mất cho đến tận năm 1980, ngày chuyển vào Sài Gòn sống thì thất lạc.
Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ đã qua và các cơ quan, gia đình lại thì kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác. Thời gian như nước chảy qua cầu, cứ trôi đi, trôi đi. Nhưng với tôi, có những điều còn đọng mãi không thể nào quên, không thể nào mất: tấm lòng đôn hậu của bác, tình thương yêu trẻ con của bác, nụ cười mắt nheo nheo hóm hỉnh đầy cảm thông chia sẻ của bác.
Nhà văn đã sáng lập ra NXB Kim Đồng mà cho đến nay vẫn tồn tại và phát triển như một khối sáng, mở ra cho các bé thơ những cánh cửa vô tận của trí tuệ, tình thương yêu và sự sáng tạo, ngay khi các bé mới lẫm chẫm bước chân vào đời.
Như một nén nhang để nhớ đến bác, tác giả của truyện “Tìm mẹ” với thằng Nhà, con Gạo mà ngay từ thuở ấu thơ đã để lại sâu đậm trong lòng tôi một tình thương yêu vô bờ những người nghèo khổ, thiệt thòi, ghét cái độc ác, xấu xa. Cuộc đời của bác, những trăn trở của bác, những tác phẩm của bác là một tấm gương sáng về một tấm lòng đôn hậu, vị tha, yêu con người, yêu trẻ thơ mà tôi luôn ngưỡng mộ, yêu kính và trân trọng.
1h sáng, ngày 24-4-2012
Theo Hoạ sỹ Nguyễn Thị Hiền - TPO