Văn nghệ trong nước
Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng".
14:40 | 08/06/2012

Ngày mùng 4/4/2012, khi những màu hoa rực rỡ như đốm lửa vẫn chưa kịp thắp đỏ mỗi cành phượng, thì nhạc sĩ Thanh Sơn - người viết "mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương" đã lặng lẽ từ giã cuộc đời ở tuổi 73. 

Vĩnh biệt nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả ca khúc "Nỗi buồn hoa phượng".
Nhạc sĩ Thanh Sơn.

Gần 200 ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn đã hình thành một dòng chảy âm thầm qua trái tim nhiều thế hệ khán giả. Dường như nhạc sĩ Thanh Sơn chưa từng có cao vọng gì về sáng tạo âm nhạc, mà ông chỉ muốn gửi khúc thương ca cho kẻ yếu lòng: "Trong tiếng hát ve phượng giờ là hoàng hậu đó, phượng buồn vì tình đã tan theo sóng biển nổi trôi, ngàn năm trong tôi tình này không phai phôi"!

Nhạc sĩ Thanh Sơn không có dáng dấp hào hoa của một nghệ sĩ. Nhìn dung mạo ông, bao giờ cũng thấy cái chất phác che phủ cái tài tử. Thế nhưng, từ nhỏ Thanh Sơn đã ôm mộng lãng du cung đàn. Rời quê nhà Sóc Trăng, chàng trai Lê Văn Thiện lên Sài Gòn làm thuê kiếm sống với mơ ước trở thành ca sĩ. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi ca hát do Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức vào năm 1959, Lê Văn Thiện đi hát ở phòng trà với nghệ danh Thanh Sơn và… cưới cô gái tên Lê Thị Hương làm vợ. Tuổi đôi mươi đắm đuối trong hạnh phúc giúp Thanh Sơn viết được ca khúc "Nhớ mùa hoa anh đào". Mượn chất liệu dân ca Nhật Bản, "Nhớ mùa hoa anh đào" nổi tiếng đến mức nhiều người lầm tưởng đó là một ca khúc Nhật Bản được viết lời Việt: "Mùa xuân sang có hoa anh đào, màu hoa tôi trót yêu từ lâu. Lòng bâng khuâng nhớ ai năm nào, hẹn hò nhau dưới hoa anh đào, mình nói chuyện ngày sau".

Nếu Thanh Sơn vẫn đi theo nghề ca sĩ, không ai dám chắc ông có thể sánh được với những gã đàn ông gồ ghề nhưng có giọng ca đặc biệt như Duy Khánh hay Giang Tử hay không. Thế nhưng, Thanh Sơn chọn con đường viết ca khúc và gắn bó với nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ. Những giai điệu buồn đã giúp nhạc sĩ Thanh Sơn nuôi được 7 đứa con. Chiếm phần lớn trong các bài hát của Thanh Sơn chỉ có điệu bolero và điệu rumba. Sự nghiệp của Thanh Sơn chia làm ba mảng: Bài hát cho lứa đôi lỡ làng, bài hát cho quê hương yên bình và bài hát cho tuổi học trò xa vắng.

Với những bài hát cho lứa đôi lỡ làng như "Ai khổ vì ai", "Hương tình cũ" hay "Giận hờn", Thanh Sơn vẫn đứng lẫn giữa Vinh Sử và Lam Phương. Với những bài hát cho quê hương yên bình như "Hình bóng quê nhà", "Non nước hữu tình" hay "Hành trình trên đất phù sa", Thanh Sơn chưa đặc sắc bằng Hoàng Thi Thơ và Phạm Thế Mỹ. Thế nhưng, với những bài hát cho tuổi học trò xa vắng thì Thanh Sơn gần như giữ vị trí độc tôn suốt mấy chục năm qua. Cái tuổi học trò mà Thanh Sơn tha thiết gửi gắm tâm tư là những chàng trai cô gái vừa rời ghế trường phổ thông bước vào đời với bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu nuối tiếc.

Khởi đi từ "Lưu bút ngày xanh" viết năm 1962 đầy kỷ niệm: "Có những lần hoàng hôn rớt trên vai, bước chân đi lòng nuối tiếc u hoài, nhặt hoa rơi mà không nói nên câu, nhớ nhau vì đâu", hai năm sau Thanh Sơn có được tác phẩm nổi tiếng nhất của ông mang tên "Nỗi buồn hoa phượng" thầm thì trên môi nhiều thế hệ: "Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn, cảm thông được nỗi vắng xa người thương… Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, biết ai còn nhớ đến ân tình không".

Màu hoa phượng và cuộc chia tay tuổi học trò cứ bám theo Thanh Sơn qua hàng chục ca khúc như "Thương ca mùa hạ", "Màu áo hoa phượng", "Ba tháng tạ từ", "Phượng buồn", "Hạ buồn"… Những bài hát ấy ngỡ như nhạc sĩ Thanh Sơn dành cho riêng ông: "Mượn một ca khúc viết lên tâm sự, biết bao nỗi niềm phút giây tạ từ, hình dáng những người thân yêu, xa rồi để nhớ thương nhiều, giờ biệt ly ôi thấy đìu hiu" nhưng cũng trở thành lời sẻ chia ấm áp và dung dị cho những ai cảm thấy bàn chân mình đang lầm lũi bước qua số phận lênh đênh: "Ngoài kia hoa phượng rụng rơi tơi tả, dư âm làm sống lại đời ta, dù ngăn cách nhớ hoài ngày qua"


  Theo Gia Quan - CAND







 

Các bài mới
Các bài đã đăng