Trị liệu tâm lý bằng kịch nghệ có phải là đóng kịch rồi từ đó nhận được một số “đơn thuốc” chữa trị? Liệu việc đeo thêm một chiếc mặt nạ nữa có giúp ích được gì cho những vết thương lòng?
Một số bạn trẻ đã mang theo những câu hỏi như thế tới tham dự cuộc trò chuyện và thực hành một hoạt động dùng nghệ thuật phát triển cuộc sống có tên gọi tắt: Tâm kịch (trị liệu tâm lý bằng kịch nghệ) tại Trung tâm Life Art, Hà Nội.
Sáng 6-6, 25 thành viên hoạt động trong các tổ chức xã hội, trong ngành tâm lý học, một số phóng viên cùng khách vãng lai kịp đăng ký vào phút chót đã ngồi dưới sàn nhà nghe giám đốc SPAP (Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố) Ngô Minh Uy giới thiệu về khái niệm tâm kịch: liệu pháp tâm lý sử dụng quá trình kịch nghệ (trò chơi, ứng tác, kể chuyện, đóng vai…) và sản phẩm kịch nghệ (cây đàn, mặt nạ, con rối, vở kịch…) để hóa giải những mỏi mệt thường nhật. Và hơn thế nữa là đánh giá những hành vi của bản thân, thấu hiểu sâu sắc hơn về chính cuộc sống của mình…
Không sử dụng ngôn ngữ, lời nói, tâm kịch sử dụng phần lớn những bài tập hành động.
Cuộc khởi động “chuẩn bị cảm xúc” cho người tham dự tiếp nối bằng một loạt gợi ý, dẫn dắt của hai nghệ sĩ - chuyên gia điều phối Phan Ý Ly và Hồ Ngọc Bảo Khiêm.
Chuẩn bị sức khỏe và một chút làm quen “lướt qua nhau” bằng cách tăng dần tốc độ đi tự do trong phòng, cuộc khởi động nóng hơn lên khi người tham gia bước tiếp vào bài tập: Chào nhau qua các bộ phận cơ thể.
Một loạt các gợi ý được đưa ra: “Hãy nhìn thẳng vào mắt nhau!”, “Hãy nắm lấy tay nhau!”, “Hãy chạm vào nhau bằng bộ phận cổ!”, “Hãy ôm nhau!”…
Có những tiếng thì thầm rất khẽ, có khi là ánh mắt ngượng nghịu và cả những chiếc ôm chặt giữa những người trước đó chưa biết nhau trong đời.
Bài tập soi gương bắt đầu, trong nền nhạc không lời, người A diễn theo hành vi của người B và đổi ngược lại. Căn phòng tràn đầy những hành động dễ thương, kỳ quặc, hài hước.
Sau đó, mỗi người được phát biểu cảm nhận khi làm “người soi gương” và “chiếc gương soi”, để thấy mình trong người khác, tìm ra sự đồng điệu hoặc khác biệt, khó khăn hay thoải mái mình có sau những hành động cho và nhận.
Với bài tập “chiếc ghế nóng”, nhân vật chính ngồi vào một khoảng trống như “sân khấu kịch” và diễn về một “cái tôi giấu giếm” mà bình thường mình không muốn cho người khác thấy. Những câu hỏi đúng tâm trạng từ hàng ghế “khán giả” có lúc đã kích thích được người tình nguyện như bạn Hoài “bé nhỏ” tự tìm về quá khứ, nhận diện lại vấn đề mặc cảm ngoại hình thấp bé của mình.
Phan Ý Ly, người cầm trịch hoạt động, nói: “Trong cuộc sống, mọi người trải qua những câu chuyện khác nhau, có những tổn thương tâm lý khác nhau, nên kết quả nhận được từ liệu pháp sẽ là khác nhau. Bằng những trải nghiệm tự nhiên (chứ không phải là nhồi nhét kiến thức), kích thích sự bộc phát và sáng tạo (luôn sẵn có, tiềm ẩn trong từng cá nhân), dần dần mỗi người có thể đến gần hơn, kiểm soát tốt hơn bản thân mình”.
Theo NGA LINH -TTO