Văn nghệ trong nước
Một dân tộc quên quá khứ, tựa như cái cây bị trốc rễ
09:34 | 19/06/2012

Quả thật, nếu một dân tộc quên quá khứ, tức không hiểu biết gì về lịch sử dân tộc mình, tựa như một cái cây đã bị trốc rễ. Và như thế nó chẳng khác gì “một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”. Sự khẳng định, cũng có nghĩa là dự báo tài tình của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về vấn đề lịch sử là tuyệt đối đúng. Đúng với mọi thể chế, mọi thời đại.

Một dân tộc quên quá khứ, tựa như cái cây bị trốc rễ

Thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ do các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố cùng biết bao người Việt Nam có tâm huyết khác đã làm sôi động các thành phố. Người ta tìm đủ mọi cách để giúp đỡ người bình dân có thể biết đọc, biết viết trong một thời gian ngắn nhất. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã để cả sản nghiệp của mình vào việc khai mở dân trí. Ví như mở các lớp học miễn phí, thu nhận bất cứ ai muốn học, mà phần lớn là lớp dân nghèo thành thị. Lại bỏ tiền ra mở nhà in in sách, in báo chữ to để phát không cho các lớp học bình dân ấy, và phát cho các thầy đồ nho để các thầy học rồi dạy lại cho bọn trẻ. Bởi theo các học giả, chỉ khi nào dân trí được khai mở thì mới có cơ hội phát triển dân tâm, kích thích dân khí nổi lên đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại quyền độc lập cho quốc gia.

Nguyễn Huy Tưởng sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong gông cùm nô lệ, và lớn lên trong thời kỳ giới trí thức đang tìm cách chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Ông được ngọn gió lành của giới trí thức khơi dậy lòng yêu nước và ý chí quật cường thôi thúc. Và ông tự xác định bổn phận công dân cho chính mình: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước chỉ có việc viết văn chữ Quốc ngữ thôi”.

Vì rằng trong thời điểm đó ở nước ta có ba loại văn tự đang tranh chấp ngôi vị: chữ Pháp được chính quyền thực dân tôn vinh là thứ văn tự độc tôn. Các văn thư chính thống của chính quyền các cấp buộc phải dùng chữ Pháp. Nhà nước Pháp chính thức bãi bỏ chữ Hán trong thi cử từ đầu thế kỷ XX, nhưng nó vẫn sống dai dẳng trong dân chúng, đặc biệt là các vùng nông thôn. Chữ Quốc ngữ được các cha cố người Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoàn thiện từ thế kỷ XVII, XVIII; cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX được chính thức đưa vào hệ thống giáo dục cấp I, cấp II song hành với chữ Pháp. Vào thập niên 30 của thế kỷ XX, giới trí thức Việt Nam quyết tâm mở mang dân trí, vì vậy song song với việc truyền bá Quốc ngữ, thì các báo, các sách tiếng Việt cùng với hàng loạt các nhà văn sáng tác bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện, tiêu biểu là nhóm Tự lực văn đoàn.

Viết bằng chữ Quốc ngữ có hai cái lợi. Thứ nhất là khuyến khích mọi người học và đọc chữ Quốc ngữ. Vì Quốc ngữ dễ học, chỉ ba tháng là thoát nạn mù chữ. Thứ hai dùng chữ Quốc ngữ để chuyển tải đến công chúng những việc nên làm, cần làm và phải làm. Như vậy chữ Quốc ngữ xem như một thứ vũ khí lợi hại cho việc khai trí, tiến đức.

Nguyễn Huy Tưởng xác định viết văn bằng Quốc ngữ là yêu nước, cũng có nghĩa là ông tự chọn con đường đi với nhân dân, hướng về dân tộc. Và ông khẳng định trong nhật ký của mình vào ngày 13.1.1932, năm ông mới 20 tuổi rằng: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”.

Với nhận thức sâu sắc như vậy, nên các tác phẩm đầu tiên của ông thường viết về lịch sử. Vở bi kịch lịch sử nổi tiếng Vũ Như Tô viết vào năm 1942, Đêm hội Long Trì viết năm 1943 và năm 1944 tiểu thuyết An Tư xuất bản. Trong đêm trường tăm tối, nhân dân Việt Nam một cổ hai tròng bởi hai tên đế quốc Pháp và Nhật, tiểu thuyết An Tư như một luồng sinh khí, tiếp sức cho mọi người chuẩn bị tư tưởng và hành trang đi vào cuộc trường chinh giành lại non sông.

Quả thật, nếu một dân tộc quên quá khứ, tức không hiểu biết gì về lịch sử dân tộc mình, tựa như một cái cây đã bị trốc rễ. Và như thế nó chẳng khác gì “một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”. Có nghĩa nó thực sự là một thân phận nô lệ, làm tôi tớ cho kẻ nào cũng được. Sự khẳng định, cũng có nghĩa là dự báo tài tình của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về vấn đề lịch sử là tuyệt đối đúng. Đúng với mọi thể chế, mọi thời đại. Và đúng như sử gia Fernaud Braudel từng viết: “Khi lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”.

Việc giáo dục lịch sử ở nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua có nhiều bất cập, như trong bộ Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 3) trong 55 năm (1945 - 2000) đã chiếm tới 1/3 pho quốc sử trải dài 4.000 năm. Trong cấu trúc giáo trình lịch sử ở cấp tiểu học, trung học từ giảng dạy đến thi cử đều coi nhẹ môn quốc sử, khiến học sinh, sinh viên chán học sử, chán đọc sử. Và hậu quả ta đang lãnh đủ. Ví như cách đây đúng 14 năm, báo Pháp Luật số ra ngày 9.5.1998 đưa tin trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh có làm một thử nghiệm mang tính điều tra xã hội học, trong số 1.800 sinh viên được hỏi thì có tới 44% trả lời: “Không biết các vua Hùng là ai; 39% số sinh viên này trả lời không biết Trần Quốc Toản là ai”.

Thật ra kiến thức lịch sử của sinh viên trong kết quả khảo sát trên có làm nhiều người đau lòng, nhưng cũng còn là ước mơ so với năm 2005, theo số liệu Bộ GD - ĐT công bố thì điểm thi môn lịch sử vào Đại học và Cao đẳng 60% dưới điểm 1 trong thang điểm 10. Như vậy là cứ 10 công dân có học thì 6 người không hiểu biết lịch sử nước mình. Và nếu so với trình độ hiểu biết lịch sử của học sinh, sinh viên hiện nay thì năm 2005 có nhẽ vẫn là đỉnh cao mơ ước.

Và nếu lại làm một cuộc kiểm tra tại chỗ trong những người có học, kể cả phần lớn các nhà quản lý hành chính quốc gia, các giáo viên phổ thông trung học, các học sinh, sinh viên rằng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ở tọa độ nào, nó có thuộc về Việt Nam hay không? Và nếu thuộc Việt Nam thì người Việt Nam đã chiếm hữu, quản lý và khai thác nó từ bao giờ, và diễn biến chủ quyền trên hai quần đảo ấy từ năm 1936 tới nay như thế nào? Chắc chắn sẽ cho ta một kết quả vô cùng thảm hại. Vậy chứ ai phải chịu trách nhiệm lịch sử về kết quả tồi tệ này?

Và tôi xin nhắc lại một lần nữa, lời của ngài Fernaud Braudel: “Khi lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”.

Kính thưa hương hồn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tôi thuộc lớp con cháu ông, và cũng theo gương ông viết tiểu thuyết lịch sử; tôi nghiêng mình kính cẩn trước tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc của ông, và trước cả lời cảnh báo đau lòng của ông đã ứng vào tình trạng hiểu biết lịch sử nước nhà của con em chúng ta hiện nay!

Theo Hoàng Quốc Hải - ĐBND








 






 

Các bài mới
Các bài đã đăng