Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của danh họa Áo Gustav Klimt (1862 - 1918), công chúng Hà Nội vừa qua đã có dịp tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của họa sỹ tiên phong trong trào lưu nghệ thuật vẫn còn mê hoặc và truyền cảm hứng đến ngày nay: chủ nghĩa hiện đại.
Gustav Klimt sinh ra vào kỷ nguyên đã được định hình bởi chủ nghĩa lịch sử đang chuyển dần sang chủ nghĩa hiện đại, còn gọi là thời kỳ của Tân nghệ thuật. Nó đánh dấu sự khởi đầu kỷ nguyên của những thay đổi căn bản trong thế giới nghệ thuật, bác bỏ các nguyên tắc của chủ nghĩa lịch sử. Nguyên tắc về sự hợp nhất của cuộc sống hàng ngày và nghệ thuật được duy trì trong tất cả các mảng liên quan đến thiết kế. Nói như Bí thư thứ nhất về văn hóa, Đại sứ quán Áo Konstanze Mantsch: “Klimt và các đồng nghiệp đã làm được một cuộc cách mạng trong nghệ thuật. Họ ra khỏi đường mòn của nghệ thuật cổ điển và thực sự thành công khi đưa nghệ thuật vào với cuộc sống, mặc dù con đường này thời gian đầu không mấy dễ dàng”.
Sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, Klimt khởi nghiệp từ thợ kim hoàn, sau thi vào Trường Nghệ thuật thuộc Bảo tàng Nghệ thuật và Công nghiệp hoàng gia Áo (nay là Đại học Nghệ thuật Ứng dụng). Tại đây, ông sớm có cơ hội làm quen với thị trường nghệ thuật, hoàn thành rất nhiều dự án đặt hàng của Hoàng gia Áo - Hung (1892) và dự án vẽ tranh cho các khoa của Đại học Vienna (1894 - 1905). Sự chuyển dịch của Klimt từ chủ nghĩa lịch sử sang chủ nghĩa Tân nghệ thuật Áo (Jugendstil) diễn ra cuối năm 1890 cho đến khi ông hoàn thành bức họa nổi tiếng Nụ hôn vào năm 1907. Những hình ảnh và biểu tượng vốn được sử dụng suốt nhiều thế kỷ trong tranh biểu tượng đã bị thay thế bởi những giải pháp nghệ thuật mới. Theo Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Georg Heindl: “Bức họa thực sự trở thành một biểu tượng nghệ thuật toàn cầu. Nụ hôn cùng các tác phẩm của Klimt đã cho thấy toàn bộ thế giới văn hóa của TP Vienna những năm 1900”.
Thật tuyệt vời khi được ngắm những bức tranh biểu tượng, chân dung phụ nữ hay tranh phong cảnh của ông. Tuy nhiên, xã hội Vienna thời đó vẫn còn khá lạ lẫm với những tác phẩm của Klimt, có người còn khó chịu về các bức họa này. Nhiều người làm nghệ thuật đương thời không thích cách chuyển tải thông điệp qua các bức tranh của ông hay là những thông điệp mà họ nghĩ là ông muốn chuyển tải. Có thời kỳ Đại học Vienna đã đặt hàng tranh của ông nhưng sau đó không sử dụng chúng. Họ cho rằng các bức tranh quá cởi mở, không thể hiện tinh thần lạc quan. Như một chuyên gia của Pháp từng nhận xét: Klimt miêu tả sâu sắc sự gợi cảm của phụ nữ, của cuộc sống vui vẻ của thủ đô Vienna. Các tác phẩm của Klimt và những nghệ sỹ Áo cùng mang tính cách mạng. Chúng thể hiện được cả bối cảnh nghệ thuật của Vienna - Áo, trung tâm của châu Âu thời đó, nơi được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra kỷ nguyên của chủ nghĩa hiện đại.
Thường thấy trong hầu hết tác phẩm của Klimt, chủ đề chính mà ông khắc họa là cơ thể phụ nữ, gợi cảm, đầy cởi mở, thậm chí nhiều nghệ sỹ thời đó còn coi chúng là tranh khiêu dâm. Klimt đã thay đổi lối vẽ tranh kiểu cũ, sử dụng một thứ ngôn ngữ khác gợi cảm hơn cũng vì thế mà gây khó chịu hơn. Sự bứt phá với quá khứ của Klimt đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích của báo chí. Ông bị coi là lập dị và những tác phẩm nghệ thuật của ông gần như là trung tâm của sự phê bình.
Nhưng chính cái lập dị, khác thường ấy khiến Klimt làm nên những đặc trưng của thời kỳ nghệ thuật trước và sau năm 1900. Các tác phẩm của Klimt đã phản ánh con đường nghệ thuật từ “Vành đai thời gian” của chủ nghĩa lịch sử đến sự khởi đầu của nghệ thuật trừu tượng.
Theo Hương Sen - ĐBND