Văn nghệ trong nước
NSƯT Diễm Lộc: Có được thì phải có mất
08:05 | 03/07/2012

NSƯT Diễm Lộc là người hạnh phúc bởi nhiều khán giả và giới sân khấu khi nhớ tới bà là nhớ tới những vai diễn Súy Vân, Thị Màu, Châu Long… mà nhiều diễn viên chèo sau này ai cũng có khát vọng được thử sức nhưng ít người vượt qua được. Bà chia sẻ, bà đến với những nhân vật kinh điển này của sân khấu chèo từ rất sớm. Ngay từ khi 16, 17 tuổi, cô gái làng Láng Diễm Lộc vốn quen với việc đồng áng lại có giọng hát chèo rất ngọt đã được tập tành những vai này để biểu diễn văn nghệ quần chúng cho bà con xem...

NSƯT Diễm Lộc: Có được thì phải có mất
NSƯT Diễm Lộc

NSƯT Diễm Lộc ngồi trò chuyện cùng tôi trong căn phòng mà xung quanh là những cuốn sách kinh Phật và những bài thuốc chữa bệnh dân gian, giữ gìn sức khỏe giống như mối quan tâm của bao người khi bước vào tuổi thất thập. Dường như với bà, giờ đây, những mối quan tâm ấy và sự vui vầy cùng con cháu đã quá đủ để sống an nhiên, tự tại, chẳng còn điều gì có thể khiến bà phải bận tâm nữa. Vậy nhưng, khi nhắc đến chèo thì bà như trở thành con người khác hẳn. Gương mặt phúc hậu, lúm đồng tiền sâu hoắm, nhất là đôi mắt long lanh đầy biểu cảm, khiến người đối diện có cảm giác như gặp lại đâu đây bóng dáng của nàng Súy Vân, Thị Màu trên sân khấu chèo say đắm thuở nào.

NSƯT Diễm Lộc say sưa kể về dự án phục dựng và bảo tồn những vở chèo cổ do Nhà hát Chèo Việt Nam tiến hành mà bà là người giảng dạy vai Súy Vân cho các nghệ sĩ trẻ. 75 tuổi, bà vẫn hào hứng với từng giờ lên lớp dù mắt đã phải đeo thêm kính, có hôm bệnh viêm khớp tái phát khiến chân phải đi tập tễnh. Với bà, cứ được diễn, được múa, được hát là vui. Hơn nữa, việc truyền nghề cho thế hệ sau được bà coi như sứ mệnh của mình. Giống như ngày xưa, khi mới mười chín đôi mươi, bà cũng được những bậc tiền bối như NSND Dịu Hương, cụ Cả Tam, cụ Minh Lý truyền dạy các ngón nghề chèo. Các bậc tiền bối đã giữ gìn và trau dồi làm đẹp cho chèo thì giờ đây, bà cũng sẽ truyền dạy tận tâm, không "giữ miếng". Bà bảo, sướng nhất là thấy trò yêu nghề, say nghề, hiểu và làm được những gì mình truyền đạt. Và buồn nhất là khi trò học hành hời hợt, không nhập tâm, diễn chèo mà tâm trí cứ để đâu đâu.

Chèo nói riêng và nghệ thuật ca kịch nói chung chưa bao giờ là một điều dễ dàng vì phải hát chuẩn, diễn chuẩn và vũ đạo chuẩn. Người xưa thường bảo, muốn thành công ở nghề này chỉ có một cách duy nhất là "dốc một lòng trông về đạo". Thế nên, bà thường căn dặn các nghệ sĩ trẻ khi diễn phải đong đếm như cân tiểu ly, từ việc lấy hơi đến bộc lộ cảm xúc nhân vật. Người nghệ sĩ phải tập vai nhuần nhuyễn đến độ hát đến chữ nào thì nước mắt lưng tròng, đến chữ nào thì nước mắt rơi xuống gò má, đến chữ nào thì nước mắt như mưa… Diễn hời hợt hay căng cứng quá đều khiến nhân vật thất bại. Với nghề diễn, NSƯT Diễm Lộc luôn tâm niệm, sân khấu là thánh đường mà ở đó mọi điều phải thật hoàn hảo. Lâu nay, theo dõi các nghệ sĩ trẻ biểu diễn, bà nhận thấy rất ít nghệ sĩ biết vấn tóc, buộc khăn ngang lưng đúng kiểu. Họ thường thắt lưng mớ bảy mớ ba ngoài áo cánh trong khi đúng ra phải là trong áo. Thế nên có điều kiện tới đoàn nào, bà cũng phải hướng dẫn cho chính xác. Ít ai biết rằng, NSƯT Diễm Lộc là người đầu tiên trong làng chèo sáng tạo ra cách cài hoa lên tai khi vào vai Thị Màu, mà sau này nhiều nghệ sĩ trẻ học tập và dẫn đến việc lạm dụng việc cài hoa cho bất kỳ nhân vật nào.

NSƯT Diễm Lộc là người hạnh phúc bởi nhiều khán giả và giới sân khấu khi nhớ tới bà là nhớ tới những vai diễn Súy Vân, Thị Màu, Châu Long… mà nhiều diễn viên chèo sau này ai cũng có khát vọng được thử sức nhưng ít người vượt qua được. Bà chia sẻ, bà đến với những nhân vật kinh điển này của sân khấu chèo từ rất sớm. Ngay từ khi 16, 17 tuổi, cô gái làng Láng Diễm Lộc vốn quen với việc đồng áng lại có giọng hát chèo rất ngọt đã được tập tành những vai này để biểu diễn văn nghệ quần chúng cho bà con xem. 19 tuổi, khi chính thức về Đoàn 1 Nhà hát Chèo Việt Nam, Diễm Lộc may mắn được đạo diễn, NSND Trần Bảng giao ngay vai Súy Vân. Niềm vui sướng được giao vai chính cộng với nỗi lo lắng hoàn thành vai diễn khiến Diễm Lộc thường xuyên tập luyện quên ăn, quên ngủ. Đến bữa, phải có người nhắc mới nhớ vào ăn cơm. Đêm ngủ cũng mơ hát, miên man li bì cùng vai diễn.

NSƯT Diễm Lộc nhớ nhất là tập cảnh Súy Vân đau khổ tuyệt vọng khi bị Kim Nham ruồng bỏ. Sau mấy lần tập, đạo diễn Trần Bảng lắc đầu chưa hài lòng vì Diễm Lộc diễn chưa tới, chưa ra cái cô đơn đến tái tê vì yêu của Súy Vân. Diễm Lộc quyết định 2, 3 đêm liền, cứ nửa đêm lại dậy lấy nón, khăn cùng chiếc áo dài một mình lang thang ra giữa cánh đồng. Ngày ấy, khu Đồng Xa, Mai Dịch gần Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn là những cánh đồng rộng, hoang vu, lại nổi tiếng với nạn giết người, cướp của. Diễm Lộc cứ đi như thế, cho cái lạnh của đêm vắng thấm vào da thịt, tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm, nỗi cô đơn, sợ hãi vây kín mà chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến bà giật mình, nổi da gà... Diễm Lộc  mang cái cảm giác mà mình nếm trải ấy lên sàn diễn và đã nhận được ánh mắt hài lòng của đạo diễn.

Hay, khi tập các kiểu cười đặc trưng của Súy Vân, Diễm Lộc cũng đã đổ rất nhiều mồ hôi, tâm sức. Nghệ sĩ Diễm Lộc kể, sau nhiều ngày tập cười, bà vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của đạo diễn Trần Bảng. Rồi ông ra chỉ thị: "Tôi cho cô đúng 3 ngày để tập cười". Để toàn tâm toàn ý và tránh không ảnh hưởng đến người khác, Diễm Lộc nghĩ ra một cách, leo lên cái giàn giáo cao vút ở gần đó tập cười… tít mù với các điệu khác nhau. Đúng hẹn, 3 ngày sau, Diễm Lộc đã cười được cho ra cái điệu đặc trưng của Súy Vân mà đến giờ, giới sân khấu vẫn coi đó làm chuẩn mực để bà thường xuyên được mời đi hướng dẫn cho các diễn viên trẻ sau này.

Bấm đốt ngón tay, NSƯT Diễm Lộc không thể nhớ rõ mình đã khóc cười điên dại bao đêm với Súy Vân, lẳng lơ đa tình cùng Thị Màu hay đoan chính, sâu sắc với nàng Châu Long, chỉ nhớ có những đợt bà cùng Nhà hát Chèo Việt Nam diễn tới 38 đêm liền. Bà vẫn nhớ mãi kỷ niệm khi tới Nông trường Rạng Đông ở huyện Xuân Thủy (tỉnh Hà Nam cũ) biểu diễn, thức ăn không quen khiến nhiều người trong đoàn bị đi ngoài. Ốm vậy nhưng lịch diễn vẫn phải đảm bảo nên không còn cách nào khác, Diễm Lộc bèn cậy nhờ bác sĩ của nông trường tiêm cho một mũi moóc - phin giảm đau trong suốt thời gian hóa trang. Vở diễn có 5 màn thì cứ xong một màn, vừa ra khỏi sân khấu là Diễm Lộc lại nôn thốc nôn tháo. Mệt lả người nhưng cứ lên sân khấu là lại quên hết tất cả lại diễn đắm say như chưa từng mệt mỏi. Sau đêm diễn ấy, bà nằm bẹp 5 ngày liền không dậy được. Đôi khi ngẫm lại, bà vẫn không thể tưởng tượng mình đã lấy đâu ra sức lực để hoàn thành vở diễn.

Cuộc đời NSƯT Diễm Lộc trải qua nhiều đoạn thăng trầm mà một trong những cú sốc khiến giờ đây, hơn 30 năm trôi qua, mỗi lần nghĩ lại bà vẫn thấy nhói đau, đó là bà phải đột ngột nghỉ hưu khi mới 48 tuổi - khi giọng hát vẫn ngọt, cách diễn vẫn đằm và tình yêu nghề vẫn đang cháy bỏng. Cầm quyết định nghỉ hưu trên tay, Diễm Lộc như người mất hồn, chới với không còn một nơi bấu víu. Bà phát ốm vì nhớ sân khấu, vì thèm được diễn, thèm được hóa thân vào từng số phận dưới ánh đèn sân khấu. Có lần thèm diễn quá, bà bảo, cho bà một vai diễn nhỏ thôi, vai bà già cũng được nhưng cuối cùng, bà vẫn nhận được cái lắc đầu của những người lãnh đạo. Quý bà, thỉnh thoảng NSND Trần Mạnh Tuấn có suất diễn ở đâu lại kéo bà đi cùng. Những buổi diễn ít ỏi ấy cũng phần nào khỏa lấp nỗi nhớ nghề quay quắt trong lòng. Sau này, khi câu lạc bộ những nghệ sĩ về hưu của Nhà hát được thành lập, bà cùng các nghệ sĩ trong câu lạc bộ được mời đi diễn ở các địa phương, đi dạy diễn xuất cho các đoàn, đi luyện thi tài năng trẻ cho các nghệ sĩ. Bà bảo, suốt một thời gian dài, chưa một giây phút nào, giấc mơ sân khấu thôi ám ảnh, day dứt bà.

Nhưng, cũng trong chính giai đoạn phải xa sân khấu ấy, NSƯT Diễm Lộc lại có cơ hội bén duyên cùng điện ảnh. Phần vì rảnh rỗi, vì nhớ nghề và cả chút tự ái khi nhiều người cho rằng làm sân khấu thì không đóng phim được, nghệ sĩ Diễm Lộc nhận lời đóng phim. Ban đầu thì chỉ là những vai nhỏ, lướt qua máy quay. Nhưng vai nhỏ đến mấy, Diễm Lộc vẫn diễn tới nơi tới chốn khiến không ít đạo diễn, quay phim phải ngạc nhiên, khâm phục. Giờ thì gia tài phim ảnh của NSƯT Diễm Lộc đã kha khá với nhiều bộ phim như "Đường đời", "Dòng sông phẳng lặng", "Nắng chiều", "Mùa lá rụng", "Vệt nắng cuối trời"… và gần đây nhất là "Lều chõng" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Với NSƯT Diễm Lộc thì dù sân khấu hay điện ảnh, điều đầu tiên là nghệ sĩ phải thuộc kịch bản và hiểu tính cách nhân vật. Quen với chuyện nhiều diễn viên trẻ hiện nay cứ tới trường quay mới đọc kịch bản, đạo diễn Đỗ Đức Thành đã từng ngạc nhiên khi thấy NSƯT Diễm Lộc ra trường quay với tay không: "Sao chị không mang kịch bản đi?". Nghệ sĩ Diễm Lộc cười cười bảo: "Tôi cho hết vào trong bụng rồi". Sự nghiêm túc đó mang về cho NSƯT Diễm Lộc phần thưởng xứng đáng, đó là danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (năm 2001) với vai bà Bơ trong phim "Nắng chiều" khi đã ngoài 60 tuổi. Ở bộ phim này, NSƯT Diễm Lộc đã diễn tả thành công tâm trạng đấu tranh, giằng xé của người phụ nữ đã bước vào tuổi xế chiều sau khi hy sinh cả tuổi thanh xuân tần tảo nuôi em, nuôi cháu khi gặp lại mối tình đầu giờ cũng đang lẻ bóng.

Trò chuyện với chúng tôi, NSƯT Diễm Lộc thổ lộ, bà thấy lòng bình yên từ lâu lắm rồi. Ngay cả những mất mát từ cuộc hôn nhân đổ vỡ năm bà mới 31 tuổi cũng không còn khiến bà thấy nhói lòng nữa. Những vất vả của cuộc sống đơn thân một nách 2 con cũng đã chỉ còn là ký ức. Ngày trước, công việc bận rộn, niềm say đắm với chèo cuốn bà đi. Giờ đây, những cuốn kinh Phật đã giúp bà hiểu rằng, không có ai được tất cả. Được cái này sẽ phải hy sinh cái kia. Đã có những phút giây huy hoàng được cháy hết mình trên sân khấu thì đôi khi đời sống riêng thua thiệt phần nào. Hạnh phúc của NSƯT Diễm Lộc là con cháu hiếu thảo, thành đạt, những lúc rảnh rỗi bà lại được mời đi đóng phim, giảng dạy. Và chắc chắn một điều, ở trong người nghệ sĩ này, giấc mơ sân khấu vẫn chưa một phút nguôi quên


  Theo Thảo Duyên - CAND







 

Các bài mới
Các bài đã đăng