Không phải ngẫu nhiên người ta gọi nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến là một “hiện tượng phê bình sáng giá” của Việt Nam cuối thế kỷ 20. Với sự nhạy cảm trong việc phát hiện ra những giọng điệu mới, những “kênh” mới của văn chương và đánh giá nó trên cơ sở lý luận, vốn sống, trực giác và tầm tri thức văn hóa quảng bác, ông đã theo sát những nhà văn giàu tiềm năng và có những khích lệ quan trọng trên bước đường sáng tạo đầu tiên của họ như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh…
Cây bút phê bình “tả xung hữu đột”
Không những vậy, ông xuất hiện giữa văn đàn như một cây bút tả xung hữu đột, vừa có tham vọng vừa góp phần trả lời nhiều câu hỏi hóc búa, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp đã tồn tại dai dẳng không chỉ của văn học Việt Nam. PGS Phạm Vĩnh Cư nhận định: “Một nét chung, hấp dẫn trong tất cả các bài viết của Hoàng Ngọc Hiến là sự nhạy cảm với cái mới, cái đột phá, cái đi đầu mà anh nhìn thấy, dù là trong văn chương nước nhà hay văn hóa, học thuật nước ngoài”.
Những khám phá có tính “nổi loạn” của ông làm thay đổi tư duy độc tôn lạc hậu trong văn học chính thống một thời, tạo tiền đề cho những cuộc tranh luận khá tốn giấy mực trên văn đàn về những “chủ đề” nhạy cảm như “văn học phải đạo”, “văn học bước qua lời nguyền”, “văn học dương dính”, “văn học kể nội dung và tả nội dung”…
Đồng tình với quan điểm trên, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân phân tích: “Tôi gọi mỗi bài viết của anh Hiến giống như một cú đột kích. Ví dụ như khi tiếp cận văn học nghệ thuật VN thời bao cấp những năm 79 – 80 thế kỷ 20, anh đã đi đến một nhận định về sự chênh lệch giữa lý tưởng và hiện thực, tức là miêu tả cái phải có lấn át những miêu tả về cuộc sống như nó vốn có, gọi tắt là văn học phải đạo. Anh ấy coi đó là một nhược điểm của văn học đương thời. Những quan điểm như thế thời đó dĩ nhiên là bị phê phán, nhưng mấy thập kỷ trôi qua đã chứng minh khái quát đó của anh Hiến là rất có giá trị, phản ánh đúng về nền văn học thời bao cấp”.
Điều đáng nói là Hoàng Ngọc Hiến không bao giờ bị lung lay bởi những ý kiến phản bác, phê phán hay ủng hộ, ngợi ca nhằm vào mình; không để bản thân bị rơi vào vòng xoáy của những cuộc tranh luận thiếu thiện chí không có hồi kết ấy. Bỏ lại sau lưng tất cả, ông lại lẳng lặng chuẩn bị đưa ra một phát kiến, một vấn đề tranh luận mới. PGS Phạm Vĩnh Cư tiết lộ: “Điều tôi khâm phục anh Hiến chính là với mỗi ý kiến phản bác của một người nào đó, anh ấy đều viết thư tay hồi âm lại cho họ cẩn thận chứ không ham hố việc tranh luận qua lại trên báo chí để gây dựng danh tiếng”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì dí dỏm: “Tôi nghĩ có lẽ nhiều khi, ông làm cho những người tranh luận bỗng ngơ ngác khi nhận ra rằng, Hoàng Ngọc Hiến đã vượt thoát khỏi cuộc tranh luận lúc nào không hay. Đó là cách tranh luận của một kẻ cao cường, hay nói cách khác đó là nhân cách lý luận phê bình của Hoàng Ngọc Hiến, không sa vào ma trận mà biết lựa chọn cho mình một tâm thế minh triết”.
Tuyển tập và tổng tập
Được coi là một trong những trí thức lớn của Việt Nam đương đại, nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến ra đi để lại khoảng 30 tác phẩm công trình, chủ yếu tập trung trên 3 lĩnh vực: Lý luận phê bình, Nghiên cứu văn hóa và Dịch thuật.
Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn sâu đậm với kiến thức quảng bác của mình. Cuốn Hoàng Ngọc Hiến…viết do nhà văn Đà Linh biên soạn, tập hợp một số bài tiểu luận, phê bình đặc sắc qua các thời kỳ, mới chỉ là một phần rất nhỏ so với khối di cảo đồ sộ của nhà giáo, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến.
Trong thời gian tới, có thể một bộ tổng tập Hoàng Ngọc Hiến sẽ được biên soạn để bạn đọc cũng như giới nghiên cứu có cơ hội được tiếp cận và tham cứu, từ đó có những đánh giá đầy đủ hơn về sự nghiệp của ông, và cũng là để những ai có cùng chí hướng, sẽ tiếp bước những gì ông đã và đang làm dang dở, trong đó có tâm nguyện khôi phục và phát huy những giá trị của minh triết Việt trong cuộc sống đương đại.
Như GS Francois Jullien – Viện trưởng Viên Tư tưởng đương đại, Paris VII, Cộng hòa Pháp đã viết trong bức thư gửi Trung tâm Minh triết Việt sau khi biết tin nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến qua đời: Sự nghiệp của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến sẽ được tất cả chúng ta ghi nhớ, sự đổi mới dấn thân của ông cũng như là phẩm hạnh văn chương của ông. Tôi cũng biết rằng, ở ông có sự lo lắng bền bỉ, để truyền cho những thế hệ mới sự giàu có của tinh hoa truyền thống…Ông Hiến như một tấm gương lớn, mà tôi cố gắng noi theo, một sự gắn kết nghiêm cẩn giữa sự công minh và niềm tin vững chãi với lòng trắc ẩn trước tâm thế của đồng loại…
Theo Kiến Văn - TTVH