Văn nghệ trong nước
Bùi Văn Nam Sơn - Triết gia ngồi xe buýt
14:40 | 17/07/2012

Bùi Văn Nam Sơn làm việc cật lực, dịch, viết, hiệu đính, giới thiệu, nói chuyện, giảng dạy. Mỗi ngày ông chỉ ngủ mấy tiếng. Ít người biết, ông triết gia này là bà con rất gần của “thi sĩ cuồng” Bùi Giáng.

Bùi Văn Nam Sơn - Triết gia ngồi xe buýt
Nhà nghiên cứu, triết gia Bùi Văn Nam Sơn

Trong tác phẩm “Trò chuyện triết học”, khi bàn về tự do, nhà nghiên cứu, triết gia Bùi Văn Nam Sơn đã dẫn hai câu thơ của Lý Bạch: Ở đời lắm chuyện lo phiền/ Sáng mai xõa tóc thả thuyền ta chơi (Lý Bạch).

Trích dẫn là vậy chứ Bùi Văn Nam Sơn không đi thuyền mà người ta thường thấy ông ôm những cuốn sách dày cộp trên những chuyến xe buýt đầy ắp sinh viên và những người thuộc vào thành phần “một bộ phận” dân cư đang sống dưới mức nghèo khổ.

Người tộc trưởng họ Bùi

Bùi Văn Nam Sơn thường đi xe buýt. Một phần bởi ông ngán cảnh tắc đường, một phần do cạnh nhà của ông có bãi đậu cả chục chiếc xe liên hiệp xanh thắm.

Bùi Văn Nam Sơn sống trong căn nhà khá rộng rãi trong khu dân cư mới quy hoạch ấy, cách khá xa trung tâm thành phố. Nhà có khoảng sân chừng chục mét, ông vác ra cái bàn nhỏ, vài chiếc ghế bố, ấm trà mạn, tiếp tôi ở đấy.

Ngoài 60 tuổi nhưng ông nhanh nhẹn, người đậm chắc, giọng nói của ông lai pha nhiều thứ tiếng chứ không phải tiếng Quảng đặc sệt. Ông nói: “Tôi làm việc cật lực, nào dịch, nào viết, hiệu đính, giới thiệu, nói chuyện, giảng dạy. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ mấy tiếng thôi”.

Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông có họ với thi sĩ cuồng Bùi Giáng. Một số người quê ông còn khẳng định giáo sư Việt kiều này chính là tộc trưởng họ Bùi.

Ông có một nhận xét về Bùi Giáng rất nổi tiếng và cũng hóc hiểm: “Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc thơ Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giang thì thật vui mà thật khó vậy”.

Nói như thế, Bùi Văn Nam Sơn đã tự khẳng định xu hướng nhập thế. Người ta đọc không phải để trở thành mọt sách mà để thực hành làm một con người tự do. Có thể nói: “Đọc Bùi Văn Nam Sơn không bằng sống như Bùi Văn Nam Sơn chăng?”

Bùi Văn Nam Sơn nói: “Tôi xa đất nước rất lâu. Tôi sang du học ở Tây Đức từ năm 21 tuổi (năm 1968). Khi đó người Việt đi Tây Đức học còn ít lắm, chỉ vài trăm anh em thôi. Chủ yếu sang học về kỹ thuật. Số người học triết học như tôi rất ít, vì triết học không phải là nghề dễ kiếm cơm, hay nói như người Đức, không phải “cái học bánh mì!”

Nhớ về thời tuổi trẻ của mình, ông nói các bạn trẻ ở Đức học triết khá đông, nhiều người học các ngành khác nhưng chọn triết học làm chuyên ngành phụ.

Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn. Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng

“Họ ý thức rõ tầm quan trọng của kiến thức nền tảng”. Ông khá ghen tị khi nói rằng “Sinh viên Nhật mới đúng là “con nhà giàu”. Họ sang Đức thường để học … triết, âm nhạc, lịch sử nghệ thuật”. Ông nói với tôi: “Nhìn phong thái tiếp thu chủ động, sớm sủa và sáng tạo của người Nhật, mình không khỏi thấy ghen tị!”

Trong một cuộc nói chuyện về văn hóa đọc, Bùi Văn Nam Sơn nói người ta cần phải đọc nhiều đến mức biến hành vi đọc trở thành “bản năng” của con người. Đọc chính là cách ngắn nhất để đến với tri thức.

Nhưng một câu hỏi đặt ra: “Đọc cái gì? Có cái gì để mà đọc không?”. Việc đọc chỉ thực sự có ích khi người ta được đọc những cuốn sách chất lượng, nghiêm túc, khoa học. Những cuốn sách ấy thậm chí thể làm thay đổi cuộc đời của con người, của cả một thế hệ. Có thể khẳng định những cuốn sách như vậy ở Việt Nam không nhiều.

Vua dịch

Cái tên Bùi Văn Nam Sơn thực sự ấn tượng với chúng tôi cách đây chừng mười năm.

Đầu những năm 2000, Tiến sĩ Ngô Tự Lập đã xới lên ý tưởng về một kho sách dịch bao gồm những tác phẩm nền tảng của các lĩnh vực khoa học thiết yếu của loài người như triết học, văn học, toán học, vật lý học, tôn giáo, kinh tế, chính trị, nhà nước…

Nhưng dường như Ngô Tự Lập hứng thú với một tờ báo hay một trường đại học hơn là công việc biên tập, dịch thuật tẻ nhạt. Ý tưởng ấy có nguy cơ mãi chỉ là ý tưởng.

Sau khi Nhà xuất bản Tri Thức ra đời, ý tưởng của Ngô Tự Lập dần được hiện thực hóa với “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới”, được tổ chức thực hiện nhờ Giám đốc nhà xuất bản này là Tiến sĩ Chu Hảo.

Cái tên Bùi Văn Nam Sơn cũng được nhắc đến nhiều từ đó bởi ông là một trong những cộng tác viên đắc lực nhất của Nhà xuất bản Tri Thức. Bản thân Bùi Văn Nam Sơn cũng chủ động dịch và in nhiều cuốn sách tri thức cơ bản, sách “chuẩn” của nhân loại.

Bùi Văn Nam Sơn từng theo học khoa Triết, Đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, CHLB Đức. Ông là học trò của hai nhà triết học hàng đầu thế giới còn sống là Karl Otto Apel và Habermas. Bản thân Bùi Văn Nam Sơn từng sống bằng nghề dạy học triết học tại Đức.

“Với Bùi Văn Nam Sơn, dịch không có nghĩa là chuyển tải tác phẩm từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà nó là một quá trình dịch chuyển kho tàng tri thức từ thời đại này sang thời đại khác, từ hoàn cảnh lịch sử này đến hoàn cảnh lịch sử khác” (Dịch giả Đinh Bá Anh)

Ông đã bắt tay vào việc đặt những viên gạch đầu tiên cho tủ sách hệ thống về sách triết học phương Tây. Đến lúc bấy giờ, kho sách triết học phương Tây của Việt Nam chủ yếu chỉ có các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác.

Bùi Văn Nam Sơn cho rằng “Tri thức là kinh nghiệm có tổ chức” (“Trò chuyện triết học” - Nxb Tri Thức, 2012). Dĩ nhiên dịch thuật là cách tổ chức kinh nghiệm của loài người rất đắc dụng.

Sức làm việc của Bùi Văn Nam Sơn những năm qua thực phi thường. Một người học trò của ông thống kê rằng “Trong 5 năm, có khoảng 15 tác phẩm do Bùi Văn Nam Sơn dịch, chú giải, hoặc giới thiệu, chú thích, hiệu đính… được giới học thuật và bạn đánh giá cao”.
Những công trình cơ bản, ông đã dịch và chú giải bao gồm các cuốn của nhà triết học Đức I. Kant: "Phê phán lý tính thuần túy" (2004), "Phê phán năng lực phán đoán", "Phê phán lý tính thực hành" (2007), cuốn "Hiện tượng học Tinh thần" của G.W.F. Hegel (2006).

Năm 2008, ông tiếp tục trình làng bản dịch và chú giải quyển “Khoa học Lôgíc” của Hegel và cuốn “Bách khoa thư các nhà triết học khoa học” của G.W.F. Hegel. Năm 2010, Bùi Văn Nam Sơn lại đưa đến bạn đọc cuốn “Các nguyên lý của triết học pháp quyền” của G.W.F. Hegel.

Bùi Văn Nam Sơn dày công xây dựng hàng loạt khái niệm triết học và tư tưởng chưa từng xuất hiện trong tiếng Việt.

Bản thân tên các tác phẩm dịch được ông đề xuất cũng đã gợi cho chúng ta thấy sức sáng tạo thuyết phục của Bùi Văn Nam Sơn trong việc chuyển tải những ý niệm và tư tưởng của thế giới vào tiếng Việt. Điển hình là các khái niệm “lý tính”, “lý tính thuần túy”, “năng lực phán đoán”, hay “hiện tượng học tinh thần”.

Gia sư… triết học

Uống ngụm trà vội vã, Bùi Văn Nam Sơn nói với tôi “Các trường đại học mở ra rất nhiều, nhưng trường dạy về tư tưởng, đặc biệt các khoa triết thì rất ít”. Tôi nói thêm với ông rằng số thí sinh dự thi vào khối Khoa học xã hội giảm mạnh trong những năm gần đây.

Nó chứng tỏ sự suy thoái của khoa học xã hội và xu thế đi xuống của văn hóa Việt Nam. Bùi Văn Nam Sơn nói: “Kinh tế không phát triển được thì văn hóa cũng sẽ thoái trào, bởi kinh tế và văn hóa luôn song hành với nhau”.

Bùi Văn Nam Sơn không thể khoanh tay chờ đợi một khoa triết hiện đại ở trường đại học, nơi sẽ thu hút đông đảo sinh viên. Ông tự nuôi giấc mơ truyền bá tư tưởng bằng cách mở lớp dạy triết tại nhà. Thật trớ trêu khi một giáo sư triết học từng dạy triết ở nước Đức nhưng lại trở thành giáo viên “dạy kèm” khi trở về quê hương của mình.

Bùi Văn Nam Sơn nói với tôi: “Nếu anh rảnh, mời anh theo học lớp triết do tôi trực tiếp giảng”. Tôi nói rằng tôi cần phải thu xếp được thời gian. Sự thực, người ta cũng phải có một khoảng tự do nhất định, ít nhất là tự do về thời gian, để nghiên cứu về tư tưởng.

Nghe tôi nói thế, Bùi Văn Nam Sơn mỉm cười đầy cảm thông!

Theo Trần Nguyên Anh - TP

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cổng xưa (16/07/2012)