Văn nghệ trong nước
“Đại chiến Bạch Đằng”- phim hoạt hình lịch sử gây sốt trên Youtube
14:51 | 17/07/2012

Bộ phim hoạt hình “Đại chiến Bạch Đằng” của nhóm sinh viên ĐH Hồng Bàng (TpHCM) đã gây sốt với cư dân mạng. Trên Youtube, “Đại chiến Bạch Đằng” thu hút 69000 lượt truy cập kèm theo nhiều lời ngợi khen chỉ sau hơn một tuần đăng tải.

“Đại chiến Bạch Đằng”- phim hoạt hình lịch sử gây sốt trên Youtube
Cảnh trong phim Đại chiến Bạch Đằng

Bộ phim kéo dài hơn sáu phút, tái hiện lại trận chiến do tướng Ngô Quyền chi huy trên sông Bạch Đằng năm 938 từ khi quân Nam Hán âm mưu xâm lược đến khi Ngô Quyền xưng vương. Với hiệu ứng 3D và 2D cùng những hình vẽ sinh động thoát li hoàn toàn phong cách Manga, bộ phim đã mang đến cho cộng đồng mạng nhiều bất ngờ về sự đột phá trong việc “hoạt hình hoá” đề tài lịch sử khô khan. Với giọng đọc hào hùng, tạo hình nhân vật bắt mắt, nhiều chi tiết đắt giá đoạn phim đã lấy được cảm tình của nhiều cư dân mạng trên trang Youtube.


Được thầy giáo Phạm Văn Bảy khuyến khích đi theo con đường làm hoạt hình lịch sử vì mảng đề tài này khá hiếm. Do đam mê, sáu bạn trẻ (Vũ Đức Thịnh, Đinh Ngọc Chính, Nhữ Thị Thuỳ Diệp, Nguyễn Thanh Đức, Trần Hậu, Đặng Minh Quyền) đã hào hứng tìm kiếm nhiều tư liệu qua sách, tranh ảnh, Internet mà không lo ngại gì về đề tài khó và kén người xem. Chia sẻ về lựa chọn này bạn Nguyễn Thanh Đức cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn tái hiện được trận chiến lịch sử hào hùng và nuôi hy vọng các em học sinh sẽ biết về sử của dân tộc ta nhiều hơn và cảm thấy thích thú học sử!”. Nhờ có sự đầu tư kĩ lưỡng về mặt chất lượng hình ảnh, màu sắc và hiệu ứng, “Đại chiến Bạch Đằng” gây ấn tượng tốt hơn các phim hoạt hình lịch sử thời điểm hiện tại. Tuy nhiên với thời gian chỉ có ba tháng, nhóm gặp phải không ít khó khăn trong quá trình thực hiện như phác họa lại diện mạo oai hùng của Ngô Quyền thông qua hình ảnh tượng đài. Do tư liệu lịch sử không có nhiều nên việc vẽ trang phục, các loại cờ, thuyền chiến thực sự là một thách thức. Bên cạnh đó, thời lượng phim ngắn cũng chưa đủ sức thuyết phục và truyền tải được hết chất anh hùng ca của một sự kiện lịch sử lớn, chưa khắc hoạ được hình tượng nhân vật Ngô Quyền.

Nhóm sinh viên ĐH Hồng Bàng


Khi được hỏi về tham vọng làm phim hoạt hình lịch sử sau khi ra trường, các bạn tỏ ra bối rối bởi “Tiếp tục làm ra một phim mới không còn đơn giản như thời sinh viên nữa. Vì kinh phí để làm ra rất cao, phải dốc sức làm trong một khoảng thời gian khá dài. Nếu được đầu tư, “bài toán” này sẽ bớt nhức đầu hơn”.

Từ năm 2005 tới nay đã có nhiều dự án được triển khai như “Dự án 100 tập phim hoạt hình đề tài lịch sử Việt Nam”, “Đề án 150 tỷ đồng cho phim hoạt hình” (triển khai năm 2008) với sự góp sức của nhiều đạo diễn tên tuổi như Phạm Minh Trí, Phương Hoa, Trần Thanh Việt và Nguyễn Thái Hùng. Tuy nhiên những dự án trên chưa thực sự tạo được hiệu quả nhất định với công chúng đặc biệt là các em nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều đạo diễn trẻ chưa quan tâm tới những đề tài này. Sự xuất hiện của “Đại Chiến Bạch Đằng” cho thấy một dấu hiệu đáng mừng, một số nhỏ đạo diễn trẻ đã quan tâm tới đề tài lịch sử Việt Nam và đưa vào phim một cách sáng tạo. Tuy nhiên để phát triển đề tài này một cách quy mô vẫn là thách thức không nhỏ đối với các đạo diễn cũng như hoạ sỹ làm phim hoạt hình.

Đạo diễn Vũ Minh Trí (ảnh Nha Trang)


Trao đổi với phóng viên Dân trí, đạo diễn- NSƯT Minh Trí cho biết: “Hoạt hình là thể loại lợi thế để chuyển tải nội dung lịch sử bởi ngôn ngữ giàu hư cấu, khoa trương. Đòi hỏi về kinh phí, được phép trang trí hoá khi tạo hình nhân vật, cảnh hay trang phục. Phim hoạt hình đề tài lịch sử của Việt Nam không hiếm phim có chất lượng. Song không được truyền thông quảng cáo cho đông đảo công chúng biết. Hơn thế loạt phim 100 tập đề tài lịch sử được các đạo diễn VFC thực hiện trong gần 10 năm nhưng phát sóng rời rạc, giới thiệu không hấp dẫn nên không để lại ấn tượng, tạo hiệu ứng cho khán giả. Mong muốn lớn nhất của tôi là có một sân chơi, thời lượng phát sóng nhất định cho phim hoạt hình Việt nói chung và phim về đề tài lịch sử nói riêng. Đặc biệt phải chú trọng đến PR, quảng cáo vì đây là điều quan trọng nhất”.

Theo Nha Trang - Dân trí

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cổng xưa (16/07/2012)