Văn nghệ trong nước
80 năm phong trào Thơ mới và văn học Tự lực văn đoàn: Phong Hoá và những ước vọng xa vời
15:43 | 10/08/2012

Trong các hồi ký, ghi chép của mình, nhiều nhà văn, nhà báo lão thành nước ta đã dành những dòng cảm xúc chân thành kể về những kỷ niệm tốt đẹp khi họ làm cho tờ Phong hoá. Nhiều người thẳng thắn thừa nhận, họ đã trưởng thành từ cái “lò đào tạo” Phong hoá.

80 năm phong trào Thơ mới và văn học Tự lực văn đoàn: Phong Hoá và những ước vọng xa vời
Ảnh: tư liệu

Thổi luồng gió mới

Sau khi đàn áp các phong trào yêu nước do các sĩ phu phát động, thực dân Pháp chỉ được sống yên ổn mấy năm cuối cùng của thế kỷ 19. Từ đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước vẫn tiếp tục bùng nổ khiến người Pháp phải tính toán lại các chính sách cai trị nhằm đánh vào ý thức dân tộc của người bản xứ. Ông G. Dumoutier, thanh tra Giáo dục Bắc kỳ từng nhận định: Muốn thay đổi hình dáng, màu sắc của một cái cây, không thể bắt đầu với cái cây đã phát triển hoàn toàn, mà phải tác động từ hạt giống. Muốn biến đổi một dân tộc cũng phải làm như vậy. Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta, dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em….

Hơn ai hết người Pháp hiểu rằng, muốn thu phục được tinh thần người Việt, không gì tốt hơn phương tiện báo chí. Đây là cơ sở để những tờ như Đông dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1918) ra đời. Những tờ báo của chính quyền này tuyên truyền mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phê phán các phong trào yêu nước, tẩy chay lối học cũ, đề cao văn hoá, khoa học phương tây… Mục tiêu chính của các tờ báo trên một mặt nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của truyền thống, mặt khác thúc đẩy sâu rộng phong trào học và sử dụng chữ quốc ngữ trong dân chúng. Đây chính là tiền đề gây dựng nên đội ngũ văn nhân ký giả theo tây học sau này. Từ đầu thế kỷ 20, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), ở Việt Nam bắt đầu rộ lên các phong trào sáng tác văn chương theo lối mới (chủ yếu theo lề lối của Pháp). Báo chí là phương tiện truyền tải văn chương chủ yếu của thời kỳ này. Đây cũng chính là môi trường làm bùng nổ các phong trào sáng tác đình đám vào những năm 30 của thế kỷ trước. Trong số những tờ báo chuyên về văn chương thời đó, có lẽ để lại dấu ấn đậm nhất là các tờ Phong Hoá, Ngày Nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Có thể nói, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) là linh hồn của cả hai tờ Phong Hoá, Ngày Nay cũng như nhóm Tự lực văn đoàn.

Nhà văn Nhất Linh

Nguyễn Tường Tam (1905 - 1963) sinh ra trong một gia đình trí thức có bảy anh em ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Bố mất sớm nên mẹ ông phải rất vất vả, tần tảo buôn bán ngược xuôi, nuôi các con ăn học. Ngay khi mới 16 tuổi ông đã có thơ đăng trên báo Trung Bắc tân văn, đăng nhiều bài có tính khảo cứu trên Nam Phong tạp chí. Sau khi tốt nghiệp trung học ông thi đậu vào trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng chỉ theo học một năm rồi bỏ. Năm 1926, ông vào Nam làm báo. Do có vai trò khá nổi bật trong phong trào để tang Phan Chu Trinh, ông bị người Pháp truy bắt ráo riết, buộc phải trốn sang Campuchia. Năm 1927, ông tìm cách sang Pháp học và năm 1930, Nguyễn Tường Tam lấy được bằng cử nhân.

Đầu những năm 1930, ở Việt Nam xảy ra nhiều sự kiện lớn, có tính bước ngoặt của lịch sử như cuộc khởi nghĩa Yên Bái, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Phong trào Xô - Viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931)... Thực dân Pháp đã đàn áp hết sức dã man các phong trào này. Hàng loạt nhà yêu nước rơi vào cảnh tù đày. Cả xứ Đông Dương như sống trong đêm dài trung cổ. Mọi hình thức đấu tranh vũ trang hầu như bị triệt tiêu. Đúng vào thời kỳ này, Nguyễn Tường Tam về nước. Khi còn ở bên Pháp, Nguyễn Tường Tam rất ấn tượng với tờ Con Ong, tờ báo trào phúng, châm chích những hiện tượng tiêu cực trong xã hội và ông đã nảy ý định ra một tờ báo tương tự làm phương tiện đấu tranh.Tuy nhiên, việc xin phép ra báo Tiếng Cười của ông không thành bởi chính quyền thực dân luôn tìm cách trì hoãn việc cấp phép, mặt khác, việc ra tờ báo mới rất tốn kém, Nguyễn Tường Tam khó mà lo nổi được ngay một khoản tiền lớn. Đây cũng là lúc tờ Phong Hoá của mấy đồng nghiệp dạy trường Thăng Long rơi vào cảnh bết bát có nguy cơ phải đóng cửa. Nguyễn Tường Tam đã gặp Phạm Hữu Ninh, Trần Khánh Dzư, Nguyễn Xuân Mai để điều đình mua lại tờ báo. Sau khi có tờ báo trong tay Nguyễn Tường Tam làm chủ bút, vẫn giữ Phạm Hữu Ninh làm quản lý, Nguyễn Xuân Mai làm giám đốc chính trị. Từ lúc này, Phong Hoá chuyển hướng thành một tờ báo chuyên về văn hoá, nghệ thuật, mang đậm tính trào lộng với ba hình tượng nghệ thuật điển hình Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh.

Phong Hoá số 14 ( 22.9.1932, số đầu tiên do Nguyễn Tường Tam làm chủ bút) ghi rõ tôn chỉ, mục đích: - Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới; - Không chịu khuất phục thành kiến; - Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào; - Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động; - Lấy thành thực làm căn bản; - Lấy trào phúng làm phương pháp, tiếng cười làm vũ khí. Để Phong Hoá sớm có chỗ đứng trong làng báo Việt, ngay khi vừa nắm tờ báo trong tay, Nguyễn Tường Tam đã rất chú trọng đến việc chiêu hiền đãi sĩ. Ngoài mấy anh em trong nhà là Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Bách, ông mời nhiều cây bút nổi tiếng, đang ăn khách thời bấy giờ về làm cho Phong Hóa như Trần Khánh Dzư (Khái Hưng), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau có thêm Xuân Diệu, Trần Tiêu (em Trần Khánh Dzư), Thế Lữ. Nhiều người có bài cộng tác chặt chẽ, thường xuyên với Phong Hoá như Trọng Lang, Huy Cận, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ…

Theo TS.Hoàng Văn Quang - SGTT.VN

(còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng