Văn nghệ trong nước
Nhiếp ảnh gia Na Sơn và bí mật sau mỗi bức ảnh
10:16 | 24/08/2012

Quán cà phê trên phố cổ. Một nơi quá tĩnh tại để thưởng thức những ly cà phê và cũng là một nơi quá lý tưởng để suy tư về công việc. Tôi đã gặp nhiếp ảnh gia Na Sơn tại đó, khi anh đang chăm chú vào chiếc máy tính xách tay. Đó là ngày làm việc cuối cùng của anh trong chuyến công tác tại Hà Nội lần này. Ngay ngày mai, anh lại bay vào Tp HCM. Trên bàn là cốc cà phê nâu đá và rất nhiều tàn thuốc…

Nhiếp ảnh gia Na Sơn và bí mật sau mỗi bức ảnh
Nhiếp ảnh gia Na Sơn

Khi tôi đến, Na Sơn bảo ngồi chờ anh mấy phút. Anh đang đóng lại các cửa sổ làm việc trên máy tính để sẵn sàng cho cuộc nói chuyện. Anh bảo, hằng ngày anh vẫn dành ra 4-5 tiếng vào mạng chỉ để xem xét các bức ảnh. Nhưng đó là xem xét có tư duy. Anh vào đó để suy ngẫm, tìm tòi…

Con đường đến với nhiếp ảnh của Na Sơn cũng bắt đầu từ những sự thích thú và tìm tòi ấy…

Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Tp HCM, Na Sơn đã từng làm việc trong một ngành mà nhắc tới, hẳn nhiều người mơ ước: Ngành dầu khí. Ở đó, như anh nói, từ bố mẹ cho đến nhiều anh chị em của anh đã và đang làm việc. Và công việc đối với anh đã được lập trình một cách rõ ràng. Thế nhưng Na Sơn lại không đi theo con đường đã được lập trình sẵn ấy. Đối với anh, nhiếp ảnh có lẽ là niềm đam mê lớn hơn. Hiện anh đã trở thành một nhiếp ảnh gia có tiếng.

Tuy không thuộc biên chế của một tờ báo nào, nhưng ảnh của Na Sơn lại có mặt trên nhiều ấn phẩm như Tuổi trẻ, Sài Gòn tiếp thị, tại chí Đẹp, tạp chí của ngành hàng không Heritage… Hiện anh đang chịu trách nhiệm chính cho khâu ảnh của Hãng thông tấn AP tại Việt Nam. Các bức ảnh của Na Sơn đã được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí nước ngoài như USA Today, Washington Post, BBC, Asies Magazine…

8 năm đã trôi qua, gắn bó với bao buồn vui của nghề nhiếp ảnh, Na Sơn đã đi hầu hết các tỉnh của Việt Nam, từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến tận cùng Mũi Cà Mau. Anh cũng kịp ghi lại một số hình ảnh chiến sự ở Iraq năm 2003, rồi chiến sự ở Lebanon. Anh cũng là tác giả của nhiều bức ảnh ghi lại các sự cố xảy ra ở Việt Nam: vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; lũ quét ở Lào Cai; vụ tai nạn trên sông Sêrêpôk … Với Na Sơn, tìm hiểu, khai thác những góc khác của sự kiện mới là điều anh cần thể hiện. Ở bức ảnh sập nhịp dẫn của cầu Cần Thơ, anh không khai thác trực diện, không đưa đến cho người xem những cảnh tượng kinh hoàng của sự chết chóc, mà anh chụp một bức ảnh khác: Một chiếc tủ giày của công nhân. Khi họ hết ca, những chiếc giày sẽ được để vào từng ô. Nhưng đây là một chiếc tủ giày trống trơn, những ô trống phủ bụi, còn những người công nhân thì đi mãi không về…

Hay bức ảnh về vụ tai nạn trên sông Sêrêpôk với nhiều người thiệt mạng. Để phản ánh, anh chọn sự tương phản. Da thịt người chết thường tím tái, anh bố trí, sắp xếp bên cạnh một cái gì đó đậm màu hơn chỉ lấy một đôi chân thò ra khi đang được Công an đo đạc tử thi. Vụ tai nạn ấy, Na Sơn đã lấy hết can đảm để tiếp cận hiện trường, chụp được những bức ảnh mà anh cho là nói được nhiều điều nhất.

Nghệ sĩ Na Sơn cho biết, làm nhiếp ảnh không phải là một công việc đơn giản. Phải am hiểu sự kiện, phải hiểu được cần đưa cái gì đến cho công chúng. Vì ảnh chụp là để người khác xem. Từ ý tưởng đến cách thể hiện, kỹ thuật khai thác làm sao cho người xem hiểu được thông điệp mình cần gửi gắm chứ không phải đưa ra bức ảnh lại phải giảng giải ý của tôi là thế này, hay ý của tôi là thế kia.

Khi tác nghiệp, Na Sơn thường lên kế hoạch sẵn trong đầu. Các sự kiện như hội nghị, hay mỗi khi các đoàn khách nước ngoài tới thăm Việt Nam, vẫn hội trường ấy, vẫn khung cảnh ấy, anh luôn nghĩ trước cho mình một góc đứng, góc máy như thế nào. Tất cả phải lập trình sẵn và hôm sau đến cứ như vậy là chụp. Đó là một nguyên tắc làm việc của anh. Na Sơn luôn luôn ở thế chủ động.

Ngoài việc chụp ảnh, Na Sơn còn trực tiếp viết bài. Anh cộng tác bài vở với nhiều tờ báo. Là người đi nhiều, biết nhiều, anh luôn ý thức rằng vẫn còn rất nhiều những con người bất hạnh, những hoàn cảnh trớ trêu. Vùng núi phía Bắc, nơi anh đã đặt chân đến nhiều lần, vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn. Điện Biên Đông - một vùng đất bị hoành hành bởi tệ buôn bán ma túy, ở đó, giờ chỉ còn những đứa trẻ. Những hình ảnh đập vào mắt người, mà phải có con mắt quan sát tinh tế lắm mới viết ra được những lời từ đáy lòng: "Đi vòng quanh Pá Vạt, nơi con sông Mã khởi nguồn, bóng dáng đàn ông trai tráng thật thưa thớt. Dưới những nếp nhà tuềnh toàng toàn là phụ nữ, người già lặng lẽ, trẻ con thì nheo nhóc, lê la và hầu như những đứa bé cũng chả có nổi bộ quần áo che thân, lấm lem chơi đùa cùng đất cát. Thỉnh thoảng lắm tôi mới bắt gặp những tấm thân tiều tụy với những ánh mắt thất thần, đờ đẫn đâu đó". Xuất phát từ tấm lòng đối với các em nhỏ nơi đây, để giúp đỡ các em mồ côi, nhóm từ thiện của anh đã có những quyên góp để xây dựng trường học cho các em nhỏ nơi đây.

Mới đây nhất, một triển lãm gây được tiếng vang và thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan. "Mã vạch" là một triển lãm lên án tệ nạn buôn bán người tại vùng núi cao Hà Giang. Chương trình do Tổ chức MTV Exit (Chấm dứt mua bán người) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, Australia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tổ chức… Các nghệ sĩ tham gia triển lãm đã đưa ra những thông điệp về tình hình buôn bán người ở Việt Nam thông qua phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh… Tại triển lãm, các nhân vật của Na Sơn đều là những phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, họ được che mặt bởi những mã vạch - như một món hàng hóa.

Dự án Mã vạch được Na Sơn ấp ủ từ năm 2006 - 2007. Anh tâm sự: "Năm 2006-2007, một số vụ bắt cóc trẻ em, thậm chí sát hại người lớn xảy ra tại vùng giáp biên của tỉnh Hà Giang, gây chấn động dư luận. Như đêm 10/12/2006, tại một xóm sát biên của xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, bọn buôn người đã đột nhập vào nhà, giết hại vợ chồng anh Giàng Pà Giáo rồi cướp hai con nhỏ là Giàng Mí Pó và Giàng Thị Máy mang sang bên kia biên giới. Mấy vụ tiếp theo trong năm 2007 cũng xảy ra ở khu vực Yên Minh. Và tôi đã có ý định phải làm một cái gì đó... ". Và thành quả của "cái gì đó" là một triển lãm gây được tiếng vang. Đây cũng chỉ là một phần trong kế hoạch dự án của anh. Anh hy vọng sẽ đem đến công chúng một bức tranh đầy đủ hơn về tệ nạn buôn bán người ở vùng cao biên giới Hà Giang.

Suốt cuộc nói chuyện, Na Sơn liên tục "đốt" thuốc và say sưa nói về những bức ảnh của anh. Một cụ già khuôn mặt đăm chiêu, nhăn nheo, ánh mắt xa xôi được anh chụp khi cụ mất một chiếc ghe, phương tiện kiếm sống duy nhất của cụ; hay một em bé đang tập bơi trong chính chiếc sân nhà mình - đó là nạn nhân của lũ lụt, hạn hán, những hậu quả của tệ nạn phá rừng lấy gỗ. Một cây gỗ vừa bị cưa, nhựa vẫy chảy, nhìn như máu hay nước mắt của rừng (ảnh chụp chặt phá rừng ở rừng quốc gia Yokđon …). Đó là những điều mà anh đã thấy trên mỗi cung đường, đó là những nỗi niềm mà Na Sơn còn đau đáu.

Và Na Sơn vẫn đi, vẫn chụp, vẫn tìm tòi, học hỏi cho thỏa chí đam mê. Anh cũng không ngần ngại tiết lộ: Những bức ảnh anh chụp, rất nhiều bức được bình chọn là ảnh đẹp trong ngày của một hãng thông tấn nước ngoài. Nhưng đó không phải là mục đích Na Sơn muốn hướng tới. Với Na Sơn, nhiếp ảnh luôn là một niềm đam mê…


  Theo Ngô Thị Chuyên - VNCA

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng