Văn nghệ trong nước
Một xu hướng viết kịch bản hiện nay: Tính giật gân
10:30 | 12/09/2012

hìn sơ lược qua phim ảnh và sân khấu trong vài năm trở lại đây, đơn cử vài cái tên như Người vợ ma, Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Trai đẹp lắm chiêu, Mua chồng, Làm đĩ, Lấy chồng người ta, Xin anh hãy ngủ với vợ em… đủ thấy tính giật gân của nó. 

Một xu hướng viết kịch bản hiện nay: Tính giật gân
Phim Lấy chồng người ta khai thác chất bi kịch đời sống, dù vô tình hay cố ý, cái tên cũng khá giật gân

Có nhiều nét giống nhau về ý tưởng và đề tài, dù khác hoàn toàn về cái kết, vở kịch vừa công diễn Xin anh hãy ngủ với vợ em của Trịnh Kim Chi (nay đổi thành cái tên chung chung Cúc cù cúc cu) và bộ phim Lấy chồng người ta của Lưu Huỳnh đang dự các liên hoan đã thể hiện tính giật gân của nó ngay ở đầu đề. Xin minh định ngay, sự giật gân này chỉ có yếu tố câu khách, chứ chưa nói lên điều gì về sự nghiêm túc trong công việc của đạo diễn và ê-kíp.

Kiểm duyệt thoáng hơn?

Khoan hãy bàn kiểm duyệt đã thoáng đến mức độ nào, mà phải công nhận một điều rằng, xu hướng giật gân đang lan rộng tại những thị trường có hoặc muốn có nền giải trí sôi động, đa diện. Từ khi có liên mạng Internet và khi xu thế của nền nghệ thuật Việt Nam đang muốn tiến gần đến thị hiếu khách hàng, tăng tính giải trí, tính giật gân đã có đất để sinh sôi, nảy nở.

Ngày trước, sự giật gân thường bị nhìn với định kiến xấu, bây giờ thì điều này đã dần dần được bình thường hóa. Đừng nói chi đến các sản phẩm giải trí đơn thuần, mà ngay cả các sản phẩm thuộc về khoa học hay nhân văn cũng thế, những cái tít, cái tên muốn gây chú ý ngày một nhiều hơn. Nhất là trong lĩnh vực quảng cáo, nào “hàng đầu”, “lần đầu tiên”, “số 1”, “đẳng cấp”, “cao cấp”, “độc nhất”… chẳng qua là cách tạo chú ý bằng sự giật gân mà thôi. Ngay cả trên báo (nhất là báo mạng) cũng tồn tại xu hướng xoáy vào đời tư, chuyện cấm kỵ, nghịch đời hoặc khêu gợi. Nào là “T.L. từng bị vong theo về nhà”, “nghệ sĩ bị chửi theo đơn đặt hàng”, “M.H. mặc quần như không”…, nói chung, nhiều vô thiên lủng, chẳng thể nào kể hết.
Trong bối cảnh và xu thế như vậy, nhiều lĩnh vực khoa học vốn khô khan cũng phải tìm cách tự làm mới mình bằng tên gọi. Đơn cử tại một hội thảo quốc tế lớn về hiện đại hóa văn học Đông Á từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu - TS Nguyễn Nam (Viện Harvard Yenching, Mỹ) từng có bài viết, mà tựa đề nghe đã rất muốn đọc: “Phụ nữ tự sát, lỗi tại tiểu thuyết? Một góc nhìn về phụ nữ với văn chương - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20”. Vậy thì, việc kịch bản điện ảnh và sân khấu (vốn cần tính giải trí để bán vé) phải tăng tính câu khách, giật gân cũng không phải là chuyện lạ.

Khoảng 10 năm trở về trước, nếu đặt tên kịch bản là Xin lỗi em chỉ là con đĩ hay Xin anh hãy ngủ với vợ em… thì chắc chắn khó được hội đồng kiểm duyệt chấp thuận, dù nội dung bên trong có thể là nghiêm túc. Thế nhưng, như ông bà ta thường nói “thuyền lên nước lên”, xu thế chung đã đem đến không khí thoáng mở cho mọi phía.

Câu khách để tồn tại

Giải thích về tên phim của mình, đạo diễn Lưu Huỳnh nói: “Lấy chồng người ta như nghĩa đen vốn có của nó mà thôi; nó giống như một sự lên án từ xã hội đối với người phụ nữ. Trong Lấy chồng người ta, tôi đơn thuần muốn đưa ra một thông điệp rất đời về người phụ nữ Việt Nam”. Đạo diễn này nổi tiếng khó tính và nghiêm túc, làm phim để dự liên hoan, nhưng dù muốn dù không, nếu so với Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử thì cái tên này vẫn “giật gân” hơn rất nhiều.

Đạo diễn Trịnh Kim Chi cho biết chị sợ cái tên Xin anh hãy ngủ với vợ em “phá” công việc đạo diễn vừa mới bắt đầu, nên cuối cùng tìm ra một cái tên “ngoan hiền” và có vẻ “vô nghĩa”: Cúc cù cúc cu. Rõ ràng về mặt truyền thông và bán vé, cái tên mới vừa không đúng logic đặt tên cho tác phẩm, vừa chẳng có đủ sức mạnh để hút khách. Rõ ràng, nếu đứng trước vô số bảng hiệu của chính Kịch Hồng Vân như Người vợ ma, Nước mắt người điên, Ma sói, Thứ Sáu ngày 13, Quả tim máu, Sám hối, Thu khùng… thì Cúc cù cúc cu hoàn toàn “đuối” về tên gọi.

Trong bộn bề thông tin và đa dạng về phương tiện, hình thức giải trí như hiện nay, nơi hiện diện rất nhiều thủ thuật quảng cáo tinh vi, một tác phẩm chỉ dựa vào “hữu xạ tự nhiên hương” thì rất khó để trụ vững, chứ đừng nói đến cạnh tranh. Chính vì vậy, tính giật gân (vốn bị cho là xấu) cũng đang dần “lân la” để trở thành một yếu tố bình thường của ngành giải trí, nên phim, sân khấu cũng khó đứng ngoài.

Theo Văn Bảy - TTVH

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng