Văn nghệ trong nước
Có một danh hiệu nghe mà... ngại
09:53 | 12/11/2012

Tôi có làm thơ, vậy thiên hạ gọi tôi là… nhà thơ! Điều ấy không sai, đôi khi còn là niềm tự hào nữa ấy chứ! Nhưng xin thưa, mỗi lần giữa đám đông, trong cuộc gặp gỡ nào đó, được người ta giới thiệu như vậy tôi thường có cảm giác ngại ngùng, xấu hổ! Cái cảm giác ấy bắt nguồn từ nhiều lẽ. Xin dẫn một ít.

Có một danh hiệu nghe mà... ngại
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Lẽ thứ nhất: Với cá nhân, tôi thường tự vấn mình đã xứng đáng để được mang cái danh hiệu cao đẹp ấy chưa? Những cái mình viết ra đã thực sự là thơ chưa? Nó có đạt được chút ít giá trị gì về mặt văn chương học thuật chưa, có ích gì cho ai chưa? Dĩ nhiên, những băn khoăn ấy làm sao tôi vượt qua được sự chủ quan, thiển cận của mình mà lý giải, mà tự đánh giá được! Nó hoàn toàn thuộc về sự cảm thụ, nhận xét của bạn đọc và qua thời gian sàng lọc.

Lẽ thứ hai: Đó là hiện tình bát nháo các loại thi nhân! Tôi đồ rằng ai cũng đã từng gặp không ít người có viết một số cái gọi là thơ, rồi tự xưng mình là "nhà thơ". Tự xưng hẳn hoi, nếu ai đó không gọi đích danh họ là "nhà thơ" thì liền bị họ vặn vẹo, nhắc nhở phải gọi như thế mới phải! Họ "muốn" và "bắt" mọi người phải gọi mình như vậy! Rồi hiu hiu tự đắc, tự mãn, rồi ồm ồm đọc thơ, rồi cao đàm khoác luận tràn cung mây về thi phú, rồi chê khen thơ của "thằng" này "con" nọ như một vị "ngự sử" trên văn đàn, khiến người nghe như bị tra tấn cực hình vì chưa chắc "tay nghề" và những kiến thức phổ thông về thi ca của họ đã chuẩn, đã hay!

Lẽ thứ ba: Cũng là một loại bát nháo khác nữa. Ấy là những quan niệm sống quái gở. Có lắm anh: "Nắn nót miễn sao nên bốn vế/ Không thơ thì cũng cóc cần thơ" (Lưu Trọng Lư) đã vội cho mình là "nhà thơ". Mà nhà thơ thì phải… khác người thường! Phải lúc nào cũng lâng lâng say xỉn, bơ phờ bộ dạng, ngơ ngác mặt mày, lôi thôi ăn mặc… mới ra dáng phiêu bồng cùng "nàng thơ" về nơi huyễn mộng; phải "em út" tình tang để thể hiện sự đa tình đa cảm của bậc thi nhân, phải ăn nói hoa hòe hoa sói mới đáng mặt con người chữ nghĩa, phải xem bốn biển là nhà còn nhà là quán trọ mới xứng danh lãng tử, tài tử… khiến cho khổ vợ phiền con!

Lẽ thứ tư: Xấu hổ vì thói thường suy nghĩ và đánh giá của xã hội về cái từ "nghệ sĩ". Đám đông ít người phân biệt rõ rành nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ sáng tạo. Thấy số đông ("số đông", không phải toàn bộ) những nghệ sĩ biểu diễn nhờ "trời cho" có được ngoại hình tốt, giọng hát hay thì đâm ra kệch cỡm hợm mình, từ cách biểu diễn đến cách ăn mặc lố lăng, đến lời ăn tiếng nói, đến lối sống buông thả, thế là thiên hạ đánh đồng luôn "nhà thơ" cũng là một giống… "hát hò ngâm vịnh", "nghệ sĩ" với nhau cả.

Và một lẽ nữa cũng vô cùng khó chịu, ấy là việc đánh đồng nhà thơ với anh thợ… viết! Cái này thường gặp nhất. Khi được giới thiệu là "nhà thơ" thì thế nào cũng nhận được những câu "khích lệ": "Làm bài thơ về cuộc nhậu hôm nay đi, hay đấy!"; "Thế này mà anh không có thơ về nó à?"; "Làm một bài về kỷ niệm này nhé!"; "Làm một bài về căn nhà mới của tôi đi!"; "Làm giùm một bài để tôi tặng người kia với!"… v.v… Những đề nghị không cần đếm xỉa gì đến cảm xúc, cảm hứng, tư duy của người làm thơ cả!

Trong thực tế, cũng có nhiều người "thèm" cái danh hiệu nhà thơ lắm! Thiết nghĩ, theo một ý nghĩa nào đó thì đấy cũng là một khát khao, ham muốn chính đáng như bao ước mơ khác trong đời mỗi con người mà thôi. Nhưng, nhà thơ đâu phải là những hình tượng, những quan niệm như đã nói trên kia?

Nhà thơ trước hết cũng là một con người như mọi người. Cái khác là họ được trời phú cho một hệ thần kinh nhạy bén, một tâm hồn giàu xúc cảm, một khả năng sử dụng ngôn từ tinh tế, thuần thục. Cùng một cảnh vật, một sự kiện… nhưng họ có một cách nhìn khác, một cảm nhận khác, một cách nói khác. Cái ấy chính là thơ. Không được cái "trời phú" ấy thì làm sao họ thấy được những "đám mây mặc quần" (tên một tập thơ của Mayakovsky)? Sao biết được những "giấc mơ hình chiếc thớt" (tên một tập thơ của Trần Quang Quý) hay một hình thù khác?… Tuy nhiên, đấy chỉ là những cảm thức thơ, những hình thái sáng tạo trong thi ca (còn hay dở, đúng sai là thuộc về vế khác).

Trong cuộc sống thường ngày, những thi nhân chân chính không ai cố tìm cách ứng xử khác người để thể hiện ta là… nhà thơ! Con sâu làm rầu nồi canh, chỉ có những kẻ ngộ nhận mình là "nhà thơ" mới khiến cho đám đông nghĩ về thi nhân là những con người dị hợm, những hình nhân: "Đi như… vật lạ giữa nhân gian"!

 Theo  Tạ Văn Sỹ - CAND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng