Văn nghệ trong nước
Hà Nội bảo tồn các làn điệu ca trù cổ
10:21 | 25/12/2012

Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 sẽ diễn ra tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 20 - 21.12. Không chỉ nhằm kiểm kê và bảo tồn các làn điệu ca trù Hà Nội cổ đang có nguy cơ bị mai một, đây còn là hoạt động thiết thực của Ngành Văn hóa Thủ đô góp phần thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp này.

Hà Nội bảo tồn các làn điệu ca trù cổ

Hà Nội hiện có nhiều câu lạc bộ (CLB), nhóm ca trù đang hoạt động khá hiệu quả, tiêu biểu như các giáo phường ca trù: Thăng Long, Thái Hà, Lỗ Khê; các CLB ca trù: Hà Nội, Chanh Thôn (Phú Xuyên), Ngãi Cầu (Hoài Đức), Thượng Mỗ (Đan Phượng)... Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 sẽ có sự góp mặt của khoảng 70 ca nương, kép đàn, ở mọi lứa tuổi, từ các nghệ nhân cao tuổi đến các cháu thiếu nhi. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết, liên hoan lần này nhằm kiểm kê, bảo tồn các làn điệu ca trù cổ của Hà Nội thuộc các loại hình: hát thờ, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát ca quán..., đang có nguy cơ bị mai một. Đồng thời, khuyến khích, động viên các CLB, nhóm ca trù trên địa bàn Thủ đô lên danh mục các làn điệu ca trù cổ thuộc thế mạnh của đơn vị, triển khai tập luyện và trình diễn những làn điệu ca trù đó nhằm tạo sắc thái nghệ thuật riêng của mình. Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sỹ và khán giả yêu ca trù gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; và là hoạt động thiết thực của Ngành Văn hóa Thủ đô góp phần thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp này.

Phát biểu tại buổi họp báo tổ chức ngày 19.12, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Gs Tô Ngọc Thanh cho rằng, ca trù là một trong 10 di sản của Việt Nam đại diện cho văn hóa nhân loại, nhưng lại là di sản có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp. Vì thế, việc tiến hành kiểm kê, đánh giá xem cái gì còn, cái gì mất, khả năng khôi phục ra sao rất quan trọng và cấp bách. Tuy vậy, trong việc đánh giá cần tôn trọng phong cách riêng của từng vùng, từng nhóm và từng CLB. Cùng một bài ca trù cổ nhưng có thể mỗi nhóm, mỗi CLB lại có cách biểu diễn, thể hiện khác nhau. Điều đó làm nên sự phong phú và đặc sắc của ca trù Hà Nội. Ngoài ra, mỗi nhóm, mỗi CLB tham gia Liên hoan lần này đều tham gia đủ các độ tuổi: cao tuổi, trung tuổi và thiếu nhi. Sự tham gia của cả 3 thế hệ này chính là minh chứng cho sức sống của ca trù, rằng ca trù đang được trao truyền một cách hiệu quả cho thế hệ trẻ.

Trong khuôn khổ Liên hoan, Sở VH, TT và DL Hà Nội sẽ tổ chức tọa đàm bàn giải pháp để bảo tồn các làn điệu ca trù cổ của đất Thăng Long - Hà Nội. Một trong những điều được giới trong nghề quan tâm là liệu Hà Nội có thể tổ chức được liên hoan ca trù định kỳ hay không và mỗi năm Thành phố cấp kinh phí tổ chức được bao nhiêu lớp truyền dạy ca trù? Theo Gs Tô Ngọc Thanh, hiện Hà Nội chỉ có khoảng 20 nghệ nhân ca trù cao tuổi. Đây là những báu vật nhân văn sống nắm giữ các làn điệu ca trù cổ mà chúng ta cần vinh danh, quan tâm chăm sóc để các cụ có thể trao truyền lại cho thế hệ trẻ. “Trong khi Nhà nước chưa có chế độ gì cho các nghệ nhân thì nên chăng Hà Nội là địa phương đi đầu trong thực hiện chính sách quan tâm, chăm sóc các nghệ nhân như phụ cấp hàng tháng hay bảo hiểm y tế cho các cụ. Đây là sự tôn vinh thiết thực và là nguồn động viên to lớn để các nghệ nhân cao tuổi nỗ lực cống hiến, truyền dạy cho lớp trẻ” - Gs Tô Ngọc Thanh đề xuất.

Có thể nói, Hà Nội là trung tâm của ca trù cổ vì không đâu trong cả nước lại tập trung nhiều phong cách ca trù cổ đến thế. Ngành Văn hóa Hà Nội đã và đang có những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ khẩn cấp ca trù, mong rằng những biện pháp ấy sẽ tiếp tục được cụ thể hóa bằng một cơ chế đặc thù, riêng của Hà Nội.

Theo Cao Sơn - ĐBND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng