Không mong muốn kể lại những ngày tháng khó khăn và số phận nghiệt ngã bởi coi việc này như là một cuộc giải phẫu tinh thần với nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui sướng, nhưng cuối cùng Bích Lan vẫn có động lực để viết về mình, viết về những nỗ lực phi thường của cá nhân bởi cô cũng nghĩ rằng biết đâu, cuộc giải phẫu tinh thần đó có thể có ý nghĩa và giúp ích cho ai đó, đặc biệt là những người đang phải lần đi trong đường hầm tối của định mệnh.
“… Tôi từng là đứa trẻ khỏe mạnh, xinh xắn, vô tư, ham chơi, hễ chạm chân xuống đất là ríu rít nhảy chân sáo. Tuổi thơ tôi miên man trong gió đồng và những trò chơi thơ dại. Những ngày cắp sách tới trường của tôi đầy bóng chữ và cả một thế giới văn chương lung linh mà tôi tự đắp xây bằng những quãng thời gian đọc vụng trộm tủ sách của ông nội. Chưa có gì trong cuộc sống khiến tôi phải nghĩ ngợi. Tôi hồn nhiên đi qua tuổi thơ đến mức chưa kịp nuối tiếc khoảng thời gian thần tiên ấy. Rồi tôi chạm vào cánh cửa tuổi thanh xuân, nhìn thấy bóng dáng mình ở thời thiếu nữ. Tất cả những cảm xúc xốn xang, những thoáng xáo động chỉ vừa chớm nở, hé mở trong tâm hồn trong veo.
Nhưng bỗng chốc sự bình yên sụp đổ, chôn vùi cả nét hồn nhiên. Cả những cảm xúc mới mẻ, đẹp đẽ cũng vụt mất. Bánh xe cuộc đời tôi khựng lại trước những hướng đi đầy hy vọng, quay ngoắt 180 độ, rẽ vào lối dẫn tới vực thẳm của sự tuyệt vọng. Tôi chới với. Trống rỗng. Vô vọng…”
Đó là một trích đoạn trong cuốn tự truyện “Không gục ngã” của dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan sẽ ra mắt bạn đọc ngày 8/1 tới đây. Trước khi sách xuất bản, có lẽ đã có nhiều người biết Bích Lan qua hơn hai chục đầu sách chị đã xuất bản và qua loạt bài “Không gục ngã” của nhà báo Quốc Việt đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2009.
Những bài viết rung động lòng người ấy đã khiến rất nhiều con tim run rẩy khi đọc nó, và chắc hẳn không ít người đã thay đổi cách nghĩ về cuộc sống sau khi biết đến tấm gương vượt lên số phận mang tên Bích Lan. Số phận không may có thể lấy đi của chị nhiều nước mắt vì buồn tủi, vì đau đớn nhưng không làm hao hụt sự quyết tâm và khát vọng sống có ích, sống mạnh mẽ của chị.
Căn bệnh loạn dưỡng cơ chị mắc phải từ năm 13 tuổi đã khiến sức khỏe chị suy kiệt. Từ một cô bé mạnh khỏe bình thường, Lan sụt ký chỉ còn da bọc xương, đến bát cơm cũng khó nâng nổi. Việc học phải dừng lại dang dở vì bệnh tật, sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Sự cố bất ngờ tưởng chừng đã lấy đi sức sống và niềm hy vọng với những dự định đang ấp ủ từ cô gái nhỏ.
Thế nhưng, Bích Lan không cho phép mình tuyệt vọng. Sau những lần chạy chữa không thành công căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, cho dù bị “cầm tù” trong bốn bức tường của gian phòng bé xíu chỉ có 10 mét vuông, Bích Lan đã nỗ lực ngồi dậy tự học để hoàn thiện chương trình trung học phổ thông.
Trong một ngày định mệnh khác, cuốn từ điển tiếng Anh đột ngột rơi vào tay cô. Từ đây, niềm đam mê tự học tiếng Anh đã giúp chị có thêm niềm vui và dần quên đi nỗi đau đang hành hạ cơ thể. Mượn tất cả những quyển sách tiếng Anh hiếm hoi có thể mượn được, Bích Lan đắm mình vào những trang sách ngoại ngữ, vừa đánh vật với chữ nghĩa, vừa chống chọi lại những cơn đau của đủ thứ bệnh phát sinh mỗi ngày một nhiều… Chính những trang sách đã khiến cô vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết đã nhiều lần cận kề.
Từ làng quê Thái Bình, từ những kiến thức học, “lớp học Cây Táo” của chị ra đời, nổi tiếng khắp các vùng phía Bắc, với cô giáo nhỏ bé đau yếu mà tràn đầy nghị lực. Lớp học duy trì được 4 năm thì Lan kiệt sức do căn bệnh loạn dưỡng cơ biến chứng sang tim, phải nằm liệt giường. Một lần nữa, chính sự ngột ngạt, bức bối khi “bị cầm tù” trong căn phòng nhỏ lại nảy sinh những mầm xanh mới. Chính thời gian này, Bích Lan đã có cơ duyên làm quen với máy tính, kết nối Internet và thế giới thêm một lần nữa “mở cửa” với Lan. Bích Lan đến với con đường dịch thuật, từ cuốn sách đầu tiên năm 2002, cho đến giờ, sau một quãng thời gian không dài, Bích Lan đã sở hữu 24 đầu sách dịch - điều mà 10 năm trước dường như không tưởng.
Năm 2010, Bích Lan đã được mời lên chương trình “Người đương thời” của VTV1, cùng năm này, cô vinh dự nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà Văn Việt Nam với tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột”, đồng thời trở thành Hội viên Hội Nhà Văn VN. Ngày 20/10/2010, Bích Lan trở thành một trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh tại phần trưng bày mới của bảo tàng.
Bích Lan hiện vẫn còn phải đương đầu với căn bệnh loạn dưỡng cơ đã cư ngụ quá lâu năm trong cơ thể nhưng với sự hy vọng vào những tiến bộ của y học và ý chí mãnh liệt “Không Gục Ngã,” cuộc sống của cô tràn vẫn đầy ánh sáng và màu sắc.
Tự truyện “Không Gục Ngã” của Bích Lan ra đời với niềm hy vọng như chính cô chia sẻ: “Không Gục Ngã” là câu chuyện của tôi và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”.
Nguyễn Bích Lan, sinh năm 1976 là tác giả của cuốn “Sống trong chờ đợi” và hơn hai chục đầu sách dịch khác như: “Tuyển tập truyện ngắn” (Rabindranath Tagore), “Rời bỏ thế giới” (Douglas Kennedy), “Tiếng nói của tình yêu” (Angela Young), “Triệu phú khu ổ chuột” (Vikas Swarup), “Người đàn ông đào hoa” (Naeem Murr), “Từ sông Nile tới sông Jordan” (Ada Aharoni)…
Theo Sơn Lâm - Vietnam+