Người Việt Nam có lẽ không bao giờ quên được chiến tranh. Các nhà văn lại càng không. Các nhà văn từng trải qua chiến tranh lại càng không. Cuối năm ngoái, Lê Minh Khuê ra tập truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa. Đầu năm nay, Nguyễn Quang Vinh ra tiểu thuyết Cát trọc đầu.
Cát trọc đầu được Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây của hai dịch giả Đoàn Tử Huyến và Thúy Toàn chọn làm tác phẩm ra mắt mở màn cho năm mới 2013. Buổi ra mắt diễn ra chiều Chủ nhật 6/1 tại Hà Nội.
Cát bay vào trang sách
Gia đình nhà văn Nguyễn Quang Vinh có đến 8 người con và ông là con út. Anh cả trong gia đình là GS-TS khoa học Nguyễn Quang Mỹ - Nhà giáo Ưu tú, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam. GS Mỹ cũng là người có công lớn phát hiện ra thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng tại Quảng Bình.
Trong nhà, có hai anh em Lập, Vinh đi theo con đường văn chương và đều nổi danh. Họ có nhiều điểm tương đồng, giọng văn “tưng tửng giễu cợt sâu cay trào lộng” (nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên). Nhưng Vinh đời hơn. Lập sâu đậm hơn.
Quê hương của họ, Quảng Bình, đã được định hình qua trang văn của hai anh em. Những cồn cát triền miên nhìn đến “nhức mắt nhức tâm can”, “xứ cát - nơi thử thách con người tột cùng, cũng là nơi cho con người bộc lộ hết mình” (lời của Phạm Xuân Nguyên) chính là hình ảnh quen thuộc nhất của vùng đất Quảng Bình, nơi thắt lại của dải đất hình chữ S. Một bên là núi, một bên là biển, cát nằm ở giữa. Cát kéo dài đến tận Quảng Trị.
Cát, Nguyễn Quang Vinh đã chọn hình tượng này cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình. Cát trọc đầu kể về các thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình năm nào. Ngay sau Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuêra mắt vào cuối năm 2012, làng văn Việt Nam lại có tiếp một tác phẩm về đề tài chiến tranh, cũng với cách viết khốc liệt. Từ lâu rồi, chiến tranh trong văn chương Việt Nam đã không còn có mỗi một âm hưởng là ngợi ca.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã dựng lại hoặc đúng hơn là “phanh phui” những sự thật tàn nhẫn của cuộc chiến tranh mà lâu nay người ta cố tình quên đi hoặc cố gắng nguôi đi.
Những người đi qua chiến tranh bao giờ cũng có một kho ký ức khó quên hoặc không thể nào quên. Vấn đề nằm ở chỗ họ kể ra hay không và kể cho bao nhiêu người mà thôi. Có vẻ như các nhà văn là những người kể được cho nhiều người nhất.
Hèn tận cùng và ác phải tận cùng
“Tiểu thuyết viết về chiến trang chống Mỹ mà chỉ mô tả khía cạnh cao cả không thôi thì không đúng với những gì đã xảy ra”, theo Nguyễn Quang Vinh. Viết Cát trọc đầu, nhà văn chọn nhân vật chính phản diện. Phạm Xuân Nguyên gọi đó là “sự thoái hóa nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình”. Còn tác giả có một cách diễn đạt gọn hơn, “kẻ hèn”.
“Kẻ hèn trong chiến tranh dễ nhìn ra hơn bây giờ. Khi có tiếng máy bay, kẻ hèn chạy xuống hầm trốn. Có một bộ phận quan chức xấu bây giờ thực ra đã trải qua chiến tranh. Tôi muốn giải quyết một câu hỏi: Tại sao lại lọt vào những kẻ cơ hội, quên nghĩa quên tình quên cả những người đã cưu mang mình, dù họ cùng được rèn luyện, chiến đấu và hy sinh như những người anh hùng cao đẹp khác?”, tác giả chia sẻ trong buổi ra mắt sách.
“Quan điểm của tôi khi mô tả cái ác là phải đẩy đến tận cùng, đến mức độ khiến người ta thấy kinh sợ, kinh tởm, không thể chịu nổi và phải tránh xa. Văn học phải có một đóng góp nho nhỏ để né cái ác. Nếu như chỉ miêu tả nửa vời, tốt nửa vời, ác nửa vời, tác phẩm sẽ nhạt nhòa. Một độc giả nói là có nhiều trang viết của tôi khiến người đọc thấy tức tối, thậm chí phải hét lên”.
“Nhiều khi chúng ta hay bao dung, nghĩ rằng cái ác trong cuộc đời chỉ đến mức lưu manh, côn đồ, ba que, xỏ lá, cướp công của đồng đội… là cùng nhưng hóa ra cuộc đời khốc liệt hơn nhiều”.
“Kẻ hèn” trong Cát trọc đầu là Bá. Tác phẩm theo đuổi số phận Bá cả trong và sau chiến tranh để chứng kiến sự thay đổi của nhân vật này, nhân vật mà nhà văn đã xây dựng bằng cách kết hợp nhiều chi tiết từ đời thực.
Nhà văn cho rằng cuốn sách của ông nói lên những điều chân thực nhất về các nữ thanh niên xung phong trong chiến tranh. “Họ từng nói với tôi là không phải họ chiến đấu để hy sinh, không ai muốn chết hết, ai cũng muốn sống để trở về lấy chồng sinh con”.
Mong người đọc “trong đêm thanh vắng, bên cốc cà phê…”
“Tôi không phải một nhà văn viết văn hay, nhưng bù lại, tôi viết khốc liệt”, Nguyễn Quang Vinh tự nhận.
Cũng là một biên kịch, nhà văn hiểu hình ảnh trong văn chương có thể gây ấn tượng đến mức nào dù chỉ được truyền tải bằng câu chữ. Ông “dàn dựng” cả một cảnh ngôi mộ tập thể của các nữ thanh niên xung phong. Cả tiểu đội mấy chục người vội vàng san lấp đường để vào hang đá xem phim, trong lúc san lấp thì hy sinh không còn một ai. Có đến bốn, năm chục “cái quan tài” đỏ lòm trong hang đá, và cuốn phim vẫn được chiếu, cho những cô gái đã không bao giờ được xem nó. Như một cảnh phim, gợi cảm giác có thể từ trang sách đi thẳng lên màn ảnh.
Và ông mong đợi gì ở những trang văn đấu tranh với cái ác của mình? “Pháp luật còn chẳng ăn thua thì nhà văn có là cái gì đâu. Trong đêm thanh vắng, kẻ ác vừa uống cốc cà phê vừa đọc cuốn sách mà có được chút cảm giác hối hận thì đã là điều đáng mừng. Nhà văn chỉ cần một chút như vậy là đã mừng lắm rồi. Chỉ hy vọng có thế thôi”.
Bởi biết làm sao được, ngày nay những cuốn sách thay đổi cuộc đời mà người ta kiếm tìm hình như toàn là sách dạy… làm giàu. Đã ra đến 7, 8 cuốn tiểu thuyết, nhà văn rút ra kết luận thời nay tốc độ sống của người ta đã khác. Tốc độ đọc của người ta cũng khác theo. Độc giả không có đủ thời gian nên phải làm sao đưa thông tin từ trong tác phẩm đến với họ một cách nhanh nhất. “Văn chương bây giờ phải như báo mạng”, Nguyễn Quang Vinh nhận định.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết lời kết trong bài giới thiệu đầu cuốn sách Cát trọc đầu: “Có lẽ, từ bây giờ, đọc xong cuốn truyện này của Nguyễn Quang Vinh, tôi sẽ nhìn cát như những đứa trẻ trọc đầu lầm lụi chiếu vào những ai đi trên cát, đi vào cát, một cái nhìn nhức mắt nhức tâm can”.
Theo Mi Ly - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần