Văn nghệ trong nước
Triển lãm "Made in Hà Nội": Nhiều góc nhìn về Tháp Rùa
09:02 | 15/01/2013

Bế tắc về hình tượng, song một Hà Nội giao thời với những gương mặt đẫy đà, những góc phố ngổn ngang đã được tái hiện đặc sắc trong Triển lãm Made in Hà Nội khai mạc ngày 13/1 vừa qua tại Mai Gallery (số 12, Quán Sứ).

Triển lãm "Made in Hà Nội": Nhiều góc nhìn về Tháp Rùa

Triển lãm gồm tranh của 13 họa sĩ trẻ vẽ về Hà Nội. Mỗi họa sĩ mang tới triển lãm 2 tranh mới nhất của mình với các phong cách và chất liệu khác nhau. Điểm chung gắn kết họ lại là tình yêu đối với Hà nội, nơi họ đang  sống và làm việc.

1. “Triển lãm với tên gọi Made in Hà Nội sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm để tôn vinh tình yêu Hà Nội. Qua lần đầu tiên này, cứ mỗi năm, chúng ta sẽ gặp nhau vào mùa Xuân để ngắm nhìn Hà Nội tinh khôi qua nét cọ của những họa sĩ trẻ”- bà Trần Phương Mai, người tổ chức buổi triển lãm nói.

Trịnh Minh Tiến nói: “Đã đến lúc, ta không nên nhìn sự xa hoa với lòng hậm hực. Ngược lại, đây là biểu tượng mới của Hà Nội. Hình ảnh những chiếc xe sáng bóng dựng dọc các con phố long lanh trong nắng sớm là cảnh tượng đẹp vô cùng của đường phố Thủ đô. Ta nên thay đổi góc nhìn, để thấy thành phố đẹp hơn”.

2. Như tên gọi rất “Tây” của cuộc triển lãm (có thể để tiện quảng bá bởi triển lãm đã thu hút rất nhiều khách nước ngoài), Hà Nội trong Made in Hà Nội là một thành phố quốc tế đầy màu sắc: chút đậm đà của của màu ngói cũ, chút xô bồ của cảnh giao thông lúc tan tầm, chút lung linh của đèn đường giăng mắc. Và đặc biệt là rất nhiều điều kệch cỡm của những giá trị lai căng (kể cả tên gọi cuộc triển lãm).

Điều này khiến chính các tác giả có phần hoang mang và bế tắc trong việc tìm bản sắc cho thành phố quốc tế ấy. Trong Made in Hà Nội, Hà Nội là những con đường bụi ngầu, những phố mưa trắng đèn nhà nghỉ, những ngõ nhỏ hiu hiu nắng và hình tượng Tháp Rùa xuất hiện dày đặc (8/26 bức tranh).

“Chúng tôi thực hiện vẽ độc lập nên khi mang tranh tới triển lãm cũng thấy bất ngờ khi hình tượng trùng lặp. Song mỗi người mỗi vẻ, chẳng Tháp Rùa nào giống Tháp Rùa nào nên người xem sẽ không nhàm”, họa sĩ Nguyễn Văn Hổ trao đổi với TT&VH.

Quả vậy, tuy không nhiều sáng tạo trong việc chọn hình tượng song các tác giả trẻ đã rất mạnh bạo thể hiện góc nhìn vào biểu tượng tưởng chừng quá cũ ấy. Trong triển lãm: một Tháp Rùa cổ điển u sầu với những giọt mưa bằng những vết cứa kim loại sắc lạnh trong tranh Mưa của Vũ Đức Trọng; một Tháp Rùa tịch mịch những trầm tích lịch sử với cái bóng dưới hồ cao gấp 5 lần tháp trong Cái bóng của Đỗ Hiệp; một Tháp Rùa màu mè ngả nghiêng quay theo nhịp đời hối hả trong Gặp rùa, Một ngày trên Hồ của Phạm Tuấn Tú; một Tháp Rùa tinh nghịch với sự kết hợp với tượng Nữ thần Tự Do trong Có một Tháp Rùa như thế của Lê Chí Hiếu; hay cả những Tháp Rùa khiên cưỡng lớt phớt trong tranh để cố chứng tỏ đang vẽ về Hà Nội ở một vài bức khác… 

3. Gây ấn tượng hơn cả là hình tượng Tháp Rùa “to ục ịch” trong bức Ngày Chủ nhật của Nguyễn Văn Hổ. Không theo quy luật cận viễn, không chọn ánh nhìn trìu mến, cảnh Bờ Hồ trong tranh của Nguyễn Đình Hổ khiến người xem bật cười. Và sau nụ cười bản năng là những niềm xót xa, nhức nhối.

Người Hà Nội trong tranh Ngày Chủ nhật to béo, mặt mũi đẫy đà, bóng nhẫy (na ná “anh hai Gangnam”): người tản bộ ăn fast food, kẻ mặc đầm Tây xách theo hai con chó Nhật, người tựa lưng vào Tháp Rùa lướt Ipad, và cả các chú chó ngoại cũng ngậm lon Coca Cola… Bức tranh tạo ám ảnh, day dứt người xem. Nó khiến ta nhớ lại những trang văn tức tưởi của Vũ Trọng Phụng về buổi đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ 20. Nó cũng khiến người xem giật mình nhận ra những thay đổi (đôi khi là mất chất) lặng thầm và đau đớn của Thủ đô trong quá trình hội nhập…

“Tôi chỉ vẽ một ngày nghỉ bình thường tại Hà Nội. Toàn bộ khung cảnh và nhân vật bức tranh tôi đều cố tình bóp méo. Cảnh sắc lô xô, hình hài vẹo vọ nhưng đó là Hà Nội đương đại”, họa sĩ Nguyễn Văn Hổ nói. 

Theo Phạm Mỹ - THVH

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng