Năm 2012 có thể nói là năm của âm nhạc giải trí, thị dân, tạo nên một không khí rất ồn ào và thật sự xô bồ. Thậm chí có nhận xét của một chuyên gia âm nhạc rằng, khán giả đang bị "ngộ độc" âm nhạc. Thực tế có hẳn như vậy? Ta có thể "tính sổ" vài ba cuộc thi sôi nổi nhất trong năm 2012 xem sao...
Mới đây, có một cuộc hội thảo về âm nhạc với tuổi trẻ - thực tế và phương hướng của các nhà chuyên gia âm nhạc trên toàn quốc, để đánh giá tình trạng xuất hiện ồ ạt nhiều chương trình âm nhạc trong năm 2012. Quả là có quá nhiều sự kiện bất ngờ trên sàn diễn, nào là các em nhỏ cũng vận áo hai mảnh nhảy nhót, đong đưa trong điệu múa trên truyền hình, nào là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư, nào là chuyện giám đốc âm nhạc Giọng hát Việt (GHV) xin từ chức... Ấy là chưa nói đến những scandal liên tiếp xảy ra trong nhiều cuộc chơi khác. Năm 2012 có thể nói là năm của âm nhạc giải trí, thị dân, tạo nên một không khí rất ồn ào và thật sự xô bồ. Thậm chí có nhận xét của một chuyên gia âm nhạc rằng, khán giả đang bị "ngộ độc" âm nhạc. Thực tế có hẳn như vậy? Ta có thể "tính sổ" vài ba cuộc thi sôi nổi nhất trong năm 2012 xem sao.
Giọng hát Việt - cuộc chơi đã thấm mệt?
Cũng có người nhận xét cuộc thi GHV đã tàn ngay từ nửa chặng đường bởi lẽ các nhà tổ chức đã quá máy móc với format cứng nhắc. Cách vận hành đã thiếu sáng tạo, lại kèm theo đó là một MC hơi kém… duyên. Đúng là GHV thu hút lượng khán giả quá đông đảo và có hiệu ứng rất cao về dư luận yêu thích, hơn bất kể cuộc thi nào trên truyền hình từ trước đến nay. Nhưng có lẽ nhiều yếu tố của cuộc chơi để xác định giọng hát thật sự mang chất lượng Việt, đã giảm tính cạnh tranh vốn có của chính nó.
Thực chất đây là cuộc chơi của các giọng hát trẻ đã thành danh hay chưa có tên tuổi trong làng ca nhạc, nhưng đều thể hiện một phong cách âm nhạc đã được các huấn luyện viên chọn lựa theo theo thiên hướng nghệ thuật của mình. Tuy vậy, họ đều bị huấn luyện theo một màu sắc chung là đậm dấu ấn thị dân, chưa tạo được dấu ấn nghệ thuật độc đáo của những tài năng. Đặc biệt, các ca sĩ trẻ không có gì ràng buộc, nên chỉ thích hát những ca khúc nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Sau một thời dư luận chê, từ GHV đến cuộc thi hát tiếng Anh, thì họ đôi lúc chuyển sang hát ca khúc Việt để mọi người dễ nghe hơn. Nhưng xem ra hát tiếng Việt lại lộ ra nhiều nhược điểm về giọng hát và kỹ thuật xử lý khẩu hình. Thế là họ lại quay sang hát tiếng Anh cho… đỡ mệt và người nghe chẳng biết đâu mà bắt bẻ. Khán giả lớn tuổi cũng đã thấm mệt, chẳng mấy người chờ đợi nổi đến nửa đêm để nghe nữa. Các ca sĩ vẫn tiếp tục thi hát tiếng Anh.
Không những thế, nội dung của các đêm thi hầu hết không có định hướng, hay tập trung vào một chủ đề nào rõ rệt để có thể so sánh chính xác giữa các thí sinh, nên cho đến vòng thứ 18 rồi mà các thí sinh vẫn tự do chơi mỗi người một kiểu, tạo nên sự lộn xộn. Chính vì thế mà nhiều khi kết quả bình chọn của khán giả cũng làm các huấn luyện viên (HLV) giật mình, vì ngay cả những "chú gà son" của mình còn bị bay khỏi cuộc chơi.
Đề cập đến các huấn luyện viên thì cũng không ít người mang tai mang tiếng. Dường như các HLV chưa có những nhận xét thật sự khách quan mỗi khi nói về các thí sinh của đội bạn. Ai cũng nói với giọng ngọt ngào cùng những từ ngữ dễ thương để không mất lòng nhau. Chiều hướng này lặp đi lặp lại làm khán giả thấy nhàm. Lại có những HLV tự nhiên đến vô duyên trong hành xử, không hề tôn trọng khán giả đang theo dõi. Rồi khóc. Rồi diễn. Rồi gục xuống hay sải dài trên thành ghế như trước mặt mình chẳng còn ai nữa. Thậm chí có người còn lên giọng kẻ cả, chợ búa đối với thí sinh.
Không biết trong hậu trường, họ huấn luyện thí sinh như thế nào nhưng quan sát cách ăn nói, giao tiếp và nhận xét thì mới thấy mệt và khó tin ở chất lượng của sự dạy dỗ của một số "bậc thầy". Cùng với đó, trung thành với kịch bản một cách thụ động và chuyển tải lượng quảng cáo quá nhiều, cuộc thi GHV là một trò chơi âm nhạc dài nhất trong năm 2012, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chỉ là chấm điểm và bình chọn giọng hát trẻ mà thôi. Cuộc thi đã gần đến hồi kết nhưng các giọng hát Việt cho dù đã xuất hiện, với những cái tên như Hương Tràm, Đinh Hương, Xuân Nghi hay Kiên Giang, nhưng xem ra cuộc chơi này quá mệt mỏi về mọi phía, người nghe, thí sinh và kể cả các HLV. Cuối cùng, thực chất đây chỉ là cuộc thi nhỏ trong một trò chơi lớn, với mục đích thu hút quảng cáo, làm chính người xem ngao ngán.
Bài hát Việt - cuộc tỉ thí kéo dài
Bên cạnh sự ồn ào của GHV, phải nói cuộc thi Bài hát Việt (BHV) có phần điềm tĩnh hơn, nhưng cũng không kém sôi nổi, cho dù giờ đây đã kéo dài được 8 năm. Sự nhẫn nại của ban tổ chức với mục đích tạo sân chơi cho các nhạc sĩ trẻ, mỗi năm đã tìm được một số gương mặt mới cùng với những ca khúc trong năm được thẩm định khá chính xác. Đồng thời BHV cũng là một lò đào tạo gián tiếp những tiềm năng sáng tác bài hát mới và góp phần định hướng cho một xu thế đi lên, chất lượng hóa những nét thẩm mỹ trẻ trong âm nhạc Việt. Mỗi năm BHV có một tín hiệu đáng mừng và được khẳng định theo thời gian, qua sự chọn lọc của chính người nghe.
Từ cái đận ban đầu người nghe có thể nhớ đến những cái tên tác giả gắn liền với các ca khúc được nhiều người biết đến như Nguyễn Vĩnh Tiến với "Bà tôi", Giáng Son với "Giấc mơ trưa", Nguyễn Duy Hùng với "12 giờ", Anh Quân với "Giấc mơ của tôi", Lưu Hà An với "Con cò"… thì đến nay hàng chục nhạc sĩ mới đã nổi lên theo từng tuần, từng tháng, với những chùm ca khúc ngày càng gần gũi với đời sống. Riêng tháng 12/2012, có thể khẳng định các nhạc sĩ trẻ đã đủ sức cạnh tranh với lớp đàn anh, với nhiều tác phẩm có sức thuyết phục. Sự xuất hiện của những nhạc sĩ trẻ như Lê Nguyên Hà mới ngày nào còn là một cậu bé 11 tuổi, rất thích thú ngồi xem cuộc thi BHV đầu tiên, thì nay đã là một ứng cử viên có sức nặng, đã làm cho cuộc thi mỗi ngày một hấp dẫn. Xem cuộc thi trong tháng 12 mới thấy, ngoài những cái tên quen thuộc như Thái Trinh, Giáng Son thì còn lại toàn là người trẻ, với những ca khúc sáng tác còn chưa ráo mực. Vậy mà bài hát của họ đã vượt lên với số điểm cao nhất. Đó là những cái tên còn chân ướt chân ráo bước vào nghiệp sáng tác như Huyền Sambi, Lê Nguyên Hà, Huy Trực, Toàn Thắng… Trong đó nổi bật với chiến thắng tuyệt đối của Huyền Sambi qua ca khúc "Trôi", vượt qua tác phẩm của đàn chị Giáng Son, đã nói lên sức bật mới của một dòng nhạc trẻ, với những khúc thức hiện đại, mới lạ. Cùng với trước đó, sự xuất hiện xuất sắc của Đồng Lan, qua bài hát "Sợ chết", hay tác giả trẻ 19 tuổi Lê Hà Nguyên trình làng với ca khúc "Lạc" đã nói lên sự khác biệt của tư duy âm nhạc mới luôn luôn hướng tới cộng đồng và có sự chia sẻ với những thân phận khó khăn, thiệt thòi trong xã hội…
Nói vậy song cái đọng lại trong tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ vẫn chưa đủ sức lay động người nghe. Nhiều ca khúc nghe trực tiếp với phần biểu diễn của nghệ sĩ thì "được" nhưng theo thời gian lại lọt nhanh vào quên lãng. Về sự xuất hiện các gương mặt trẻ: Hầu như không ít nhạc sĩ xuất hiện đã trở thành gương mặt quá quen thuộc từ 2005 đến nay vẫn tham gia BHV như Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dương Cầm, Châu Đăng Khoa, Lưu Thiên Hương, Võ Thiện Thanh, Hà Okio… Những ca khúc của họ có thể được cái chất "văn" nhưng lại kém phần "nghệ", nên bài hát thì mới nhưng cái hồn phảng phất xưa cũ là vì vậy.
Bên cạnh đó là các ca sĩ được các tác giả gửi gắm trình bày ca khúc của mình cũng bị cũ, vì quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một số giọng hát xuất hiện như Uyên Linh, Trung Quân, Ngọc Anh, Tô Minh Đức, Đinh Mạnh Ninh, Tạ Quang Thắng… Vậy giọng hát nghe có hay mấy cũng làm người nghe ngũng nguẩy vì đã "nhàm lỗ tai".
Hy vọng
Xem ra cách nói "khán giả âm nhạc đã bị ngộ độc" là hơi phũ phàng. Tuy cuộc chơi GHV đã gây quá nhiều mệt mỏi song không thể phủ nhận nó cũng đã tìm ra được những giọng hát trẻ tài năng thật sự cho sân khấu âm nhạc của tương lai. Còn sự âm thầm đến rã rời của BHV, qua 8 năm liền, cũng tập hợp được một đội ngũ sáng tác bài hát mới, trẻ trung hơn. Hy vọng ở họ, những nghệ sĩ trẻ của GHV và BHV sẽ trưởng thành theo thời gian
Theo L.C - CAND