Người yêu thơ nói, nhờ Vũ Hữu Định mà Pleiku thành danh phố núi. Người yêu nhạc thì lại tin rằng, Phạm Duy đã đem phố núi đến với đông đảo công chúng khi phổ nhạc vào thơ.
Người ta nghe trong đó tiếng gió, tiếng suối, tiếng đá, tiếng cây rừng... Âm thanh trong trẻo và phóng túng của đại ngàn tràn ngập trong một bài hát mà lạ lùng thay, ca từ lại mềm mại như sương. Còn chút gì để nhớ của nhà thơ giang hồ Vũ Hữu Định kết hợp với những nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ họ Phạm, đã biến một phố nhỏ vùng cao buồn tênh thành một trong những địa danh lãng mạn nhất của thi ca Việt Nam.
Những cuộc tao ngộ với thi nhân đã đem lại nhiều cảm xúc khác nhau cho Phạm Duy. Một điều khiến người yêu cả nhạc và thơ mến mộ, đó là trong hầu hết trường hợp, Phạm Duy chưa bao giờ làm biến dạng hồn vía của bài thơ. Thậm chí, bài thơ càng như được chắp cánh để bay về hướng mặt trời, long lanh tươi mới. Đơn cử Ngậm ngùi của Huy Cận - bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, sau khi được phổ nhạc đã trở thành một kiệt tác, được bao nhiêu thế hệ ca sĩ hát từ hàng chục năm nay. Để làm được điều đó, hẳn Phạm Duy phải có một sự đồng cảm đặc biệt với các nhà thơ để nắm được tận cùng ngóc ngách vi diệu nhất của từng câu chữ, như ông từng nói về Ngậm ngùi: "Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi... Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất”.
Trở lại Còn chút gì để nhớ và mối duyên kỳ lạ của Phạm Duy với nhà thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy hồi tưởng:
“Năm 1972, tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ... trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung có bán - cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.
Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều buông.
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
(Vang vọng một thời - mùa hè, 2012).
Có lẽ, mối duyên của nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Vũ Hữu Định chỉ đan kết qua thơ nhạc, giống như chính cái tên bài hát vậy: Còn chút gì để nhớ. Cuộc gặp gỡ thì ngắn ngủi. Đến lúc Phạm Duy trở về sống ở quê hương thì Vũ Hữu Định đã tạ thế lâu rồi. Thế nhưng, cho tới tận bây giờ, ông lão 93 tuổi Phạm Duy vẫn nhớ y nguyên dáng vóc của Vũ Hữu Định thời bấy giờ. Trong con mắt Phạm Duy, thi sĩ gốc Huế họ Vũ, tên thật là Lê Quang Trung (1942-1981) là người hồn hậu, song cách nói chuyện thì không giống ai cả. Lần đầu gặp gỡ Phạm Duy, trên khuôn mặt của Vũ Hữu Định có chút ngượng ngùng, bối rối, nhưng chỉ được một lát sau là bộc lộ vẻ sảng khoái ra liền. Hai người ngồi uống trà đàm đạo. Hỏi nhạc sĩ Phạm Duy: “Lên Tây nguyên mà uống trà ạ?”. Ông cười, bảo: “Tại tôi không biết uống rượu nên được tha”. Một cuộc trà đậm hương rừng núi bạt ngàn…
Nhiều người cho rằng, tên tuổi Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến khi bài thơ Còn chút gì để nhớ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Thực tế, chính Phạm Duy cũng không ngần ngại thừa nhận đóng góp lớn lao từ bài thơ đối với sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc của ông. Phạm Duy khẳng định: "Vũ Hữu Định đã đưa tôi đến âm nhạc của miền sơn cước". Cả đời Phạm Duy say mê tìm hiểu nhất là những giá trị thuộc về văn hóa dân tộc. Mặc dù được học hành ở Pháp, nhưng giống như lời Giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Duy biết chọn lọc giữa mới mẻ và truyền thống. Việc phổ nhạc cho thơ cũng là một cách thể hiện sự trân quý giá trị văn hóa của ông. Phạm Duy đã có rất nhiều trường ca, tổ khúc nổi tiếng. Không ngừng lại ở đó, ông đã và đang ngày đêm miệt mài hành trình gieo tiếng nhạc cho thơ. Có thể nói, riêng về lĩnh vực này, Phạm Duy được xếp ở vị trí bậc thầy trong làng tân nhạc Việt Nam.
Năm tháng trôi đi, ẩn sau mỗi khuôn nhạc, bao mối tình tri âm tri kỷ vẫn còn rưng
rưng lay động tâm hồn người yêu nhạc…
Theo Hiếu Dũng - Ngân Vi - TNO