Văn nghệ trong nước
'Sương sớm' - tục và thoát tục
09:19 | 25/01/2013

Sương sớm đáp ứng đầy đủ những yếu tố khán giả cần ở một vở múa đương đại: Hình ảnh đẹp- cả về biên đạo và mỹ thuật, thông điệp sắc rõ và quan trọng là tạo được đồng cảm trong khán giả. Nhiều vấn đề nhân sinh được đưa trót lọt lên sàn múa lồng trong khung ảnh làng quê Nam Bộ.

'Sương sớm' - tục và thoát tục

Sau buổi diễn tại rạp Công Nhân - Hà Nội, đạo diễn, biên đạo Tấn Lộc dấn thêm một bước khôn ngoan: mời khán giả ngồi lại cùng chia sẻ. Hóa ra khán giả có rất nhiều điều muốn nói. Những người thực hiện Sương sớm tha hồ phổng mũi vì nhận được trận mưa lời khen.

Có khán giả vừa nói vừa rưng rưng. Hầu như tất cả đều bắt đầu bằng lời cảm ơn.

Cảm ơn vì đã làm sống lại trong tôi một cái gì đó, một ký ức, một cảm xúc đẹp. Đây là vở múa tuyệt vời nhất tôi được xem trong đời. Cảm ơn các bạn trẻ đã làm những công việc đồng áng…

Cái tên Sương sớm ẩn dụ cho công sức của người nông dân. Như sương mai ngày nào cũng xuất hiện rồi tan biến, chúng ta ăn cơm hằng ngày nhưng không mấy khi nhắc nhớ đến người làm ra hạt gạo, cái cách làm ra gạo và xuất xứ của lúa gạo.

Sương sớm không mô phỏng các công đoạn sản xuất gạo cũng không nêu bật công lao khó nhọc của nông dân. Vở diễn chỉ muốn nói lên rằng đằng sau món vật thực quen nhàm là những con người đang sống.

Đời sống của người nông thôn bao giờ cũng gần với tự nhiên hơn, với bản thể hơn người thành thị. Và qua đời sống đó, Sương sớm đi tới khái quát những mệnh đề mang tính cốt tủy của đời người.

Những khung cảnh nông thôn thường cũng làm nao lòng người ở phố (đều từ làng mà đi ra). Cầu tre lắt lẻo, ánh sáng rọi qua lá dừa, mùi xả, quang gánh, hương vòng… là những thứ có thể nhìn thấy trên sân khấu. Ngôn ngữ múa đa dạng, không gò bó.

Có khi các diễn viên múa lại trở thành nhạc công. Màn hòa tấu chuông- loại để gõ khi tụng kinh- khá độc đáo và kỳ công. Mỗi diễn viên cầm một chiếc chuông và lần lượt hoặc cùng lúc gõ tạo thành một bản nhạc 3D- người đứng trên, người đứng dưới sân khấu.

Cái cách mỗi nhạc công phụ trách chỉ một nốt nhạc này áp dụng nguyên lý cồng chiêng Tây Nguyên. Các diễn viên của Arabesque tiếp tục chứng tỏ tài chơi nhạc bằng màn vừa múa vừa hòa tấu bằng các công cụ như chổi tre, ống tre, đũa cả.

Trước khi vào xem, khán giả được phát những đôi đũa cả. Trong khi xem, một hàng ghế khán giả cùng hòa đũa với các nghệ sĩ. Chẳng mấy chốc, các đôi đũa cả trong tay khán giả “bình thường” cũng lên tiếng, tạo thành không gian tương tác sống động.

Việc các nghệ sĩ tỏa xuống trình diễn giữa khán giả trở thành bình thường trong Sương sớm. Điển hình là cảnh hát đối đáp (các diễn viên múa hát luôn) giao duyên.

Dàn diễn viên nam ở trần đi xuống dọc theo lối đi bên này. Nữ mặc áo bà ba theo lối bên kia. Khán phòng được soi sáng bởi những cây đèn dầu (chạy pin) mà diễn viên cầm trên tay. Khán giả có thể nhìn tận mặt diễn viên, thấy giọt mồ hôi và cảm nhận diễn xuất, đài từ của họ tự nhiên đến chừng nào.

Kế ngay sau cảnh giao duyên là cảnh… giao hoan mang tên Lụa. Đây là một trong những phân đoạn ấn tượng nhất vở vì cô đọng và đẹp, không hề tục. Nếu không có đoạn cởi quần dài và mặc vào đầu và cuối đoạn (hai diễn viên vẫn mặc áo bà ba) thì đơn thuần chỉ là một màn múa đôi xúc cảm.

Hai diễn viên Tố Như và Ngọc Khải thi triển những động tác ballet điêu luyện và tươi mới trên nền nhạc đàn dân ca chơi trực tiếp bằng đàn tranh của Hải Phượng. Nhớ nhất cảnh Ngọc Khải xoay đùi của Tố Như trong khi chị đứng một chân trên mũi, giống như người thợ gốm đang nặn chiếc bình trên bàn xoay.

Có nữ khán giả thắc mắc về màn 4- Đêm của nữ biên đạo Ngô Thanh Phương. Trái ngược với sự nhẹ nhõm của tên vở, màn này do các nữ diễn viên vẫn trong trang phục bà ba thực hiện các động tác quằn quại, giằng xé.

Dù kế đó là Được mùa (hát giao duyên) và Lụa nhưng có vẻ vẫn không trung hòa nổi Đêm. Ý tưởng đi guốc ngược để múa tạo ấn tượng thú vị về một sự gì đó trái quy luật, vì thế khiến người ta phải giằng xé.

Chẳng hạn bây giờ, nam giới nông thôn đổ ra thành thị kiếm sống khiến thôn nữ không tránh khỏi chống chếnh...

Màn Hương chùa cũng làm khán giả bàn tán. Màn này có 4 thầy chùa (nhưng không cạo đầu) với 4 màu áo, múa theo kiểu khác nhau, trong đó thày áo đỏ co giật dữ dội.

Tấn Lộc diễn giải đây là sự đấu tranh nội tâm để đạt tới sự tĩnh tại. Kết thúc màn này là bão tố, trong lúc người thường trôi giạt quay cuồng trong lá khô gió lốc thì các thầy chùa lúc này đã tĩnh tâm di chuyển vào trong với sự bao bọc của những chiếc hương vòng buông từ trên xuống.

Có khán giả trẻ nảy ra ý tưởng để các thầy bám vào vòng hương và bay lên cao cho thoát tục hẳn!

Màn kết không còn động tác múa gì, nhưng có sức lay động mạnh. Một tấm cói lớn được trải trên sàn diễn, các diễn viên đứng giơ 2 tay hứng cơn mưa gạo từ trên cao.

Nụ cười tươi rói nở trên những gương mặt trẻ. Chỉ có lao động, yêu thương và tri ân cuộc sống mới đem lại niềm vui trong trẻo nhất? Nhưng rồi con người sinh ra còn để làm gì nữa?

Đèn sân khấu tối đi, cảnh hứng gạo biến mất. Nổi lên một người với đôi quang gánh đi qua sân khấu. Một người khác lom khom theo sau nhặt từng chiếc guốc từ trong cái thúng xếp trên sàn diễn thành hình những bước chân. Những bước chân qua cõi người sẽ còn lại hay bị xóa nhòa?!

Theo Nguyễn Mạnh Hà - TPO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng