Văn nghệ trong nước
Nhà văn Pháp đi thực địa VN để viết về Yersin
08:49 | 01/03/2013

Patrick Deville - tác giả cuốn 'Yersin, dịch hạch và dịch tả' - đến Nha Trang, Đà Lạt... - những nơi nhà bác học Yersin từng sống để viết tiểu thuyết về ông.

Nhà văn Pháp đi thực địa VN để viết về Yersin
Nhà văn Pháp Patrick Deville và cuốn tiểu thuyết sắp phát hành bản tiếng Việt "Yersin, Dịch hạch và Dịch tả".

"Yersin, Dịch hạch & Dịch tả" là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp Patrick Deville viết về cuộc đời thám hiểm và nghiên cứu khoa học của Alexandre John Emile Yersin - người đã tìm ra trực khuẩn dịch hạch ở Hong Kong năm 1894, đóng góp cho sự phát triển của y học nhân loại. Mặc dù là người Pháp, Yersin sớm rời bỏ đất nước mình để thực hiện hành trình thám hiểm những vùng đất mới. Năm 1891, Yersin theo một con tàu đặt chân tới Nha Trang, Việt Nam và ông đã chọn đây làm nơi sống của mình cho tới khi qua đời vào năm 1943.

Ở Việt Nam, Yersin được nhắc tới nhiều như một nhà khoa học xuất chúng - người có công trong việc thành lập Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang. Ông cũng là người đã phát hiện ra Đà Lạt và xây dựng vùng đất xinh đẹp này. Yersin còn gắn bó, giúp đỡ nhiều người dân Nha Trang nơi ông sống để rồi được họ gọi với cái tên thân mật: "Ông Năm". Được vinh danh ở Việt Nam, thế nhưng, tại quê nhà Pháp, tên tuổi nhà khoa học bị lãng quên cho tới khi cuốn tiểu thuyết của Patrick ra đời. Với "Dịch hạch và dịch tả", Patrick Deville đã làm sống lại những chặng đường nghiên cứu khoa học thầm lặng, niềm đam mê thám hiểm và toàn bộ con người Yersin.

 

Nhà văn Pháp Patrick Deville và cuốn tiểu thuyết sắp phát hành bản tiếng Việt "Yersin, Dịch hạch và Dịch tả".
Có mặt tại Việt Nam chiều 25/2, nhà văn Patrick Deville cho biết để viết cuốn sách này, ông đã đi theo hành trình thực địa Việt Nam của Yersin: từ Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội tới TP HCM... đồng thời dựa vào các tài liệu nghiên cứu, đặc biệt là những thư từ riêng tư của nhà khoa học viết cho mẹ và chị gái trong những năm tháng xa nước Pháp (Yersin mồ côi cha từ nhỏ). Theo nhà văn, cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không có chi tiết hư cấu nào. Tất cả đều dựa trên cuộc đời có thật của nhà khoa học, các cột mốc sự kiện, dựng lại một Yersin sống động trước mắt người đọc. Tuy nhiên tác phẩm hoàn toàn không phải một cuốn tiểu sử. Theo Patrick Deville, đó là "một tiểu thuyết được viết theo lối du ký”. Cùng lúc, ông sử dụng nhiều thể loại trong tác phẩm của mình, từ tiểu sử tới tự truyện, ký…

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lại gọi đó là một cuốn tiểu thuyết tư liệu. Tác giả đã dựa trên tất cả chi tiết có thật trong cuộc đời nhân vật để cấu trúc lại, từ đó không chỉ làm rõ hành trạng mà còn cho thấy con người, tính cách của Yersin. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chất tiểu thuyết thể hiện ở lối tự sự sử dụng ngôi thứ ba xuyên suốt tác phẩm. Câu chuyện mở đầu bằng một ông già 77 tuổi từ Paris bay đến Việt Nam để không bao giờ trở lại nước Pháp, bởi bốn năm sau đó, ông qua đời tại Nha Trang. Trên chuyến bay, tất cả hồi tưởng về quá khứ ùa trở lại. Những trang tiếp theo của cuốn sách lần lượt bày ra cuộc đời của Yersin từ những năm tháng là một cậu sinh viên của viện Pasteur nổi tiếng, một môn đồ xuất sắc củanhà khoa học Louis Pasteur; tới việc từ chối tất cả phù hoa, danh vọng đang bày ra trước mắt chỉ để thỏa mãn niềm đam mê thám hiểm các vùng đất mới. Bản tính là người thích sống lặng lẽ, không màng danh lợi, khi tới Việt Nam, ông cũng chọn con đường nghiên cứu thầm lặng, thám hiểm các vùng đất và sống nhân ái với những con người bình thường quanh mình. Một Yersin lặng lẽ hy sinh vì khoa học khi một mình lao vào nhà xác ở Hong Kong nửa đêm để lấy bệnh phẩm từ những thi thể đã phủ vôi bột trắng, từ đó phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch cũng được Patrick Deville tái hiện một cách sống động.

 

Yếu tố thứ hai thể hiện chất tiểu thuyết trong cuốn sách của Patrick, theo Phạm Xuân Nguyên, là việc tác giả đã tạo ra một "bóng ma tương lai" luôn đi theo nhà khoa học. Đây là nhân vật hư cấu tham gia phóng chiếu những sự kiện cuộc đời của Yersin ở các mốc thời gian cụ thể với tương lai. Theo Phạm Xuân Nguyên, "bóng ma tương lai" này nằm trong cấu trúc tiểu thuyết với mục đích nối liền mạch cuộc đời Yersin.

Cuốn tiểu thuyết đã giành giải thưởng Femina năm 2012 và lọt vào chung khảo Goncourt - giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định thành công của cuốn sách có thể do nghệ thuật tiểu thuyết của Patrick Deville nhưng mặt khác, có thể nước Pháp, từ cuốn sách này, đã phát hiện ra Yersin - một người con xuất sắc của họ, một nhà khoa học lỗi lạc mà từ lâu họ lãng quên. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của Yersin, 120 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt và tôn vinh năm “Pháp tại Việt Nam 2013”, "Yersin, dịch hạch &  dịch tả" sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt trong thời gian tới.

Theo VNE

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng