Có nhiều đêm tôi thấy anh vừa viết vừa sụt sùi nước mắt, tưởng có chuyện gì, hỏi ra mới hay anh đang khóc cùng những nhân vật trong tác phẩm của mình.
Con đường nhỏ quanh co dẫn chúng tôi đến căn già cũ nơi sinh sống của ông Trần Hữu Đạt – em trai cố nhà văn Nam Cao – tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Tuổi 90 với mái tóc đã trắng như cước, bước đi có đôi phần chậm chạp nhưng vẫn minh mẫn trong từng câu chuyện, ông kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về người em trai nổi tiếng của mình – tài sản tinh thần vô giá và niềm tự hào mà ông luôn gìn giữ.
Không viết văn hay nổi tiếng như anh trai mình, với ông, làm thơ và chơi cây cảnh là thú vui và ý nghĩa sống. Ông đã xuất bản một số tập thơ như Làng tôi, Phiêu, Xuân... Ông từng học một lớp làm báo cùng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà báo Bích Vân, Bích Hậu…
Uống ngụm nước chè, đưa mắt lên nhìn bức ảnh thờ nhà văn – liệt sĩ Nam Cao, ông chậm rãi hồi tưởng....
Ông Trần Hữu Đạt, nay đã 90 tuổi, hồi tưởng lại về tuổi thơ của mình và anh trai. |
“Gia đình tôi ngày đó thuộc hạng bậc trung trong làng. Bố mẹ làm nghề buôn bán, dệt vải. Bố tôi luôn tạo điều kiện để mấy anh em được theo học thầy đồ. Anh Tri (tên thật của Nam Cao) là anh cả, dưới ông còn 5 người em, vì thế anh tôi luôn nhường nhịn, dạy dỗ các em rất nhiều.
Anh Tri ngày còn bé người dong dỏng cao, hơi gầy và có gương mặt giống mẹ. Là người ít nói, kiệm lời, anh cả tôi hay đỏ mặt khi mọi người khen ngợi hay nhắc tới tên. Vốn học giỏi nên anh ấy được thầy đồ Kí Lân và người dân trong làng rất quý mến. Nhất là ông cụ (bố) tôi thường giấu mọi người cho riêng anh Tri tiền. Số tiền đó anh lại dành để mua những quyển sách hay để đọc. Bố tôi ngày ấy hình như hơi thiên vị anh thì phải. Thỉnh thoảng anh còn được cùng lên tỉnh với ông để bán vải dệt.
Những kì nghỉ hè, hầu như ngày nào anh em tôi cũng rủ nhau ra sông câu hoặc bắt cá. Anh ấy thích ăn cá kho do chính tay mẹ tôi làm, đây là món luôn khiến anh em tôi cạo sạch cháy nồi cơm ngày ấy.
Căn nhà tuổi thơ nơi Nam Cao đã sống. |
Anh Hữu Tri thích đọc sách văn, nhất là những cuốn sách cổ, cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cái cách mà anh ngồi đọc sách hay viết văn. Anh không thích tiếng ồn hay bị làm phiền, chăm chú vào những trang viết mà không quan tâm đến mọi việc xung quanh. Anh đã viết văn từ khi còn đi học. Có nhiều đêm tôi thấy anh vừa viết vừa sụt sùi nước mắt, tưởng có chuyện gì, hỏi ra mới hay anh đang khóc cùng những nhân vật trong tác phẩm của mình.
Trong mỗi tác phẩm của anh đều thấp thoáng hình dáng những nhân vật thân quen hay những câu chuyện có thật. Từ việc “mua nhà”, đánh bả chó, đến cô Thị Nở, Lão Hạc… đều là nhân vật nguyên mẫu có thật ngoài đời. Sự trùng hợp hay đó là cái cơ duyên mà đến nay tôi cũng không giải thích được. Mộ phần anh tôi được đặt trên chính mảnh đất của Lão Hạc, một ông già có thật đã đi vào và sống mãi trong những trang viết của anh...".
Chiếc giường cũ của nhà văn Nam Cao vẫn được lưu giữ trong căn nhà tưởng niệm ông. |
Mộ phần của nhà văn – liệt sĩ Nam Cao trên chính mảnh đất nhà Lão Hạc, nhân vật đã đi vào và sống mãi trong tác phẩm của ông. |
Ông Đạt say sưa kể chuyện cho chúng tôi về người anh cả mẫu mực của gia đình ông. Thỉnh thoảng ông dừng lại ngắm nghía những gốc cây cảnh bên cạnh, một trong những niềm vui tuổi già của ông, và khẽ mỉm cười.
“Anh tôi từng làm chức chủ tịch xã đầu tiên (1946) của xã Đại Hoàng lúc bấy giờ. Sau đó 6 tháng, theo tiếng gọi của Hội Văn hóa cứu quốc, anh ra mặt trận chiến đấu. Khi những tác phẩm của anh được mọi người biết tới, bố mẹ tôi thời đó thường bị một số người trong làng chửi sau lưng, đặc biệt là những nhà địa chủ khi lấy những nhân vật trong bài giống họ… Mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn khóc vì điều đó”.
Khi được tôi hỏi: Ông thấy mình có đặc điểm gì giống nhà văn Nam Cao? Ông cười hiền hậu: “Có lẽ là điểm ít nói, tôi và anh Tri không thích nói nhiều. Đức tính kiên nhẫn mà tôi đã học được ở bố và anh ấy đã giúp tôi làm được rất nhiều việc. Cho đến bây giờ, mỗi khi tôi ra đường hay trong dòng họ có lễ tết, những tác phẩm của anh lại được đem ra bàn luận, rồi ôn lại những kỉ niệm về anh… Đó làm điều làm tôi tự hào".
Hiện nay, mộ phần và khu nhà tưởng niệm tại Lý Nhân - Hà Nam vẫn còn lưu giữ những tập sách của nhà văn Nam Cao. Đặc biệt là chiếc tủ và chiếc giường đã theo ông rất nhiều năm cũng được trân trọng kê ở đúng vị trí cũ...
Theo Tạ Thùy - Nguyễn Quế - VTC News