Văn nghệ trong nước
Con trai Văn Hiệp kể chuyện cha chống chọi bệnh
09:52 | 11/04/2013

Có bao nhiêu tiếng cười ông mang tặng hết cho đời, chỉ giữ lại những năm tháng dài rộng của đời mình những nỗi cô đơn và buồn tủi!

Con trai Văn Hiệp kể chuyện cha chống chọi bệnh

 

Con trai nghệ sỹ Văn Hiệp kể về những ngày chống chọi bệnh tật của cha mình trong nỗi cô đơn và buồn tủi.

"Có bao nhiêu tiếng cười ông mang tặng hết cho đời, chỉ giữ lại những năm tháng dài rộng của đời mình những nỗi cô đơn và buồn tủi" - Con trai nghệ sỹ Văn Hiệp không giấu nổi ánh mắt khắc khoải khi nói về người cha vừa đi xa của mình.

Anh cao lớn, rắn rỏi và mạnh mẽ, còn có chút gì phong trần, bụi bặm, khác hẳn dáng vẻ nhỏ bé, hiền lành và khắc khổ của cha mình. Anh Thắng, con trai nghệ sỹ Văn Hiệp từng có những năm tháng nuôi đam mê dưới ánh đèn sân khấu, nhưng rồi cuộc sống lại đẩy anh rẽ sang một con đường khác, với nhiều nuối tiếc.

Anh không cho người viết thấy nỗi buồn trên gương mặt, chỉ có ánh mắt xa xăm và nỗi khắc khoải trong ấy là không giấu nổi, khi kể về cuộc đời trĩu nặng nỗi cô đơn và tủi thân của bố, về những tháng ngày ông đau đớn chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, bằng niềm lạc quan vô bờ bến.

Anh kể rằng cha anh mất vì cả cuộc đời gồng gánh quá nặng những nỗi buồn trên đôi vai gầy gò và nhỏ bé của mình. Có bao nhiêu tiếng cười ông mang tặng hết cho đời, chỉ giữ lại những năm tháng dài rộng của đời mình những nỗi cô đơn và buồn tủi. Cho đến tận lúc trút hơi thở cuối cùng, hình như, ông vẫn là người cô độc.

"Tôi chẳng nhớ nhiều những kí ức ngày ấu thơ, khi mẹ đi xuất khẩu lao động sang Đức, để lại bố cảnh gà trống nuôi con vò võ. Mẹ đi rồi không về nữa, chẳng phải vì có một bờ vai khác cho mẹ dựa vào, hay cũng chẳng rõ vì sao nữa, nhưng từ ấy, hai anh em cảm nhận rõ một sự nứt vỡ chẳng bao giờ có thể hàn gắn.

Mẹ không lấy chồng tây, bố cũng chẳng đi bước nữa, mà tình yêu vẫn chẳng đủ đưa hai người về lại với nhau. Hơn 20 năm, 4 người trong gia đình sống với những chất chứa chẳng thể nói thành lời, chỉ thấy, ai cũng lầm lũi và cô đơn, đưa ánh mắt về phía nhau đấy, mà chỉ thấy ánh mắt bên kia thoảng buồn.

 

'Bố gục ngã trên chuyến gánh gồng sau chót'
'Bố gục ngã trên chuyến gánh gồng sau chót'.

 Tôi từng có những năm tháng tuổi trẻ nuôi đam mê nối nghiệp bố, mắt sáng lên khi thấy ánh đèn sân khấu, khi được nghe tiếng máy quay. Cũng đến trường, đến lớp, ngày đêm miệt mài tập luyện ở nhà hát Tuổi Trẻ cùng những Vân Dung, Quốc Quân… Nhưng rồi, cuộc sống đẩy tôi rẽ sang một con đường khác.

 

Học được một vài năm, tôi vi phạm nội quy khi yêu một chị học cùng lớp, tưởng rằng bản án đuổi học chỉ là dọa suông, ai ngờ tôi bị đuổi học thật. Tuổi trẻ bồng bột, bốc đồng và tính sĩ diện hão khiến tôi cũng buông xuôi, chẳng nhờ vả bố xin cho ở lại, tự ý bỏ ngang chừng, ra khỏi nhà, ăn chơi và phá phách suốt một thời gian dài.

Sau này, những người quen biết vẫn nói về ánh mắt của bố trong những chiều đi trên chiếc xe đạp cũ, dáng người chênh vênh tìm kiếm tôi khắp các con đường, khắp những nơi mà ông nghĩ sẽ tìm được thằng con trai mình. Ánh mắt ấy buồn và hình như, bất lực lắm.

Ngày đó, tiếc nuối nhiều vì không theo được nghề của bố, nhưng cái tôi ngông cuồng và tự phụ của một thằng con trai lì lợm hai mươi tuổi đầu đã lấn át tất cả. Tôi xách ba lô và vài bộ quần áo sang Đức theo mẹ, quẳng lại cho bố thêm một nỗi cô đơn và đứa em gái nhìn tôi mà cố cắn chặt môi cho khỏi bật ra tiếng khóc.

Gia đình tôi từ ấy, mỗi người lại để dành thêm một chút nứt vỡ trong mình.

Nhưng sau những năm tháng nhọc nhằn bươn chải kiếm sống nơi xứ người, tôi cũng không còn tiếc nuối quá nhiều nữa. Vẫn tự an ủi mình, thôi thì nghề nào cũng là nghề…

Tôi nhớ khi ở Đức, chỉ biết về Việt Nam qua một kênh truyền hình, thế nên những vai diễn hài sau này của bố, tôi không được biết nhiều. Tôi chỉ hay nhớ về hình ảnh của ông, với vai diễn chú lính bé nhỏ ngồi khóc nhớ mẹ trong Bài ca Điện Biên năm nào, và rồi lại chập chờn trong giấc mơ loáng thoáng những ánh đèn sân khấu.

Nhưng rồi, mẹ thì có thể, nhưng tôi thì chẳng sống mãi được nơi xứ người. Ngày về nước, tôi thấy ánh mắt bố ánh lên một chút hy vọng, chứ cũng chẳng hẳn là niềm vui, nhưng có lẽ, chừng ấy cũng là đủ để tôi trở về.

Tôi không trở thành ông to bà lớn, cuộc sống trắc trở khi đi qua hai lần đò với hai người vợ và những đứa con khác mẹ, mỗi lần, lại mang về nhà thêm một ít nỗi buồn nhờ ông cất giữ.

Con cái lớn cả, tôi đi làm phiên dịch, làm xuất nhập khẩu, em gái thì đi lồng tiếng, mà bố vẫn đi đóng phim, đi diễn hài, đến tận lúc gần cuối đời vẫn miệt mài kiếm tiền đưa cho vợ, cho con. Cuộc sống không đến mức giật gấu vá vai, mà sao vẫn chưa đủ đầy và nhiều lo toan.

Bố tôi biết mình bị bệnh, nhưng gan lì lắm, nhất định không chịu đến bệnh viện, cứ xuê xoa rồi lại kì cạch đi đóng phim. Mãi đến chuyến gánh gồng sau chót vào cuối năm ngoái ấy, bố tôi mới gục ngã hẳn. Ngày 23 Tết đưa bố đến bệnh viện, các bác sĩ nói rằng, đã quá muộn vì căn bệnh bắt đầu di căn.

Rồi bố nằng nặc đòi về nhà, và nhất định không bao giờ bước chân đến bệnh viện thêm một lần nào nữa. Đến tận lúc cận kề cái chết, bố vẫn sợ tốn tiền của các con, sợ chúng tôi mất thời gian trông nom, sợ đếm những ngày tháng cuối đời qua ô cửa sổ ở nơi toàn tiếng lách cách kim tiêm và mùi thuốc men.

Hơn 6 tháng ở nhà, người ngoài nhìn vào vẫn thấy bố cười nói vui vẻ, chỉ có dáng vẻ là gầy đi thấy rõ, và lần nói chuyện nào cũng phải nghỉ giữa chừng vì mệt.

Nhưng chỉ con cái trong gia đình mới biết, mỗi khi có một mình, ông hét lên rồi quằn quại trong đau đớn vì không thể chịu đựng nổi. Nhìn ông mà không ai cầm nổi nước mắt, tiếng hét đến lạc cả giọng ấy đến suốt đời này tôi cũng chẳng thể quên.

Ông thường ngồi lầm lũi một góc nhà, đôi mắt cứ nhìn xa xôi như đợi chờ một điều gì đó. Bố cô độc đối diện với nỗi cô đơn trống vắng và buồn tủi chẳng thể san sẻ cùng ai.

Rồi mẹ cũng về nước, chăm sóc ông được một vài ngày khi ông đau ốm, chẳng biết như thế có bù đắp được phần nào, hay chỉ làm ông thêm đau khổ khi sau đấy, bà lại ra đi.

Chỉ biết, mấy chục năm sống cùng ông, là từng ấy quãng thời gian ông câm lặng khi người khác nhắc đến người đàn bà của cuộc đời mình. Hai anh em tôi là những người cảm nhận rõ nhất, không bao giờ được chạm vào vết thương chưa khi nào lành ấy.

Mẹ - là từ ít khi được chúng tôi nói đến nhất trong cuộc sống của ba cha con.

Ngày mai mẹ sẽ về nước, để chịu tang người chồng mà mấy chục năm không sống cùng nhau, nhưng cũng không ly dị. Không biết ở thế giới bên kia, ánh mắt ông có hấp háy thêm một chút hy vọng.

Khi còn khỏe, dự cảm trước cái chết của mình, ông chỉ nói sau này hãy hỏa thiêu bố, rồi quay sang nhìn tôi hỏi: Mày có dám mang tro về nhà không? Tôi nói: bố thích thì con mang về nhà thờ, con chẳng sợ gì cả. Nghe thế, ông không nói gì nữa".

Anh dừng câu chuyện khi nghe tiếng điện thoại mẹ gọi về từ Đức, nói sẽ bay chuyến mấy giờ và dặn người ra đón. Hình như, ánh mắt anh cũng ánh lên tia hy vọng.

Anh đứng lên, đi gọi cô em gái xem việc nhà lo liệu đến đâu, vẫn không quên quay lại nói với người viết:

"Mọi người thường gọi bố là bác trưởng thôn, lúc nào cũng mang theo cái điếu cày, vậy mà từ khi phát hiện ra bị bệnh tới lúc mất, hơn 6 tháng, bố tôi chỉ hút trộm đúng một điếu thôi đấy. Nhưng lúc mất ông gầy lắm, tôi bế lên mà nhẹ bẫng, đoán chừng bố chỉ còn 32 cân".

Theo An My VTC News

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng