Nữ nhà văn Evie Wyld, người đang có mặt tại Việt Nam dự Ngày văn học châu Âu, viết về các cuộc chiến tranh và lịch sử vì lý do tự thân: bố mẹ, ông bà cô đều tham chiến và cũng gánh trên mình hậu quả chiến tranh.
Hơi đáng tiếc khi nhà văn 33 tuổi đến Hà Nội giới thiệu sách trong khuôn khổ Ngày văn học châu Âu vào tối 17/5, tiểu thuyết đầu tay xuất sắc After the Fire, A Still Small Voice của cô lại chưa kịp ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Buổi trò chuyện của Evie Wyld tối 17/5 có sự tham gia của nhà văn Di Li. Tiếp đó, cũng tại Viện Goethe vào tối 18/5, nữ nhà văn tiếp tục tham dự tọa đàm chủ đề “Viết truyện giả tưởng ngày nay” với các đồng nghiệp Đan Mạch, Tây Ban Nha và Việt Nam (2 nhà văn Võ Thị Hảo và Hà Thủy Nguyên).
Từ một dòng họ có hai thế hệ tham chiến
Tiểu thuyết After the Fire, A Still Small Voice (tạm dịch: Sau đám cháy, vẫn còn một tiếng nói nhỏ) lấy bối cảnh ở Úc, kể lại câu chuyện buồn về một gia đình bị chia ly bởi chiến tranh và bất ổn trong tình cảm. Với tiểu thuyết đầu tay này, Evie trở thành một trong 20 nhà văn xuất sắc của Anh dưới độ tuổi 40 do tạp chí văn chương uy tín Granta bầu chọn.
Nhưng độc giả Việt Nam chưa biết nhiều về cô, vì thế, cuốn sách đang được giới xuất bản Việt Nam xem xét dịch và giới thiệu với bạn đọc.
Evie Wyld nói với Thể thao & Văn hóa về lý do cô đưa nội dung liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam vào cuốn tiểu thuyết: “Tôi viết cuốn sách dựa trên thực tế về chính gia đình tôi. Thế hệ thứ nhất tham gia chiến tranh Triều Tiên, thế hệ thứ hai tham gia chiến tranh Việt Nam. Còn thế hệ thứ ba, tức thế hệ của tôi, thì không tham gia các cuộc chiến tranh”.
“Gia đình, dòng họ của tôi ở Úc đều là những người tử tế, nhưng họ rất nóng tính, hay gặp stress do ảnh hưởng của những tổn thương sau chiến tranh. Điều đó cũng gây khó khăn cho cuộc sống của các thế hệ con cháu. Đó là điều tôi muốn thể hiện trong tác phẩm”.
Sự quan tâm của nữ nhà văn sinh năm 1980 đối với quá khứ, lịch sử châu Âu, các cuộc chiến tranh tàn khốc thay đổi thế giới (ở Triều Tiên và Việt Nam) trước cả khi cô ra đời, thực sự gây ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nếu đặt so sánh với Việt Nam, một đất nước mà giới trẻ công khai thể hiện sự thờ ơ với lịch sử của dân tộc, chưa nói đến lịch sử thế giới.
Trả lời Thể thao & Văn hóa về mối quan tâm với quá khứ, Evie lý giải: “Tác phẩm đầu tiên tôi viết khi còn niên thiếu là về một nhân vật bằng tuổi tôi. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng muốn hiểu về thế hệ của mình thì phải tìm hiểu thế hệ bố mẹ, ông bà. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Chúng ta đến từ đâu? là rất quan trọng, ở bất cứ dân tộc nào”.
Người trẻ viết về lịch sử: “Đừng bơi trong biển thông tin”
“Tiếng nói sau đám cháy” như trong nhan đề tiểu thuyết của Evie chính là hậu quả sau chiến tranh. Nhà văn đã cố gắng giải mã những dư chấn nặng nề về cả tinh thần và thể xác mà những người cha, con trong một gia đình phải gánh chịu, trong khi vẫn hoang mang và chưa hiểu rõ về cuộc chiến mà họ tham dự.
Trong sách, nhân vật Frank trở về một ngôi làng, sống trong một căn lều nhỏ của người ông nội bên bờ biển. Đây là nơi anh đã đến thăm từ nhỏ, gắn với những kỷ niệm về người cha và người ông. Frank vừa trải qua một mối tình đau khổ và đang cố làm lại cuộc đời.
Dường như trong một tuyến truyện khác, 40 năm trước, nhân vật Leon, con trai của một gia đình nhập cư Úc từ châu Âu, chứng kiến sự suy sụp của gia đình sau khi người cha trở về từ chiến tranh Triều Tiên, trước khi chính anh phải nhập ngũ để sang Việt Nam. Anh đứng trước lựa chọn: lên đường đến đất nước châu Á xa xôi hay bỏ trốn. Leon thấy như mình đang ở vào hoàn cảnh không khác gì người cha trước đây.
Trong tọa đàm về văn học giả tưởng tối 18/5 ở Hà Nội, nhà văn Evie Wyld cũng đưa ra lời khuyên cho những nhà văn trẻ, những người đang băn khoăn khi muốn tìm tư liệu để viết về quá khứ - lịch sử: “Các bạn không nên nghiên cứu quá nhiều tài liệu một cách không có phương hướng. Tôi thường bắt tay vào viết trước rồi mới tra cứu và tìm hiểu những thông tin mình cần, vì như thế thì sẽ tránh được việc “bơi” trong một biển thông tin rộng lớn ngoài tưởng tượng”.
Evie Wyld sinh năm 1980 ở Úc, lớn lên và sống tại Peckham, Anh. Hiện cô mở cửa hàng sách và viết văn tại Peckham. Lọt vào danh sách bầu chọn 20 nhà văn Anh xuất sắc của tạp chí Granta là một thành tựu đáng kể, vì tạp chí này thường “tiên đoán” chính xác những người về sau có sự nghiệp văn chương thành công, trong đó có những người đoạt giải Booker: Ian McEwan (tác giả Atonement), Kazuo Ishiguro (tác giả Never Let Me Go).
Theo Mi Ly - Thể thao & Văn hóa