Ngày 12/04/2013 Ban Chấp hành UNESCO họp ở Pari đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 192 EX/32 trình Đại Hội đồng UNESCO biểu quyết vinh danh Thi hào Nguyễn Du của Việt Nam là Danh nhân văn hóa Thế giới.
Tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Du
Trước nhiều thông tin rằng UNESCO vinh danh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa Thế giới sau nhiều lần “ngấp nghé”, phóng viên liên hệ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam để biết thêm thông tin.
Đại diện Ủy ban cho biết, Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua Nghị quyết 191/EX32, kiến nghị với Đại hội đồng rằng UNESCO trong hai năm 2014-2015 sẽ phối hợp để tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm các nhân vật do các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ, trong đó có hồ sơ về đại thi hào Nguyễn Du.
Lâu nay, nhiều người nghĩ Nguyễn Du đã được UNESCO vinh danh. Thực tế, năm 1965 Hội đồng Hòa bình Thế giới kỷ niệm long trọng 200 năm sinh Nguyễn Du cùng 8 nhà văn hóa các nước như Horace (La Mã), Dante (Ý), nhà bác học Lomonoxop (Nga). Nhưng không có nghĩa, UNESCO tự động vinh danh Nguyễn Du.
Được hỏi liệu có danh hiệu Danh nhân Văn hóa Thế giới, vị này cho hay: Không có danh hiệu này mà hàng năm, UNESCO vẫn xét các hồ sơ để vinh danh các nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc tế do các nước thành viên đệ trình. Hồ sơ được phê chuẩn phải đáp ứng tiêu chí: Nhân vật có tầm ảnh hưởng ở khu vực và quốc tế trong 5 lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, khoa học tự nhiên-xã hội và thông tin (trừ liên quan đến chiến tranh); đúng dịp kỷ niệm năm sinh và năm mất theo bước tuổi 50.
Ví dụ trong số hồ sơ được thông qua dịp này, UNESCO tôn vinh nhân sinh nhật 600 của nhà thơ, nhà triết học Abd-Rahman Jami (Tajikistan), hoặc 100 năm ngày sinh nhà văn Pháp Marguerite Duras.
UNESCO đánh giá cao hồ sơ về đại thi hào Nguyễn Du. Bởi đã nêu bật tầm ảnh hưởng của Nguyễn Du và giá trị của Truyện Kiều. Theo TS. Phan Tử Phùng, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của hồ sơ nằm ở chỗ, chúng ta phải nói được tầm tác động của Truyện Kiều trong nước, khu vực và thế giới.
“Nguyễn Du giàu tư duy độc lập sáng tạo, có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đã dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để viết bằng Việt văn”, ông nói.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn- thành viên Ban vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du- nói thêm về khía cạnh này: Sức lan tỏa của Truyện Kiều còn ở chỗ, trong dân gian người ta có thể vận dụng từng câu Kiều thay lối diễn đạt một số tình huống trong đời sống.
Nhân chuyến thăm Việt Nam, cựu Tổng thống Bill Clinton đọc câu Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa. Rất nhiều nhà nghiên cứu thế giới quan tâm Truyện Kiều. Tác phẩm của Nguyễn Du được dịch ra hơn 20 thứ tiếng kể cả Pháp, Mỹ- hai quốc gia có tác động lớn nhất.
Hồ sơ lên đường vào phút chót
Để kịp vinh danh năm 2014-2015 thì hồ sơ khoa học, kèm Công hàm Chính phủ phải gửi đến Ban thư ký UNESCO ở Paris trước tháng 1/2013 để thẩm tra, trình Hội đồng Chấp hành xét duyệt trong phiên họp tháng 4/2013.
Sau khi thảo luận ra Nghị quyết sẽ phải trình Đại hội đồng UNESCO phê duyệt tháng 11/2013. Thực hiện đúng lộ trình, các nhà soạn thảo phải trình hồ sơ, kèm công hàm trong tháng 12/2012.
Một thành viên soạn thảo bảo, cái khó nhất không phải làm hồ sơ, mà là “chạy” kịp giấy tờ, cụ thể ở đây là Công hàm Chính phủ. Trước đó, Ban Vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du kịp hình thành, quy tụ nhiều nhân vật ở nhiều tổ chức, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, ở từng giai đoạn như: nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN.
Bắt tay vào cuộc đua thủ tục, những người soạn thảo vấp phải không ít trở ngại. Có người bảo: Nguyễn Du đã được UNESCO vinh danh rồi, còn làm gì nữa.
Có người trả lời: Chưa thấy cấp trên có chỉ thị gì. Lại có ý kiến của một lãnh đạo Bộ liên quan: Việc này đã có Đảng và Nhà nước lo, là danh nhân thế giới thì đã lên danh sách rồi, đến hẹn tự khắc họ công nhận thôi.
“Có đủ giấy tờ để xin Công hàm Chính phủ, nhưng bị tắc. Đúng buổi chiều trước hạn một ngày mới xin được chữ ký vào Công hàm Chính phủ.
Đêm trước hạn cuối cùng, hồ sơ vinh danh Nguyễn Du mới được UNESCO Việt Nam gửi bằng thư điện tử tới Ban thư ký ở Paris. Nếu không, việc đề nghị vinh danh này phải chờ 50 năm nữa, đến kỳ kỷ niệm 300 năm sinh của nhà thơ”, ông Phùng nói.
Theo TOAN TOAN - TPO