Phóng viên ảnh lăn lộn cả năm với các sự kiện, điểm nóng nhưng không vì thế mà không chơi ảnh nghệ thuật. “Chơi” hơn, họ còn bán ảnh để lấy tiền tặng cho các trẻ em nghèo chữa bệnh.
Nhân ngày Nhà báo, nhóm các phóng viên ảnh và nhiếp ảnh gia ở Hà Nội “khoe” tác phẩm ảnh nghệ thuật của mình trong một triển lãm đầy ý nghĩa mang tên Ánh sáng từ tâm. Triển lãm khai mạc hồi 16h ngày 18/6 tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, kéo dài đến hết 23/6. Tiền bán ảnh dành để hỗ trợ các bệnh nhi nghèo đang điều trị tại bệnh viện Nhi T.Ư.
Nhóm tác giả ngoài lão làng Nguyễn Quang Tuấn (Huy chương Vàng FIAP tại Việt Nam 2011, Huy chương Vàng Asahi- Nhật Bản 2012) thì đều là dân báo chí. Đó là Nguyễn Phương Hoa- Thông tấn xã Việt Nam, Nguyễn Hồng Vĩnh và Nguyễn Mạnh Hà- 2 người của Tiền Phong, Chu Thu Hảo - cây viết kỳ cựu của tạp chí Nhiếp ảnh, và Đàm Đức Vũ - làm báo tự do.
Ông cháu. Ảnh: Quang Tuấn. |
Ảnh của Vũ từng theo triển lãm Mapping invisible cities (Diện mạo những thành phố vô hình) qua các thủ đô Jakarta, Manila, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur và Hà Nội năm 2009. Anh được giải do công chúng bình chọn tại triển lãm Coup de pouce (Sự khích lệ)- Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức năm 2007.
Ảnh báo chí quan trọng tính thời điểm, ảnh nghệ thuật lại đòi hỏi trau chuốt về đường nét, bố cục, nhưng đôi khi cũng có điểm chung. Đó là những bức ảnh của Nguyễn Hồng Vĩnh và Nguyễn Phương Hoa...
Hồng Vĩnh đóng góp vào triển lãm những góc chụp Hà Nội quen mà lạ. Gánh hàng rong, bánh mì nóng vàng ruộm cả vỉa hè sáng sớm, các cụ già tập thể dục buổi sớm ven hàng cổ thụ trên đường Thanh Niên. Đây chính là những bức ảnh anh thực hiện cho báo Tiền Phong số Tết cách đây 5 năm.
Đúng tính chất báo chí, bộ ảnh được thực hiện trong có một ngày. Nhưng vì là dân Hà Nội gốc, những góc chụp đắc địa đều đã được anh căn ke từ rất lâu. Nếu hồ Gươm của Quang Tuấn hiện ra với hình ảnh tháp rùa và hoa lá rất lãng mạn, thì hồ Gươm của Hồng Vĩnh “trần trụi”, chi tiết hơn.
Vĩnh đặc tả các sắc độ lá cây và cả mạng nhện, Tháp Rùa làm nền thấp thoáng. Dù mang tính nghệ thuật, nhưng ảnh của dân báo chí hình như bao giờ cũng đời hơn.
Phóng viên ảnh đi nhiều, chụp nhiều nhưng thường chỉ để phục vụ công việc. Tham gia triển lãm cũng là dịp để Phương Hoa ngồi lại tìm ra những hình ảnh đẹp mà cô đã ghi lại trên đường tác nghiệp. Một trong số đó là bức Nha trình tường của người Hà Nhì, Hoa chụp trong chuyến công tác Lào Cai.
Cô kể: “Đường lên Ý Tý chỉ có đất, đá, ổ voi và một bên là vực thẳm. Đồng nghiệp khuyên tôi không nên đi một mình, nhưng vì mong muốn khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc tôi đã thuê xe máy tự đi. Đường núi càng vào sâu càng khó đi. Chưa kể các hộ dân sinh sống rất xa nhau. Trên quãng đường đi tôi chỉ cầu trời cho xe đừng hỏng, vì nếu hỏng tôi chẳng biết làm cách nào”.
Phải mất 2 ngày, Hoa mới lên được Ý Tý. Cảnh đầu tiên đập vào mắt cô là những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì nhìn từ trên cao, như những cây nấm khỏe mạnh mọc lên giữa rừng...
Bên cạnh những bức ảnh tác giả phải tốn công sức, đi xa, săn chộp vào thời điểm đặc biệt (chẳng hạn hoa lá trong băng giá của Chu Thu Hảo) mới có được, lại có những bức ảnh bấm máy tại gia. Đó là bộ ảnh lửa nến mang tên Vòng đời và Hành trình của Nguyễn Mạnh Hà.
Tác giả sử dụng chỉ 1-2 cây nến và quạt gió để kể câu chuyện của mình. Là phóng viên chuyên trách mảng âm nhạc, Hà mang đến triển lãm cả một chân dung Tùng Dương đang nhập đồng tại liveshow riêng Những chuyến đi vào 2011, với hy vọng “fan Tùng Dương sẽ trả giá cao”(!)
Điều đặc biệt là những bức trong triển lãm dù “xuất xứ” rất khác nhau, có bức được giải quốc gia, quốc tế, có những bức chụp chơi... nhưng đều được bán cùng một giá: 500 nghìn. Bù lại, mỗi tác phẩm có thể được bán nhiều lần. Bởi nếu ai thích mua nữa, BTC sẽ rửa thêm theo kích cỡ khách hàng yêu cầu, còn đóng khung gửi đến tận nơi. Với ý nghĩa đặc biệt của triển lãm, các tác giả muốn ai cũng có thể vừa chơi ảnh vừa chung tay giúp đỡ những mảnh đời nhỏ nhoi. |
Theo NPV -TPO