Văn nghệ trong nước
Điện ảnh Việt: Đổi mới hay là chết?
14:01 | 26/06/2013

Dự thảo phát triển điện ảnh Việt Nam nêu mục tiêu: Đến năm 2020 phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Điều đó không khả thi vì ta chỉ còn… 7 năm nữa để phấn đấu…

Điện ảnh Việt: Đổi mới hay là chết?

Hôm qua (25/5), Bộ VH,TT&DL cùng Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030. Hội nghị kéo dài 4 tiếng đồng hồ nhưng đã dành 2/3 thời lượng phát biểu cho những người làm mảng phát hành, chiếu bóng địa phương - khó có thể có ý kiến cần thiết cho việc xây dựng chiến lược phát triển điện ảnh. Còn những người gắn bó với điện ảnh thì lại đưa ra những ý kiến phần nhiều đã cũ.

Hãy để điện ảnh phát triển theo cơ chế thị trường! 

Bà Ngô Bích Hạnh, PGĐ Cty BHD Việt Nam cho rằng: “Điện ảnh tư nhân và điện ảnh nhà nước mà không hợp tác thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm toàn bộ”

Chiến lược phát triển điện ảnh đã được đề ra từ năm 1995, nhưng sau vài lần xây dựng và thất bại thì tới nay lại tiếp tục được đặt ra. Trong bản dự thảo mới nhất có nêu mục tiêu “Đến năm 2020 phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á”. Nhiều ý kiến cho mục tiêu này không thực tế vì chỉ còn... 7 năm nữa để phấn đấu. Trong khi đó các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillipines... đã đưa điện ảnh của họ ra ngoài biên giới. Đến lúc chúng ta phấn đấu được như họ thì họ đã ở đẳng cấp khác. 

 

Dự thảo đã đặt ra nhiều quan điểm mới, như: Coi điện ảnh không chỉ là nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp; sẽ không còn phân biệt phim nhà nước, phim tư nhân; chuyển mô hình sản xuất lấy đạo diễn làm trung tâm sang quy trình lấy nhà sản xuất phim làm trung tâm... 

Nhưng quan điểm mới này khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết anh vẫn cảm thấy dự thảo còn “rơi rớt quan điểm nhà nước là nhà sản xuất lớn nhất, điện ảnh do nhà nước quản lý còn tư nhân chỉ là ăn theo”. Theo vị đạo diễn này: “Cần xóa bỏ tư tưởng phân biệt phim nhà nước, phim tư nhân. Hãy để công nghiệp điện ảnh phát triển theo quy luật thị trường. Chỉ nên có một nền công nghiệp điện ảnh duy nhất trong đó có nhiều thành phần tham gia. Ở đó nhà nước đóng vai trò hỗ trợ chứ không nên làm thay mọi việc mà tư nhân có thể làm”. 

Đạo diễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty TNHHMTV Hãng phim truyện Việt Nam, xem xong dự thảo thì lại băn khoăn về số phận hãng phim nhà nước: “Các hãng phim nhà nước đã có một bề dày lịch sử, tôi nói như vậy không phải vì làm ở đây nên bênh đâu. Nhưng chúng tôi cần có một sự rõ ràng, không thể chập chờn khái niệm. Nếu thấy hãng là gánh nặng thì giải tán hẳn đi, còn không phải nói rõ nó là gì, vai trò của nó như thế nào”.

Bà Ngô Bích Hạnh, Phó Giám đốc Cty BHD Việt Nam thì cho rằng đã đến lúc nhà nước, tư nhân, các hãng phim không phân biệt của tư nhân hay nhà nước phải đoàn kết: “Bộ VH,TT&DL cũng như Cục Điện ảnh không thể bao hết mọi việc thì hãy “làm đường” cho các doanh nghiệp đi. Nhà nước cần có những chính sách đòn bẩy, bảo hộ điện ảnh Việt. Điện ảnh tư nhân và điện ảnh nhà nước mà không hợp tác thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm toàn bộ”.

Hội nghị góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030

Nguy cơ đã cận kề

Trong khi ngành điện ảnh còn đang xây dựng chiến lược phát triển thì một nguy cơ đã tới quá gần. Tới năm 2014 cả thế giới sẽ không còn ai sản xuất phim nhựa, tất cả sẽ chỉ sản xuất và chiếu phim kĩ thuật số. 

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia rất sốt ruột: “Trong thời điểm này chúng ta cần những biện pháp cụ thể, cấp bách hơn. Chứ đề ra tới 2020 mới hoàn thiện quay và chiếu phim kỹ thuật số thì gay go quá. Trong thời điểm khó khăn này nhà nước mà không cứu thì sẽ không thể tồn tại”. 

Việc thay đổi kỹ thuật không chỉ đòi hỏi kinh phí sắm trang thiết bị mà còn đòi hỏi người làm thay đổi tư duy, cách thức làm phim. Do đó rất cần một đội ngũ có đủ trình độ làm theo công nghệ mới. 

Tại hội thảo nhiều ý kiến phàn nàn ngành điện ảnh đã chưa đầu tư đúng mức cho đội ngũ nhân lực. Hãy xem Hàn Quốc cử 500 người đi du học, khi về nhà nước không ràng buộc mà để họ tự chọn nơi làm. Chính những hạt giống này đã đem lại hơi thở mới cho điện ảnh Hàn. 

Trong khi đó đội ngũ làm điện ảnh của chúng ta vừa thiếu vừa yếu. Có những người tự bỏ tiền ra nước ngoài học nhưng khi về nước thiếu đất dụng võ, loanh quanh lại ra nước ngoài làm thuê. 

Theo Ngọc Diệp - Thể thao & Văn hóa
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng