Xứ Bắc có xẩm chợ Mục hạ vô nhân, xứ Nam có bản Dạ cổ hoài lang và miền Trung có Lý mười thương... Tất cả quấn quyện cùng tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đá, sáo trúc...khiến khán giả thủ đô say đắm...
Ðêm mở màn cho cả một lịch trình (khoảng hai năm) của chương trình nghệ thuật Hồn Việt diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 1-7 không được suôn sẻ. Ấy là hệ thống âm thanh, ánh sáng không được tốt nên đôi chỗ nghệ sĩ hát không rõ lời, bị ngắt quãng khiến chương trình chùng xuống, phải kéo dài thêm 15 phút. Dẫu vậy, Hồn Việt vẫn say lòng người xem.
Du khách thú vị với Dạ cổ hoài lang
Chắt lọc một cách cẩn thận và nghiêm khắc với những tiết mục tiêu biểu cho nét văn hóa đặc trưng của vùng miền, Hồn Việt đã chọn hát xẩm - xẩm chợ Mục hạ vô nhân cho văn hóa miền Bắc, Lý mười thương cho miền Trung và Dạ cổ hoài lang cho đất phương Nam.
Cách lựa chọn này đã quen thuộc đối với nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống từng được tổ chức. Song ở Hồn Việt, mỗi làn điệu đã được đầu tư kỹ càng về trang phục, hóa trang nghệ sĩ và tái hiện đầy đủ hơn về không gian biểu diễn khiến khán giả Việt có thể đắm mình trong từng lời hát, còn khách du lịch quốc tế thì hiểu được lời hát ấy đang kể câu chuyện gì của người Việt.
Chẳng thế mà anh James - khách du lịch người Anh - đã thú vị mãi với bản Dạ cổ hoài lang: "Tôi không hiểu lời nhưng qua những cử chỉ, cách diễn tả của nghệ sĩ, tôi nghĩ Dạ cổ hoài lang kể về những thiếu phụ Việt chung thủy chờ chồng. Thiếu phụ Việt được tái hiện trên sân khấu rất đẹp - nhất là mái tóc. Những mái tóc đen ánh dài qua lưng ong mê hoặc. Và tôi còn thấy mùi vị nữa - mùi khét của đèn dầu - tôi hiểu rằng lời hát vang lên giữa đêm khuya".
Công cụ truyền tải chủ đạo cho "hồn Việt" của cả chương trình là nhạc cụ và vũ đạo - một cách lựa chọn hợp lý và khôn ngoan đối với một chương trình biểu diễn phục vụ khách quốc tế. Tiếng sáo trúc réo rắt. Tiếng đàn đá lảnh lót. Tiếng trống hội hân hoan. Tiếng tù và rúc một hồi dài... Và cả những điệu nhảy dân gian tươi vui như múa sạp, múa trống cơm... cũng được tái hiện.
Ngưng đọng với tiếng đàn bầu
Ðặc biệt, nghệ sĩ Hoàng Tú đã làm không gian đêm diễn ngưng đọng trong tiếng đàn bầu da diết của làn điệu Ru con Nam bộ. Từng giọt đàn bầu rơi trong những giai điệu: Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/Năm canh chày thức đủ vừa năm/Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi/Em nhớ tới chàng...
Và Hoàng Tú còn diễn nữa - diễn dáng điệu tay bồng con ru hời ngay trong lúc chơi đàn. "Lần đầu tiên tôi cảm nhận được tiếng đàn bầu của VN hay đến thế. Hay vì nó quấn quyện trong lời hát ru đầy tâm trạng, đầy nỗi lòng" - chị Sophie, du khách Mỹ, nói.
Những trò chơi dân gian như nhảy dây, kéo co, rồng rắn lên mây...; những sự tích, truyền thuyết như Truyền thuyết trăm trứng, Sự tích chú Cuội; những nét chấm phá đồng quê với chiều hè chăn trâu, thả diều, chơi tò he, đấu võ... cũng được đưa lên sân khấu. Không chỉ dừng ở đó, âm thanh đô thị với những tiếng rao bán xôi, mua đồng nát, tẩm quất, bán đồ nộm... ở chợ Bến Thành còn làm thành một tiết mục độc đáo với sự tình tứ, thi vị...
Dẫu rằng ban đầu khách đến với Hồn Việt còn khiêm tốn. Nhưng bằng việc chọn sân khấu sang trọng, bằng việc đầu tư nghiêm túc về nghệ thuật, bằng việc kén chọn nghệ sĩ tài năng biểu diễn, khi ra đất Bắc, Hồn Việt có thể tự tin sẽ níu chân du khách quốc tế. Và điều đáng quý hơn cả là chương trình được thực hiện từ niềm đam mê của đôi vợ chồng nghệ sĩ Linh Huyền và Richard di San Marzano: muốn được truyền bá văn hóa dân tộc, bắt đầu từ Hồn Việt.
“Khán giả Việt lại chiếm phần đông” Bắt đầu từ tháng 7-2013, vào mỗi tối thứ hai hằng tuần, chương trình Hồn Việt - The soul of Vietnam luôn sáng đèn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình quy tụ rất nhiều nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Cải lương VN, Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội... và cả những "nghệ sĩ nghiệp dư" là các võ sinh Trường ÐH Thể dục thể thao Bắc Ninh. Ðối tượng phục vụ ban đầu mà Hồn Việt hướng đến là khách du lịch quốc tế. Trong đêm diễn đầu tiên, nghệ sĩ Linh Huyền một mình "đóng" ba vai: nghệ sĩ biểu diễn, nhà đầu tư (giám đốc Công ty CP Nghệ sĩ Mêkông) và MC. Với vai trò MC, Linh Huyền dẫn dắt chương trình rất duyên, song tiếc là chị chỉ dẫn bằng tiếng Anh trong khi khán giả Việt đến xem khá đông. "Chương trình Hồn Việt đã được biểu diễn hai năm qua ở Nhà hát TP.HCM. Mỗi đêm diễn có đến trên 100 khách, trong số đó có chăng chỉ chưa đầy 10 khán giả là người VN. Vì thế, tôi đã rất bất ngờ khi ra đến Hà Nội, khán giả Việt lại chiếm phần đông. Vì bất ngờ mà tôi chưa kịp chuẩn bị. Chắc chắn đến chương trình sau tôi sẽ dẫn bằng song ngữ. Từ bất ngờ này, ngay sau đêm diễn, chúng tôi quyết định trong tháng 7, để "chào Hà Nội", chúng tôi giảm giá vé 50% trong các khung 400.000 đồng, 600.000 đồng và 800.000 đồng. Riêng đối với khán giả trẻ là học sinh, sinh viên, với số lượng từ 100 khách trở lên chúng tôi sẽ giảm 70% giá vé" - nghệ sĩ Linh Huyền chia sẻ. |
Theo ĐỨC TRIẾT - TTO