Vui, phấn khởi là vậy nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong nhiều năm trở lại đây, trên sân khấu múa chuyên nghiệp không xuất hiện những tác phẩm múa dân gian thực sự nổi bật. Ngay cả những tác phẩm được trao giải A trong cuộc thi "Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam" cũng chưa thể chạm đến trái tim của người xem...
Vắng bóng tác phẩm "đỉnh cao"
Sự nỗ lực đáng ghi nhận nhất của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam trong những năm gần đây là tổ chức các cuộc thi, hội thảo nhằm gìn giữ và phát huy vốn múa dân tộc, như cuộc thi "Tác phẩm múa ít người" (năm 2007), "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam" (năm 2010), Hội thảo "Công tác đào tạo múa dân gian, dân tộc Việt Nam - kế thừa và phát triển" (2010)… Chỉ tính riêng hai cuộc thi kể trên đã có đến 91 tác phẩm được dàn dựng (cuộc thi "Tác phẩm múa ít người" 46 tác phẩm, cuộc thi "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam" 45 tác phẩm). Điều đáng mừng là không ít biên đạo trẻ đã tìm tòi, xây dựng tác phẩm trên chất liệu múa dân gian dân tộc. Chất lượng tác phẩm thế nào và múa dân gian dân tộc được kế thừa, phát triển ra sao, chúng tôi xin được đề cập ở phần sau của bài viết. Điều đáng nói là cuộc thi đã tạo được một cú "hích" để các biên đạo tìm về múa dân gian dân tộc. Đánh giá tổng kết cuộc thi "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam", NSND Ứng Duy Thịnh, Trưởng ban giám khảo nhận định: "Một trong những cái được của cuộc thi là chất liệu múa dân gian các dân tộc được thể hiện trong các tác phẩm tuy phản ánh những dáng vẻ, đường nét khác nhau nhưng đã mang diện mạo, cách biểu đạt tương đối mới; nhịp điệu, tiết tấu, ngôn ngữ đã mang hơi thở mới, gắn liền với hiện thực đời sống và như thế múa các dân tộc qua tư duy sáng tạo đã xuất hiện với những hình ảnh mới hơn, đậm nét hơn, mang yếu tố kỹ thuật hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Tuy là bước đầu, cho dù chưa có tác phẩm đỉnh cao nhưng cũng cần được đánh giá đây là một bước phát triển mới trong lĩnh vực sáng tác múa chuyên nghiệp - Dòng múa dân gian chuyên nghiệp".
Vui, phấn khởi là vậy nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong nhiều năm trở lại đây, trên sân khấu múa chuyên nghiệp không xuất hiện những tác phẩm múa dân gian thực sự nổi bật. Ngay cả những tác phẩm được trao giải A trong cuộc thi "Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam" cũng chưa thể chạm đến trái tim của người xem. "Kháp ông trâu" (Biên đạo Nguyễn Văn Dũng, Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải quân) được lấy cảm hứng từ lễ hội chọi trâu nổi tiếng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Tác giả đã sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc Việt để sáng tạo ngôn ngữ múa rất gần gũi với người xem. Tuy nhiên, chính sự gần gũi, giản dị đó lại khiến nhiều người cảm thấy "chưa xứng tầm", tác phẩm múa thiên về kể lại các chi tiết của lễ hội chọi trâu hơn là sự tinh tế trong luật động, ngôn ngữ múa. Múa dân gian dân tộc Khơ Mú luôn là chất liệu hấp dẫn để các biên đạo khai thác, đưa vào tác phẩm của mình và "Đêm trăng bên cối gạo mới" đã mang lại giải A cho biên đạo Phan Duy Hưng (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Phải thừa nhận rằng, tác giả Phan Duy Hưng đã khai thác rất tốt vốn múa dân tộc Khơ Mú và múa Khơ Mú cũng đã được khoác lên mình một diện mạo mới nhờ tác phẩm này, một tác phẩm múa "rất tình", rất đặc trưng múa Khơ Mú và độc đáo ở đạo cụ (sử dụng chiếc cối). Tuy nhiên, "điểm yếu" của "Đêm trăng bên cối gạo mới" là tác giả đã sử dụng nhiều tạo hình múa đôi (múa duo) không hợp lý, "hiện đại quá" so với múa dân gian dân tộc.
"Men tình" - một tác phẩm của biên đạo, NSND Kim Chung sử dụng trên chất liệu múa dân tộc H'Mông cũng được trao giải A. "Men tình" đúng như tên gọi của nó đã mang đến cho người xem những xúc cảm chân thực về cuộc sống, tình yêu của những người H'Mông trên đỉnh núi cao. Trong tiếng sáo réo rắt, giữa màn sương bảng lảng, những chàng trai H'Mông xuất hiện, ngất ngây trong men rượu ngô, cùng nhau thi tài, trêu chọc, tỏ tình với cô gái trẻ. Cái tứ để tạo nên "Men tình" không mới so với những tác phẩm múa được xây dựng từ chất liệu múa dân tộc H'Mông trước đó, nhưng lôi cuốn người xem ở cách thể hiện, ngôn ngữ múa. Kỹ thuật của múa hiện đại phương Tây, những pha bê đỡ được thực hiện bởi dàn diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam rất "ngọt". Cũng giống như "Đêm trăng bên cối gạo mới", "Men tình" có đôi chỗ quá lạm dụng kỹ thuật múa, vượt qua ranh giới mong manh trong sáng tạo ngôn ngữ múa dân gian dân tộc.
Phân tích như vậy để thấy rằng, trong những năm trở lại đây, sân khấu múa Việt Nam thiếu hụt những tác phẩm múa dân gian dân tộc mới có thể "sánh vai" với những tác phẩm múa kinh điển của làng múa Việt Nam đã ra đời mấy chục năm về trước như "Tuần đuốc", "Câu chuyện bên dòng sông", "Sắc bùa", "Những cô gái làng" (dân tộc Việt), "Mùa ban nở", "Hương xuân" (dân tộc Thái), "Xòe chiêng", "Khúc dạo đàn then" (dân tộc Tày), "Khát vọng", "Khúc biến tấu từ pho tượng cổ" (dân tộc Chăm), "Cánh chim và ánh sáng mặt trời" (dân tộc Khmer), "Tiếng gọi nơi hoang dã" (dân tộc Êđê), "Những cô gái Katu" (dân tộc Katu)…
"Biến dạng" trên sân khấu múa chuyên nghiệp
Sự sáng tạo thái quá múa dân gian dân tộc của một số ít biên đạo, nhất là biên đạo trẻ đã khiến múa dân gian dân tộc bị biến dạng, đôi khi "đáng kinh ngạc". Múa Trung Quốc đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến múa dân gian dân tộc Việt Nam. Nền nghệ thuật múa Trung Quốc đã có sự hội nhập rất mạnh mẽ với múa đương đại thế giới, nhưng đó là một nền nghệ thuật múa đặc sắc Trung Quốc, hiện đại nhưng cũng rất dân tộc. Học tập, tiếp thu tinh hoa từ múa nước ngoài là điều đáng trân trọng và khuyến khích nhưng "sao y bản chính" múa Trung Quốc hoặc "chôm" một vài tạo hình, luật động múa, ý tưởng từ múa Trung Quốc đưa vào múa dân gian Việt Nam thì vô hình chung đã làm "biến dạng" múa nước nhà. Không chỉ có múa Trung Quốc, múa hiện đại phương Tây mới thực sự là "tâm bão" khiến múa dân gian dân tộc "chao đảo". Giới trẻ tiếp thu múa phương Tây nhanh và mạnh mẽ bởi đó là sự bứt phá khỏi rào cản trong suy nghĩ, không có ranh giới sáng tạo, luật động múa mở, kỹ thuật cao… Lạm dụng kỹ thuật múa Phương Tây, sử dụng múa hiện đại một cách sống sượng đã khiến không ít tác phẩm múa dân tộc không còn giữ được bản sắc riêng. Cách đây không lâu, trong chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội trà tại một tỉnh miền núi phía Bắc được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia, có màn múa về hình ảnh những cô gái H'Mông hái chè trong một buổi sáng đầy thơ mộng. Khung cảnh miền núi thơ mộng xuất hiện những cô gái H'Mông rất xinh đẹp, duy chỉ có điều những động tác múa của các cô lại quá hiện đại và kỹ thuật. Thay vì những bước đi xúng xính, đong đưa vốn rất đặc trưng vốn múa dân gian dân tộc H'Mông, có cô xuất hiện trong tư thế xoạc dọc (ý tưởng mô phỏng cánh chim bay) với sự bê đỡ của 3 nam diễn viên từ phía cuối sân khấu. Sau vài động tác ngó nghiêng, cô lấy đà và được diễn viên nam hỗ trợ lộn một vòng 180 độ ra phía sau... Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh những buổi trình diễn tương tự như vậy. Trở lại cuộc thi "Tác phẩm múa dân gian các dân tộc Việt Nam", tác phẩm "Nữ thần đen" của biên đạo Trần Ly Ly cũng gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, đó là tác phẩm múa hấp dẫn, lôi cuốn với tiết tấu mạnh mẽ, sáng tạo trong động tác nhưng cũng có ý kiến cho rằng, "Nữ thần đen" là tác phẩm lai căng, hỗn tạp trong ngôn ngữ thể hiện, bản sắc dân tộc đã bị pha trộn. Xây dựng trên chất liệu múa dân gian các dân tộc Tây Nguyên nhưng các động tác như lắc đầu, lắc tóc thể hiện nét mạnh mẽ, hoang dại của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bị cho là "quá Tây", khiến nhiều người liên tưởng đến múa của thổ dân châu Úc.
Lời kết
Múa dân gian dân tộc đang bị mai một, đó là điều không cần tranh cãi nhưng một điều đáng lo ngại hơn là giới trẻ hiện nay không mặn mà với múa dân gian dân tộc. Sự "xâm nhập" ồ ạt của dòng múa nước ngoài như múa cổ điển châu Âu, múa hiện đại phương Tây đã khiến múa dân tộc bị lu mờ... Cái đẹp và sự tinh tế của múa dân gian các dân tộc Việt Nam nằm ở những chi tiết rất nhỏ trong động tác, trong sự chuyển động của luật động múa và đặc trưng này hoàn toàn trái ngược với kỹ thuật, kỹ xảo trong múa nước ngoài là những bước quay, nhảy lớn. Đây là lý do tại sao những cuộc thi lớn như "Tài năng biểu diễn nghệ thuật múa" hay gần đây nhất là cuộc thi "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" rất ít thí sinh tìm đến múa dân gian dân tộc. Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày, múa dân gian dân tộc "biến mất"? Đó chỉ là một giả thiết và tất nhiên, tôi không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng với tất cả những gì đang diễn ra, hoàn toàn có cơ sở để tôi đặt ra giả thiết ấy…
Theo Phạm Mạnh Tường - VNCA