Văn nghệ trong nước
Tháng 7 về, nhớ Nguyễn Tuân
09:10 | 07/08/2013

Ngày ông khai bước rong chơi và từ giã cõi tạm lạc vào tháng 7 thu giăng. Cái ước mơ "rùng rợn" như văn sĩ Pháp Paul Morand, sau khi chết được người đời thuộc da mình làm vali để nối mộng phiêu du, mãi chỉ là ước mơ. Nhưng hãy cứ tin, ở bên kia thế giới, ông đang ném mình vào kiếp lãng nhân mê mải. Vào dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh của ông (10/7/1910 - 10/7/2013), một món quà đặc biệt gửi về gia đình nhà văn: Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường gửi tặng 8 tác phẩm của Nguyễn Tuân mà hiện nay gia đình chưa tìm được.

Tháng 7 về, nhớ Nguyễn Tuân
Nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: Hoàng Kim Đáng.

1. Vào một buổi chiều phương Nam ngập nắng, ông Phạm Thế Cường lật giở từng trang "Nguyễn Tuân toàn tập" tập 1 (NXB Văn học, năm 2000) do Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn. Bỗng, ông bắt gặp phần chú thích cho biết bộ toàn tập này còn thiếu một số truyện ngắn và tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân đăng trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" và "Trung Bắc Chủ nhật" năm 1939. Trong bộ toàn tập, một vài truyện ngắn đành phải tóm tắt sơ lược về nội dung vì không có bản gốc. Lập tức, ông Cường liên hệ với Phòng Hán - Nôm, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh để xin sao chụp lại 8 truyện ngắn và tùy bút ít người biết đến mà Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nêu, bao gồm: "Vui thêm một ngày nữa", "Tấc gang mà lại gấp mười quan san", "Một giấc ngủ", "Phong vị tỉnh xép", "Cát bể buồn", "Cỗ Tết của mấy đứa nhỏ", "Đến bỏ nghề", "Một người tỉnh rượu đốt cháy rừng trúc". Trong tám tài liệu nói trên, đáng chú ý khi truyện ngắn "Cỗ Tết của mấy đứa nhỏ" được Nguyễn Tuân ghi lời đề tặng Hoàng Nguyên và Lưu Trọng Lư. Ông Phạm Thế Cường đã liên hệ với bà Nguyễn Thu Giang, là con gái út nhà văn Nguyễn Tuân để xin phép tặng lại cho gia đình toàn bộ các bản sao chụp. Nhận được tin ấy, bà Thu Giang rất cảm động vì hiện gia đình cũng chưa tìm được những tác phẩm này.

2. Ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với Nguyễn Tuân thuở nhà văn sinh thời. Trong buổi sinh hoạt "Nguyễn Tuân - Vang bóng một thời" do Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường tổ chức nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh của nhà văn tài hoa này, do bận bịu nhiều việc, ông Nguyễn Huy Thắng không kịp vào Tp HCM để dự. Từ Hà Nội gửi vào phương Nam ngày tháng 7 rũ mưa, là đôi dòng kỷ niệm về "bác Tuân" với một nỗi niềm xúc động khôn nguôi. Ông Nguyễn Huy Thắng vẫn thường gọi nhà văn Nguyễn Tuân là bác Tuân. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhà văn Nguyễn Tuân là đôi bạn văn gắn bó với nhau từ sau Cách mạng Tháng Tám. Hôm Nguyễn Tuân đến chơi, biếu Nguyễn Huy Tưởng cuốn "Chùa đàn" mới xuất bản, ông đọc và ghi nhật ký ngay ngày hôm ấy: "Xem "Chùa đàn". Thán phục văn tài và lòng thành thực của Nguyễn Tuân" (28/9/1946).

Ba năm sau, hai ông cùng các văn nghệ sĩ ở Xóm Chòi, Thái Nguyên có mặt trong bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. "Trong ảnh, trông ông (nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - PV) có vẻ buồn buồn. Ông buồn vì viết không được như ý, hay ông buồn vì mẹ tôi đang kẹt lại trong thành, chưa ra chiến khu với ông? Hay cũng có lẽ cả hai? Bác Tuân đã thật khéo động viên cha tôi khi tặng ông một cuốn sổ tay với những lời đề tặng vừa hóm hỉnh vừa cũng đầy cảm thông, khiến người nhận chỉ có thể mỉm cười: "Biếu một anh bạn khủng hoảng "sáng tác" để anh giải quyết "sinh lý" lên tập giấy trinh tiết này - những lúc đêm dài tha thẩn một mình với bóng!".

Tháng 8/1978, Nguyễn Huy Thắng tốt nghiệp đại học ở Rumani về nước. Ông nhớ lại hôm lên thăm bác Tuân: "Bác rất vui như ngày nào, khi chúng tôi còn nhỏ, mỗi bận mẹ tôi cho các con lên thăm bác. Tôi còn nhớ hồi ấy, chúng tôi luôn chờ đợi lúc bác với tay lấy cái hộp "ghi gô" đã xỉn màu, từ tốn mở hộp lấy cho chúng tôi mỗi đứa một cái kẹo. Kẹo của bác Nguyễn thường là loại kẹo ngon, chỉ có bán trong "giao tế". Bấy giờ cái gì cũng thiếu thốn, đường, kẹo lại càng khan. Nhưng tôi vẫn nhớ tôi không bao giờ ăn ngay, mà cũng không bao giờ mong bác lấy thêm cho một cái kẹo nữa. Dường như tôi linh cảm được rằng, với bác Nguyễn Tuân, đừng có mà nghĩ đến số lượng. Và ngay bây giờ đây, tôi như thấy bác nheo nheo mắt mà bảo rằng, nếu anh ăn đến cái kẹo thứ hai, liệu vị nó có ngon hơn không?".

Hôm đó, bác Tuân ký tặng ông cuốn "Sông Đà" còn chưa vào bìa, chưa đóng xén. Ông đề tặng: "Chủ nhật 8 VIII 78 - tặng "thằng" Huy Thắng - Nguyễn Tuân". Nghĩ thế nào ông thêm vào mấy chữ: "Hà Nội, nó về được hai ngày". "Trời ạ! Giờ tôi mới hiểu vì sao, trong câu chuyện, bác cứ hỏi đi hỏi lại tôi: "Mới về à? Mới có hai ngày à?".

3. Ông Xuân Tư vốn là giáo viên dạy Văn của trường Chu Văn An, Hà Nội, nay đã hơn 80 tuổi. Thế nhưng buổi đàm đạo văn chương luôn có mặt ông. Những lúc rảnh rỗi ông lại viết tản văn. Ông bảo may mắn trong đời mình là hồi còn ở Hà Nội, đã được gặp cụ Nguyễn Tuân nhiều lần bởi gặp cụ khó lắm. Một giai thoại về cụ mà mỗi lần nhắc đến ông Xuân Tư không khỏi bật cười: Một buổi sáng, có một vị khách ăn mặc lịch sự đi qua khách sạn Phú Gia (Hà Nội), thấy biển ghi: "Có cháo lòng", liền ghé vào. Khi cháo được bưng ra, vị khách cầm thìa đảo qua rồi gọi cô nhân viên: "Xin phiền cô cho tôi mượn thêm một cái bát nữa!". Vị khách không ăn mà nhặt miếng lòng bỏ vào cái bát mới. Ông lại gọi cô nhân viên: "Xin cảm phiền, cô làm ơn giúp bà cửa hàng trưởng cho tôi được gặp". Cô nhân viên không đồng ý, bảo rằng cửa hàng trưởng đang bận. Vị khách liền đứng lên: "Vậy thì để tôi đi mời bà, nếu không gặp được thì tôi sẽ ngồi chờ đến trưa hoặc đến tối để thưa một chuyện khá quan trọng". Cửa hàng trưởng thấy khách và nhân viên đôi co liền vội chạy tới hỏi han: "Thưa bác, có điều gì các cháu phục vụ không tốt, xin bác coi như con cháu trong nhà, bỏ qua cho! Mời bác xơi cháo kẻo nguội mất!". Vị khách lịch sự nói: "Thưa bà, nếu bà là cửa hàng trưởng thì tôi sẽ xin thưa chuyện. Xin mời bà ngồi để tôi được tiếp". Chủ cửa hàng ngồi xuống, sốt ruột không biết có chuyện nghiêm trọng gì. Khách cầm đũa và chỉ vào các miếng lòng lợn vớt ra, giọng nghiêm túc: "Thưa bà, các cụ ta gọi "lòng lợn" là rất nhiều thứ ở trong bụng con lợn, gồm đủ cả "lục phủ ngũ tạng" như: tim, gan, cật, phổi, ruột già, ruột non, cuống họng và cả tiết nữa… Nhưng "lòng" ở bát cháo của cửa hàng ta chỉ có mấy miếng ruột lợn. Xin đề nghị bà cửa hàng trưởng bỏ biển ghi "cháo lòng" mà thay bằng biển ghi rõ "cháo ruột" để khách khỏi lầm!".

Nhà giáo Xuân Tư cho rằng giai thoại làm quá lên sự tôn trọng tiếng Việt, tôn trọng ẩm thực Việt của cụ Nguyễn. Thế nhưng khi ông trực tiếp diện kiến cụ ngoài đời mới nghiêng đầu trước sự kỹ tính trong ẩm thực và câu chữ của nhà văn tài hoa này. Thời bao cấp, dạo đạp xe qua phố Cổ Tân ở gần Nhà hát Lớn Hà Nội, thầy giáo Xuân Tư nghe ai đang gọi tên mình. Hóa ra người gọi là nhà giáo kiêm nhà báo Hoàng Cao. Hoàng Cao đang chờ mua bia, đứng cạnh là một ông lão rất đạo mạo, đáng kính. Thầy giáo Xuân Tư vội đỡ cho Hoàng Cao một cốc bia, kính cẩn đưa cho ông cụ. Ông cụ rất lịch sự, đưa hai tay ra nhận cốc và nhã nhặn: "Xin cảm ơn". Thầy Xuân Tư mua ba gói lạc rang, mời hai vị khách. Ông cụ nhận gói lạc rang, cung kính: "Rất quý! Xin cảm ơn ông!". Mọi người vừa uống bia vừa "nhắm" lạc rang. Bỗng thầy Xuân Tư thấy ông cụ hơi nhăn nhó khi cho hạt lạc đầu tiên vào miệng. Ông cụ cẩn thận gói ghém bịch lạc cẩn thận rồi đưa trả lại thầy giáo, vẫn với thái độ rất lịch sự: "Xin cảm ơn! Tôi ưa thứ mặn!". Đến bây giờ, thầy giáo trẻ mới ngớ người ra: thì ra lạc ngọt chỉ dùng cho trẻ con, lạc mặn mới là mồi uống bia.

Nguyễn Tuân là vậy, rất cầu kỳ, tinh tế trong ăn uống dù chỉ là một hạt lạc rang. Chả thế mà ông làm nên những tùy bút về ẩm thực đặc sắc, để ai đọc qua cũng thèm da thèm diết những thức quà Hà thành. Ông cũng nổi tiếng kỹ tính và tinh tế trong cả ngôn từ không chỉ trong khi viết mà còn trong lời nói hằng ngày. Nhà giáo Xuân Tư vẫn còn nhớ, lần ông cùng Phó hiệu trưởng đi mời nhà văn Nguyễn Tuân đến nói chuyện "thời sự văn học" với nhà trường. Nhà văn xuất hiện với y phục chỉnh tề, vào chuyện ngay: "Xin lỗi các vị, tôi đang bận, có việc gì khẩn, xin cho biết ngay". Vị Phó hiệu trưởng thưa: "Dạ, thưa bác! Anh chị em chúng tôi ở trường Chu Văn An rất mong mỏi được mời bác đến "báo cáo thời sự văn học" cho cán bộ và giáo viên trường nghe một buổi". Vừa nghe hết câu, Nguyễn Tuân nói ngay: "Xin lỗi nhà giáo, tôi phải báo cáo à? Tôi xin nói ngay rằng: Tôi đâu phải là cấp dưới của các ông mà phải đến "báo cáo" với nhà trường. Giá mà các ông mời tôi đến nói chuyện "thời sự văn học" thì tôi có thể đi được, chứ còn bắt tôi đến "báo cáo" thì xin lỗi, tôi không quen!". Quả tình, với một bậc thầy về ngôn ngữ tiếng Việt như Nguyễn Tuân thì ăn nói phải liệu mồm liệu miệng.

Tất cả những câu chuyện trên chỉ mới khắc họa nên một góc nhỏ về Nguyễn Tuân, con người có vẻ cao ngạo nhưng lại sống rất tình cảm, đúng mực, lặng lẽ mà ấm áp nghĩa tình. Tháng 7 này, nhớ về Nguyễn Tuân, nhớ những câu chuyện gợi lại tài năng và nhân cách của một nhà văn hào hoa tài tử, "cầu kỳ trong mọi chuyện và trịnh trọng trong mọi sự", luôn "tôi rước tôi ra đường" để mải miết đi tìm "cái đẹp và cái thực"…


Theo Nguyễn Trang - CAND

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng