Văn nghệ trong nước
Tăng cường giao lưu văn học Thái - Việt
09:34 | 23/08/2013

Tiểu thuyết yêu thích của thanh thiếu niên Thái Lan mang tên Chai thời gian vừa được chuyển ngữ sang tiếng Việt và ra mắt độc giả. Đây là một trong số ít tác phẩm văn học xứ sở Chùa Vàng được giới thiệu tại Việt Nam những năm gần đây.

Tăng cường giao lưu văn học Thái - Việt

Tiểu thuyết Chai thời gian của tác giả Prabhassorn Sevikul (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan) ra đời năm 1985, ban đầu được in dài kỳ trên tạp chí Phụ nữ, sau đó in thành sách bìa mềm vào năm 1986. Ở Thái Lan, tiểu thuyết này được giới thiệu trong danh sách Những tác phẩm phải đọc, bởi vậy, không ngạc nhiên khi đến nay, sách đã được tái bản 39 lần, bản mới nhất sẽ ra mắt tháng 9 tới. Chai thời gian cũng đã được các đạo diễn Thái chuyển thể thành phim.

Tác phẩm này khám phá khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái, những nhức nhối của hành trình trưởng thành, giằng xé giữa tình bạn, tình yêu trong trái tim tuổi mới lớn. Được khắc họa qua những khúc hồi tưởng đặc biệt ấn tượng và gần gũi, thế giới xúc cảm đó vừa thân thuộc vừa tươi mới, mang thời thanh xuân trở lại ngập tràn tâm hồn người đọc. Do vậy, dù ra đời từ những năm 1980, với bối cảnh ở Bangkok, các vấn đề về gia đình, tình yêu, tuổi trẻ mà tác phẩm thể hiện vẫn không hề cũ trong xã hội hiện tại, không chỉ ở Thái Lan, mà còn có ở nhiều quốc gia. Chai thời gian đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Nhật. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên chuyển ngữ tác phẩm này.

Chai thời gian là một trong số rất ít tác phẩm văn học Thái Lan được giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam những năm gần đây. Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Nguyễn Nhật Anh chia sẻ: “Đại lý văn học phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình dương, nơi rất hiểu giá trị các tác phẩm văn học - đã giới thiệu Chai thời gian cho Nhã Nam cách đây 3 năm. Chúng tôi cũng ngần ngại khi Giám đốc Đại lý - bà Pimolporn Yutisri gợi ý dịch cuốn sách này sang tiếng Việt. Nhưng bà khẳng định bằng trải nghiệm của mình rằng, cuốn sách này có thể thu hút người đọc, bởi bao nhiêu lần đọc tác phẩm là bấy nhiêu lần bà đã khóc… Đây cũng là lần đầu Nhã Nam giới thiệu văn học Thái Lan đến bạn đọc Việt Nam”.

Cùng với Chai thời gian, đầu tháng 8 vừa qua, tuyển tập văn học Bông sen nở trong dòng suối văn học, ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Anh, tập hợp sáng tác thơ và truyện ngắn của các tác giả Việt Nam hiện đại (như Nguyễn Khoa Điềm, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư...) và Thái Lan (Jadej Kamjorndet, Nikom Rayawa...), cũng đã được giới thiệu tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án hợp tác văn học Thái Lan - Việt Nam. Tham gia thực hiện cuốn Bông sen nở trong dòng suối văn học, ông Prabhassorn Sevikul cho biết: “Cách đây 10 năm, Hội Nhà văn Thái Lan đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Nhà văn Lào, Hội Nhà văn Campuchia và Hội Nhà văn Việt Nam. Một nội dung trong thỏa thuận hợp tác là tập hợp một số tác phẩm văn học đương đại của hai nước xuất bản, gồm tiếng Thái, tiếng nước đối tác và tiếng Anh, nhằm giúp độc giả Thái, độc giả nước đối tác và những nước khác có thể tiếp cận văn học đương đại của hai quốc gia. Trong thỏa thuận đó còn có nội dung là mời các tác giả của hai nước cùng tham gia sáng tác, quảng bá văn học... Dù các hoạt động liên quan đến văn học và dịch thuật đã diễn ra những năm gần đây, nhưng Bông sen nở trong dòng suối văn học là tuyển tập đầu tiên trong chương trình hợp tác văn học giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam và Thái Lan”.

Tại Thái Lan, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh từng được chuyển ngữ sang tiếng Thái và thu hút người đọc nước này. Gần đây, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơphiên bản tiếng Thái của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được đông đảo độc giả Thái Lan đón đọc. Điều đó cho thấy, người yêu sách Thái Lan rất quan tâm đến văn học Việt Nam. Tuy nhiên, ông Prabhassorn Sevikul cho rằng: “Chưa có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Thái, một phần quan trọng là do khó tìm được dịch giả giỏi. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều đại diện của văn học Việt được giới thiệu tại Thái Lan, đồng thời, các đơn vị xuất bản Việt Nam sẽ chuyển ngữ nhiều tác phẩm của Thái Lan hơn nữa, để qua đó tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân Việt Nam và Thái Lan”. 

Theo Lê Thủy - ĐBND
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng