Họa sĩ, nhà điêu khắc, đại tá Lê Duy Ứng (thương binh hạng 1/4) đã khuỵu xuống ngay trước cổng nhà Đại tướng tại quê nhà Người, Lệ Thủy. Người lính từng lấy máu mắt vẽ chân dung Bác Hồ, người mạnh mẽ trong cuộc chiến tranh ác liệt, hôm nay đã phải bật khóc đau đớn trước sự ra đi của Đại tướng.
Quyết tâm phấn đấu theo lời Đại tướng
“Tôi đang trên đường về quê, Quảng Bình thì đứa em gái gọi điện báo tin Đại tướng mất. Tôi giận mình sao lại về quê lúc này, không ở Hà Nội đến gặp Người. Đau đớn lắm. Đại tướng là người đã hồi sinh tôi, sinh ra tôi lần thứ 2 khi chán nản vì hỏng cả 2 mắt. Tôi đã đến đây ngay, đến ngay nơi đã sinh ra Người, nơi mà Người thường kể cho tôi nghe…”.
Nhiều người đến chơi nhà Đại tướng hẳn rất ấn tượng với bức chân dung Đại tướng treo giữa nhà. Đó là tác phẩm của họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ năm 1984 trong một lần đến thăm người. Khi ấy, Đại tướng ngồi trò chuyện tự nhiên với mọi người, chứ không ngồi im để Lê Duy Ứng vẽ. Trong vòng 20 phút, bức chân dung hoàn thành và được Đại tướng khen ngợi, trân trọng treo tại nhà.
Đó chỉ là một trong gần 1.000 bức tranh Lê Duy Ứng vẽ về Đại Tướng trong suốt 47 năm qua. Bức chân dung đầu tiên về Đại tướng được vẽ qua trí tưởng tượng họa sĩ, khi ông còn là cậu sinh viên 19 - 20 tuổi tại trường mỹ thuật. Cha họa sĩ là lính của Đại tướng nên hình ảnh về Người được Lê Duy Ứng tưởng tưởng qua lời kể của cha, qua những bức ảnh nhìn thấy.
Họa sĩ bị trúng đạn và hỏng cả hai mắt trong trận đánh căn cứ Nước Trong sáng ngày 28/4/1975. Cuối năm 1975, Lê Duy Ứng điều trị tại Bệnh viện 108. “Là một họa sĩ mà mù mắt thì còn ý nghĩa gì nữa. Khi ấy, mình chán nản lắm, chỉ muốn chết đi. Nhưng được sự động viên của bác sĩ Đào Xuân Trà, mình thử chuyển qua điêu khắc, tưởng phải từ bỏ hội họa mãi mãi”.
Ông kể: “Mình xúc động run người, không thể nói được gì vì mình chỉ là người lính bình thường, sao dám nghĩ đến việc Đại tướng thăm hỏi tận nơi. Như hiểu được thắc mắc, Đại tướng nói: “Tôi đến thăm chú là tình đồng hương”. Rồi Đại tướng thân mật: “Mình rất yêu âm nhạc. Chiều nào mình cũng nghe nhạc. Mình thích nhất là nhạc Beethoven. Ứng có biết Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không?”.
Mình đang lúng túng không biết trả lời thế nào. Đại tướng nói tiếp: “Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả 2 tai cũng như 1 họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”. Câu nói đó đã khiến mình xúc động lắm, và mình quyết tâm phấn đấu theo lời Đại tướng. Mình vẽ bằng cảm xúc và vẽ bằng trái tim”.
Từ cuộc gặp này, họa sĩ đã trở nên thân thiết với gia đình Đại tướng, thường xuyên ghé nhà bác chơi. Khi hai mắt vẫn hỏng, người đầu tiên ông thử vẽ “mò” là Đại tướng và được người khen “rất giống”.
Gần 50 năm vẽ Đại tướng
“Mình đã vẽ cả ngàn bức chân dung về Đại tướng, không phải bức chân dung nào cũng được vẽ khi gặp Đại tướng. Có nhiều ký họa về Đại tướng. Có những lúc ký họa mấy chục bức, và chọn những tấm đẹp nhất tặng Người. Ngoài ra còn có tranh sơn dầu, tranh thủy mặc, tượng đất, tượng đá, tượng gỗ. Hình ảnh Đại tướng đã in hằn trong óc mình rồi”.
Không còn nhìn rõ, người họa sĩ dò dẫm từng đường nét trên bức tượng Đại tướng
Nhưng sau một thời gian, thị lực ông lại kém dần. Ông vẫn miệt mài vẽ Đại tướng, khi cười, lúc nghiêm nghị, khi trò chuyện tự nhiên với mọi người. Mỗi lần gặp là mỗi lần khắc thêm nhiều ấn tượng, niềm kính trọng Đại tướng, để rồi khi vui nhất, thậm chí chán nản nhất, hình ảnh Người tiếp thêm nghị lực sống cho ông. Ông tâm sự, mỗi lần mệt mỏi nhất, họa sĩ thường nghĩ đến lời động viên của Đại tướng “Đi nước ngoài, ra công viên thấy các họa sĩ Liên Xô vẽ tranh và họ cũng vẽ mình nhưng mình không thích bằng Lê Duy Ứng vẽ”.
Đến năm 2005, ông sang Nhật Bản phẫu thuật lần nữa và được phục hồi một phần thị lực. Trong thời gian điều trị mắt tại Nhật, dù đây là lúc khó khăn vô cùng, Lê Duy Ứng vẫn vẽ được 4 bức chân dung Đại tướng và tặng bức đẹp nhất đến Người. Đến nay, ông đã tạc 3 tượng gỗ về Đại tướng: 1 tượng tặng Đại tướng, 1 tượng tặng UBND huyện Lệ Thủy và 1 tượng ông giữ lại cho mình.
Là người thân cận với Đại tướng, họa sĩ Lê Duy Ứng kể: “Bữa cơm của Đại tướng rất đạm bạc. Người thích cá kho, rau muống luộc, canh với cá kho. Đại tướng nhiều lần khuyên mình, dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng hết sức. Tôi là họa sĩ, điêu khắc nhưng vì yêu quý Người quá nên mình còn làm thơ Văn là anh, võ là em/ Anh là Đại tướng lừng danh muôn đời/ Như đại thụ giữa đất trời/ Ngát xanh thẳng đứng sáng ngời thiên xuân. Nghe xong, Đại tướng cười “Già rồi mà mọi người vẫn gọi là anh”. Tôi nói: “Thưa bác, bác là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Rời căn nhà Đại tướng, người lính già ấy thẫn thờ như người con mất cha.
Người vẽ bằng trái tim Họa sỹ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Sáng ngày 28/4/1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, khi đang chụp ảnh, vẽ ký họa ghi lại hình ảnh chiến đấu của bộ đội ta, ông bị trúng đạn và hỏng cả 2 mắt. Sau 8 năm sống trong bóng tối, năm 1982, ông may mắn được mổ ghép mắt thành công, mang lại nguồn ánh sáng quý giá. Nhưng rồi mắt ông lại kém dần đi. Đến năm 2005, ông sang Nhật Bản phẫu thuật lần nữa và được phục hồi một phần thị lực. |
Theo Hồng Thúy - TTVH