Đứng xếp hàng cả buổi chỉ để vào cúi lạy trước di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tình cảm người dân dành cho ông vô tư, tự nguyện. Đại tướng huyền thoại sẽ còn mãi trong lòng dân - NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành chia sẻ.
Như hàng vạn người dân Việt Nam khác, NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành hòa vào dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối. Bước ra từ gian nhà đặt bàn thờ, di ảnh Đại tướng, bà nức nở khóc vì không kìm nén nổi sự xúc động trước vị tướng tài năng kiệt xuất, văn võ song toàn.
Lần đầu bà Thành gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nghĩa trang Mai Dịch, khi bà thắp hương cho bố. Vợ chồng Đại tướng cũng đi thắp hương cho phần mộ ông Đặng Thai Mai.
Nữ đạo diễn này còn biết thêm nhiều chuyện bởi anh trai bà từng có thời làm thư ký trong Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kể về kỷ niệm riêng với Đại tướng, bà Nguyễn Thị Thành cho biết đó là năm 2002 khi bà dàn dựng chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh Khánh Hòa.
Trong chương trình ấy, tỉnh yêu cầu dựng lại phân cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Khánh Hòa năm 1946, để khảo sát tình hình quân sự, động viên nhân dân đánh đuổi quân xâm lược. Khi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đi dự hội nghị tại Pháp, khi trở về, Người có ghé thăm Khánh Hòa cùng Đại tướng.
Để làm phân cảnh này, bà Thành đã dành thời gian tìm hiểu về Đại tướng, nghiên cứu từng chi tiết, tính cách để chọn vai diễn cho phù hợp. Trong vở diễn ấy, bà Thành đã chọn diễn viên Trịnh Văn Nguyên (Nhà hát chèo Việt Nam) là người tầm thước, giọng ấm áp vào vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1946.
Điều khiến NSND, đạo diễn Phạm Thị Thành bất ngờ là quần chúng nhân dân ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa khi ấy đón nhận vở diễn nồng nhiệt. Ai cũng háo hức được xem hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên sân khấu. Ngay từ buổi sơ duyệt, tổng duyệt nhiều người đã ngỏ ý xin vào xem. Họ xem đi xem lại hình ảnh Đại tướng nhiều lần.
“Những tình cảm ấy cho thấy, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp gần gũi và có sức hút đặc biệt với quần chúng nhân dân”, bà Thành kể lại.
|
Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bà Thành ngỡ ngàng, không tin vào tai mình. Mở mạng tìm thông tin, nữ đạo diễn sững sờ khi biết dân tộc đã mất đi người anh hùng đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào cho mỗi người dân Việt Nam.
“Khi Đại tướng tròn trăm tuổi, trong đầu tôi chỉ nghĩ ông là một huyền thoại của nhân dân, đánh giặc giỏi nhưng kiến thức văn hóa cũng rất uyên bác. Ông là vị tướng tài kiệt xuất, văn võ song toàn. Đã là huyền thoại thì không bao giờ chết, vì sẽ còn mãi trong lòng dân”, bà Thành xúc động nói.
Không có nhiều cơ hội gặp gỡ nhưng qua theo dõi, bà Thành rất kính trọng Đại tướng ở tấm lòng dành cho văn hóa, nghệ thuật. Đại tướng có nhiều bài viết am hiểu rất sâu sắc về lĩnh vực này. Bà Thành nhớ, những lúc có dịp gặp gỡ, Đại tướng luôn căn dặn nghệ sĩ phải sáng tạo không ngừng để nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc tỏa sáng và tiến lên.
“Những ngày qua, người dân yêu mến, xếp hàng vào viếng Đại tướng, tình cảm họ dành cho Đại tướng rất vô tư, tự nguyện. Dù phải đứng cả buổi sáng chỉ mong được vào nhìn di ảnh, cúi đầu vái 3 lạy rồi đi ra thôi. Trong trái tim tôi và nhiều người dân Việt Nam khác nữa, Đại tướng huyền thoại hình như không chết và sẽ còn mãi trong lòng dân” đạo diễn Nguyễn Thị Thành xúc động, chia sẻ.
Theo P.Hậu - TNO