Văn nghệ trong nước
Khởi từ trách nhiệm
14:40 | 30/10/2013

(Đọc KHÔNG GIAN VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI, phê bình vấn đề và hiện tượng của Đoàn Ánh Dương)

Khởi từ trách nhiệm

 

1. Văn học đương đại Việt Nam, một định danh quen tay sử dụng vì mức độ gần gũi về tọa độ thời gian, sự dễ cho phép thu nạp, kiểm kê các hiện tượng nổi bật và khả năng bao quát diễn biến văn chương đang là của nó, có vẻ ngày càng xuất hiện la liệt trong nhiều bài viết, trên báo chí đến từ chương sách vở. Thái độ nồng nhiệt xướng danh ấy, dù sao, cũng đã chứng thực mối bận tâm rất lớn của hôm nay dành cho một giai đoạn văn học mà xét về mọi phương diện, đang cần/đòi hỏi đi đến sự thấu đáo, sáng rõ trong các cách hiểu, diễn giải; đang tỏ ra có thể đem lại hứng thú và sự cởi mở nhất định cho các suy tư, bàn luận của không chỉ duy nhất một lẽ phải tìm biết. Bởi thế, trong khoảng thời gian mươi năm trở lại đây, bên cạnh những hời hợt thông tin của vài bài điểm sách, giới thiệu tác giả/tác phẩm chủ yếu làm sinh động đời sống văn học, thì đã có những nghiêm túc lựa chọn và cố gắng ứng dụng các lí thuyết văn học cho việc đọc và đọc lại của nhiều nhà phê bình, nghiên cứu vốn bị/được thúc ép bởi tính chất công việc ít nhiều trường qui mà họ tự thấy. Ở chiều hướng dĩ nhiên rất mất công sức này, thì cuốn sách Không gian văn học đương đại (phê bình vấn đề và hiện tượng văn học) [H., Nxb Phụ Nữ, quí III/2013] của Đoàn Ánh Dương có thể coi là một biểu hiện đáng mừng. Trước hết, ở vẻ ngoài, cho dù tập hợp các bài viết, cuốn sách vẫn không hề gây cảm giác hàng xén, bởi mỗi tiểu luận đều được tác giả cẩn trọng minh bạch hóa mọi thông tin trích dẫn, hệ thống tham khảo đa nguồn, tạo bảng chỉ mục (index) đầy đủ. Thứ nữa, cuốn sách là sản phẩm được hoàn thành bởi hai điều kiện dường như lí tưởng: một, tác giả là người đang trải nghiệm văn học đương đại trong chính sinh quyển mà nó tạo ra; và hai, từng được đào tạo chuyên môn sâu và thường được mang danh nhà phê bình trẻ, văn bản phê bình của anh giờ đây có cơ hội thể hiện những lối nghĩ, lối viết của thế hệ văn chương cùng thời mà anh nghiễm nhiên đồng hành. Tôi thấy, với điều kiện như thế, tác giả đã có lí và tỉnh táo khi chọn không gian văn học làm cơ sở xuất phát cho quá trình phát hiện, giải mã các vấn đềhiện tượng đương đại nổi bật cấu thành nên không gian đó. Do chỗ coi không gian văn học là sự tương tác tất yếu với nhiều không gian khác, từ lịch sử, xã hội đến văn hóa, giáo dục, tư tưởng...., nên các vấn đề và hiện tượng văn học được tác giả đưa ra phân tích không chỉ giới hạn ở/trong chính nó mà còn mở rộng ra những vùng biên không gian khác nó vang vọng tới. Điều này kéo theo ý thức linh hoạt trong cách tiếp cận văn học: “ý hướng tiếp cận ngoại quan” bổ sung “những cách tiếp cận nội quan” (tr.7) như tác giả đặt ra. Kết quả ban đầu của việc làm “nội công ngoại kích” từ thao tác lẫn phương pháp này là sự chầm chậm thú vị, độc đáo có tính phát hiện trong một số vấn đề không chỉ của văn chương: di sản hậu thực dân, diễn ngôn chủ nghĩa dân tộc, lối viết tiểu thuyết/truyện ngắn, đạo đức và quyền lực, môi trường và nhân tính, nữ quyền..., gắn liền với những hiện tượng có tần số hiển thị cao trên văn đàn: tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương; truyện ngắn Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Ngọc Tư;  thơ Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều... Giữa cuộc đọc văn chương có khi là cái cớ để suy niệm các vấn đề khác nhau, ta thấy tác giả yêu thích sự giãi bày suy tư, đối thoại nhiều hơn là kết luận, khẳng định và nếu một trong những thúc bách của phê bình là phải điển phạm hóa giá trị văn chương thì ở cuốn sách này, cùng với điều đó, tác giả cũng không quên chêm xen những dự báo khí hậu văn chương và thời đại, những mong muốn chân thành về vai trò cần thiết của nhà văn trong tư cách nhà trí thức - nghệ sĩ. Văn bản phê bình, nhờ thế, vượt qua nhiều lằn ranh định kiến của xã hội học dung tục để được “đối mặt” với vài hiện tượng đang là cấm kị hoặc bị lãng quên.

            2. Đọc cuốn sách này, tôi nhận thấy tác giả là người nhanh nhạy với các lí thuyết (văn học) mới, nếu không muốn nói là tương đối thời thượng trong nghiên cứu văn chương ở nước ta hiện nay: thi pháp học, tự sự học, lí thuyết chấn thương... Một trong những lí thuyết ấy là hậu thực dân (Postcolonialism) với mật độ thường xuyên tái lặp các từ khóa của nó trong nhiều tiểu luận. Trên thực tế,  hẳn là vẫn còn nhiều người e ngại khi nhắc đến hậu thực dân và coi Việt Nam là quốc gia hậu thuộc địa. Bởi đã có quá trình giải phóng dân tộc và cùng với đó, là quá trình xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ trên mọi lĩnh vực và đang thể hiện là một đất nước năng động, tự tin và có vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, nên Việt Nam, trong nhiều tham chiếu giản đơn, chỉ có quá khứ là thuộc địa, mọi dư chấn của nó không nằm trong những di sản mang theo. Tuy nhiên, chính vì quá khứ thuộc địa ấy mà Việt Nam lại trở thành một đối tượng của nghiên cứu hậu thuộc địa với nghĩa lành mạnh là đề cử một phương pháp tiếp cận và hiểu sâu hơn quá khứ dân tộc, tìm thấy những khả thể đánh giá mới mẻ hơn trong việc đón nhận thực tế văn hóa văn chương kể từ sau quá trình giải thực dân hóa, nhận ra những chuyển dịch ý thức dân tộc khi quốc gia hội nhập quốc tế... Không phải ngẫu nhiên mà, trước sự trỗi dậy của văn hóa văn chương ở các quốc gia thuộc địa, đã có nhiều trí thức lớn (nhất là các trí thức xuất thân từ các quốc gia cựu thuộc địa như E. Said của Palestine, H.K. Bhabha và G.C Spivak của Ấn Độ, Trịnh Thị Minh Hà của Việt Nam...) cùng tham gia tạo dựng lí thuyết hậu thuộc địa, góp phần giải quyết nhiều khúc mắc trong nghiên cứu khoa học xã hội. Gần đây, văn học dịch ở Việt Nam cũng đã giới thiệu và tạo nên lượng công chúng nhất định đối với các nhà văn đến từ văn học hậu thuộc địa: Achinua Achebe (Quê hương tan rã), Michael Ondaatje (Bệnh nhân người Anh), V.S Naipaul (Khúc quanh của dòng sông), Kiran Desai (Di sản của mất mát), Salman Rushdie (Haroun và biển truyện), và nhất là Marguerite Duras hay J.M.Coetzee... Đặt trong chiều hướng đó, những dẫn nhập lí thuyết hậu thực dân/thuộc địa của Đoàn Ánh Dương, tuy chưa phải đầu tiên và thuộc dạng kĩ lưỡng, nhưng là động thái cần khuyến khích bởi mục tiêu rất chính đáng: “ngoài ý nghĩa về mặt Việt học, rộng ra là Đông phương học,[...], còn có triển vọng thiết thực đối với các vấn đề của hiện tại Việt Nam hậu thuộc đang đối diện thường xuyên với hậu hiện đại và toàn cầu hóa” (tr.36). Chính tác giả, sau khi chỉ ra sự cần thiết đặt vấn đề hậu thực dân trong văn học, đã rất nỗ lực khi áp dụng nó để phân tích nhiều trường hợp cụ thể, mà xuất sắc và thuyết phục hơn cả, theo tôi, là tiểu luận Tự sự hậu thực dân: lịch sử và huyền thoại trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Ở tiểu luận này, khả năng thực tiễn hóa từ lí thuyết đến thực hành đã có nhiều điểm chắc chắn, tinh tế và mang lại cho văn bản phê bình những phát hiện có độ hấp dẫn, an toàn cao.

            Bởi được kích thích từ bài viết của tác giả, tôi muốn dừng lại chốc lát để nói lên một vài thiển ý của mình. Trong tri nhận hạn hẹp của tôi về hậu thực dân, tôi chú ý đến một trong những giả thuyết nền của lí thuyết này là quá trình thực dân hóa văn hóa (cultural colonization) đối với các quốc gia thuộc địa. Theo đó, kẻ thực dân không chỉ chinh phục, cai trị về mặt lãnh thổ (những tiếp xúc có tính chất cơ học) mà còn thế chỗ những thói quen và đức tín của người dân bản địa về văn hóa khởi nguyên xứ sở bằng những giá trị, thiết chế, luật lệ hay đức tín của kẻ chinh phục. Hệ quả là nó đã làm mất hoặc biến đổi rất nhiều nền văn hóa tiền-thuộc địa ở các quốc gia đó. Có thể nói thực dân hóa văn hóa là một ám ảnh thực sự đối với các nước thuộc địa ngay cả khi họ đã được giải phóng, thực thi quyền độc lập, tự chủ. Một khi không giải thoát nỗi ám ảnh này thì toàn bộ những di sản mang theo dễ bị cho là bắt chước (mimicry) hoặc rơi vào tình thế bị ngoại biên (margin), nhược tiểu (subaltern) hóa, hoặc bi đát hơn, bị rơi vào sự biện hộ (spoke for) cho điều gì đó, thường là cái khác lạ lẫm (exotic other). Chính từ đây mà tiếng nói của trí thức hậu thuộc địa mới trở nên quan trọng và có uy thế thực sự trong việc điều chỉnh cái nhìn của thế giới về chính mình. Điều này giải thích vì sao, trong thập niên 1980-1990, nghiên cứu văn hóa Việt Nam lại dành nhiều công sức để khẳng định và cụ thể hóa bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa như một nỗ lực tự vệ, chống lại thực dân hóa văn hóa, và như nhu cầu chứng thực giá trị, một ý thức khẳng định trước thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong cuốn sách của mình, khi đề cập đến “văn học đổi mới như là di sản hậu thuộc”, tác giả cũng đã nhắc đến bối cảnh toàn cầu hóa như một tác nhân quan trọng làm thay đổi các đường hướng diễn giải các hiện tượng văn học. Tuy nhiên, theo tôi, cũng nên coi qui luật bên trong/nội tại của văn học đổi mới là một tác nhân quan trọng khác, thậm chí là chủ yếu, để có thể có diễn giải hợp lí và đích đáng hơn. Và cũng theo tôi, trong thời điểm hiện tại, những sáng tác tạo nên văn học hậu thực dân Việt Nam có lẽ phong phú và chứng thực hơn ở trong tác phẩm của những nhà văn di dân đa ngôn ngữ: Linda Lê, Lê Thị Thấm Vân, Thuận, Trịnh Thị Minh Hà, Monique Trương... Ở lĩnh vực âm nhạc hay hội họa, những nghiên cứu của Jason Gibbs (Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc Việt Nam), những thảo luận bàn tròn mĩ thuật liên mạng cũng đã góp phần tạo nên phổ nghiên cứu hậu thực dân tại Việt Nam.

            3. Ở nhiều diễn đàn, những người cùng thế hệ với Đoàn Ánh Dương vẫn được coi là nhà phê bình trẻ dù đôi lần, họ đã phải nhã nhặn dẫn tuổi tác để từ chối cách gọi đó. Kể từ Phê bình văn học của tôi của Nguyễn Thanh Sơn (2003), người ta vẫn âm thầm chờ đợi những sản phẩm phê bình có thể gây dư luận như thế. Tôi không thấy việc tái xuất phong cách phê bình văn học của ai đó là đáng chờ đợi. Nhưng tôi hiểu, đã đến lúc cần có một kiểu phê bình khác của thế hệ mới, dù bất luận có những vấp váp thế nào, vẫn rất nên rộng mở đón nhận vì đó là cách thiết thực để đồng hành với đời sống văn học hôm nay. Riêng điều này, tôi còn nhận thấy trong cuốn sách của Đoàn Ánh Dương sự tự nhận trách nhiệm phải viết, phải lên tiếng hết sức rõ ràng. Công việc văn chương rất cần bắt đầu từ  trách nhiệm như thế.

 

Theo Mai Anh Tuấn - Văn nghệ Trẻ. phiên bản điện tử Phongdiep.net

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng