Văn nghệ trong nước
Phim 'Những người viết huyền thoại': Bái phục phim chiến tranh
14:23 | 03/12/2013

Hôm qua (2/12) tại BHD Cinema 3/2 (TP.HCM) phim Những người viết huyền thoại (KB: Nguyễn Anh Dũng, ĐD: Bùi Tuấn Dũng) đã có hai suất chiếu mà mục đích chính là tìm đường ra rạp. Đây vốn là hoạt động bình thường của các phim tư nhân, nhưng lại là một “động tác ít gặp” của phim nhà nước. Xem xong bộ phim chiến tranh này người viết nhận thấy chỉ có thể dùng cụm từ “bái phục” để diễn đạt.

Phim 'Những người viết huyền thoại': Bái phục phim chiến tranh
Cảnh trong Những người viết huyền thoại. Ảnh do đoàn phim cung cấp

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì đây là phim lần đầu tiên sử dụng công nghệ DCP (digital cinema package) của điện ảnh nhà nước, nên tiến độ sản xuất hơi chậm. Đây là phát biểu rất “thật thà” và gây xúc động với những ai có thông tin về nghề phim, vì công nghệ DCP vốn đã được sử dụng phổ biến, thế mà điện ảnh nhà nước lại có thay đổi khá chậm.

Kỷ lục “giá bèo”

Trạng thái “khủng” ở đây không được dùng theo nghĩa nhiều tiền, dù 8 đến 10 tỷ đồng là con số không dễ gì kiếm được với các dự án phim xin tiền nhà nước. Bùi Tuấn Dũng cho biết thời gian quay mấy tháng tiêu tốn hết 8,6 tỷ, thời gian hậu kỳ khoảng một năm hết thêm 2,5 tỷ nữa - một mức đầu tư thuộc diện cao nếu so với mặt bằng chung của phim Việt chiếu rạp, nhưng quá thấp so với phim chiến tranh. 

Sự bái phục đầu tiên chính ở khía cạnh này, bởi thẳng thắn mà nói, nếu các hãng phim tư nhân muốn làm một phim như thế này thì 60 - 70 tỷ đồng chưa chắc làm được. Bom đạn, cháy nổ hơn nửa thời lượng của phim (100 phút), với máy bay, khí tài, xe cộ, quân lính đông đúc… thật khó để mà thuê mướn đơn thuần. Trên thế giới hiện nay, nói tới phim chiến tranh là phải nhiều triệu USD, chứ làm với 500 ngàn USD như Bùi Tuấn Dũng thì phải xếp vào kỷ lục “giá bèo”.

Chính kinh phí thấp làm người xem có lòng bao dung bỏ qua tất thảy những sai sót (ví dụ lính “Lôi hổ” của quân đội chế độ Sài Gòn cũ không liên quan gì đến sư đoàn Nhảy dù, nhưng phim này lại gộp thành một) để ngưỡng mộ đoàn phim trong công cuộc vượt lên chính mình. Những yếu kém như: một cây cầu bé nhỏ mà bom Mỹ đánh hoài không sập sẽ thành đáng thương hơn đáng chê trách, bởi đánh sập thì dễ, nhưng kinh phí đâu để mà làm bối cảnh và kỹ xảo cho thật đạt.

Đây cũng là một trong rất ít phim chiến tranh (do nhà nước đầu tư) có cái nhìn đa diện và tiểu tự sự về cuộc chiến. Bùi Tuấn Dũng và ê-kíp không dừng lại ở khía cạnh khuyếch trương lý tưởng chiến tranh, hay đường ống dẫn dầu vào mặt trận phía Nam, mà tập trung vẽ nên những mất mát không thể bù đắp của người lính bình dị. Chiến tranh trong phim Bùi Tuấn Dũng không có khái niệm “sự toàn thắng”, mà là kết thúc mở, nơi vị tướng cầm quân biết rằng gian lao còn trường kỳ.

Đường ra rạp mùa này không đẹp

Suất chiếu tối qua dành cho các nhà phát hành - sau suất chiếu dành cho báo chí vào buổi sáng - có thể nói là một quyết định sai lầm. Bởi tư duy của báo giới và nhà phát hành vốn khác nhau, nếu phía phát hành muốn chọn một thời điểm khác để ra rạp, thì lúc ấy báo chí đã bị “ọc-rơ”, vì tin bài họ đã công bố.

Để thu xếp được một ngày chiếu như thế này, nguyên tắc là không khó với các hãng phim nhà nước, nhưng vấn đề nằm ở chỗ khác. Bùi Tuấn Dũng từng thẳng thắn: “Nhà sản xuất chính là Hãng Phim truyện Việt Nam, nơi tôi làm việc. Thực ra, theo thông lệ từ xưa, sau khi sản xuất xong, hãng thường tổ chức buổi chiếu mời các đơn vị phát hành xem sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tôi chưa thấy hãng có ý định tổ chức chiếu”. Chính vì vậy, thay vì cất vào kho để nhận về lời xì xào của giới làm nghề và một bộ phận báo giới, với việc chiếu hai suất như vậy đã là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Có thể Những người viết huyền thoại chưa phải là phim hấp dẫn - trong tương quan với nhiều phim chiến tranh do các nền điện ảnh khổng lồ sản xuất - nhưng làm được chất lượng như thế này, chỉ có thể nói: bái phục.

Theo VĂN BẢY - Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng