Những ảnh màu đầu tiên chụp về Hà Nội giai đoạn 1914 - 1917, bảo quản tại Kho Lưu trữ toàn cầu, thuộc Bảo tàng Albert Kahn (Pháp), đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
Đường vào đền thờ Linh Lang |
Triển lãm Hà Nội hình màu, 1914 - 1917 tái hiện Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX bằng kỹ thuật kính ảnh màu ghi lại dấu ấn đời sống của người Hà Nội và vùng lân cận những năm 1914 - 1917. Ông Emmanuel Cerise - Giám đốc Phát triển đô thị vùng Il de France - đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm, cho biết, 60 bức ảnh trưng bày tại triển lãm được chọn lọc từ sưu tập gốc gồm gần 2.000 phiên bản hình màu do Léon Busy chụp, ghi lại đời sống vật chất và tinh thần của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Đây chính là những ảnh màu đầu tiên chụp về Hà Nội, hiện đang được bảo quản tại Kho Lưu trữ toàn cầu, thuộc Bảo tàng Albert Kahn. Toàn bộ tác phẩm trưng bày được giới thiệu theo dạng kính ảnh màu đã được số hóa, xuất phát từ ý tưởng của nhà sử học Emmanuel Poisson thuộc Trường Đại học Paris Diderot và nhà dân tộc học Đinh Trọng Hiếu, cựu cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Các bức ảnh hiện trên mặt kính, cộng hưởng bởi ánh sáng đặt trong hộp gỗ phía sau.
Phố Hàng Thiếc 1915 |
Quy trình kỹ thuật chụp ảnh màu là phát minh của anh em nhà Lumière từ năm 1903, được Léon Busy áp dụng. Đó là kỹ thuật chụp dựa trên việc tổng hợp ba màu cơ bản. Trên một nền kính, người ta dàn đều hỗn hợp tinh bột khoai tây nhuộm 3 màu cam, lục và tím, khe hở giữa các hạt tinh bột lại được phủ kín bằng các chất liệu nhạy với tất cả các màu. Quá trình phơi sáng để tạo ra hình ảnh dương bản trên tấm kính có thể dao động từ vài giây tới nhiều phút. Và đặc biệt, các chủ thể được chụp đều phải ở dạng tĩnh.
Hồ Hoàn Kiếm 1915 |
Ấn tượng qua các tác phẩm ảnh là không gian Hà Nội 100 năm trước: những phố cổ của Hà Nội xưa với nghệ nhân vẽ tranh trên phố Hàng Trống, cửa hàng bán đồ chơi Trung thu bằng giấy ở phố Hàng Gai… Tất nhiên đã có những nhiếp ảnh gia để lại nhiều bức ảnh giá trị về Hà Nội thời điểm xa xưa đó, song những “phiên bản kính tự nhiễm sắc” (autochromes) này là những bức ảnh màu đầu tiên, thể hiện tính chính xác và trình độ mỹ thuật cao. Nhờ thế, công chúng ngày nay có thể biết rõ ràng áo quần thời ấy màu sắc ra sao, rồi những cảnh sinh hoạt, lao động đời thường với những ngành nghề nổi bật của phố phường Hà Nội xưa. Léon Busy cũng thể hiện góc nhìn của mình trước cách phân loại xã hội thời bấy giờ qua trang phục của con người. Ông Emmanuel Cerise nhận xét: “Phiên bản của Léon Busy được chọn vị trí cẩn thận, khung rất đúng cỡ, tìm tư thế cho nhân vật, dùng ánh sáng thật khéo léo, cho nên ảnh của ông gần giống một tác phẩm nghệ thuật”.
Phố Hàng Gai Hà Nội 1915 |
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Léon Busy đã chụp ảnh với góc nhìn khá tinh tế và chuẩn mực về một Bắc bộ khác đến vô cùng so với cuộc sống đương đại. Từ cảnh vật quanh hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên, phố cổ cho tới những vùng quê thuộc châu thổ sông Hồng đều rất chân thực, có sự mở rộng tuyệt đối về không gian và nét sinh hoạt đặc thù, thể hiện ở 2 chủ đề chính: Cuộc sống hàng ngày - các nghề và xã hội và Môi trường và những đức tin. Đây còn là mối quan hệ gắn bó giữa con người và môi trường thiên nhiên được biểu hiện thông qua đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, một số hình ảnh cho thấy nhiều khía cạnh tín ngưỡng của người Hà Nội xưa với quan niệm về Đạo Tam phủ (qua tác phẩm Ban thờ Đức Thánh Mẫu trong đền, Bà cốt đạo thờ Tam Phủ…); hay thờ cúng các linh vật như mãnh hổ, thể hiện qua tác phẩm Ban thờ Hắc Hổ (chùa Hàm Long, Hà Nội). Một số hình ảnh khác thì thể hiện quan điểm chủ đạo của Phật giáo, như: Chú tiểu ngồi đọc kinh trong chùa Viên Minh, Một ni sư và hai chú tiểu… Léon Busy đã khai thác một cách chi tiết khía cạnh này thông qua những hình ảnh về sự thờ kính, về kiến trúc và con người. “Tài năng nhiếp ảnh của ông đã tái hiện sinh động quá khứ của người Việt Nam, mà cụ thể là của người Hà Nội xưa, đưa người xem vào một hành trình lịch sử mang đậm tính văn hóa” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Một góc chợ Định Công dưới vòm cây |
Nhiều cảnh vật mà Léon Busy ghi lại giờ không còn nữa, bởi thiên tai, thời gian hay chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác. Ví như: Lăng mộ Hoàng Cao Khải (hiện chỉ còn là phế tích); Một góc chợ Định Công dưới vòm cây (nay đã trở thành khu đô thị)... Vì thế, như Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, Gs Phan Huy Lê nói, “đây là những tư liệu rất quý, không chỉ để chúng ta chiêm ngưỡng hoặc tham chiếu khi phục hồi những không gian cổ, mà còn cho thấy sự tiếp nối về sắc thái văn hóa Việt Nam sau một thế kỷ đầy xáo trộn”.
Theo Hồng Hà - ĐBND