Văn nghệ trong nước
Vũ Bằng - báo chí là nghề, văn chương là tâm hồn và ý chí
10:20 | 23/12/2013

Đây là nhận định của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tại kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn, nhà báo Vũ Bằng. Trong suốt cuộc đời, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Nghệ thuật làm báo cũng như viết văn.

Vũ Bằng - báo chí là nghề, văn chương là tâm hồn và ý chí

Vũ Bằng (1913 - 1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Vũ Bằng say mê viết báo, viết văn từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh trung học. Từ năm 1930 - 1954, Vũ Bằng làm chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc chủ nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội… Từ năm 1954, ông hoạt động ở Sài Gòn cho đến ngày thống nhất đất nước dưới vỏ bọc viết văn, làm báo. Khoảng thời gian này, Vũ Bằng và gia đình chịu tiếng là nhà văn quay lưng với kháng chiến, di cư vào Nam theo giặc! Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm xuất hiện những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Thương nhớ mười hai (1961), Miếng ngon Hà Nội (1971), Bốn mươi năm nói láo (1969)...

Vũ Bằng bắt đầu sự nghiệp bằng nghề viết báo. Năm 17 tuổi (1931), ông đã xuất bản tác phẩm đầu tay Lọ văn. Trong suốt thập niên 1930 - 1940, ông là chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ bảy, thư ký tòa soạn tờ Trung Bắc chủ nhật và cộng tác với nhiều tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn. Theo nhà văn Nguyễn Quốc Trung, chất báo chí sâu đậm trong tác phẩm văn học Vũ Bằng. Đó là việc ông nắm bắt sự thay đổi của thời cuộc, chất liệu diễn ra trong đời sống hàng ngày. Hai tác phẩm Món ngon Hà Nội và Miếng lạ miền Nam xuất hiện ngay lập tức đã tạo tiếng vang. Miếng ngon Hà Nội là cái ăn, thú ẩm thực được ngắm nhìn trên cấp độ văn hóa. Món lạ miền Nam khai thác tới tận cùng cái lạ của các món ăn của một vùng đất phong phú, là hợp lưu của món ăn từ các nơi tụ về, có cả món ăn của những cư dân thời khai khẩn ruộng đất Nam bộ sáng tạo nên. Đó phải chăng do vốn sống, chất du ký sẵn có trong tác phẩm Vũ Bằng? Với tập hồi ký Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng hóm hỉnh, biết nhại lại cái nghề của mình, cho dù ít ai yêu nghề báo như Vũ Bằng. Trong một phương diện nào đó, cuốn sách đã cung cấp cho đọc giả nhiều tư liệu quý, những chân dung người viết đương thời.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét: Vũ Bằng là một nhà báo có bản lĩnh, một nhà báo có tâm, có tài, đầy nhiệt huyết. Ông đã đóng góp những tác phẩm báo chí đậm chất hiện thực, đặc biệt ông đã “biết cách lợi dụng nó như là công cụ để tranh đấu cho lợi quyền của dân tộc”. Cuộc đời 40 năm làm báo của Vũ Bằng với nhiều thăng trầm và sự đóng góp của ông không gì có thể cân đo đong đếm.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu và hoàn thiện chân dung, sự nghiệp Vũ Bằng, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá: với Vũ Bằng, báo chí là nghề, còn văn chương là tâm hồn và ý chí. Điều đó thể hiện qua những trang viết rất mực trong sáng của ông. Tác phẩm Thương nhớ mười hai ngay từ khi ra đời đã được chào đón ở Sài Gòn, nhất là với những người gốc Bắc. Bằng câu chữ chọn lọc, chi tiết đắt, khai thác tối đa văn hóa, cảnh sắc theo mùa rất riêng ở miền Bắc, Vũ Bằng đã khơi dậy nỗi nhớ và tìm được sự cộng hưởng của họ. Ký ức người đọc trỗi dậy, thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn, với những phong tục của làng phố đồng bằng Bắc bộ. “Giữa thời đất nước bị thực dân và họa đế quốc xâm lăng, Vũ Bằng ít nhiều vẫn giữ cho mình một cốt cách của kẻ sỹ như thế quả là hiếm. Chỉ riêng việc ông và gia đình nhận làm địa chỉ chuyển thư từ bí mật giữa hai miền trong thời điểm ngặt nghèo của đất nước cắt chia, cũng là điều khiến chúng ta xúc động, cảm phục. Ở một cấp độ nào đó, Vũ Bằng đã góp phần chứng minh rằng, người trí thức chân chính bao giờ cũng đứng về phía nhân dân, với đất nước. Chính điều đó làm chúng ta trân trọng những tác phẩm văn học của nhà văn hơn” - nhà văn Nguyễn Quốc Trung nói.

Vũ Bằng lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến cho cách mạng, vì nghệ thuật. Ông là nhà văn, chiến sỹ cách mạng sống có lý tưởng, nhân cách; dâng hiến toàn bộ tài năng cho Tổ quốc. Cuộc đời của Vũ Bằng có nhiều thăng trầm, sau một thời gian bị những đám mây che phủ, năm 2010 ông được hoàn nguyên và được thừa nhận là một nhà văn xuất sắc trên văn đàn Việt Nam. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Gs Phong Lê cho rằng, những người viết theo binh nghiệp rồi có hàm tướng, đại tá trong giới văn chương có rất nhiều, trong đó không ít người xứng đáng được phong Anh hùng; nhưng về hoạt động tình báo thì giới văn chương có rất ít, nếu không nói là chưa có, trừ trường hợp của Vũ Bằng. 30 năm ở miền Nam, Vũ Bằng liên tục viết và viết được khá nhiều, điển hình là Thương nhớ mười hai, Bốn mươi năm nói láo, không chỉ là sự tiếp nối tuyệt vời những trang viết về Hà Nội mà còn là minh chứng cho các hoạt động không ngừng nghỉ của ông. Một chân dung đầy đặn và đa diện, với một ít góc khuất cần có thêm thời gian làm sáng tỏ, sau 100 năm sinh ở thời điểm hôm nay - đó là Vũ Bằng.

Theo Hương Sen - ĐBND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng